TÂY CÓ THỰC SỰ GIỎI HƠN TA?
- Thứ năm - 24/06/2010 17:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin và Du lịch tỉnh Phú Thọ bỏ 17 ngàn USD để được “đào tạo từ xa”, kiểu “học qua mạng, nộp trả bài cũng qua mạng” và không cần phải biết một chữ tiếng Anh nào - Ảnh: “Sài Gòn Tiếp Thị”
Chi tiết có thể xem ở nhiều trang mạng, chẳng hạn ở đây: “Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh!”.
Nhân dịp này, có người tiện thể đưa lên blog của mình lời tuyên bố hùng hồn: “Tây nó cũng chả hơn gì ta”. Ngụ ý là không chỉ ở Việt Nam mới có chuyện mua bằng cấp, mà ở Tây (cụ thể ở đây là Mỹ) cũng vậy.
Đọc những thông tin trên, tôi vừa buồn cười vừa ngạc nhiên.
Buồn cười trước hết vì cái sự lố bịch của vị quan chức tỉnh nọ đã sẵn sàng bỏ ra một số tiền khá lớn là 17.000 USD để mua một tấm bằng tiến sĩ giả. Không rõ ông ta bị lừa hay là biết thừa là nó dởm mà vẫn mua để lòe bịp thiên hạ?
Còn ngạc nhiên là vì từ cách đây 4 năm, tiến sĩ (thật) Mark Ashwill - cựu giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế (Institute of International Education, IIE) - đã ra sức tích cực viết bài đăng trên báo, cảnh báo và trình bày tại các hội thảo trong và ngoài nước, trao đổi kỹ lưỡng với các cán bộ có liên quan đến lĩnh vực hợp tác quốc tế ở Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về “vấn nạn” này. Vậy mà đến bây giờ, việc mua bằng cấp vẫn xảy ra.
Sau đây là một số thông tin liên quan đã đăng từ năm 2006:
- Thư tin của Viện Giáo dục Quốc tế, tháng 4/2006, trang 2.
- “Mua bằng tiến sĩ ở Mỹ trong…5 ngày”
- “Kịch bản nào cho giáo dục đại học Việt Nam”
Toàn cầu hóa có lắm cái hay, nhưng cũng nhiều vấn nạn và đây thực sự là một trong nhiều ung nhọt phát sinh ra từ hiện tượng kinh tế toàn cầu.
Trong thời gian làm tư vấn giáo dục tại Viện Giáo dục Quốc tế, bản thân tôi đã chứng kiến một tình huống khá trớ trêu của một cô sinh viên, người đã liên hệ với tôi để được tư vấn.
Cô đã thi đỗ vào Đại học Ngoại thương TP HCM, học được 2 năm thì chán, bỏ học, và có lẽ là nghe bạn bè hay ai đó giới thiệu, cô đăng ký học một chương trình lấy bằng Kinh doanh của một đại học ở Mỹ có “chi nhánh đại diện đào tạo” ở Việt Nam, hy vọng có được tấm bằng “ngoại” thì sẽ giá trị hơn.
Cô cho tôi biết tổng cộng học phí là gần 20.000 USD, học trong 24 tháng (!), và còn gửi tôi bản scan bảng điểm, bằng cấp, có chữ ký của người được ủy quyền.
Lý do cô sinh viên đó đến gặp tôi là khi cô nộp hồ sơ để xin học MBA ở một trường đại học khác ở Mỹ, ban tuyển sinh trường đó không công nhận bằng đại học của cô, có được thông qua một chương trình đào tạo qua mạng và không hề được Bộ Giáo dục Mỹ thẩm định hay công nhận chất lượng.
Thật là dở khóc dở cười vì thực sự, nếu cô cứ tiếp tục theo học Đại học Ngoại thương TP HCM, bằng của cô hoàn toàn có triển vọng được một chương trình MBA ở Mỹ chấp nhận xem xét.
Đằng này, cô bỏ ra gần 20.000 USD để lấy một tấm bằng dởm, có lẽ chỉ lừa được vài sếp ở Việt Nam, chứ làm sao cho cô có đủ tư cách học cao học ở Mỹ. Tôi không biết khuyên gì cô, ngoài việc chia buồn và nói thật sự tình với cô, không nỡ trách cô đã không chịu tìm hiểu thông tin kỹ trước khi “mua hàng”.
Sau những tình huống tư vấn đó, tiến sĩ Mark Ashwill đã hết sức tích cực tuyên truyền về vấn nạn các trường đại học dởm đào tạo qua mạng, không được thẩm định chất lượng, tìm đến thị trường Việt Nam để kiếm chác dựa trên sự kém hiểu biết và máu chuộng hàng ngoại (mà lại là của Mỹ cơ đấy!) của không ít người.
Trong một cuộc thảo luận dài với ông Lou Lantner, trưởng phòng Quan hệ Công chúng ở Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ tại Việt Nam, chúng tôi đã đưa vấn đề này ra và yêu cầu tòa đại sứ có biện pháp tích cực hợp tác, ngăn chặn những cá nhân hay doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam làm ăn kiểu đó.
Vị quan chức sứ quán Mỹ cho biết, một trong những chức năng chính của ĐSQ Mỹ tại Việt Nam là khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Nếu có vấn đề gì xảy ra giữa doanh nghiệp Mỹ và khách hàng Việt Nam, đó là trách nhiệm của khách hàng, của luật pháp Việt Nam, của đối tác Việt Nam, chứ không phải là trách nhiệm hay thẩm quyền của ĐSQ Mỹ.
Tôi hiểu ý ông ta ngại va chạm, can thiệp vào việc kinh doanh của các cá nhân, tổ chức Mỹ tại Việt Nam, song vẫn cố gắng mạn phép phát biểu rằng: “Đây không chỉ là vấn đề kinh doanh giữa doanh nghiệp Mỹ và khách hàng Việt Nam, nó còn là vấn đề thể diện và sự bảo vệ uy tín cho nền giáo dục Hoa Kỳ.
ĐSQ Mỹ luôn coi hợp tác giáo dục với Việt Nam là một phần quan trọng trong quan hệ ngoại giao, vậy nên khi có những vấn nạn về quan hệ giáo dục song phương như thế này thì quan hệ ngoại giao cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Sau buổi nói chuyện, ông Lou Lantner đồng ý hợp tác với IIE trong việc buộc các trường đại học Mỹ đào tạo từ xa phải thông báo trung thực với khách hàng Việt Nam về tính chất đào tạo và giá trị văn bằng của họ.