Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nghĩ về miền Trung: MÔI TRƯỜNG VÀ CHÍNH PHỦ

(NCTG) “Đây không phải là một bí mật quân sự, không phải là những đề phòng, toan tính chính trị, chỉ đơn giản là trách nhiệm của chính phủ với người dân. Trách sao trong xã hội không có niềm tin như một số quan quyền cũng đã nhận xét. Lỗi đâu phải ở dân”.
Cá chết hàng loạt trong những tuần qua ở nhiều tỉnh miền Trung làm dấy lên nỗi âu lo về thảm họa môi trưòng - Ảnh: laodong.com.vn
Những vấn đề về môi trường luôn ảnh hưởng đến số đông cư dân nên cách giải quyết xưa nay vẫn là tìm đến những thỏa thuận chung trong sự cân nhắc lợi hại của mỗi người, từ bãi rác ngoài làng đến ô nhiễm khí quyển thế giới.

Một điều rất rõ ràng, không có gì để tranh cãi, là chức năng và trách nhiệm của chính quyền trong việc thiết lập và bảo vệ những quy định chung trong một nước cũng như giữa những quốc gia. Mức độ tinh vi, ảnh hưởng kinh tế và nhất là khả năng tàn phá môi sinh của công nghệ hiện đại đòi hỏi phải có những chính sách và biện pháp thích hợp để ngăn ngừa và đối phó với những tai họa về môi trường mà chỉ có chính quyền quốc gia mới đủ năng lực.

Hiện tượng cá chết đầy bờ biển miền Trung trong ba tuần gần đây hẳn phải được xem là một tai họa môi trường. Người công dân nên đòi hỏi chính phủ phải đối phó như thế nào?

Một sự cố ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của hàng triệu người trong bốn tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên), ảnh hưởng đến một nguồn thực phẩm quan trọng của cả nước là vấn đề có tính cấp bách, cần phải có ngay một nhân vật cao cấp đứng ra trực tiếp lãnh trách nhiệm điều hành giải quyết.

Nhân vật này phải có đủ quyền lực để tạm thời điều khiển và phối hợp hoạt động của những cơ quan chức năng khác nhau lúc khẩn thiết, tránh nạn quan liêu cục bộ thường thấy ở quan chức công. Người chỉ huy trong tình cảnh này phải có vị thế và uy tín để lên tiếng đại diện cho chính phủ, trực tiếp chịu trách nhiệm về những thông tin, kế hoạch và phán quyết về phía chính phủ, phải là người mà dân cũng như báo chí có thể kêu tên chỉ mặt khi đánh giá và phê phán sự hữu hiệu của chính quyền.

Nhưng thực tế thì ta không thấy một phản ứng tích cực mạnh mẽ đúng tầm từ phía chính quyền. Báo chí chỉ đưa tin những tuyên bố có phần trái ngược, có hơi hướng biện minh, chờ đợi sự chỉ đạo của “bề trên” hiện đang vắng bóng, im lời. Đây không phải là một vấn đề chính trị! Người dân cần có niềm tin vào sự quan tâm và hữu hiệu của chính quyền. Một niềm tin không thể có được với cách hành sự của chính quyền như đã thấy.

Với người dân sống ở ven biển miền Trung thì câu hỏi khẩn thiết nhất hẳn phải là nước biển và các loại hải sản có bị nhiễm độc không. Sau nhiều ngày ấm ớ, một quan chức cấp tỉnh tuyên bố là tôm cua sống thì ăn được và nước biển vẫn an toàn để tắm. Một câu nói thiếu hiểu biết đến ngu xuẩn, tùy tiện đến vô trách nhiệm khiến mạng Facebook rộn lên những lời chế nhạo. Hẳn cũng có những tiếng cười chợt tắt khi nghĩ đến sức khỏe và kinh tế của dân nghèo. Cảm giác buồn cười bị thay thế bằng sự lo lắng và tức giận.

Xác nhận nước có độc hay không cần phải có kết quả xét nghiệm, một vấn đề đơn giản và nhanh chóng đối với khoa học và công nghệ ngày nay. Hải sản cũng thế. Mức độ hấp thụ độc tố từ môi trường khác nhau, phản ứng với độc tố cũng không giống nhau. Đây là những điều hiển nhiên đến nhàm với người có kiến thức trung học phổ thông. Điều quan trọng là phải nhanh chóng xét nghiệm và nhất là trình bày kết quả công khai, minh bạch một cách khách quan đúng khoa học.

Đa số dân có thể không hiểu, không cần biết quá trình nhiễm độc thủy ngân diễn ra như thế nào, không có khái niệm về nồng độ ppm vân vân. Nhưng công bố kết quả xét nghiệm một cách minh bạch trong tinh thần khoa học sẽ đem đến niềm tin rằng chính phủ đang cố giải quyết vấn đề một cách trung thực.

Những chuyên gia độc lập cũng như trong hệ thống chính quyền có thể vạch ra những thiếu sót, những thử nghiệm cần được bổ sung. Họ có thể đối chiếu với tiêu chuẩn nước biển sạch ở nơi khác, so sánh độ ô nhiễm với Nha Trang, Vũng Tàu, vân vân. Người dân sẽ chấp nhận và có được niềm tin rằng những tuyên ngôn, khuyến cáo của chính quyền là trung thực, có cơ sở khoa học.

Nếu không may, kết quả là biển bị nhiễm độc, hải sản không an toàn, thì những thử nghiệm và mô hình khoa học nghiêm túc (công khai cho mọi chuyên gia chất vấn và đóng góp) có thể dự đoán, dù không chính xác, tai họa này sẽ kéo dài đến bao giờ, trầm trọng và tốn kém như thế nào. Chính quyền phải chuẩn bị ngân sách cứu trợ, phải xét lại những dự án xây dựng tượng đền, đình miếu văn hóa chẳng hạn.

Thực tế thì ngoài câu trả lời “cứ ăn, cứ tắm”, ta chưa hề thấy có một sự suy tư cân nhắc gì về phía chính quyền. Đây không phải là một bí mật quân sự, không phải là những đề phòng, toan tính chính trị, chỉ đơn giản là trách nhiệm của chính phủ với người dân. Trách sao trong xã hội không có niềm tin như một số quan quyền cũng đã nhận xét. Lỗi đâu phải ở dân.

Song song với việc đối phó với hậu quả của tai họa đã xảy ra, tìm rõ nguyên nhân hẳn cũng là một vấn đề cần thiết và cấp bách, một trách nhiệm quan trọng của chính quyền. Giả thuyết rõ ràng, đơn giản nhất là cá chết do độc tố từ nước thải của khu công nghiệp Formosa ở Vũng Áng.

Dù đúng hay sai, đây là một giả thuyết cụ thể mà rất nhiều người, nếu không phải là đại đa số dân, đều hiểu được và nghĩ là đúng. Đây cũng là một giả thuyết có thể được nhanh chóng xác nhận hay bác bỏ một cách khách quan và nghiêm túc. Chính quyền đã không ra tay điều tra và kiểm chứng một cách minh bạch và nhanh chóng là một điều không thể không phê phán.

Một điều đáng nói là cách làm việc tắc trách, thiếu suy nghĩ và vô trách nhiệm này lại được sự ủng hộ và biện minh của một số người xem chừng cũng có học, có kiến thức chuyên môn. Họ khẳng định cá chết vì nguyên nhân tự nhiên bằng những “luận cứ khoa học” mà có người đã châm biếm rằng nói cá chết vì chết... đuối nghe còn hợp lý hơn. Họ “phân tích, giải thích” nước thải chỉ là nước ngọt, đã được xử lý, không có tai hại gì.

Xem chừng những nhân vật “hàn lâm” này đã quên bài học đầu tiên về khoa học là mọi giả thuyết, mọi giải thích đều phải được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Khi mà phương pháp thực nghiệm kiểm chứng hoàn toàn khả thi và dễ dàng, không khó như đo sóng hấp dẫn, thì cách định hướng dư luận bằng những “luận cứ” của họ cũng cần bị phê phán.

Đo lường nồng độ hóa chất trong nước thải không những là một việc làm dễ dàng mà hẳn phải là một đòi hòi của mọi công trình kỹ nghệ ngày nay. Câu nói đùa quen thuộc của những người trong kỹ nghệ sản xuất điện tử là những hóa chất cần thiết đều là chất độc hoặc chất nổ và thường là cả hai. Kỹ nghệ sản thuất thép cũng không chỉ dùng hóa chất vô hại. Xử lý nước thải để nồng độ hóa chất không vượt quá mức quy định đòi hỏi phí tổn đáng kể trong nhiều kỹ nghệ. Hóa chất càng độc hại thì nồng độ hợp pháp càng thấp.

Nhiều địa phương có những quy định ít khắc khe hơn để thu hút các xí nghiệp. Quy định như thế nào tuỳ thuộc sự cân nhắc giữa ích lợi kinh tế và mức độ ô nhiễm. Đây là một sự cân nhắc, trả giá không dễ dàng, một sự thỏa thuận giữa những quan điểm, quyền lợi khác nhau. Nhưng những quy định về môi trường, cũng như luật pháp, đều phải rõ ràng và công khai.

Một cơ sở trên 1 tỉ đô với một lượng nước thải hơn 10 ngàn mét khối mỗi ngày không thể không bị bắt buộc có trang bị hệ thống quan trắc tự động để đo và ghi lại nồng độ của các hóa chất trong nước thải. Đối chiếu độc tố trong xác cá với những hoá chất trong nước thải là một việc dễ dàng, cần được công bố ngay. Đối chiếu kết quả đo ở miệng ống thải với hồ sơ của Formosa và quy định của chính phủ về nồng độ thải hợp pháp sẽ làm vấn đề rõ ràng hơn cho mọi người.

Cá có trúng độc từ nước thải Formosa không, Formosa có làm đúng quy định không, nếu không thì vì sơ suất hay cố tình gian trá, quy định có nghiêm ngặt đủ để bảo vệ môi trường sinh thái biển không... là những câu hỏi có thể được trả lời tương đối rõ ràng ngay với những phương pháp điều tra, kiểm chứng và xét nghiệm khoa học. Thế nhưng không có dấu hiệu gì qua truyền thông đại chúng là chính phủ đang nghiêm túc tìm hiểu sự thật. Cũng không có dấu hiệu gì là các nhà chuyên môn, trí thức đang công khai lên tiếng đòi hỏi chính quyền giải quyết những nghi vấn này một cách khoa học và minh bạch.

Ta không thể không đặt câu hỏi tại sao.

Bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên để người dân có được một đời sống an lành không phải là một vấn đề chính trị trên lý thuyết. Nhưng thực tế thì ta không thể không nhìn sự thất bại, vô trách nhiệm, và bất lực của chính quyền dưới góc độ chính trị vì đây chính là sự thất bại, thiếu trách nhiệm và bất lực của những người quyết nắm giữ quyền lãnh đạo, định hướng đường lối cho đất nước, quyết ngăn chặn những tiếng nói phản biện trung thực.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ