Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


PHẢI YÊU?

(NCTG) “Ở Việt Nam, các nhà văn nhà thơ thường chịu sự chỉ đạo tư tưởng của những nhà cầm quyền. Trường hợp Tố Hữu còn đặc biệt hơn nữa, nhà chính trị và nhà thơ trong ông không thể tách bạch, mà trong đó nhà chính trị vẫn đứng trên, đứng trước, vẫn chỉ đạo nhà thơ. Đó là bi kịch của dân tộc”.
Minh họa: Femcafe
Con ong làm mật yêu hoa 
Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời 
Con người muốn sống con ơi 
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Một ngôi sao chẳng sáng đêm 
Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng 
Một người - đâu phải nhân gian 
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

Trong bài thơ “Tiếng ru” của Tố Hữu, hai khổ thơ đầu tiên như ở trên ít nhiều đã sống với thời gian (phần không nhỏ có thể do nó được đưa vào sách giáo khoa?). Hai khổ thơ sau thì ít được nhắc tới, có lẽ bởi nó nặng tính công thức và ngôn từ thiếu sức gợi.

Bài thơ thấm đẫm chất ca dao. Hai câu đầu tiên tôi đã nhớ nhầm là ca dao.

Nhưng rốt cục, hai khổ thơ đã được chọn lọc kia cũng không thể hoàn hảo, bởi không ai thay tác giả mà xóa đi rồi viết lại hai câu sau của khổ thơ đầu được.
 
Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Tại sao lại “phải yêu”? Chỉ vì “muốn sống”? Tình yêu thương là một mạch nguồn tự nhiên, mạch nguồn đó chảy theo những quy luật tự nhiên, không thể khiên cưỡng. Nếu tình yêu thương bị cưỡng ép, nó có thể biến thành sức mạnh hủy diệt. Nếu ta bảo vệ anh em của mình, đồng đội của mình chỉ với động cơ bảo vệ bản thân khỏi sự diệt vong thì tình cảm chi phối hành động này mới chỉ là tình cảm vị kỷ; và như vậy, khi đồng chí gây nguy hiểm đến mình thì không còn là đồng chí nữa, khi anh em gây tổn hại đến mình thì không còn là anh em nữa.

Tình yêu thương cao cả đứng trên sự sống chết. Dù người ta yêu thương ai đó cũng vì mình thôi, nhưng để trao truyền đi tình thương này, có những khi người ta phải lựa chọn cái chết. Dù tình yêu thương cũng là một thứ lợi ích thôi, nhưng lợi ích tinh thần này còn cao hơn sự sống của thân xác. Người ta có thể hy sinh sự sống thể xác để cho tình yêu được sống, để linh hồn mình mãi mãi ở nơi thượng giới.

Câu thơ dạy con “phải yêu” của Tố Hữu, xét cho đến cùng, chỉ là một câu dạy đời du dương đã được lắp vần một cách trơn tru, được người đọc dễ dãi chấp nhận. Nếu “phải yêu” như thế thì có lẽ đúng với loài ong. Những con ong yếu ớt, bệnh tật sẽ bị đuổi ra khỏi tổ, để cho tổ ong luôn sạch sẽ và mật ong không bị hỏng, để những con ong còn khỏe không bị lây bệnh. Bản năng sinh tồn đã làm cho ong chỉ yêu những “đồng chí”, những “anh em” còn sức lao động, rút lại tình yêu, rút lại tình đồng chí, tình anh em với những cá thể đuối sức và trở thành mối nguy.

Loài người không phải một loài côn trùng nhưng cũng đã từng như thế, và có thể ở đâu đó vẫn còn như thế.

Tôi không khỏi chạnh lòng khi nhớ tới nhận xét của một số người, rằng người Việt chỉ khi ở trong tình thế nguy hiểm mới phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; còn khi họ chưa nhìn ra nguy hiểm ngay trước mắt thì họ ghen ăn tức ở, vùi dập lẫn nhau. Nhưng người Việt thì chả nhẽ không phải loài người hay sao? Tôi tin là dân tộc nào cũng vậy, nhưng sự khác nhau nằm ở khả năng nhìn xa trông rộng để phát hiện mối nguy hiểm khi nó còn ở xa chứ chưa kề đến cổ mình.

Khả năng nhìn xa trông rộng ấy đến từ đâu?

Trí tuệ sáng suốt luôn đi cùng tình cảm cao thượng. Những rung động thanh cao sẽ thanh lọc tâm trí con người, mách cho họ biết những gì nên làm và những gì không nên làm.

Văn chương là nơi lưu lại những tư tưởng, tình cảm của loài người. Những rung động tinh tế nhất biến ngôn từ thành thơ. Loài người lưu giữ những tác phẩm văn học giá trị như loài ong cất giữ loại mật có tác dụng nuôi dưỡng và chữa lành. Và để khỏi làm hỏng thứ “mật” quý giá này, con người cũng tìm cách tống khứ ra khỏi kho tàng những tác phẩm chứa đựng tư tưởng tình cảm thấp hèn, xa rời nhân bản.

Có thể hiểu được tại sao nhiều người dị ứng với Tố Hữu đến thế. So với câu thơ tôi nhắc đến ở trên trong bài “Tiếng ru” thì Tố Hữu còn có những câu thơ, những bài thơ cưỡng ép tình cảm tự nhiên hơn nhiều. Đó là vì ông đã dùng thơ như một công cụ để phục vụ chính trị. Hay được đem làm dẫn chứng nhất là những câu trong bài thơ “Đời đời nhớ ông” viết vào năm mà Stalin mất (1953):
 
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin!
...
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười.

Nhưng Tố Hữu không phải là nhà thơ Việt Nam duy nhất hành xử như vậy. Ở những đất nước tiến bộ, các nhà văn nhà thơ thường là những người đi trước trong lĩnh vực tư tưởng, các nhà hoạt động chính trị xã hội cần tham khảo tác phẩm của họ. Nhưng ở Việt Nam, các nhà văn nhà thơ lại thường chịu sự chỉ đạo tư tưởng của những nhà cầm quyền. Trường hợp Tố Hữu còn đặc biệt hơn nữa, nhà chính trị và nhà thơ trong ông không thể tách bạch, mà trong đó nhà chính trị vẫn đứng trên, đứng trước, vẫn chỉ đạo nhà thơ. Đó là bi kịch của dân tộc.

Tố Hữu đã có những bài thơ hay. Tôi tin rằng ông đã từng sống với lý tưởng trong sáng và tràn đầy nhiệt huyết. Nhưng nhà thơ trong ông đã có những lúc mù quáng, nếu không thì ông đã chẳng viết ra những thứ làm cho giới cầm bút phải hổ thẹn.

Điều đã xảy ra với Tố Hữu cũng có thể xảy ra với bất kỳ người cầm bút nào. Cuộc đời có những cạm bẫy nguy hiểm mà người ta cần phải đủ sức mạnh và sự tỉnh táo để hoặc là hóa giải được nó, hoặc là tránh xa nó. Có những nhà văn nhà thơ về sau đã thú nhận rằng ngòi bút của mình bất lực và sa ngã, họ biết xấu hổ và đã thừa nhận sai lầm. Nhưng tôi không được nghe những điều tương tự về Tố Hữu. Liệu đó có phải là lý do mà nhiều người ác cảm với ông đến nỗi cười cợt cả những bài thơ hay của ông không?

Như tôi lúc này cũng đang tự chất vấn mình rằng liệu tôi có cực đoan với câu thơ dạy con trong bài “Tiếng ru” của Tố Hữu? Có lẽ câu thơ ấy, khổ thơ ấy vốn dĩ hoàn hảo theo cách của nó, chỉ có tôi là không hoàn hảo nên đang tìm cách thanh lọc chính mình.

Tôi không phải là nhà phê bình văn học, cũng không có dự định về việc đem thơ Tố Hữu ra bình luận. Chỉ là mấy ngày nay khi đọc về loài ong, tôi chợt nhớ và google câu thơ “con ong làm mật yêu hoa...”. Tôi đã không hề nhớ đó là thơ của Tố Hữu, và không hề nhớ là còn có câu thơ tiếp theo làm thành một khổ thơ. Khi đọc đến tôi đã khựng lại. Lúc còn nhỏ tôi đã đọc hai khổ thơ này trong sách giáo khoa. Hồi ấy tôi không gặp vấn đề gì cả, cũng không hề thấy “phải yêu đồng chí, yêu người anh em” là bất tự nhiên. Lúc đó có lẽ với tôi thơ chỉ là phải có vần. Thơ Tố Hữu luôn có vần, nhịp nhàng và dễ thuộc. Tôi không nghi ngờ là tôi đã từng thuộc hai khổ thơ ấy, nhưng sau đó đã quên, chỉ nhớ hai câu đầu tiên.

Bây giờ tôi không còn là một đứa bé, cũng không còn phải tập kỹ năng học thuộc lòng một bài thơ. Nhưng vấn đề tôi gặp phải hôm nay làm cho tôi sẽ rất khó quên những câu thơ này của Tố Hữu. Trong cùng một khổ thơ mà hai câu đầu thì tôi yêu biết mấy, hai câu sau thì tôi ghét biết mấy.
 
Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời.

Yêu thì tự nhiên giản dị thế thôi. Yêu không vì phải yêu, thậm chí không tự biết đó là yêu nữa.

Tác giả bài viết: Ái Nữ, từ Sài Gòn - Ngày 30-10-2016