Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“SÁCH ĐEN...”

(NCTG) “Và bỗng dưng nhớ lại một biên khảo rất dài trong sách, được đánh giá là khá công phu và kỹ, tuy cũng còn nhiều sạn. Đó là phần “Một nhà nước chống lại nhân dân (Bạo lực, đàn áp, khủng bố)” của Nicolas Werth về thể chế cộng sản Nga - Xô...”.
Bạo lực, đàn áp, khủng bố... - Ảnh: memoiresdeguerre.com
Hai mươi ba năm trước, “Sách đen của chủ nghĩa cộng sản: Tội ác, khủng bố, đàn áp” (Le livre noir du communisme. Crimes, terreur, répression) được ra đời ở Pháp cuối năm 1997, gây chấn động và làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt trong công luận và giới nghiên cứu lịch sử, chính trị quốc tế.

Rất nhanh chóng, sách được dịch ra tiếng Hung, được chú giải và bình luận bởi các sử gia có tiếng của nước này. Nhóm tác giả Stéphane Courtois (chủ biên), Nicolas Werth, Jean-Louis Panné, Andrzej Paczkowski, Karel Bartošek và Jean-Louis Margolin thực sự đã gây sốc cho nhiều độc giả.

Tất nhiên, như thường lệ, không ít ý kiến phản đối lập tức được đưa ra, chủ yếu nhằm vào phần Dẫn nhập và Kết luận của chủ biên Stéphane Courtois, cho rằng con số nạn nhân của CNCS - trong quá trình “biến tội ác hàng loạt thành một hình thức chính thể” - phải lên tới 80-100 triệu người!

Quan niệm của Stéphane Courtois, theo đó CNCS là một thể chế chính trị vận hành trên cơ sở khủng bố có hệ thống người dân, và do đó đã vi phạm các tội ác chiến tranh, chống nhân loại và chống hòa bình không khác gì chế độ quốc xã của Đệ tam Đế chế, cũng bị nhiều người chỉ trích dữ dội.

Được ra đời đúng vào dịp 80 năm cuộc chính biến tháng 10/1917 của Nga, với nội dung như trên, “Sách đen...” bị nhiều nhà nghiên cứu cho là hàm chứa nhiều khẳng định chưa chính xác, đơn giản hóa, một chiều... Noam Chomsky còn cho rằng phương pháp luận của các tác giả là “có vấn đề”.
 
Hình ảnh này sẽ còn đọng lại rất lâu...
Hình ảnh này sẽ còn đọng lại rất lâu...

Cá nhân mình có theo dõi khá kỹ cuộc tranh luận trên của giới “khoa bảng” Châu Âu, và thường xuyên đem ra trao đổi với anh hàng xóm, vốn có hai bằng đại học, thường xuyên ra chợ trời giúp mẹ bán hàng. Với mình, sách không đem lại điều gì quá mới mẻ so với “tàng thư” cùng đề tài đã đọc.

Nhóm biên soạn sách là những nhà nghiên cứu và chuyên gia về Xô-viết, có điều kiện tiếp cận nhiều tư liệu vừa được “giải mật” từ các kho lưu trữ của mật vụ cộng sản Liên Xô, nên “Sách đen...” có nhiều thông tin mới, nhưng về toàn cục thì đều có thể coi là loại “biết rồi...” với người đọc... nhiều.

Thế nên, sau mấy chục năm, mình không còn nhớ cụ thể từng chương sách, và sách thì đã được bảo quản ở nhà kho có muốn đọc lại cũng khó moi ra được. Chỉ ngẫu nhiên, mình mới nhớ tới “Sách đen...”, do theo dõi về những diễn biến khủng khiếp ở Đồng Tâm cứ ào ào trên mạng ngày hôm nay.

Và bỗng dưng nhớ lại một biên khảo rất dài trong sách, được đánh giá là khá công phu và kỹ, tuy cũng còn nhiều sạn. Đó là phần “Một nhà nước chống lại nhân dân (Bạo lực, đàn áp, khủng bố)” của Nicolas Werth về thể chế cộng sản Nga - Xô. Một tiêu đề khó chính xác hơn, và nói lên tất cả...

Có lẽ lại phải lục lại sách để xem chăng?

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh