QUAN HỆ HOÀNG KHƯƠNG
- Thứ bảy - 08/09/2012 14:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Cần dẹp đi những thói quen giải quyết công việc bằng quan hệ, bằng sự quen biết, bằng những cuộc đi đêm như thể anh với tôi là cùng một phe phái với nhau, vì chừng nào còn dựa vào cái mớ bòng bong những quan hệ, thì luật sẽ vẫn là luật rừng” – góc nhìn của nhà báo Vũ Quí Hạo Nhiên từ Hoa Kỳ.
Nhà báo Hoàng Khương tại tòa
Hồi nhà báo Hoàng Khương bị bắt, nhiều người trong giới báo chí khẳng định rằng Hoàng Khương sẽ chẳng bao giờ hối lộ để xin ra một chiếc xe bị nhốt, vì một người như anh có dư khả năng làm chuyện đó mà không mất tiền. Nhưng chính điều đó, lại có thể là lý do anh bị bắt và bị xử tù tới 4 năm.
Hoàng Khương là phóng viên báo “Tuổi Trẻ”. Anh đưa một người tới gặp Thượng úy Huỳnh Minh Đức, công an quận Bình Thạnh, để xin ông Đức trả bằng lái xe và lấy xe ra. Hai bên thỏa thuận giá 3 “chai” tức 3 triệu.
Chuyện này trở này nội dung bài báo “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ”, đăng trên “Tuổi Trẻ” ngày 5-7-2011.
Vài ngày sau, Hoàng Khương tiếp theo với bài “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép”, cũng liên quan Thượng úy Đức, lần này với giá lên tới 15 triệu. Ông Đức ngồi đếm tiền rất thoải mái trong hình ảnh được đưa lên báo, lên mạng.
Bài báo đăng được ít lâu, công an gửi công văn ép báo “Tuổi Trẻ” phải “thu hồi thẻ nhà báo của phóng viên Nguyễn Văn Khương”. Chưa đầy một tuần sau, ngày 3-12-2011 Hoàng Khương bị “tạm đình chỉ công tác” rồi tới đầu năm sau bị bắt giam.
Sau 248 ngày tạm giam, tác giả bài báo tố cáo công an tham nhũng bị đưa ra xử chóng vánh rồi bị tuyên án 4 năm tù. Nhiều người chỉ ra rằng án này cao ngang án dành cho Trung tá Nguyễn Văn Ninh đã đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng.
Về lý, các nhà báo mà biết Hoàng Khương nói rất đúng. Không thể ghép Khương vào tội đưa hối lộ, vì không thể cho rằng Khương có mục đích cứu xe khi đưa tiền cho Đức. Là phóng viên chuyên mảng giao thông của “Tuổi Trẻ”, Hoàng Khương thừa sức lấy được xe bị nhốt giùm cho một người khác. Cho nên hành vi đưa tiền, là để lật tẩy tham nhũng, không phải để đưa hối lộ.
Nhưng về mặt khác, chính cái khả năng này của Khương, có thể đã là lý do công an ghim bài báo và tống anh vô tù.
Trên các blog, các trang mạng xã hội, nhiều đồng nghiệp của Khương khẳng định anh có thể giúp giải quyết chuyện này nọ với CSGT, mà không cần tiền. Khương được kể là đã từng giúp người này, người kia cứu một chiếc xe bị nhốt hoặc xin lại giấy tờ bị CSGT giữ.
Nhà báo Hương Trà, tức nick Cô Gái Đồ Long trên các trang cá nhân, kể là hồi mới cấp biển số xe 5 số thay vì 4 số, Khương có hỏi Trà “có muốn đổi không, làm giùm cho, thậm chí xin được số đẹp ngũ linh chi đó”, hoàn toàn không tốn đồng nào. (Trà từ chối, nói “xe cũ mà gắn biển mới làm chi”.)
Trong một xã hội mà mọi chuyện giải quyết bằng quan hệ (tất nhiên kể cả quan hệ mua bằng tiền) chứ không phải bằng luật pháp, những câu chuyện này chứng tỏ Hoàng Khương là một người chơi đẹp. Anh sẵn sàng mang những quan hệ của mình - là món hàng có giá trong một xã hội như thế - để giúp đỡ bạn bè.
Nhưng cũng chính vì xã hội đó là xã hội mà mọi chuyện giải quyết bằng quan hệ chứ không phải bằng luật pháp, nên Hoàng Khương mới bị trả thù.
Hãy nhìn sự việc dưới con mắt của CSGT (biết là làm khó lắm, nhưng cứ thử xem). Họ cũng như mọi người Việt Nam khác, sống trong một xã hội mà mọi chuyện giải quyết bằng quan hệ chứ không phải bằng luật pháp. Và họ cũng đã từng giải quyết việc này nọ cho Hoàng Khương dựa quan hệ chứ không phải trên luật pháp. Đùng một cái Hoàng Khương đem lên báo, đưa ra mổ xẻ dưới ánh sáng của luật pháp.
Tức là, có sự đối nghịch giữa những việc làm trước của Khương (giúp bạn bè lấy xe, lấy giấy tờ, lấy biển số), và việc làm sau của Khương (lật tẩy tham nhũng). Và khi họ cho những việc làm trước là bình thường, thì việc làm sau là không bình thường, là phạm luật.
Không phải phạm luật cấm đưa hối lộ - đó chỉ là cái cớ. Mà làm phạm luật chơi của ngành CSGT, mà chính Khương đã từng chơi trong đó. Đã chơi cùng thì khó tách ra.
Cho nên, để giải quyết cho tận gốc những chuyện như này, ngoài những biện pháp thường nghe như tự do ngôn luận, làm sạch chính quyền, dẹp bỏ tham nhũng, còn cần tới một biện pháp nữa, là dẹp đi những thói quen giải quyết công việc bằng quan hệ, bằng sự quen biết, bằng những cuộc đi đêm như thể anh với tôi là cùng một phe phái với nhau.
Vì chừng nào còn dựa vào cái mớ bòng bong những quan hệ, thì luật sẽ vẫn là luật rừng.