Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“PHÒNG TRƯNG BÀY NHỮNG THỦ PHẠM”

(NCTG) “Nên chăng, nền tư pháp Việt Nam trong tương lai cũng có những căn phòng nước mắt và “lưu danh hậu thế” như vậy, dành cho những nạn nhân oan sai của bộ máy tư pháp, và những thủ phạm mà dần dần công luận nhất thiết cần phải biết đến tên”.
Những kẻ thủ ác, và phải chịu sự trừng phạt của lương tâm và hậu thế - Ảnh chụp màn hình
Khách tới tham quan Bảo tàng Khủng bố (A Terror Háza) tại thủ đô Budapest (Hungary), nơi trưng bày và tái hiện những di chứng tội ác của hai thể chế độc tài toàn trị thế kỷ 20 ở xứ sở này, có thể sẽ rất ấn tượng với hai căn phòng nhỏ, tối tăm, nhiều khi phải lần đi từng bước cho khỏi vấp, ở phần cuối của bảo tàng.

Phòng thứ nhất, được gọi bằng cái tên “Phòng những giọt nước mắt” (Könnyek terme), vòng quanh tường là tên những nạn nhân bị tử hình vì lý do chính trị tại Hungary thời gian 1945-1967.
 
“Phòng những giọt nước mắt”
“Phòng những giọt nước mắt”

Phòng thứ hai, “Phòng trưng bày những thủ phạm” (Tettesek galériája), treo ảnh những kẻ đã vận hành và phục vụ trung thành cho hai thể chế độc tài cộng sản và quốc xã kiểu Hung (nyilas).

Đó là những kẻ đã tham gia tạo dựng và duy trì các thể chế độc tài toàn trị, và bị coi là đã phạm những tội ác chiến tranh, diệt chủng, chống nhân loại, thậm chí đi ngược lại chính hệ thống luật đương thời của nhà nước độc tài đó.

Ai là những kẻ như thế? Trong thời kỳ từ năm 1945 trở đi tới năm 1961, đó là các Ủy viên Bộ Chính trị, hệ thống mật vụ, đương nhiên! Nhưng bên cạnh đó, còn có những gương mặt gạo cội của hệ thống tư pháp: các Bộ trưởng Tư pháp, các Chánh án Tòa án Tối cao, các Công tố viên trưởng!
 
“Phòng trưng bày những thủ phạm”
“Phòng trưng bày những thủ phạm”

Họ là những kẻ đã tiếp tay và gây nên cái chết của nhiều người dân, trong các phiên tòa ngụy tạo và dàn dựng đương thời, vì lý do chính trị. Đại đa số họ về sau cũng không phải ra tòa, không phải chịu sự trừng phạt của công lý, có kẻ còn sống ung dung với đồng lương hưu hậu hĩnh tới thời nay.

Nhưng họ vẫn là thủ phạm, là những kẻ thủ ác, và phải chịu sự trừng phạt của lương tâm và hậu thế.
 
Cánh tay bất lực của người mẹ - Ảnh: BaoSach2020
Cánh tay bất lực của người mẹ - Ảnh: BaoSach2020

Nên chăng, nền tư pháp Việt Nam trong tương lai cũng có những căn phòng nước mắt và “lưu danh hậu thế” như vậy, dành cho những nạn nhân oan sai của bộ máy tư pháp, và những thủ phạm mà dần dần công luận nhất thiết cần phải biết đến tên.

Mười bảy vị Thẩm phán Tối cao đã “đồng thuận cao” 100% trong phiên Giám đốc thẩm sáng nay, 8-5-2020, để một lần nữa đẩy Hồ Duy Hải vào cái chết, mặc những sai phạm trầm trọng trong công tác điều tra và thủ tục tố tụng, mặc những giọt nước mắt và những lời than đã cạn kiệt trong 12 năm ròng kêu oan của gia đình tử tù.

Chắc chắn họ phải có vị trí “xứng đáng” trong một “Phòng trưng bày những thủ phạm” như thế...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh