Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUẦN LỌT KHE

(NCTG) “Lọt khe cho ta sức mạnh tự thân. Bởi khi ta mặc một cái quân lọt khe, ta biết là ta phải thay đổi để cho cái phụ tùng bé xíu ấy thật sự trở thành chính bản thân mình”.

Minh họa: demotivalo.com

Một cô bé bạn blogger, cũng là bạn lòng, dù chưa từng off, có lần sau khi xem ảnh đã đề nghị tôi viết về đề tài chăm sóc sắc đẹp dành cho những cô nàng lười biếng. Và vì lười biếng, tôi cứ lần lữa, lần nữa mãi. Mỗi lần lên dây cót cho nàng về “nghi thức làm đẹp”: quyền lợi, nghĩa vụ và... tác hại của việc trùng tu bảo dưỡng nhan sắc, tôi lại thấy mình canh cánh món nợ lòng.

Nhưng hôm nay có lẽ không nên kìm hãm cái sự hứa hẹn lâu hơn được nữa. Cô nàng đang buồn, nhăm nhe đòi bỏ blog mấy lần. Tình hình rất chi là tình hình! Tôi sẽ bắt đầu cái “góc đàn bà” này để chị em tán nhảm với nhau, ngõ hầu em thương tôi mà ở lại, biết đâu! Mà lại bắt đầu từ cái thứ rất nhỏ, nhỏ đến không thể nhỏ hơn được nữa - quần... lọt khe!

Vâng, phàm đã là nhỏ thì chuyện... rất nhỏ. Nhưng ở đây, chuyện lại không hề... nhỏ, ít nhất là theo cảm nhận của tôi.

Nhỏ hay to, có lẽ cũng còn tùy quan niệm, nhận thức nữa. Tôi có cô bạn làm nghề thiết kế đồ lót cho một hãng có tên tuổi ở Paris. Cô từng nói với tôi: thế giới thời trang trôi qua rất rõ nét trong cái... quần lót (ý cô là cái quần của phụ nữ.)

Không phải nhờ cô mà tôi viết về cái vật dụng làm từ mảnh vải bé xíu này. Tôi viết về nó bởi trong một lần cùng đi với cô bạn gái mua đồ, tôi ngạc nhiên thấy bạn mình, một phụ nữ sống ở Berlin gần một phần tư thế kỷ, chả có khái niệm gì về cái vật rất ư gần gũi thân thiện với người đàn bà ấy. Vâng, thử hỏi có đồ phụ tùng nào tối cần thiết với chị em mình hơn nó chứ? Ta có thể không mặc áo lót, không mặc áo sơ mi, không đi tất vào mùa hè, không quàng khăn mùa đông... Nhưng có lẽ trong chúng ta, không ai là không mặc… quần lót!

Quan trọng gì, đó chỉ là thứ ở trong thôi mà. Ai nhìn thấy đâu!”, cô bạn thốt lên. Tôi còn chưa kịp ngạc nhiên thì cô đã vơ lấy một ôm nửa tá quần lót, loại 5 Euro cho cả lố, sặc sỡ và tệ hại đến không thể thương được. Mà ngán hơn, nó là loại dành cho thế hệ... bà ngoại của chúng ta. Nó giống hệt một cái quần đùi may vụng tốn rất nhiều vải. Và với kiểu quần cạp trễ như hiện nay, chắc chắn khi mặc nó sẽ thòi ra cả đống bên trên cạp. Cô tự biến mình thành bà già ngay từ bên trong chính mình.

Ừ, thì đúng là không ai biết. Nhưng cô có biết, cái quần tưởng như nhỏ ấy lại chứa đựng một phần văn hóa và nhận thức của người sử dụng đó, thưa cô!

Chúng ta đi học, hẳn ai cũng còn nhớ câu thơ ngày xưa: “Tháng Tám có chiếu vua ra - Cấm quần không đáy người ta hãi hùng”. Quần không đáy, cái váy đụp của người Giao chỉ ta ngày xưa, chỉ là một miếng vải thâm quây lại, bên trong... không có gì. Vâng, đúng là không có gì, hoàn toàn... free (bỏ ngỏ)!

Nghĩ mà thương cho các cụ thật. (Ngày nay ai mà... không mặc gì thì lại là chuyện hoàn toàn khác!). Nhưng cái quần lót chính thức ra đời có lẽ là từ khi chúng ta trở thành thuộc địa của Pháp. Văn minh đấy chứ đâu nữa, nó bắt đầu từ... chỗ ấy. Văn minh khi đó là sự che kín.

Cùng với cái quần lót, là sự cách tân của áo cooc-xê, được thay thế cho cái yếm mong manh sexy khó cưỡng của các bà các chị. Áo lót được chần bằng máy khâu singer, máy khâu con bướm... hết đến nửa cuốn chỉ và hàng lạng vải, nhọn hoắt như hai cái phễu rót rượu, và dầy kịch như cái lót tai nồi.

Mốt phễu này khi đã thui chột ở nước ta thì lại được ca sĩ nổi loạn Madonna tái hiện trên sân khấu thập niên 80, làm thành thứ trang phục gây tranh cãi nhất, không phải vì cái áo được may theo kiểu áo bơi, mà vì hai cái thứ nhọn hoắt trêu ngươi cả nhân loại. Mốt là sự hoán vị và lặp lại, nhưng coóc-xê chần vẫn ám ảnh tôi đến ngậm ngùi mỗi khi nhớ đến nhưng cái lót tai nồi mà mẹ thải ra.

Thương cho một thời khốn khó, lầm than của đất nước. Thương cho những phần đẹp đẽ nhất của cơ thể nhẽ ra được nâng đỡ, tôn vinh thì ngược lại, bị đè nén áp bức và che giấu đến mức chúng làm tê liệt cả ngành thời trang đồ lót.

Ngành thời trang đồ lót cũng như những ngành thời trang khác, chịu thăng trầm quay cuồng hết mềm đến cứng, xòe to, thu nhỏ, hết ren nỉ, tơ tằm, sợi bông, đến dây dợ lằng nhằng... Ở thời buổi da thịt được khoe hết cỡ, sát đến không thể sát hơn, thì đồ lót cũng làm cái phận sự thiêng liêng của mình: mặc, mà thật ra chả mặc gì. Che, mà chẳng che được gì.

Áo lót thì đã qua rồi thời kỳ đùm đùm như lá bánh. Chúng không những không gò lại, cất giấu, mà giúp các nàng đẩy lên, khoe ra, phơi bầy một cách mỹ thuật và đoan trang đức hạnh nhất, bởi vì rõ ràng, chúng ta có mặc hẳn hoi! Không thèm thả rông như Mai Khôi “Sao Mai điểm hẹn”, hay phu nhân của hiệp sĩ bóng đá David Beckham, vì như thế chắc chắn sẽ bị ném đá. Có mặc đồ lót hẳn hoi, bởi ta nhìn thấy rõ ràng dấu vết của hai gờ dây áo lót sau lưng, hay đằng trước. Nhưng mà than ôi, chúng trong suốt, thậm chí còn thủng lỡ ở những chỗ rất ư nhậy cảm!

Áo cooc-xê đã tiên phong trong cuộc cách tân của đồ lót. Nhưng sự ra đời của cái gọi là quần lọt khe thì mới thật là một phát minh trứ danh. Bởi nó đúng là... mặc mà như không. Không có gì ngoài sự... lọt khe.

Cái quần lọt khe bé hơn cả lá nho của Eva ngày nào được chính thức ra đời từ cuối thập niên 30, tại Mỹ. Qua bao thiên biến của lịch sử thời trang, nó lại quay trở về và ngày nay, không một người phụ nữa nào có quyền từ chối món quà tôn vinh vòng ba đến như vậy.

Quần lọt khe, cái tên gọi quả là gợi cảm đến nỗi, tôi khi mới đặt bút viết bài này đã bị một nam blogger có ý... chỉnh đốn. Tôi suy nghĩ và quyết định vẫn gọi nó như thế. Bạn nào ngại thì có thể gọi nó là tanga (Nhưng theo đúng từ điển tôi tra: tanga =quần lọt khe!, chứ còn biết gọi gì bây giờ! Sorry, tiếng Việt nó như thế!).

Quần lọt khe có ưu điểm là... tiết kiệm vải đến mức không thể tiết kiệm hơn được nữa. Cái đó có vẻ hợp với thời kỳ suy thoái toàn cầu như hiện nay. Nếu nhà nhà tiết kiệm, người người mặc quần lọt khe, hỏi một năm có bao nhiêu triệu mét vải được cứu thoát? Chưa hết, tiết kiệm bao nhiêu nhân công cho thời gian may một cái quần? Tiết kiệm cả xà phòng giặt, nước, điện, diện tích không gian và thời gian phơi... Thế nhưng, giá thành của cái quần siêu tiết kiệm ấy lại không hề rẻ.

Lấy ví dụ, một cái quần xinh xinh nhiều khi chỉ là sợi dây có đính mẩu lá nho bằng vải, có giá dao động 5-20 Euro. Tất nhiên, đó là cho một cái quần tươm tất, đủ để chủ nhân tự tin dù chả đứa ma nào nhìn đến. Còn với chỉ 1 Euro cũng vẫn có thể... lọt khe như ai, nhưng cái thứ lọt khe ấy làm mình mất... giá đi nhiều lắm.

Muốn mặc quần lọt khe, bạn không được quá phúc hậu mập mạp, bởi lọt khe không biết che, mà chỉ biết khoe. Nên chăng, khi làm chủ một cái quần xinh xắn ấy, bạn hãy tự bắt mình phải có kế hoạch tập tành kiêng khem để có dịp sử dụng cái đó, ít nhất một lần... trong đời!

Cho nên, lọt khe có công với phong trào thể thao đó, thưa các bạn!

Lọt khe nịnh mông, tôn giò, phô eo và khơi gợi mọi ánh nhìn bởi có nhìn cũng chẳng thấy một đường gờ kinh điển nào trên bờ mông căng lẳn. Nhưng ngay cả khi bạn không có được cặp giò dài đi nữa, thì cũng rất nên mặc quần Jean với lọt khe bởi trông bạn gọn gàng, trẻ trung hơn rất nhiều. Bất giác, bước đi sẽ thẳng thớm, lưng vươn dài ra, chân sải rộng và vai không chùng xuống nữa.

Lọt khe cho ta sức mạnh tự thân. Bởi khi ta mặc một cái quân lọt khe, ta biết là ta phải thay đổi để cho cái phụ tùng bé xíu ấy thật sự trở thành chính bản thân mình.

Vậy, lọt khe góp phần nâng cao giá trị bản thân.

Và lọt khe, còn là một sự lãng mạn rất đỗi ngọt ngào cho một khởi đầu rạo rực.

Lọt khe, khởi nguồn của hạnh phúc lứa đôi.

Lọt khe, tại sao không?

Tác giả bài viết: Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin - Ngày 25/26-5-2013