Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THẦN TƯỢNG MẠNG XÃ HỘI

(NCTG) “Để tránh thần tượng nhầm người, tránh sa chân vào các cuộc “bóc phốt” vô bổ, có lẽ chẳng còn cách nào khác là chúng ta phải cảnh giác với người và tự cảnh giác với cái tôi yếu đuối dễ dãi, dễ thỏa mãn của chính mình”.
Minh họa: surialink.com
Lâu lâu lại thấy cõi mạng nhốn nháo “bóc phốt” một thần tượng nào đó. Mình vốn chẳng thần tượng ai bao giờ nên rất lấy làm lạ cho tình trạng đó. Lạ vì không hiểu sao người ta dễ tin, dễ yêu, dễ lên đồng vì một người xa lạ như vậy. Rồi lại cũng chính họ ào ào nhào vào các cuộc bóc phốt đầy hả hê, lột truồng thần tượng của họ ra mà xâu xé. “Họ” ở đây không phải đám đông tầm thường đâu mà gồm nhiều trí thức hẳn hoi nhé. Nếu không sống trong thời đại này thì khó ai làm cho mình tin được đám đông dễ bị dắt mũi đến vậy.

Có người cho rằng, hội “bóc phốt” là hội GATO (ghen ăn tức ở). Mình thì không nghĩ thế vì nhiều người trong các hội này đã từng thần tượng đối tượng bị “bóc”. Vậy điều gì khiến cho họ phẫn nộ đến độ quay ngoắt 180 độ với thần tượng của họ vậy? Coi mấy bài “bóc phốt” thấy nhiều người than là vì tin thần tượng mà mất tiền mua cái nọ cái kia giá trên trời. Ấy, vấn đề là ở đó! Câu hỏi đặt ra vẫn là: sao bạn đã dễ dàng tin một người chả quen biết gì như thế? Hồn nhiên tin những thứ vô thưởng vô phạt thì thôi cũng chẳng sao. Nhưng hồn nhiên tin những chuyện đụng đến túi tiền, sức khỏe của bạn mà không mảy may tra cứu tìm hiểu thì lỗi là ở chính bạn đấy chứ!

Hãy cùng thừa nhận với nhau một chuyện này: chúng ta quá dễ lóa mắt vì nhan sắc, sự hào nhoáng, những biểu hiện bề nổi của một con người. Ngày nay chúng ta cũng lại quá dễ dãi gắn cái gọi là “năng lượng tích cực” cho những trào lưu nông nổi trên mạng xã hội. Người ta mải miết đuổi theo các trào lưu thời thượng như thể nếu mình không bắt kịp thì mình bị tụt hậu. Bạn cảm thấy mình thua kém, cảm thấy mình bị loại ra khỏi thế giới gồm những người bạn mơ ước nếu bạn không làm theo lời các KOL, nghĩ theo cách của họ, nói chuyện kiểu giống họ. Thực ra, nếu bạn có một bản ngã vững chãi, bạn sẽ tự biết cái gì hợp với mình để tìm đến nó, ai hợp với mình để kết nối với họ và kể cả chỉ có mỗi một mình một đường, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ cô đơn, chẳng bao giờ vì trống trải mà vớ đại một người để thần tượng.

Để tránh thần tượng nhầm người, tránh sa chân vào các cuộc “bóc phốt” vô bổ, có lẽ chẳng còn cách nào khác là chúng ta phải cảnh giác với người và tự cảnh giác với cái tôi yếu đuối dễ dãi, dễ thỏa mãn của chính mình.

Kinh nghiệm của mình là với những người càng nổi tiếng, mình càng cảnh giác với thông tin họ đưa ra và mình luôn đặt yêu cầu cho chính mình khi tiếp nhận thông tin: phải kiểm tra độ vô tư, khách quan của những thông tin đó. Một suy luận đơn giản sẽ cho mình biết họ có đang nói chuyện vô tư với cộng đồng hay không. Nếu họ đưa thông tin theo kiểu trải nghiệm cá nhân của tôi với thứ này tuyệt lắm, nếu thích thì click link abc... thì đích thực họ đang mời chào bạn mua một món gì, sử dụng một mặt hàng nào đó, một dịch vụ nào đó và lời của họ đã là lời mang tính vụ lợi. Thật ngốc nếu chỉ vì bạn thấy người ta xinh đẹp nuột nà mà lao vào mua như đúng rồi.

Tóm lại, cứ lấy tiêu chí vô tư mà đánh giá, chắc chúng ta sẽ vứt bỏ được rất rất nhiều thứ vô giá trị. Đời sẽ nhẹ, sẽ đẹp vì ta đã biết đời không màu hồng và ai thì cũng đánh rắm, kể cả thần tượng của ta!

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thanh Lưu