Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SUY NGHĨ VỀ GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM

(NCTG) “Thiếu những TS chất lượng thì giáo dục ĐH không thể chuyển biến tích cực được. Những TS đào tạo theo chương trình 322 của Bộ chủ yếu được gửi vào những trường ranking thấp, nên chất lượng đào tạo cũng không cao. Xem ra con đường tiến đến ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam còn xa vời lắm!”.

GS. TS Nguyễn Thiện Nhân, người từng được hy vọng là vị cứu tinh của ngành GD Việt Nam

Nhận được lời mời của một người bạn viết bài nhân dịp sinh nhật “Nhịp cầu Thế giới”, một tạp chí của người Việt ở Hungary, tôi thấy khá vinh dự nhưng cũng lúng túng không ít! Biết chọn đề tài nào đây?

Suy đi nghĩ lại, tôi thấy thời gian qua giáo dục Việt Nam nói chung và vai trò của Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD – ĐT) Nguyễn Thiện Nhân nói riêng đã được bàn thảo khá nhiều. Theo chỗ tôi biết, hầu hết những người Việt từng học tập và nghiên cứu khoa học ở Hungary đều rời Việt Nam thông qua Bộ này.

Tôi không có điều kiện tiếp xúc với những thông tin nhạy cảm, cũng không nắm chức vụ quan trọng nào mà chỉ xin nói trên tư cách một học sinh (HS), một phụ huynh HS, một giảng viên đại học (ĐH) mà thôi. Xin trình bày sơ qua về bức tranh ngành GD Việt Nam trong mắt tôi để chúng ta có một cái nhìn toàn cục hơn.
 
*

Do bố mẹ tôi đều là giáo viên nên có thể nói tôi sinh ra và lớn lên trong ngành GD. Ngay từ khi tôi còn nhỏ (những năm 70), tôi đã nghe bài vè về Bộ GD như sau:
 
Vườn ta Nho cỗi, Huyên già (1)
Phất phơ khóm Trúc, la đà cành Lê (2)
Đường xa tắt nẻo đi về (3)
Chim kêu vượn hót não nề lòng ai (4)

Theo cán bộ giáo viên thời ấy thì trong các Bộ trưởng chỉ có bác Tạ Quang Bửu là người dám quyết và có những chính sách xác đáng. Nếu không có bác Bửu, chắc chắn tôi và nhiều bạn khác cùng thế hệ đã không có điều kiện đi học nước ngoài, vì thành phần gia đình không “cơ bản”! Dù chưa một lần gặp bác, nhưng không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều HS-SV thời ấy rất biết ơn bác Bửu! Chỉ tiếc rằng bác ở ngôi quá ngắn!

Đến khi tốt nghiệp ĐH, do một trớ trêu của số phận, tôi lại thành giáo viên và có dịp tiếp xúc trực tiếp với cái Bộ mà theo những người thời bố mẹ tôi là trì trệ và cửa quyền vào bậc nhất trong các cơ quan Bộ của Việt Nam. Tiếc rằng tôi phải hoàn toàn đồng ý với nhận định ấy.

Hơn 30 năm đã qua, kinh tế - xã hội Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, nhưng Bộ GD-ĐT thì vẫn thế. Ví dụ điển hình nhất là cho đến đầu những năm 2000, mọi người muốn đi học ở nước ngoài phải có chứng chỉ tiếng Anh của Bộ, dù đã có chứng chỉ TOEFL hay IELT hay đã được phía nước ngoài chấp nhận. Lý do thì chắc ai cũng có thể hiểu, vì tổ chức những kỳ thi như vậy là nguồn thu lớn cho Bộ!

Mãi sau này, Bộ mới công nhận chứng chỉ TOEFL hay IELT nhưng lại chỉ trong vòng 1 năm (trong khi chứng chỉ này có giá trị 2 năm), trong khi bằng ĐH ngoại ngữ ở Việt Nam thì được chấp nhận để miễn thi ngoại ngữ đến hết đời!!! Nếu bạn học Cao học tại một chương trình liên kết ở trong nước, dù giảng dạy, viết thesis 100% bằng ngoại ngữ, bạn vẫn không được miễn thi ngoại ngữ, tức là bạn bị coi là dốt hơn những Sinh viên ngoại ngữ bằng Trung bình mà ai cũng biết là kém cả nghe, nói, đọc, viết ở mức phổ thông!

Việc ông Nguyễn Thiện Nhân trở thành Bộ trưởng Bộ GD – ĐT đã dấy lên một làn sóng hy vọng trong toàn xã hội vì những thông tin về bằng cấp, những phát biểu rất mạnh dạn kiểu “Change we need” của ông. Tiếc rằng suốt thời gian ông tại vị, không có thay đổi gì nhiều. Chương trình học Phổ thông không có gì đổi mới, Bộ trưởng mới vẫn ủng hộ ê-kíp làm SGK, cách làm SGK của Việt Nam, như chúng ta đọc được trên bất kỳ báo nào! Đã thế, phụ huynh HS còn suốt ngày lên tăng xông vì không biết sang năm, con cái họ sẽ thi cử kiểu gì.

Là một người rất sẵn lòng tiếp xúc với báo chí, nhưng Bộ trưởng Nhân nói quá nhiều, lại hay thay đổi trong cách phát ngôn, trong khi, lẽ ra ông cần ý thức rằng một lời của “Tể tướng kiêm Thượng thư” (từ trong Blog Ôsin) sẽ ảnh hưởng ghê gớm đến sự bình an của 100% gia đình Việt Nam có con đang đi học! Chất lượng đào tạo thì vẫn thế thôi, vì thầy cũ, sách cũ, cách học cũ, làm sao ra cái gì mới được?

Cải cách của ông Nhân, xét cho cùng, chỉ tàn nhẫn hơn, vì HS ngồi nhầm lớp cũng là nạn nhân vô tội của cơ chế GD Việt Nam, trong khi hậu quả thì các em phải gánh chịu! Bộ trưởng đã dấy lên phong trào chống tiêu cực trong giáo dục nhưng tiếc là lại không tạo được điều kiện hay bảo vệ được người chống tiêu cực (trường hợp thày Đỗ Việt Khoa là một minh chứng)

Giáo dục bậc ĐH cũng không sáng sủa gì hơn. Những cải cách của Bộ trưởng Nhân tiếc thay lại hạn chế sáng tạo của cả người dạy và người học. Truyền thống ở Việt Nam là học trước hết vì điểm, vì nếu không thì làm sao ra trường được! Nhưng việc buộc HS-SV 100% thi trắc nghiệm và đề thi chung cho cả nước (nếu là thi ĐH) hoặc cả trường (nếu là thi hết môn) sẽ hạn chế trước hết là sự sáng tạo của người thầy.

Các giáo viên buộc phải dạy theo một khuôn mẫu cứng nhắc do các sếp thông qua để học sinh của mình đạt điểm cao. Không ai dám đưa ra các đề thi sáng tạo, gợi mở khả năng tư duy của SV; không còn những bài giảng cập nhật vì không phù hợp với chương trình thi! HS-SV cũng chẳng còn muốn sáng tạo vì trắc nghiệm chỉ cần học theo 1 khuôn nhất định, không có cách trình bày, phát triển vấn đề... và trong trắc nghiệm luôn có một phần xác suất, may hơn khôn!

Thật ngạc nhiên là ông Nguyễn Thiện Nhân vẫn tự hào là người được đào tạo ở các nền GD tiên tiến - liệu ông có bao giờ thấy ở Havard hay ngay cả CHDC Đức trước kia, hoặc ở một nước tiên tiến nào khác, có nước nào áp dụng thi trắc nghiệm 100% như vậy không? Thực tế đã cho thấy, trình độ tiếng Việt của HS-SV Việt Nam vốn đang ở mức báo động, sau chính sách thi trắc nghiệm này còn thê thảm hơn nhiều. Rất hiếm sinh viên của tôi có thể viết một đoạn văn chừng 1 trang mà không sai chính tả hoặc ngữ pháp, chưa nói đến cách lập luận.

Hơn nữa, Bộ GD – ĐT vẫn tỏ ra rất độc quyền, bảo thủ, không hề để tai nghe đến quá nhiều ý kiến phản đối của các nhà khoa học danh tiếng (như các GS Hoàng Tụy, Hồ Ngọc Đại..) thậm chí còn triệt tiêu mọi phản đối! Trong một chương trình Tiêu điểm về GD ĐH của Việt Nam năm 2006, khi đó ông Nhân đã lên nắm quyền được khoảng nửa năm, một khán giả đã chất vấn Thứ trưởng Trần Văn Nhung vì sao chúng ta không dùng chương trình của nước ngoài như các nước Singapore, Hàn Quốc… đã làm, thì được trả lời là không có bằng chứng nào cho thấy chương trình của Việt Nam là kém hơn!

Vẫn biết, thay đổi hoàn toàn chương trình là vấn đề nhạy cảm, nhưng cải cách chương trình là chuyện cấp thiết mà Bộ Giáo dục – ĐT cho đến giờ vẫn thờ ơ! Theo kế hoạch, Bộ đang xúc tiến chương trình ĐH đẳng cấp quốc tế, nhưng tiến độ quá chậm, lại áp dụng cơ chế quản lý “cũ” nên hiệu quả rất hạn chế. Cho đến nay, các trường chưa được cấp cơ chế để thuê và trả lương xứng đáng cho giảng viên nước ngoài, trừ những chương trình liên kết mà lại chỉ được tài trợ trong 3 năm. Vì vậy, hiệu quả của các chương trình đó khá hạn chế và tốn kém!

Trong GD, con người là yếu tố quyết định nhưng con người ở Việt Nam nói chung và ở trong ngành GD nói riêng, chưa bao giờ được coi trọng. Tôi kịch liệt phản đối chủ trương “trọng dụng người tài” vì ai là người tài? Và nếu có thì những người không tài sẽ bị bỏ rơi sao? Như GS Hồ Ngọc Đại đã nói khi được phỏng vấn nhân sự kiện Ngô Bảo Châu: theo ông ai cũng là người tài, mỗi người sẽ tài về một lĩnh vực.

Vì vậy, một nền giáo dục đúng đắn phải biết giúp mọi học sinh phát huy hết khả năng của họ, dù là về toán, văn hay quét nhà đi nữa vì xã hội cần giáo sư nhưng cũng cần người quét rác! Cái gọi là chủ trương dùng người tài, rõ ràng chỉ cổ vũ cho bệnh thành tích.

Hơn nữa, cho đến nay, Bộ GD - ĐT chưa đưa ra được một chính sách trọng dụng người tài nào mà chỉ chú trọng việc tăng bằng cấp bằng mọi giá (chương trình 20.000 TS hoàn toàn không khả thi với khả năng của ngành GD Việt Nam là một ví dụ điển hình), quá đề cao các vị GS-PGS (mà hầu hết kiến thức đã quá lỗi thời, hạn chế cả về ngoại ngữ và công nghệ thông tin).

Không phủ nhận việc có bằng cấp, học vị là quan trọng ở trường ĐH, nhưng thiết nghĩ nếu Bộ lưu ý đến cải cách chương trình đào tạo ThS, TS ở Việt Nam, rà soát lại trình độ của các GS-PGS, trước khi giao công việc thì tốt biết bao! Như vậy chỉ người nào có thực tài mới ra đảm nhiệm công việc, vừa giúp ngành GD thay đổi bộ mặt, vừa đỡ làm khổ bọn “hậu sinh”, không phải nai lưng ra làm hộ các vị “mũ cao, áo dài” mà vẫn phải nghe theo những chỉ thị rất trái khoáy của các vị!

Tháng 1-2008, Bộ GD – ĐT lại đưa ra quy định mới là bỏ kỳ thi đầu vào của TS và “để được công nhận là tiến sĩ ít nhất một bài đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu của hội nghị khoa học chuyên ngành ở nước ngoài (1), một bài đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trong nước do cơ sở đào tạo quy định (2), điểm TOEFL quốc tế 500 hoặc tương đương (3)”.

Đây là một chủ trương quá nực cười! Bộ GD – ĐT Việt Nam tỏ ra có óc khôi hài rất lớn! Việc bỏ thi đầu vào cho Tiến sĩ cùng yêu cầu thứ 2 và 3 không có vấn đề gì, đó là chuyện tất nhiên thôi. Nhưng yêu cầu NCS phải có bài trên tạp chí quốc tế có ISI thì quả là chuyện không thực tế, chứng tỏ lãnh đạo Bộ hoàn toàn không có thực tế, chỉ biết rập khuôn nước ngoài!

Lỗi không phải ở nghiên cứu sinh (NCS), người Việt Nam vốn hiếu học nên trong số các NCS, trừ một số ít quá dốt nát, còn lại đều muốn học hành tử tế. Học TS rất vất vả, ở Việt Nam lại thêm thủ tục rất nặng nề, mất 4-5 năm mới xong cái bằng TS, có ai lại muốn thua kém bằng nước ngoài đâu! Có điều, trong điều kiện học hành như ở Việt Nam, chuyện này là hoàn toàn không khả thi.

Các cụ xưa đã dạy: “Không thầy đố mày làm nên!”. Ai cũng biết ở Việt Nam, số trí thức có bài đăng trên tạp chí quốc tế có ISI là quá ít, đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là trong ngành khoa học Tự nhiên. Đa phần thày hướng dẫn chưa bao giờ có bài đăng ở nước ngoài, thậm chí các GS-PGS, trụ cột của đào tạo sau ĐH còn không biết tiếng Anh, nhiều người không biết ngoại ngữ nào, vì họ học ở một nước XHCN nào đó đã hơn hai chục năm rồi, nên quên cũng là tất nhiên. Hoặc giảcó nhớ, thì như những ngôn ngữ Tiệp, Bun, thậm chí tiếng Nga đi nữa, nhớ cũng chẳng để làm gì!

Trên cái nền như thế, rõ ràng các thày ít có khả năng để hướng dẫn NCS viết bài báo quốc tế. Thực tế là kiến thức của quá nhiều các vị mũ cao áo dài trong ngành GD Việt Nam rất lạc hậu, bản thân họ lại bảo thủ. Nếu nghe theo sự hướng dẫn của họ chắc chắn bài viết sẽ không bao giờ được tạp chí nước ngoài chấp nhận.

Thứ hai: nội dung giảng dạy của các trường ĐH Việt Nam quá lạc hậu. Vấn đề này quả là rất nghiêm trọng. Ai cũng biết nhiệm vụ chính của các trường ĐH là nghiên cứu khoa học (NCKH). Trong nghiên cứu KH, phương pháp nghiên cứu là quan trọng nhất, nhưng phương pháp nghiên cứu của Việt Nam rất nực cười. Ai có dịp đọc các Master, PhD thesis thì sẽ thấy, phần methodology là phần rất ngắn, câu chủ yếu là phương pháp duy vật biện chứng của Chủ nghĩa Marx - Lenin, thống kê, phân tích… Không ai có ý niệm gì về các phương pháp NC định tính, định lượng.

Về mặt hình thức, trong chương trình đào tạo có môn “Phương pháp NCKH” nhưng chỉ có 2 trình (30 tiết), học buổi tối nên thực tế chỉ còn khoảng 20 giờ, nội dung lại quá lạc hậu. Hơn nữa, đã có lần tôi xúi một NCS bỏ câu “sử dụng phương pháp duy vật biện chứng của Chủ nghĩa Marx - Lenin” đi, nhưng khi ra Hội đồng Cơ sở đã bị “đập” tơi bời, làm tôi rất ân hận.

Các công trình NCKH, kể cả công trình cấp Nhà nước tiêu tốn hàng tỉ của các vị đầu ngành cũng thế thôi. Hầu hết các công trình này đều không làm điều tra thực tế, tức là chỉ chép lại từ các tài liệu có sẵn. Một vài đề tài có làm điều tra thì cũng rất đơn giản, hoặc chỉ mang tính hình thức.

Hay có dịp đi dạy tại các tỉnh nên một lần tôi được một giáo viên trẻ nhờ phát questionnaire cho một đề tài Nhà nước của một vị GS-TS. Bản câu hỏi dài đến 5 trang, font 8 hay 10 gì đó mà yêu cầu học viên trả lời xong trong 15 phút nghỉ giải lao để kịp thu lại và mang về luôn! Khi tôi thắc mắc là như vậy làm sao trả lời chính xác thì được an ủi là: điều tra chỉ là hình thức, chủ yếu để giải ngân còn đề tài xong hết rồi! Với chương trình như vậy đòi NCS có bài báo quốc tế thì quả là bất công quá!

Ngoài ra, cơ sở vật chất cho NCKH của Việt Nam cũng không đáp ứng được mức trung bình của thế giới. Nếu NCS chưa bao giờ được cầm trong tay tap chí quốc tế nào, không biết trong ngành mình tạp chí nào được công nhận là tạp chí quốc tế, không được cập nhật những công trình nghiên cứu mới nhất thì làm sao họ viết được?

Dù không phải thi đầu vào, nhưng làm NCS cũng rất tốn kém, vất vả, nhất là ở Việt Nam. Bất cập là những chi phi ấy lại đổ hết vào các kỳ thi, kỳ bảo vệ mà không hề được đầu tư cho khảo sát, nghiên cứu, tài liệu… nên chất lượng luận án không thể cao. Là người đào tạo mà không thông báo trước cho “khách hàng” những bất cập trong yêu cầu của mình, cứ để họ tưởng là không thi là dễ dàng hơn, rồi 4-5 năm không ra được có phải là công bằng không?

Nhưng thiếu những TS chất lượng thì giáo dục ĐH không thể chuyển biến tích cực được. Những TS đào tạo theo chương trình 322 của Bộ chủ yếu được gửi vào những trường ranking thấp, nên chất lượng đào tạo cũng không cao. Xem ra con đường tiến đến ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam còn xa vời lắm!

Ngày cuối năm 2010, ngồi viết những dòng cảm nhận về ngành GD Việt Nam để gửi cho những người bạn phương xa, mong rằng chúng ta, những trí thức Việt Nam ở cả trong và ngoài nước có thể hợp lực cùng nhau để đưa GD Việt Nam ít ra ngang tầm khu vực. Chưa dám ước ao “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” vì “cái cây tìm sự cao cả trên cao, ngọn cỏ tìm sự hòa đồng dưới đất". Cây vẫn sống đời cây, cỏ vẫn yên đời cỏ; miễn trong đời này còn giữ được một tấm lòng!

Ghi chú:

(1) Bộ trưởng thời đó là ông Nguyễn Văn Huyên, một nhà giáo đáng kính, nhưng hiền lành và bất lực; thứ trưởng là ông Võ Thuần Nho – tai tiếng về vụ thu xếp cho con trai trốn nghĩa vụ quân sự

(2) Lê (Chưởng) và (Hồ) Trúc là tên hai Thứ trưởng, theo nhận xét của cán bộ thời đó là lơ mơ, không có chính kiến!

(3) Các vụ chạy chọt trong Bộ rất nhiều, đặc biệt là việc xin chuyển công tác, chạy chức quyền…

(4) Ý nói cán bộ giáo viên ngành GD không còn biết trông chờ vào ai!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội