Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TẠI SAO LẠI LÀ BOB KERREY?

(NCTG) “Họ đưa một nhân vật chịu nhiều sức ép - chịu sự phản đối của ngay cả những học giả Mỹ - như Bob Kerrey qua để biết lòng dân Việt khác với lãnh đạo Việt như thế nào, họ muốn biết giới trí thức Việt sẽ phản ứng ra sao, họ muốn biết nỗ lực hòa giải của họ sẽ được soi dưới lăng kính nào, và hơn hết, họ muốn từ đó quyết định chiến lược tiếp theo đối với Việt Nam”.
Nỗi ám ảnh của quá khứ chưa buông tha ông già hơn 70 tuổi Bob Kerrey
Những ngày qua, đã có rất nhiều bài viết liên quan đến việc Bob Kerrey - cựu chiến binh thuộc lực lượng Seal của Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và được coi là chỉ huy cuộc thảm sát Thạnh Phong - được bổ nhiệm vào ghế Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam.

Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là hầu như tất cả những người nổi tiếng (tạm hiểu là người có học, và có tầm ảnh hưởng lớn trên báo chí quốc doanh cũng như mạng xã hội) mà tôi biết đều nêu lên ý kiến của mình như chưa bao giờ quan tâm hơn thế. Thậm chí có những cuộc tranh luận dần vượt ra khỏi mục tiêu xác định ban đầu, nhiều người quay sang đấu tố nhau, nhẹ thì mỉa mai châm biếm, nặng thì bắt đầu chửi rủa.

Theo tôi nhận thấy, luồng ý kiến phân chia làm hai phía rõ rệt, ủng hộ và phản đối. Một vài người điềm tĩnh và tỏ vẻ tinh tế hơn bằng cách không đứng về phía nào cụ thể, nhưng thực tế, sau khi đọc bài viết của họ thì cũng hiểu được ẩn ý là gì.

Về phần mình, đầu tiên tôi không thích cách dùng từ “tha thứ” hoặc “không tha thứ” trong trường hợp này. Lý do là bởi việc tha thứ hay không tha thứ cho Bob Kerrey không đồng nghĩa với việc chấp nhận hay không chấp nhận ông ta ngồi vào vị trí đó. Tuy có thể diễn đạt bằng hành động, lời nói, nhưng bản chất của động từ “tha thứ” lại liên quan đến tình cảm. Mà tình cảm con người thì chỉ có bản thân người trong cuộc biết và Ông Trời biết.

Những đóng góp của Bob Kerrey vào những năm tháng sau này dù có đem đến giá trị gì thì cũng không thể bù đắp được mất mát của những nạn nhân trong cuộc thảm sát năm nào, nhưng tôi không đồng tình với cách đào sâu quá khứ để phủ nhận nỗ lực của một con người đang tìm cách quay đầu. Tôi càng không đồng tình với việc một số người đang tìm mọi bằng chứng, mà tôi thấy những bằng chứng đó khá là buồn cười, để quả quyết rằng cái tên Bob Kerrey là không thể chấp nhận được, bộ nước Mỹ hết người rồi sao!?

Mối quan hệ Việt - Mỹ đi qua nhiều cố gắng từ hai phía mới có được thực tế “khá tốt”, chứ chưa phải là “đẹp”, như ngày hôm nay. Phải cần đến nhiều yếu tố để người dân Việt Nam có thể vui vẻ chào đón Tổng thống Mỹ từ hai bên đường như chưa từ có trong lịch sử, đó là thực tế, là lòng dân. Trong đó, Fulbright là quân bài ngoại giao đáng chú ý từ nhiều năm trước và sẽ càng quan trọng trong tương lai.

Cái tên Bob Kerrey là liều thuốc thử mà Mỹ đặt ra cho phía Việt Nam. Đối với Mỹ, tìm một người để làm bất cứ một công việc gì có lẽ cũng không phải chuyện khó, nhưng tại sao lại là Bob Kerrey ngay trong thời điểm này?

Chỉ ngay sau khi Tổng thống Obama về nước, chúng ta lại thấy nội bộ trí thức Việt mâu thuẫn cỡ nào. Nếu chơi đánh cờ, rõ ràng phía Việt đã thua ngay từ những bước đi đầu tiên. Nhân đây mới thấy Mỹ chơi cờ cao tay ra sao, chỉ một cái tên Bob Kerrey đã khiến nội bộ Việt lủng củng thấy rõ. 
Việc này chẳng làm nước Mỹ mất mát thứ gì, đối với họ chẳng qua là chiêu bài ngoại giao, họ chọn nhân vật thống soái chắc chắn có ý đồ/mục đích của họ.

Họ đâu có dở hơi mà đưa một kẻ giết thường dân năm xưa qua cho người Việt phán tội. Họ đưa một nhân vật chịu nhiều sức ép - chịu sự phản đối của ngay cả những học giả Mỹ - như Bob Kerrey qua để biết lòng dân Việt khác với lãnh đạo Việt như thế nào, họ muốn biết giới trí thức Việt sẽ phản ứng ra sao, họ muốn biết nỗ lực hòa giải của họ sẽ được soi dưới lăng kính nào, và hơn hết, họ muốn từ đó quyết định chiến lược tiếp theo đối với Việt Nam.

Chiến tranh luôn mang đến đau thương, lấy chuẩn mực đạo đức của thời bình để quy kết thế giới lửa đạn là điều không thể. Đến đây, tôi xin dùng từ “chọn lựa” thay cho “tha thứ”!

Khi không thể hoặc không biết có nên tha thứ hay không, mà phải đưa ra quyết định thì quyết định đó đương nhiên dựa trên sự chọn lựa. Sự chọn lựa này sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành Fulbright, và rất có thể khiến cho phía Mỹ “suy nghĩ nhiều hơn” về tổng thể quan hệ ngoại giao hai nước.

Dĩ nhiên không thể ngây thơ cho rằng những người nói họ sẵn sàng tha thứ đồng nghĩa với nỗi đau của họ sẽ được vơi đi, không nên nhìn vào những ví dụ của sự tha thứ để áp đặt trường hợp, và cá nhân tôi cũng không hề nghĩ một cách suôn sẻ rằng tha thứ sẽ giúp cho dân tộc mạnh mẽ và phát triển như mong đợi. Nếu có tha thứ, thì tha thứ có lẽ cũng chỉ là một sự chọn lựa bất đắc dĩ trong trường hợp này mà thôi.

Cuối cùng, ngoài thời gian hàn gắn vết thương lòng, hãy để câu chuyện diễn ra tự nhiên như những gì nó bắt đầu. Tương lai sẽ chứng minh sự chọn lựa này là đúng hay sai, thực tế không nên sa đà vào câu chuyện này thêm nữa. 

Tác giả bài viết: Anh Thư, từ Sài Gòn - Ngày 5-6-2016