Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


PHÊ PHÁN NGƯỜI DÂN MỘT, PHÊ PHÁN CHÍNH QUYỀN MƯỜI

(NCTG) “Nếu một bộ phận dân chúng có sa đà vào sự trừng phạt kẻ thù ác theo thứ “pháp luật” riêng của họ như vậy, thì đối tượng đáng trách chủ yếu không phải họ mà là chính quyền này”.
Việc một cựu Phó Viện trưởng Viện Kiển sát Nhân dân TP. Đà Nẵng cưỡng bức một bé gái trong thang máy sảnh đã khiến công luận hết sức bất bình - Ảnh chụp từ camera an ninh
Không lâu sau hành vi đáng xấu hổ của ông Nguyễn Hữu Linh đối với một bé gái ở chung cư Quận 4, Sài Gòn, một số người, hầu hết là các bạn trẻ, đã đến check-in trước cổng nhà ông Linh tại 30 Lê Lợi, Hải Châu, Đà Nẵng.

Trước sự việc này, dư luận có hai luồng quan điểm: môt là phản đối vì ai làm người nấy chịu và hai là đồng tình hoặc chí ít là không phản đối vì một số lý do.

Ai làm người nấy chịu là quan điểm đúng mà cũng... ngược lại.

Cần phải minh định rằng đây là quan điểm đúng chỉ trên lập trường của pháp luật, mà pháp luật chỉ là một trong nhiều hệ thống quy phạm để điều chỉnh hành vi của con người và để phân định đúng sai.

Ngoài pháp luật còn có các hệ thống quy phạm khác như lẽ thường (common sense), quy phạm đạo đức, quy phạm xã hội, và với những ai có đức tin, thì còn có quy phạm của đức tin nữa…

Như một lẽ thường, người ta cảm thấy cái gì đó liên quan nhất đến kẻ gây ra hành vi xấu có một phần liên đới. Anh làm điều xấu thì những gì liên quan nhất đến anh, ít hay nhiều, đều có trách nhiệm đạo đức.

Cũng chính vì sự liên đới về trách nhiệm đạo đức đó, khó có thể đòi hỏi dư luận không được “truy cứu” những gì có liên quan nhất tới ông Linh.

Việc một số người check-in trước cổng nhà ông Linh, tuy phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến những người bên trong, song bởi lẽ trên và bởi không vi phạm pháp luật, nên hành vi này không đáng bị phản đối.

Tất nhiên, nếu thay check-in bằng các hành vi khác, thì vấn đề đúng/sai, đáng hay không đáng bị phản đối còn tùy hành vi đó là gì và như thế nào.
 
Cổng nhà ông Nguyễn Hữu Linh bị phun sơn đen dòng chữ “Ấ Dâm” - Ảnh: vnexpress.net
Cổng nhà ông Nguyễn Hữu Linh bị phun sơn đen dòng chữ “Ấ Dâm” - Ảnh: vnexpress.net

Thực tế là, người ta đã đi xa hơn cả việc check-in. Những người phẫn nộ nào đó đã ném chất bẩn vào cổng nhà ông Linh và vẽ từ “Ấ Dâm” lên đó thay lời muốn nói.

Từ góc độ pháp luật, đây là các hành vi không thể chấp nhận được. Chúng có thể được xem là vi phạm pháp luật dân sự và pháp luật hành chính (liên quan đến danh dự, nhân phẩm và tài sản riêng). Mà như vậy thì các hành vi này phải bị xử lý.

Tuy nhiên, đặt trong toàn cảnh, khi hệ thống pháp luật thiếu nghiêm minh, thừa tùy tiện, khi chính quyền có đầy đủ phương tiện thể hiện tiếng nói và quyền lực trong khi người dân không có bao nhiêu, cộng với việc các cơ quan chức năng chậm trễ vào cuộc trong tình huống cụ thể này, các hành vi đó là biểu hiện của một thứ “pháp luật” riêng, dù ngang ngược và vô lối.

Thêm nữa, khi hệ thống báo đài nhắm vào các hành vi đó để lên án và mở đường cho các cơ quan chức năng truy tìm thủ phạm, trong khi vụ án vẫn chưa được khởi tố và Nguyễn Hữu Linh vẫn nhơn nhơn tự do, nó cho thấy sự bỉ ổi của những kẻ thực thi pháp luật, rằng khi cần thì họ sẽ dùng pháp luật rất nhanh (thậm chí cả “luật rừng”), còn khi không cần thì họ cứ để từ từ đến mùa quýt.

Dân chúng thấp cổ bé họng không thể nào, hay khó có thể nào ngồi yên chờ đợi những kẻ hai mặt đó thực thi công lý. Mà đã không thể ngồi yên thì phải làm gì đó cho thỏa sự phẫn nộ. Lên tiếng chưa thỏa thì check-in; check-in chưa thỏa thì ném chất bẩn; ném chất bẩn chưa thỏa thì vẽ từ “Ấ dâm”, và nếu như vậy vẫn chưa thỏa thì có thể sẽ còn những hành vi trừng phạt nối tiếp.

Và nếu một bộ phận dân chúng có sa đà vào sự trừng phạt kẻ thù ác theo thứ “pháp luật” riêng của họ như vậy, thì đối tượng đáng trách chủ yếu không phải họ mà là chính quyền này.
 
Cư dân mạng chia sẻ nhiều lần những hình ảnh check-in trước tư gia của ông Linh với mục đích không để hành động của ông ta trôi vào lãng quên - Ảnh: Internet
Cư dân mạng chia sẻ nhiều lần những hình ảnh check-in trước tư gia của ông Linh với mục đích không để hành động của ông ta trôi vào lãng quên - Ảnh: Internet

Tôi không ủng hộ sự leo thang của các hành vi trừng phạt của dân chúng đối với ông Linh, song nhìn chung, sự leo thang này, phần nào, có thể biện minh được. Và sự phê phán dành cho các hành vi này, nếu có, phải là một sự phê phán công tâm xét trong toàn cảnh vừa nêu, rằng nếu phê phán người dân một, thì phải phê phán chính quyền gấp mười lần hơn thế.

Tác giả bài viết: Nguyễn Trang Nhung, từ Hà Nội