Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THƯ GỬI ÔNG CHÁNH ÁN TUY HÒA

(NCTG) “Từ đây ông sẽ không khi nào nhìn vào mắt một người đồng nghiệp, vào mắt một người đàn bà, vào mắt một đứa trẻ con, mà không thấy bản án hôm nay hiển hiện lên từng chi tiết một”.

Gia đình bị hại trong phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: nld.com.vn


Kính gửi ông Lương Quang, Chánh án Tòa án Nhân dân TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên

Thưa ông, đọc giãi bày của ông trên báo chí, tôi mong muốn được trao đổi thêm cùng ông.

Đầu tiên, ông nhấn mạnh nhiều lần vụ án này các ông phải chịu rất nhiều áp lực. Điều này tôi rất hiểu, mặc dù với đông đảo bạn đọc, có thể khó giải thích.

Ở một địa phương nhỏ như Tuy Hòa, những người công tác trong ngành nội chính rất quen thuộc với nhau, công an, kiểm sát, tòa án... ngoài công việc hàng ngày thường xuyên liên hệ với nhau đã đành, họ còn là bạn bè, vợ chồng, họ hàng, con cái, thông gia, hàng xóm, v.v... lớn lên cùng nhau, học cùng nhau, nhiều gia đình coi nhau như ruột thịt. Mối quan hệ gần gũi và khắng khít này ở các thành phố lớn ít khi có được do địa bàn quá rộng và cán bộ có thể được luân chuyển.

Tôi cũng học Luật, bạn bè của tôi từng gặp những trường hợp khó xử: thẩm phán, hội thẩm, đại diện Viện Kiểm sát, luật sư, bị cáo, nhà báo đưa tin tại tòa... đều là bạn học ở Đại học Luật. Một người bạn xét xử một người bạn, người bạn khác bào chữa và người bạn khác nữa phải đưa tin về vụ án đó cho công chúng... Chúng tôi đều gặp áp lực. Có thể sau phiên tòa, người ngồi xét xử sẽ ra động viên vợ kẻ bị xử. Người luận tội sẽ tìm cách góp ít tiền giúp đỡ gia đình bị cáo là bạn mình. Chúng ta đều là con người mà. Xem phim về một hoàn cảnh đau thương chúng ta còn nhỏ nước mắt thì đối diện với bạn mình trong tình huống éo le đó, làm sao chúng ta vô vi như đá được. Nhưng trách nhiệm buộc các vị phải quên bản thân, phải vô vi để hoàn thành công vụ, phải vô vi để công bằng với những người được pháp luật đặt vào tay các vị.

Ngoài ra, còn những lý do nào khác nữa khiến ông “chọn giải pháp để giải quyết cho an toàn” và thừa nhận “trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt”? Chắc nó chỉ có thể là an toàn cho cá nhân ông, cho các mối quan hệ “nhạy cảm và phức tạp” mà ông gián tiếp thừa nhận. À, dĩ nhiên và trước tiên là cho các bị cáo nữa chứ, vì mức án cho một vụ đánh chết người mà chỉ từ án treo đến cao nhất là 5 năm tù. Cho cả nạn nhân và cái gia đình anh ta bỏ lại một cách tức tưởi đó, với hai đứa bé sẽ được đền bù số tiền hơn 500.000 đ hàng tháng cho cái sự mất cha đó nữa chứ! Dưới ba tấc đất, quả thực anh ta đã hết sức “an toàn”. Đâu còn cái dùi cui nào có thể đập vào đầu anh ta được nữa ông nhỉ! An toàn rồi, an tâm lắm, phải không ông?

Vậy còn câu “lẽ ra nên thế này”, xin ông giải thích “thế này” là thế nào? Là một mức án công minh, tương xứng với hành vi dã man của năm bị cáo, nặng hơn mức án đã tuyên có phải không? Trong ngành luật của chúng ta có thuật ngữ “niềm tin nội tâm” mô tả sự nhạy cảm và tiếng nói sâu xa bên trong, nó hướng người cầm cân nảy mực nảy sao cho thẳng. Phải chăng niềm tin nội tâm của ông đã nói “thế này” nhưng vì để giữ mối quan hệ mà ông đã làm “khác một chút”! Dù ông thừa rõ câu ngạn ngữ “sai một ly đi một dặm” đúng đắn đến mức khắc nghiệt trong ngành luật như thế nào.

Để an toàn cho bản thân, ông đã chọn cách làm khác. Vậy còn những người bị hại, những người dân đã tin tưởng họ đang sống trong một xã hội có pháp luật và được phân xử bằng pháp luật, sau vụ việc điển hình này họ có nghĩ họ còn an toàn không thưa ông?

Thưa ông Chánh án, ông đã từng có mối quan hệ nào vì xử đúng pháp luật mà xấu đi chưa? Với ai? Và xấu cụ thể như thế nào đến mức ông phải không lặp lại? Tôi tin các cơ quan nghiên cứu pháp luật sẽ kịp thời sửa ngay các điều luật cũ nếu họ được chứng minh rằng nó gây hại cho chính những người đang thực hiện luật.


Các cơ quan nội tạng của nạn nhân đều bị tổn thương nặng - Ảnh: nld.com.vn

Ông cũng cho biết trên đầu nạn nhân Lê Thanh Kiều có tới 11 vết thương, trên toàn thân thể có tới 70 vết thương, khiến chính ông phải bật thốt lên, rất người: “nhìn thấy kinh”. Thế nhưng tiếp đó ông lại mập mờ: “Có những cái cần nói rõ nhưng cũng có những cái không nên nói, nói càng phức tạp, rối rắm, gây ra dư luận không tốt”. Thưa ông, tại sao lại có những cái không nên nói, vì trước vành móng ngựa người ta phải nói hết mọi điều, tìm hết mọi cách để bảo vệ bản thân? Chẳng lẽ trong vụ án này có những chi tiết nào đi ngược với lẽ thường, khiến ông phải khổ sở giấu giếm như thế?

Ông lại nói “Công an mất bao nhiêu lực lượng đó là quá đau”. Khi đọc đến đây, một nhà báo bạn tôi đã hỏi: “Vậy còn gia đình nạn nhân, họ có đau không?”. Một người khác thì hỏi: “Nếu ngược lại, năm người dân đánh một công an thì mức án thế nào?”. Chỉ mới cách đây ít lâu, một cô gái tát một công an đã lãnh chín tháng tù. Còn một mạng người bị mất một cách thản nhiên thì lại là “phức tạp và rối rắm quá”, đến mức một chánh án nhân danh nước CHXHCN Việt Nam mà cũng không tuyên xử được. Không, tôi tin tòa án Việt Nam không đến nỗi bất lực như vậy.

Việc ông từ chối khởi tố tại tòa với cấp trên của các bị cáo là ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, lấy lý do luật quy định vậy nhưng trên thực tế không khả thi, tôi xin mượn lời luật sư Phạm Công Út, Giám đốc Công ty luật Phạm Nghiêm (TP. HCM) trả lời ông: “Đó là cách đánh trống lảng. Vì cách phát biểu trên là cái tát vào công lý khi Bộ luật Tố tụng Hình sự đã giao quyền khởi tố vụ án cho Hội đồng Xét xử. Nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Đặng Quang Phương đã nói trong buổi tập huấn một số Nghị quyết dành cho các thẩm phán phía Nam do TANDTC tổ chức tại TP. HCM năm 2006 như thế này: Gạo, củi, lửa đã có, vấn đề còn lại là biết cách thổi cơm không mà thôi”.

Gạo, củi, lửa đã có. Tôi tin vụ án chưa dừng lại ở đây, vì công luận thì sôi sục và cả hai bên đều đã kháng cáo, nhiều khả năng cấp phúc thẩm sẽ vào cuộc.

Cuối cùng, thưa ông Lương Quang, đọc hết các bài ông trả lời phỏng vấn báo chí, tôi thật lòng thương ông. Thương vì cách ông lúng túng, loay hoay, giấu đầu hở đuôi khi đối diện với những câu hỏi từ lương tâm. Thương vì ông thật thà cho hay kết quả xét xử liên quan đến tái bổ nhiệm, nên tốt nhất là làm hết trách nhiệm cho xong, như giũ một đống rơm khỏi rặm bụng. Thương vì ông sẽ bị các đồng nghiệp chê trách vì ông đã phủ nhận công sức của họ, đã gây xấu oan cho họ trước mắt xã hội. Tôi thương ông lắm, vì từ đây ông sẽ không khi nào nhìn vào mắt một người đồng nghiệp, vào mắt một người đàn bà, vào mắt một đứa trẻ con, mà không thấy bản án hôm nay hiển hiện lên từng chi tiết một.

Tác giả bài viết: Hoàng Xuân, từ TP. HCM