PUTIN CÓ BỊ TÂM THẦN? - CHẨN ĐOÁN TÂM LÝ “SA HOÀNG”
- Thứ ba - 08/03/2022 04:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Trong một đất nước mà quần chúng bị áp đảo, ông ta là loài linh trưởng duy nhất, là vị cha già dân tộc, hoàn toàn đơn độc, cũng giống như Stalin” - phân tích trên khía cạnh tâm lý học và phân tâm học về Tổng thống Nga Vladimir Putin của tác giả Jean-Pierre Winter.
Jean-Pierre Winter, tác giả cuốn sách “Les hommes politiques sur le divan” (tạm dịch: “Điều trị tâm lý cho các chính trị gia”), đồng thời cũng là một nhà phân tâm học rất chú ý đến tình hình thời sự và những chấn động làm rung chuyến nền văn minh của chúng ta, điều ông đã cho thấy qua tác phẩm mới nhất của mình, “L'Avenir du père” (tạm dịch: “Tương lai của người cha”) do NXB Albin Michel ấn hành.
Bạn đọc sẽ có cảm tưởng tác giả cũng thử đắm mình trong viễn cảnh hoang đường của Putin. Ông ngắm nghía nhân vật này từ xa rồi quay trở lại với các nguyên tắc cơ bản được thiết lập bởi Freud, nhà phân tâm học tiền bối: làm sao kết nối một hình tượng cá thể riêng biệt (Putin) và một cộng đồng (người Nga)? Ở Putin ta thấy có những điểm tương đồng đáng lo ngại với Hitler.
Bài phỏng vấn của tờ “Le Point” với Jean-Pierre Winter, do Trần Sơn Huy chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp.
Bạn đọc sẽ có cảm tưởng tác giả cũng thử đắm mình trong viễn cảnh hoang đường của Putin. Ông ngắm nghía nhân vật này từ xa rồi quay trở lại với các nguyên tắc cơ bản được thiết lập bởi Freud, nhà phân tâm học tiền bối: làm sao kết nối một hình tượng cá thể riêng biệt (Putin) và một cộng đồng (người Nga)? Ở Putin ta thấy có những điểm tương đồng đáng lo ngại với Hitler.
Bài phỏng vấn của tờ “Le Point” với Jean-Pierre Winter, do Trần Sơn Huy chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp.
*
- Khi người ta nhìn vào nhân vật Putin, hầu như mọi người đều đồng thuận ở một điểm rằng ông ta có bản tính hoang tưởng. Ông nghĩ gì về điều này dưới góc nhìn phân tâm học?
Tôi sẽ trả lời anh thế này: ta hãy thừa nhận một điều rằng việc người ta chụp mũ ông ấy như vậy chẳng có ý nghĩa gì cả. Đó có phải là chứng rối loạn tâm thần hay không? Hay đó là một chiến lược mang tính chính trị? Chúng ta vốn biết rất ít về con người này: rằng ông ta là một người vô cùng nhạy cảm, nhạy cảm trước bất kỳ hình thức sỉ nhục nào, ông ta sẽ không ngần ngại chỉnh đốn kẻ đó, lao lên võ đài, và ngay khi còn trẻ, ông ta đã tin chắc rằng mình sẽ là một kẻ thống lĩnh.
Tóm lại, tuổi thơ của một tổng thống, cũng giống như quá khứ của rất nhiều người khác mà ta đã thấy, không phải là yếu tố duy nhất để biến một ai đó trở thành con người họ như hiện tại. Câu hỏi thực sự nên đặt phải là: làm thế nào ông ta có thể đi được quãng đường đó, để leo lên trở thành người đứng đầu quốc gia, giữ cương vị ấy cho đến nay và luôn được đám đông yêu thích với một mức độ nhất định, làm thế nào mà người dân Nga bị cuốn theo một bài diễn thuyết vốn được đánh giá là xa rời thực tế?
Câu hỏi về tính lôi cuốn của con người Putin ấy cũng là câu hỏi cơ bản mà các nhà sử học đã đặt ra khi nhận thấy điều tương tự ở Hitler hay Mussolini mãi sau này. Điều gì đã dẫn đến cuộc tương ngộ tình cờ giữa người đàn ông dị biệt này và thần dân của ông ta?
- Nói vậy, phải chăng chúng ta cần lật lại lịch sử nước Nga?
Đúng vậy. Sau đó chúng ta mới bàn đến khía cạnh tâm lý. Lịch sử rất độc đáo của Nga đã được đánh dấu bằng sự xung đột thường trực giữa hai giai cấp duy nhất của nước này: giai cấp quý tộc vây quanh sa hoàng và những moujik - dân thường hay nô lệ. Bên nào sẽ chiến thắng? Vào năm 1917, nhân dân, hay đúng hơn là những người tự xưng là đại diện của nhân dân, đã giành phần thắng. Nhưng chúng ta đã quên mất một nhân vật quan trọng đối với người Nga, một kẻ trung gian, mà chúng ta không bao giờ biết liệu ông ta là cố vấn của nhân dân, của Sa Hoàng hay của chính bản thân ông ta, Rasputin.
Ngoài cái tên giống nhau, Putin - Rasputin, vốn dĩ đã phải gợi cho người Nga nhớ về nhân vật này, thì Putin, xuất thân giai cấp vô sản, cũng là cố vấn cho “Sa Hoàng” Yeltsin, trước khi thế chỗ chính ông này. Tolstoy nếu còn sống chắc chắn sẽ ủng hộ Putin, vì ông ta là hiện thân của giới nô lệ Nga, người mà trong tiểu thuyết của Tolstoy đã vươn lên trở thành chủ nhân của Điện Kremlin. Trong mắt người Nga, Putin mang đến một sự hợp nhất ít nhiều có ý thức giữa nước Nga vĩnh cửu và người Xô-viết.
- Như vậy ông ta là một Rasputin thành công. Ông còn tính đến sự kiện nào khác ở Nga?
Sự sụp đổ của Liên Xô, đương nhiên rồi. Chúng ta có thể thấy cảm xúc của Putin trước sự suy tàn của đế chế này cũng giống như điều mà Hitler đã phải trải qua khi nước Đức bại trận năm 1918 với Hòa ước Versailles.
Giống như Liên Xô, nước Đức không bị xâm lược, nhưng bị tuyên bố là tội phạm chiến tranh. Hai người đàn ông có cùng góc nhìn về một sự kiện lịch sử mang ý nghĩa tận thế đối với lòng tự ái của họ. Và khi Putin tuyên bố rằng sự biến mất của Liên Xô là thảm họa lớn nhất của thế kỷ trước, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng ông ấy tin tưởng một cách sâu sắc về điều đó, và ông ta không phải là người duy nhất, bởi vì nếu thế thì ông ấy đã phải vào viện tâm thần và khi đó ta có thể trả lời câu hỏi ban đầu của anh về chứng hoang tưởng của ông ta.
Chúng ta hãy nhắc lại sự kiện ở Dresden (Đông Đức) vào năm 1989, khi Putin đã phải đốt sạch tài liệu trong văn phòng của mình ở KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô), nằm trong cùng tòa nhà với Stasi (Bộ An ninh Quốc gia - cơ quan tình báo Đông Đức), trong lúc đám đông Đông Đức đứng cửa sổ đe dọa. Ông ta cũng bị coi là một điệp viên thất bại, bị khiển trách khi hồi hương về Moscow.
Hitler cũng là một họa sĩ thất bại. Cùng với thương tổn cá nhân, Putin còn mang vết thương lòng của cả dân tộc. Tuy nhiên, dân tộc mà chúng ta biết rõ qua Pushkin, Tolstoy, Dostoyevsky, đã giữ được “hồn Nga” của mình: ngay cả khi đó chỉ là ảo ảnh, cái “hồn Nga” ấy vẫn cho phép người Nga tin tưởng vào một dân tộc định mệnh. Một “hồn Nga” được định nghĩa bằng hình ảnh một đế chế với Putin là hiện thân cho nỗi hoài niệm về quyền lực chuyên chế, hình ảnh ấy được ghi sâu trong trí óc người dân nước này.
Cùng với tư tưởng vĩ cuồng đó, chúng ta phải kể thêm một giá trị thiêng liêng trong mắt người Nga mà chúng ta quên đề cập: Đất Mẹ. Nó cũng linh thiêng như ở các nước Hồi giáo, vì tầm quan trọng đáng kể của tầng lớp nông dân. Và nó tiếp tục trở nên thiêng liêng trong thế kỷ 20 bởi những dòng máu mà người Nga đổ ra để bảo vệ nó. Giá trị ấy ngấm sâu vào trong đất. Chúng ta không đùa giỡn với hình ảnh Đất Mẹ này. Vậy đâu là giới hạn? Đây chính là câu hỏi về toàn bộ câu chuyện đang diễn ra ở Ukraine. Nhưng chúng ta không làm ăn với Lebensraum (Không gian sinh tồn) của Đức Quốc xã, chúng ta không tham gia vào công cuộc bành trướng tương tự.
- Như vậy, Putin là hiện thân của Sa Hoàng, người bảo vệ vùng đất được thần thánh hóa...
Một Sa Hoàng, mà Bakunin đã nhấn mạnh, “là lý tưởng của nhân dân Nga, là Chúa Ki-tô người Nga”. Nước Nga được dựng trên một chiếc kiềng ba chân. Đầu tiên là chủ nghĩa dân tộc, là sự vĩ đại của đế chế, là tính biểu tượng. Thứ hai là cơ chế chuyên quyền, là Sa Hoàng, thuộc về thực tại. Thứ ba là tôn giáo chính thống, thuộc về tâm linh. Để nước Nga có thể đứng vững, cả ba phải hòa quyện với nhau.
Chủ nghĩa cộng sản, khi nó tự cho phép mình cài cắm một hình thức tôn giáo khác, đã đụng độ với chân kiềng thứ ba, do đó ngay khi nó vừa sụp đổ thì Giáo hội lập tức được phục hồi. Hình bóng ba chân kiềng này giờ đây được tái dựng xung quanh Putin. Chúng ta cho rằng những nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã độc tài hóa nền dân chủ - chỉ cho tôi xem tính dân chủ của họ nằm ở đâu? Vả lại, trường hợp của Nga không phải là một mối quan hệ song phương (nhà cầm quyền - nhân dân), mà là một mối quan hệ tay ba (ba yếu tố đã nói ở trên).
- Làm thế nào để ta khẳng định được rằng một dân tộc - hoặc một bộ phận của dân tộc đó - có một đặc điểm tính cách như vậy?
Đây cũng là chủ đề trong tác phẩm “Tâm lý học tập thể và phân tích về cái tôi” của Freud, một tác phẩm căn bản để hiểu về thời đại của chúng ta. Freud bác bỏ luận điểm của Gustave Le Bon về sự dung hợp cảm xúc của tập thể khi hiệu ứng đám đông xảy ra, bởi vì Le Bon đã không nghĩ đến tính định danh: đó là ý niệm cho rằng nhà lãnh đạo là hiện thân lý tưởng của cái tôi, lúc đó người ta từ bỏ cái tôi của mình để thay thế bằng cái tôi của nhà lãnh đạo và kết quả là trở thành một thây ma (zombie).
Đó là hiện tượng đang xảy ra ở tất cả những người theo chủ nghĩa dân túy, cộng hưởng bởi sự xóa sổ nền văn minh của cha ông, dẫn đến việc tất cả các thế hệ lãnh đạo tự xưng độc chiếm xứ sở này.
- Những nhân vật như Éric Zemmour, Jean-Luc Mélenchon và Marine Le Pen nếu không đồng nhất mình với Putin thì cũng ủng hộ ông ta. Ông nhìn nhận như thế nào về mối liên kết này?
Họ là những nhân vật hung hãn nhất trong số các chính trị gia nước Pháp. Và họ ủng hộ Putin với danh nghĩa hòa bình. Những người theo chủ nghĩa hòa bình thường là tay sai của những kẻ chuyên quyền. Có thể kể đến trường hợp tương tự ở Pháp như hồi thập niên 1930 với những người theo chủ nghĩa hòa bình thân Đức; hay sau chiến tranh (Thế chiến thứ Hai) với những người theo chủ nghĩa hòa bình thân Cộng sản. Sau đó, chúng ta biết rằng họ được tài trợ bởi các cường quốc bên ngoài. Những người theo chủ nghĩa hòa bình của Pháp lại được tuyển dụng bởi những kẻ đầy thù hận, thật thú vị, phải không? Và sau đó, họ khiến chúng ta tin rằng họ đứng về phía nền dân chủ. Và hơn 40% người dân Pháp sẽ bỏ phiếu cho họ.
Putin đã làm chúng ta nhìn lại nước Pháp thông qua sự thật đáng kinh ngạc này.
- Những phân tích của ông đến giờ chủ yếu dựa vào lịch sử nước Nga. Còn cá nhân Putin thì sao?
Vì ông ta ở vị trí đó, ông ta đã giành lấy chiếc ghế đó và người ta để ông ta ngồi yên ở đó, ông ta nghĩ rằng mình có một sứ mệnh: khôi phục hình ảnh nước Nga vĩnh cửu. Tuy nhiên, một người có sứ mệnh là một người nguy hiểm. Bạn, tôi, những người khác, tất cả chúng ta đều có những dự án, chứ không phải sứ mệnh. Những người có sứ mệnh sẽ trở thành những nhà tiên tri, những chiến binh thánh chiến... Những người này luôn tìm ai đó để xác thực sứ mệnh của mình, những kẻ rót vào tai họ “đó là sự thật, anh nói đúng”. Nếu họ không tìm được ai đó như vậy, họ sẽ phải vào viện tâm thần, và chúng ta có thể gọi họ là kẻ điên, miễn là họ không gặp được người nào để hợp thức hóa tư tưởng của mình.
Bởi vì sự điên loạn, theo tâm thần học, là vấn đề cá nhân. Tôi cũng thấy ở ông ta một sự nhầm lẫn lỗi thời giữa quyền lực và sự thâm độc theo nghĩa đen. Ông ta cho mình là hiện thân của sự lớn mạnh, chứ không phải của sự bất ổn trong nền văn minh. Thậm chí ông ấy là nguyên thủ quốc gia cuối cùng làm như vậy. Một điều khác khiến tôi kinh ngạc: những người phụ nữ của ông ta đâu rồi? Tình nhân của ông ta, cô vận động viên thể dục hỗn hợp đôi nữ ấy, cô ta đâu rồi? Biến mất. Trong một đất nước mà quần chúng bị áp đảo, ông ta là loài linh trưởng duy nhất, là vị cha già dân tộc, hoàn toàn đơn độc, cũng giống như Stalin.
- Ông có thể nói gì với một người đặt mình ngoài vòng pháp luật như vậy?
Việc đặt những người như Milošević, Saddam Hussein hay các nhà lãnh đạo Triều Tiên ra ngoài vòng pháp luật đáp ứng việc thiết lập công lý quốc tế. Nhưng Putin là một con kền kền, một kẻ ăn thịt: càng được cho ăn nhiều, ông ta càng đói. Chúng ta đã phản ứng chậm, chậm cởi bỏ tâm lý lạc quan của những kẻ nhút nhát (optimisme munichois). Putin muốn gì? Tôi nghĩ rằng ông ta muốn bị bắt, muốn bị trừng phạt nhưng trong thâm tâm không ý thức được điều đó. Tuy vậy, việc thiết lập các giới hạn, đưa ra hình phạt là nhiệm vụ của chúng ta. Việc “ngăn chặn” ông ấy là nhiệm vụ của chúng ta.