Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SỰ HIỂU BIẾT BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

(NCTG) “Cái cớ duy nhất để làm ra một vật vô dụng là vì ta ngưỡng mộ nó sâu sắc. Toàn bộ nghệ thuật là vô dụng” (Oscar Wilde)

Không biết Picasso, thì sao? - Minh họa: đại họa phẩm “Guernica” của danh họa Pablo Picasso


Hôm nay mình đọc được bài “Quá phi lý khi giới trẻ Việt không biết Picasso là ai”. Thấy các bác bàn rất hăng và có vẻ đau lòng về điều này. Mình thì mình thấy... buồn cười. Tại sao các bác bắt tụi nó phải biết, phải quan tâm về hội họa nếu như nó không thích để thỏa mãn cái thích của các bác?

Cứ tưởng tượng, thay vì phỏng vấn họa sĩ để thấy họa sĩ bức xúc vì giới trẻ không biết Picasso, bạn phóng viên lại đem câu hỏi ấy đi hỏi một bác thợ điện, bác ấy có thể sẽ bảo: “Tôi thấy ko biết Picasso thì cũng ko sao nhưng tôi đau lòng và lo ngại sâu sắc khi quá nhiều bạn trẻ không biết cách lắp ráp mạch điện xoay chiều hay một chiều nó như thế nào, trong khi nó là cái sát thực đời sống các bạn”.

Bác họa sĩ có nhột khi bác ấy có thể sẽ ngơ ngác trước mạch điện không? Buồn cười. Ta không thích thú gì cái lĩnh vực ấy, nhưng ta sống ổn và hiểu cái ta đang lao động để sống ko phụ thuộc, thế là được phải không?

Mình lại nhớ đến một anh chàng mình quen thời sinh viên và đã có kha khá kỷ niệm với mình. Nhớ nhất là anh ấy đã càm ràm mình rất nhiều cái vụ, em phải quan tâm chính trị chứ, em sống trong một đất nước như thế nào mà tên các bộ trưởng, các phó bộ trưởng, hỏi ai tên gì em cũng không biết? Các nghị quyết, nghị định nó ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống nhân dân mà em cũng không biết.

Mình lúc ấy im ru, không dám phản đối. Chứ giờ thì nhờ ơn anh chàng của ngày xưa, mình đã biết quan tâm, để ý cái hệ thống lãnh đạo nước mình nó như răng để ai có nhắc tên phó chủ tịch nước thì mình biết đó là bác lãnh đạo chứ không phải họa sĩ lập thể nào đó.

Có điều, đến giờ mình vẫn không hiểu được tại sao anh ấy lại bức xúc vì cái không biết của mình. Việc chi mình phải du nhập vào những người không hiểu việc của chính họ nhưng ra vẻ rất hiểu việc của Obama, Putin và phán xét các chính trị gia phải cư xử thế nào mới đúng để thế giới tốt đẹp hơn?

Mình xoắn thế, không có nghĩa là mình cũng không biết Picasso, không ưa hội họa chút nào. Ngược lại, mình rất mê hội họa và có thể nói cho người nghe chi li tỉ mỉ từng cái ở Picasso như cảm giác của mình về từng bức tranh của ổng, từng người đàn bà tội nghiệp của ổng, và cả cái cảm giác về sự kỳ quặc dị hợm của ổng. Mình tìm hiểu kỹ về ổng đủ để dù không ưa cái lối nhẫn tâm với một số cái của ổng nhưng vẫn rất nghiêng mình ngưỡng mộ trước tài năng và sự khắt khe trong lao động nghệ thuật của chính ổng.

Mình nhớ, và rất thích tư tưởng của một người thầy dạy âm nhạc cho mình khi mình còn bé: “Âm nhạc à... các em biết không, có âm nhạc trong đời sống thì rất tốt, rất hay, nhưng không có thì cũng không sao”.

Đó là bài giảng mở đầu của thầy khi lần đầu tiên gặp tụi mình, để rồi sau đó dẫn dắt tụi mình, những đứa nhóc hồi đó, đi vào con đường say sưa âm nhạc, yêu mến âm nhạc mà không hiểu tại sao. Mình không biết những người bạn cùng lớp hồi đó như thế nào, còn mình thì nếu như vài ngày không được nghe nhạc, chơi nhạc hay hát hò gì đó cho riêng mình thì sẽ cảm giác phát khùng lên và có thể đi gây sự với thiên hạ.

Mình xin trích một phần bài viết của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng bàn về “Giá trị của nghệ thuật”:

Trong Lời tựa cho tiểu thuyết “Chân dung Dorian Gray” – cuốn tiểu thuyết duy nhất của mình, Oscar Wilde (1854-1900) viết: “Cái cớ duy nhất để làm ra một vật vô dụng là vì ta ngưỡng mộ nó sâu sắc. Toàn bộ nghệ thuật là vô dụng.”

Năm 1891 Bernulf Clegg, một sinh viên đại học Oxford, đã gửi thư đề nghị Oscar Wilde giải thích. Trong thư trả lời, Wilde đã viết như sau (trích): “Nghệ thuật là vô dụng bởi mục đích của nó đơn giản là chỉ nhằm tạo nên một tâm trạng. Nó không nhằm để chỉ dẫn hay tạo ảnh hưởng lên hành động theo bất cứ một kiểu gì. Nó vô sinh một cách tuyệt vời, và cái khoái lạc của nó là sự vô sinh.

Nếu việc thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật lại được nối tiếp bởi một hành động dưới bất cứ hình thức nào, thì hoặc đó chỉ là một tác phẩm rất thứ cấp, hoặc người xem không cảm nhận được toàn bộ ấn tượng nghệ thuật của nó.

Một tác phẩm nghệ thuật cũng vô dụng như một đóa hoa. Đóa hoa nở cho niềm sung sướng của chính nó. Chúng ta có được một khoảnh khắc sung sướng khi ngắm hoa nở. Đó là tất cả những gì có thể nói về quan hệ giữa chúng ta và hoa.

Tất nhiên, người ta có thể đem hoa đi bán và thu lợi cho mình, nhưng việc đó chẳng dính dáng gì đến hoa cả. Đó không phải là một phần bản chất của loài hoa. Đó là một sự tình cờ. Đó là một sự lạm dụng
.”

Thực chất, Oscar Wilde đã diễn giải lại quan điểm về nghệ thuật tuyệt đối của Kant. Kant cho rằng cái Đẹp là cái gì đó không có bất kỳ một chức năng nào khác ngoài chức năng làm cái Đẹp. Khi đó một vật thể có thể sẽ trở thành thuần túy là một vật thể, hiện ra hoàn toàn chỉ vì nó đẹp chứ không vì bất cứ công dụng nào khác.

Như vậy, nghệ thuật theo Kant là một cách biểu diễn đẹp của một hình thức, thông qua đó nghệ sĩ mặc sức tưởng tượng để liên tục mở rộng quan niệm về chính cái Đẹp. Điều đó có nghĩa là nghệ thuật đã đi ra ngoài thế giới của lý trí, và cái Đẹp là điều ta không thể cắt nghĩa được”.

Hiểu biết về bất cứ lĩnh vực nào, đối với mình cũng thế. Đơn giản là vì mình thích, thì mình sẽ tìm biết. Và nếu như mình ngưỡng mộ sâu sắc, mình sẽ tìm hiểu một cách sâu sắc.

Mình là đứa mê âm nhạc, mê hội họa. Nên có lẽ sự biết của mình về những thứ trong âm nhạc, trong hội họa, có thể khiến cho các bác đang buồn rầu về sự “giới trẻ Việt không biết Picasso” ấy được vui lòng và an ủi phần nào.

Nhưng mình nghĩ nếu cứ tư duy như thế này, thì các bác quan tâm sâu sắc đến thể dục thể thao (TDTT) sẽ đau lòng vì mình chả có hiểu biết tí teo nào về thể thao, luật các môn, và những người tài danh trong lĩnh vực này dù mình cũng có biết bơi sơ sơ, biết đi bộ và được các thầy cô lẫn bạn bè trong Sở TDTT chỉ cho chơi đủ món hồi còn đi học như ném tạ, đá bóng, bóng bàn, Karate-do, Kungfu,...

Mà ở nước nào mình không biết, chứ ở nước mình thì mình nghĩ TDTT được coi trọng hơn các môn nghệ thuật.

Khẩu hiệu “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” khắp nơi, nhưng chưa thấy một cái dòng khẩu hiệu nào ghi “Đẹp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” cả.

Vậy thì một đứa không biết về bác ABC nổi tiếng nào đó trong TDTT như mình chắc chắn là đáng lên án hơn một đứa không biết về Picasso.

Nhưng biết làm sao được... Cơ bản là mình không thích, thì mình khó lòng nào mà hiểu được, dù đã rất cố gắng. Và sau chừng đó thời gian, mình thấy mình không biết tên tuổi lớn hay các trường phái gì đó trong các môn thuộc TDTT thì cũng chẳng hại gì lắm đến cuộc sống của mình.

Nếu có thiệt thòi kể ra được, đó là thời học sinh cho đến sau này mình rất muốn tham gia những chương trình như “Đường lên đỉnh Olympia”, “Đấu trường 100”... để giựt tiền và để lên truyền hình cho có tí oai, cơ mà ngại nhất là nếu đụng phải mấy câu hỏi về TDTT thì chắc chắn mình sẽ rớt, vì mình không biết tí teo nào cả.

Thế nên thôi. Mà thôi thì mình thấy cũng chẳng sao.

Tác giả bài viết: Tuệ An, từ TP. HCM