Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TIÊN HỌC LỄ, EH?

(NCTG) “Vì “tiên học lễ”, thay vì biết thưởng thức, người Việt xem chừng được khuyến khích trọng vọng mũ mão, nhãn hiệu, giấy tờ bằng biếu... toàn những thứ leng keng lẻng kẻng vốn tự chúng chẳng có thực chất gì”.
Cần hiểu “tiên học lễ” như thế nào? - Minh họa: Internet
Gần 10 năm rồi mình không có dịp về thăm quê, đành đọc chuyện trên “Phây”. Thấy nhiều người chê văn hóa xuống cấp trầm trọng, chẳng hạn những từ lịch sự như “cảm ơn”, “xin lỗi”... ngày nay ít được dùng. Mình chợt nhớ đến cảnh một phim từng xem. Tay tướng Đức quốc xã luôn lịch sự cảm ơn, xin lỗi chị giúp việc nhưng vẫn hạ lệnh bắn giết rất dã man. Cái vỏ “văn hóa” đâu có gì quan trọng nhỉ? Mình luôn rón rén chê cười sự “trọng lễ” của người Việt.

Đang ở thủ đô xứ cao bồi, mình xin kể hai câu chuyện cùng thể hiện một cái tinh thần rất đặc biệt, nền tảng của dân chủ Mỹ, hoàn toàn khác người Việt “tiên học lễ”. Đây là câu chuyện nhà khoa học và bà thợ may.

Năm 1945, Đức đang thua rút khắp Châu Âu. Mỹ và Liên Xô tranh giành tiến chiếm các cơ sở nghiên cứu và bắt các nhà khoa học Đức. Mỹ muốn có những nhà khoa học đi cùng quân tiên phong. Một ông đắc chí về khoe với bạn bè là ông được phong làm trung tá hay đại tá gì đấy, gặp mặt là binh sĩ chào rầm rập. Một ông bạn khác cười: “Ờ, mày gặp thiếu tướng, đại tướng thì cũng phải đứng nghiêm chào rầm rập thôi”. Nhà khoa học ngẩn người, sau nhất định đòi nhận công tác chỉ như một công dân. Bộ Quốc phòng Mỹ lúc đầu không chịu vì trận mạc không phải chỗ thường dân có thể xông xáo nhưng sau đành phải nhượng bộ để được những nhà khoa học này giúp sức.

Hoàn toàn khác với tinh thần tự hào “dưới một người, trên muôn người” hay tệ hơn là thái độ nịnh trên đạp dưới, dân cao bồi không coi trọng sự cung kính của người khác bằng cái quyền tự do không bị bắt buộc phải cúi chào ai. Thật sự tôn trọng giá trị nhân phẩm của chính mình và của người khác, dân cao bồi (đa số) không xun xoe thần phục, không khoe khoang học vị, chức tước, không hoạnh hẹo với người khác, không ngớ ngẩn mất trí hỏi “có biết tao là ai không”... Nền tảng của dân chủ Mỹ là bản sắc cao bồi bình dân “vô lễ” chứ đâu có phải kiến thức về chủ thuyết, lịch sử gì.

Cũng cùng tinh thần này mà bà thợ may Rosa Parks thà ngồi tù thay vì chấp nhận phải ngồi ghế sau trên xe buýt. Bà Parks đã đi vào lịch sử, đã đưa đến phong trào tranh đấu dẫn đầu bởi Martin Luther King bằng sự thể hiện lặng lẽ nhưng quyết liệt lòng tự trọng nhân phẩm bình đẳng của mình và của mọi người. Xem chừng dùi mài kinh sử chính trị không phải là điều kiện cần hay đủ để có được phong độ của người dân chủ.

Vì “tiên học lễ”, thay vì biết thưởng thức (một khả năng đòi hỏi sự trưởng thành, cảm xúc và đầu óc) người Việt xem chừng được khuyến khích trọng vọng mũ mão, nhãn hiệu, giấy tờ bằng biếu... toàn những thứ leng keng lẻng kẻng vốn tự chúng chẳng có thực chất gì.

Mình thích và ủng hộ các bạn trẻ “thiếu lễ độ”. Dù có quá trớn ban đầu thì dần dà cũng sẽ điều chỉnh được, tốt hơn hệ thống tư duy “hoàng đế ở truồng” văn minh lễ giáo nhiều. Hé hé hé.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ