Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nhân Ngày Môi trường Thế giới: MÔI TRƯỜNG CÓ PHẢI LÀ CỦA RIÊNG MÌNH ĐÂU MÀ SỢ?

(NCTG) “Đúng rồi, chẳng có gì nghiêm trọng, và đặc biệt nếu chỉ ảnh hưởng đến môi trường, đến không khí, đến rừng, đến biển, đến nguồn nước, thì có làm sao đâu? Những cái đó là của chung, có phải của riêng nhà mình, có chết người ngay đâu mà nghiêm trọng?”.
Môi trường bị hủy hoại, kèm tệ xả lũ của các nhà máy thủy điện khiến người dân cùng khổ - Ảnh: Internet
Lời Tòa soạn: Gìn giữ môi trường sống trong quá trình phát triển kinh tế, hiện đại hóa làm sao không hủy hoại môi trường chúng ta đang sống đã và đang là bài toán lớn của thế giới, và đặc biệt đúng đối với Việt Nam, nơi môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những năm gần đây, mặc những cảnh báo của giới khoa học và cộng đồng.

NCTG trân trọng giới thiệu những suy tư trong vấn đề này của Giang Phạm (Jang Kều), nhà sáng lập và điều hành Quỹ Nhà Chống Lũ, một dự án cộng đồng ra đời cuối tháng 11-2013 nhằm chung tay hỗ trợ và thúc đẩy năng lực vươn lên của bà con nghèo trong các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt và biến đổi khí hậu.
 
Tác giả gặp lại cụ bà Hồ Thị Nga - người đầu tiên được Nhà Chống Lũ xây nhà trong đợt thí điểm tháng 11-2013. Cụ bà chính là người đã phải nén đau đớn ôm xác cụ ông suốt 10 ngày trên chạn chờ nước lũ rút. Gặp lại, ánh mắt cụ vui hơn rất nhiều - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tác giả gặp lại cụ bà Hồ Thị Nga - người đầu tiên được Nhà Chống Lũ xây nhà trong đợt thí điểm tháng 11-2013. Cụ bà chính là người đã phải nén đau đớn ôm xác cụ ông suốt 10 ngày trên chạn chờ nước lũ rút. Gặp lại, ánh mắt cụ vui hơn rất nhiều - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cách đây hai hôm là ngày Môi trường Thế giới 5-6. Cũng thời gian này năm ngoái, tôi viết chương trình “Chảy Đi Sông Ơi” về những dòng sông không chảy nữa và hạn hán khủng khiếp ở miền Tây. Năm nay, sông càng cạn thêm đi, cát tặc thì ngày càng lộng hành, bờ sông sạt lở, nhà cửa bị cuốn trôi, hệ sinh thái bị phá hủy.

Nhớ đến những đồng ruộng nứt nẻ, cả những ruộng mía tưởng như có khả năng chịu hạn tốt cũng cháy khô. Tôi nhớ những cái “giếng” là những vũng nước ngầu bẩn ở Thới Lai (Tam Hiệp, Bến Tre) - nơi người ta phải mắc võng nằm canh như bảo vệ một báu vật, để rồi bán từng mét khối nước với giá lên tới 70-80.000 VND, mà cũng không có nhiều để bán.

Tôi nhớ những con trâu, con bò gày gò nằm chờ chết trên cánh đồng khô úa. Mà đâu chỉ trâu bò, cả những con người, hàng triệu nông dân miền Tây cũng héo hon! Tôi nhớ đến những đợt lũ chồng lũ, trâu bò, lợn gà, tài sản, nhà cửa trôi sạch. Rồi hình ảnh hàng trăm người chết. Và cá cũng chết. Biển cũng chết. Nghĩ đến những phận người lay lắt chạy lên rú (núi) trốn lũ, chờ máy bay trực thăng thả mì gói, lương khô và nước xuống, để sống qua ngày đợi lũ rút đi.

Tôi nhớ những gia đình có người thân mất khi có lũ, không thể đi chôn được, và khi lũ rút cũng không có nổi mảnh chiếu lành cuốn xác người thân, để rồi mơ ước chỉ gói gọn trong việc có một chiếc quan tài để sẵn phòng khi chết...

Con người lạ thật, tận diệt mọi thứ, tưởng mình là siêu phàm, là chúa tể muôn loài, tưởng khi những con sông con suối không còn, những cây xanh biến mất, thì có thể lấy gạch đá bê-tông ăn thay cơm, gang thép để tráng miệng, lấy tiền làm quần áo để mặc, và đeo bình ôxy đi đánh golf, hay gặp nhau ở những câu lạc bộ quý tộc hạng sang... trên bầu trời, trên sa mạc hay... dưới lòng đất.

Thử tìm hiểu xem đất nước mình còn bao nhiêu phần trăm diện tích rừng đầu nguồn (gần như chúng ta chẳng còn lại nổi 10%), đi máy bay nhìn xuống Tây Nguyên thấy trơ trụi, mới hiểu tại sao dòng Mekong nước chuyển sang màu xanh biếc như nước biển, lúa và hoa màu chết, khô hạn đến không còn nước ăn, nước uống cho con người.

Thử khảo sát xem đất nước ta đang có bao nhiêu đập thủy điện, nhà nhà đầu tư thủy điện, tỉnh huyện nào có suối, có rừng là có thủy điện, trong khi trên thế giới người ta đã dần loại bỏ dần nguồn điện năng phá hoại môi trường tự nhiên và nguy hiểm cho cuộc sống của cong người này và thay bằng điện gió, năng lượng mặt trời. Vậy mà người ta thậm chí còn định làm sáu thủy điện ở ngay giữa Thủ đô (!).

Năm nào cũng vậy, cũng lại nghe thủy điện xả lũ bất ngờ ở miền Trung, rồi không còn rừng giữ nước nên lũ càng ngày càng trở nên hung bạo, càng ngày thiệt hại do lũ gây ra càng lớn hơn. Và huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) năm ngoái lũ cao kỷ lục, bao nhiêu người chết và mất tích, bao nhiêu tài sản đã bị trôi hết, bao nhiêu căn nhà bị đổ sập. Theo ước tính, cả nước đã có hơn 120.000 căn nhà bị sập, bị cuốn trôi hoặc nát đến mức không thể ở được do bão lũ, và mỗi năm có thêm 5.000 đến 6.000 căn nhà nữa thêm vào danh sách cần được xây lại.

Dự án Nhà Chống Lũ mà chúng tôi bắt đầu khởi xướng từ cuối năm 2013 liên tục phải tăng tốc để có thể hỗ trợ bà con nghèo xây được nhiều nhà an toàn hơn, tính đến cuối năm nay, tối đa cũng chỉ được 550 căn nhà. Bao giờ xây đủ số nhà đã bị thiên tai và nhân tai tàn phá? Rồi sông, rồi biển bị bức tử bởi hàng loạt các nhà máy giấy, nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép...

Để “ru đời đi nhé”, bao lãnh đạo đầy trách nhiệm đã cố xuống tắm biển, ăn hải sản cho người dân yên tâm, nhưng rồi sau những thảm họa cả năm trời, Phó Thủ tướng lại phải yêu cầu không đánh bắt cánhững-nơi-trước-đây-đã-được-công-bố-là-an-toàn cho đến khi có kết luận “an toàn thực sự” của một cơ quan nào đó đáng tin cậy.

Và đến giờ, cộng đồng mạng vẫn còn khản cổ kêu gào phản đối việc cấp phép xây dựng nhà máy nhiệt điện, một nhà máy khổng lồ ở ngay cạnh Sài Gòn, mà không biết việc phản đối này sẽ đi đến đâu. Hay rồi chúng ta cứ để nó vận hành như cái nhà máy giết biển kia cho đến khi thảm hoạ xảy ra? Rồi khi tiếp tục có vụ nổ lò hơi khi vận hành một dây chuyền sản xuất, thì các quan chức trung ương và địa phương vẫn “nhiệt tình thay mặt doanh nghiệp” ngay lập tức phát ngôn rằng thiệt hại không đáng kể” và “đây chỉ là sự cố không nghiêm trọng.

Đúng rồi, chẳng có gì nghiêm trọng, và đặc biệt nếu chỉ ảnh hưởng đến môi trường, đến không khí, đến rừng, đến biển, đến nguồn nước, thì có làm sao đâu? Những cái đó là của chung, có phải của riêng nhà mình, có chết người ngay đâu mà nghiêm trọng?

Chặt hơn 100 ha rừng phòng hộ để tổ chức thi hoa hậu ở Phú Yên, chặt hơn 60 ha rừng dẻ ngàn năm tuổi để làm sân golf ở Huế, chuẩn bị chặt tiếp 150 ha rừng ngập mặn ở Thái Bình, rồi định xóa sổ khu bảo tồn thiên nhiên với loài voọc đặc biệt được đưa vào sách đỏ của thế giới, rồi làm cáp treo ở Sơn Đoòng, ở Sapa... thì có làm sao?

Có phải của nhà ai đâu, nhà mình vẫn thế, không suy chuyển. Có chặt 6.700 cái cây năm ngoái, hay chặt thêm 1.300 cây trên đường Phạm Văn Đồng, và xử lý nốt 4.000 cây-xà-cừ-không-có-giá-trị-kinh-tếkhông-phù-hợp-trồng-ở-quốc-lộ nữa cũng có sao đâu!

Làm sao mà chứng minh được mối liên quan giữa việc chặt cây và nhiệt độ Thủ đô bị nóng lên, giữa việc thời tiết nóng quá và việc gần 100 ha rừng ở Sóc Sơn và 15 ha rừng ở Tam Đảo bị cháy trong mấy ngày qua. Chả có gì liên quan đến cái gì cả, tất cả đều vô tình và ngẫu nhiên thôi, và đúng là mấy tháng gần đây, ngẫu nhiên có nhiều chuyện về môi trường quá.

Nhưng thôi, đất nước cần phát triển, cần đô thị hóa, cần công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta “cần phải hi sinh”, và không nên có “những suy luận thiếu căn cứ” nữa. 

Nhiều người hỏi tôi, chả nhẽ Nhà Chống Lũ cứ đi xây nhà mãi à, xây làm sao hết. Đúng rùi, sẽ chẳng bao giờ xây hết nhưng dù trong bất cứ điều kiện nào, chúng ta vẫn nên nỗ lực chung tay hỗ trợ những gia đình nghèo sống chung với lũ, với hạn hán và sạt lở. Dù thế nào chúng ta cũng vẫn phải hy vọng và hành động để cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tôi nghĩ về những hàng cây cổ thụ che mát bao con đường. Nghĩ về những cánh rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn với bao loài sinh vật sinh sống yên bình. Nghĩ về những chú linh trưởng tuyệt đẹp cũng cùng nguồn gốc “Homo Sapiens” với chúng ta. Nghĩ về những miệt vườn xanh ngát, những cánh đồng thơm mùi lúa mới trải dài thẳng cánh cò bay. Nghĩ về những con thuyền mang đầy cá tôm trở về từ biển bao la. Nghĩ về những dòng sông đã từng xanh mát mang đến nguồn sống, môi trường, tưới mát cho tâm hồn, chở những mơ ước, những vẻ đẹp của văn hóa bao vùng miền...

Ừ nhỉ, có một ngày gọi là ngày Môi trường. Là ngày nhắc chúng ta thức tỉnh, nghĩ về Mẹ Thiên Nhiên để biết ơn và đền đáp... Một ngày để nhắc nhớ nhưng một đời để suy nghĩ và hành động!

Tác giả bài viết: Giang Phạm, từ Hà Nội