Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUYỀN CỦA NGƯỜI LỚN VÀ QUYỀN CỦA TRẺ EM

(NCTG) Chúng ta vẫn thường tự hào Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đã ký vào Công ước về quyền của trẻ em. Nhưng quả thật quyền đó cụ thể như thế nào? Nội dung của bản công ước đó gồm những điểm gì? Những người bình thường (cả người viết bài này) ít ai được biết.

Cháu Huỳnh Ngọc Trâm, sau khi bị thày giáo và công an hăm dọa, bức bách vì tình nghi lấy mấy chục ngàn quỹ lớp, đã lâm vào tình trạng cấp cứu tâm lý, ngây ngô như đứa trẻ lên ba

Nhưng, những người thường xuyên hàng ngày tiếp xúc với các em thì không thể không biết tới những điều quy định trong công ước đó. Đó là những thày cô giáo trong các trường tiểu học, trung học phổ thông. Tôi dám chắc các thày các cô cũng không mấy ai biết đến cái Công ước này, và cũng không ai phổ biến cặn kẽ cho các thày cô nội dung của Công ước này. Bởi vậy nên mới có tình trạng như báo chí gần đây liên tiếp đưa tin. Một em học sinh bị nghi lấy cắp vài chục nghìn tiền quỹ của lớp, bị thầy giáo truy bức, hăm dọa đến mức thần kinh hoảng loạn phải đi bệnh viện. Một em nữ học sinh nọ vì để quên sổ thi đua của lớp ở nhà bị cô giáo phạt bằng cách bắt đứng để cho cả lớp tát vào má đến nỗi chấn thương má phải đi bệnh viện. Lại có cô giáo phạt các học sinh bằng cách bắt liếm ghế trong lớp.

Tôi không biết những hành động kia có vi phạm cái Công ước mà nhà nước ta đã trịnh trọng ký không? Nó có vi phạm đến quyền của trẻ em mà thế giới và nước ta đã cam kết tôn trọng không? Chắc chắn trong Công ước trên hẳn phải có điều khoản quy định trẻ em phải được tôn trọng về nhân cách (bên cạnh những quyền khác như được chăm sóc sức khỏe, được học hành, v.v...) Cái tội lớn nhất trong quan hệ giữa con người và con người là sự xúc phạm đến nhân cách của người khác. Điều này hẳn các thày các cô giáo không thể không biết.

Cô giáo Trương Thị Phương, người đã yêu cầu cả lớp tát một học sinh lớp 4, khiến cô học trò 10 tuổi phải nằm viện vì bị chấn thương phần mềm má trái

Vậy tại sao lại có những trường hợp đau lòng như báo chí đã đưa tin? Và còn có biết bao nhiêu trường hợp tương tự mà báo chí không biết để đưa tin? Chắc khi làm như vậy, các thày cô giáo trên cho rằng mình là người lớn, lại là thày cô, mình có quyền được làm như vậy. Họ không nghĩ rằng làm như vậy là xúc phạm đến nhân cách của các em. Họ cũng không biết rằng hành vi của họ trong hai trường hợp trên là sự biểu hiện của cái ác đã len lỏi vào trong học đường. Ba mươi hai em học sinh thay nhau tát bạn (mà chắc có em tát không nương tay nên mới đến nông nổi bạn mình phải đi bệnh viện) cũng là biểu hiện của một cái ác khác. Người ta đã vô tình tạo điều kiện cho cái ác nẩy sinh trong những tâm hồn non trẻ mà không hay biết. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cô giáo nọ cho biết đã từng trừng phạt như vậy đối với một em học sinh khác, nhưng không làm sao cả. Chắc vì em đó là học sinh nam, nên chịu đựng được. Nguy hại thay khi người ta làm điều ác mà không biết đó là ác.

Người xưa thường nói: “Nhân chi sơ. Tính bản thiện”. Nhưng cái Thiện không phải tự nhiên mà có. Nó phải được trau dồi nuôi dưỡng hàng ngày trong một môi trường mà mọi biểu hiện của cái ác phải bị lên án và loại trừ.  Dân tộc ta từ lâu đã có truyền thống về sự tôn sư trọng đạo (“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Muốn sang phải bắt cầu kiều - Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, v.v...) Nhưng có lẽ chúng ta cần phải có thêm một truyền thống nữa đó là sự tôn trọng con người, dù chỉ là những đứa trẻ.

Tác giả bài viết: Đạo diễn Đặng Nhật Minh, từ Hà Nội