Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SỬ DỤNG VŨ KHÍ HÓA HỌC, MỘT TỘI ÁC DIỆT CHỦNG

(NCTG) “Tấn công bằng vũ khí hóa học nói lên hai điều: thứ nhất, người ta cố ý diệt tất cả không phân biệt dân thường hay trẻ em (một điều đại kỵ trong chiến tranh) và thứ hai, nó không khác gì tội ác diệt chủng, vì các chất độc hóa học sẽ giết lần giết mòn những con người sống sót còn lại, và tạo ra những đứa trẻ bị biến dạng hoặc dị tật”.
Những nạn nhân mới nhất của vũ khí hóa học tại Syria - Ảnh: Edlib Media Center
Đầu tuần này, thế giới bàng hoàng trước hình ảnh những đứa trẻ hấp hối vì vũ khí hóa học tại Han Sejkun, một thành phố ở phía Bắc Syria. Tin tức cho thấy 72 thường dân, trong đó có 20 trẻ em đã thiệt mạng thảm thương trong một vụ thảm sát hóa học mà tới giờ vẫn chưa bên nào nhận trách nhiệm.

Một trong những vụ tấn công thường dân bằng vũ khí hóa học khủng khiếp nhất xảy ra cách đây gần ba chục năm, là vụ Halabja, được biết đến dưới những tên gọi như “Cuộc Thảm Sát Halabja” hay “Ngày Thứ Sáu Đẫm Máu”.

Ngày 16-3-1988, Saddam Hussein đã ra lệnh rải bom chứa chất độc mù tạt và sarin xuống thành phố Halabja của người Kurd (một nhóm dân thiểu số ở Iraq). Cuộc tấn công kéo dài suốt năm giờ đồng hồ. Các nhân chứng sống kể lại là nhìn thấy từng cột khói trắng, đen và vàng cuồn cuộn nổi và dâng cao đến cả năm chục mét trên không trung.

Có khoảng trên dưới năm ngàn người dân thường bị thiệt mạng, bao gồm trẻ em. Số người bị thương lên đến cả mười ngàn, và nhiều người bị chết vì di chứng và bệnh tật trong những năm tháng sau đó. Người ta đã liệt cuộc thảm sát Halabja vào tội ác chống lại nhân loại (crimes against humanity).
 
Hình ảnh đau lòng của vụ thảm sát Halabja
Hình ảnh đau lòng của vụ thảm sát Halabja

Dưới con mắt nhiều người, cuộc chiến tranh xâm lăng Iraq và lật đổ Saddam Hussein là một điều sai lầm. Tôi ít nhiều gì cũng chia sẻ cùng một suy nghĩ. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ của người Kurd - vốn chịu rất nhiều đàn áp tàn khốc không chỉ hiện tại mà đã từ nhiều thế kỷ - thì cuộc xâm lăng này là một phép màu mà họ đã trông chờ từ lâu. Không phải ngẫu nhiên mà Kurdistan (vùng Bắc Iraq, hiện giờ thuộc quyền tự trị của người Kurd) là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến đẩy lùi ISIS.

Bức hình người cha ôm đứa con nhỏ là một tiêu biểu cho sự tàn độc của cuộc thảm sát Halabja nói riêng, và các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nói chung. Tấn công bằng vũ khí hóa học như thế nói lên hai điều: thứ nhất, người ta cố ý diệt tất cả không phân biệt dân thường hay trẻ em (một điều đại kỵ trong chiến tranh) và thứ hai, nó không khác gì tội ác diệt chủng, vì các chất độc hóa học sẽ giết lần giết mòn những người sống sót còn lại, và tạo ra những đứa trẻ bị biến dạng hoặc dị tật.

Những tấm hình kinh hoàng làm khuấy đảo mạng xã hội vià hôm nay, phải chăng sẽ góp phần để thế giới có cách hành xử nghiêm túc hơn, cương quyết hơn với tội ác chống nhân loại này?

Tác giả bài viết: Hải Lý, từ Canada