Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NÓI BA LÁP VỀ THÂN PHẬN PHỤ NỮ

(NCTG) “Bây giờ là cái thời đại gì mà một người mẹ không được tự hào về vòng mông của mình? Bây giờ là năm thứ bao nhiêu mà một người mẹ phải dắt con gái đi vá lại màng trinh?”.

Nhà thơ Bùi Khương Hà

Mình có một nhóm bạn chơi với nhau lâu năm trên một diễn đàn chung. Ngoài việc chia sẻ với nhau từ chuyện nhà cửa con cái tới chuyện bồ bịch, mọi người còn hay “tám” với nhau về nhiều vấn đề xã hội.

Trong nhóm có mấy nhân vật nam khá buồn cười, hay lượn qua “VnExpress”, mục “Hôn nhân gia đình” hay “Tư vấn” gì gì đó, thỉnh thoảng lại lượm được một cái tin hoặc chuyên đề khá hài hước, đại loại như “dằn vặt vì đã không còn nguyên vẹn khi đến với vợ”, “cô ấy không còn trinh khiến tôi bị xúc phạm nặng nề”, “mẹ dẫn con gái đi vá màng trinh”, “phải làm gì để anh ấy đừng dằn vặt vì phát hiện ra tôi không còn trinh nữa?”, vân vân và vân vân.

Tất nhiên, về vấn đề trinh tiết, không ai bàn luận tới việc nên hay không nên, phải hay không phải. Dù mọi người coi mấy bài báo đó như chuyện giỡn, nói cho vui miệng, mình thì cũng thấy vui nhưng đằng sau cái vui đó hình như có rất nhiều điều làm cho mình khó chịu.

Bây giờ là thời đại gì rồi mà nhiều người vẫn còn đem một cái màng trinh ra để đánh giá nhân cách của một con người, nhất là người đó lại chính là người vợ mà mình đã rất yêu thương nên mới quyết định cưới? Mình có vài người bạn, đều học thức đầy mình, nhưng khi kể chuyện ngày xưa, dù không cố ý nhưng mình vẫn nghe ra vị hơi cay đắng khi họ nói đến việc vợ họ không còn nguyên vẹn khi đến với họ. Mặc dù vợ chồng họ vẫn sống với nhau, nhưng hai chữ trinh tiết ít nhiều gì cũng vẫn ám ảnh đến tâm lý của họ theo kiểu “giá có thì tốt hơn bao nhiêu”. Có lẽ trong vô thức, họ coi đó vẫn là một sự không trọn vẹn.

Nói tới đây mới thấy sợ Khổng Tử. Học vấn lẫn hiểu biết của phương Tây cũng không đánh đổ được vài cái quan niệm vớ vẩn mà Khổng Tử xây dựng từ đời nảo đời nào. Bây giờ là thời đại gì rồi mà những cô gái vẫn còn phải sợ hãi khi không còn trinh tiết? Tư tưởng bảo thủ lạc hậu của Trung Hoa cổ đại nhờ cái gì mà vẫn còn sống được tới giờ này?

Nho giáo của Khổng Tử bắt nguồn từ khoảng đầu thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên, khi ông chính thức được nhà Lỗ nhận vào triều đình với chức vụ tể tướng và coi sóc việc hành pháp. Quan điểm về thế giới xung quanh của ông bắt đầu thiết lập nên một hệ thống tư tưởng có sức ảnh hưởng sâu rộng và tồn tại đến tận ngày nay. Ngoài việc nhấn mạnh vào Ngũ thường (nhân - lễ - nghĩa - trí - tín), ông còn coi Ngũ luân như rường cột để giữ vững một quốc gia.

Mà thôi, những thứ này ai cũng biết rồi, mình không nói nhiều nữa. Đại khái là Khổng Tử dù chối bai bải là mình không phát minh ra cái tư tưởng quái gì hết, nhưng trên thực tế thì từ việc bám vào chuyện trị quốc bình thiên hạ mà đồng chí ấy cũng đã “nâng thành quan điểm” một số vấn đề rất ư là nghiệt ngã, ví dụ như vị trí của người phụ nữ trong xã hội và cái nhìn về tiết hạnh của người phụ nữ.

Có một câu nói nổi tiếng của một nhân vật Tống Nho là Trình Di - “Chết đói là chuyện rất nhỏ, thất tiết là chuyện rất lớn” - có thể coi là tiêu biểu cho tinh thần Nho giáo. Theo đó, phụ nữ mà thất tiết trước khi có chồng là một tội rất nặng, sẽ bị coi là lăng loàn, không đứng đắn. Phụ nữ sau khi chồng chết mà tái giá thì tuy tội không nặng lắm nhưng không được hoan nghênh.

Các câu chuyện về liệt nữ của Trung Hoa thường đề cao những nhân vật tuẫn tiết vì chồng. Không biết những triều đại sử dụng Nho giáo để trị quốc đã thái bình tới mức nào, nhưng số người đau khổ, thậm chí mất mạng vì tư tưởng này có khi không ít hơn số người chết ở một quốc gia loạn lạc. Những cái chết và sự tổn thương về tinh thần này không hề được ghi nhận, thống kê và đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của nó.

Chưa hết, cũng vì quan niệm trọng nam khinh nữ của Nho giáo, không biết bao nhiêu bé gái đã phải chết oan dù không có tội tình gì. Điều nực cười là hệ thống tư tưởng này vốn được xây dựng để áp dụng cho một đất nước dưới chế độ theo hình thức vua - tôi, nhưng vẫn ngang nhiên được áp dụng ở “thiên đường XHCN” như ngày nay, đến độ gây nên một sự mất cân bằng giới tính ở mức báo động.

Nước Việt Nam, sau hàng ngàn năm sống dưới sự đô hộ của Trung Hoa, có thể coi là gần như bị đồng hóa về mặt lễ giáo, phong tục và quan niệm. Tuy quan niệm về vị trí của người phụ nữ trong xã hội và trong gia đình của người Việt có nhẹ nhàng hơn so với Trung Hoa, nhưng riêng một điều lại được giữ lại với nguyên xi tinh thần Nho giáo: trinh tiết. Có lẽ, đàn ông Việt Nam không phải là thoải mái hơn, mà là khôn hơn, vì nếu để cho phụ nữ tự do với một số hoạt động nhất định trong xã hội thì bên có lợi là chính đàn ông chứ không phải ai khác. Riêng chuyện trinh tiết, thì thất tiết được xem là bất lợi cho phái nam, cho nên, phải giữ vững quan điểm.


“Bây giờ là thời đại gì rồi mà nhiều người vẫn còn đem một cái màng trinh ra để đánh giá nhân cách của một con người, nhất là người đó lại chính là người vợ mà mình đã rất yêu thương...” - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Bây giờ là năm 2011, ngoài ngày 8-3 là Quốc tế Phụ nữ, Việt Nam ta còn tự hào vì đã lập nên một ngày khác nữa để tôn vinh chỉ phụ nữ Việt Nam mà thôi: ngày 20-10. Cứ tới ngày này, chúng ta sẽ được nghe những câu chuyện về các bà mẹ Việt Nam anh hùng, về tấm gương những phụ nữ vừa tề gia nội trợ vừa kinh bang tế thế. Phụ nữ sẽ được ngập trong những lời chúc tụng, những hoa và quà. Chẳng biết có bao giờ ai đó tự nhìn lại, đằng sau những sự tôn vinh và ca tụng đó là gì?

Tự nhiên mình nhớ lại một câu chuyện từ thời học tiểu học. Năm học lớp 3, cô giáo ra đề tài là “hãy miêu tả mẹ của em”. Mình thật thà lắm, về nhà viết một bài văn đại khái với những ý là: “Mẹ em rất hay cáu nhưng cũng hay cười, mẹ em đôi khi nhí nhảnh lắm. Mẹ em không gầy mà hơi tròn trĩnh, mẹ thường tự hào rằng mông mẹ rất cong. Mẹ em thích mặc váy, có hôm cao hứng mẹ còn mặc áo hai dây với quần short. Mẹ em rất sợ sâu, cứ đang nhặt rau mà thấy sâu là mẹ hét toáng lên bỏ chạy, cả nhà nhịn đói. Buổi tối trước khi đi ngủ mẹ thường coi phim kiếm hiệp xong sau đó đắp mặt nạ, nhiều khi trông rất giống ma…”. Đại khái thế.

Sau đó bài văn của mình bị cô giáo mang ra phê bình khá tệ, rồi cô mang một bài văn của một học sinh giỏi văn ra đọc cho cả lớp nghe. Đại loại bài văn của bạn kia viết như sau: “Mẹ em dáng người gầy guộc, mẹ thường mặc một chiếc áo bà ba đã sờn màu, bạc phếch. Sớm hôm mẹ thức khuya dậy sớm, tảo tần làm ruộng, buổi trưa bán rau ở chợ để kiếm tiền nuôi em ăn học. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, trông dáng mẹ hao gầy ngồi bên cây đèn dầu tù mù để khâu cho em từng chiếc áo, đơm lại từng cái nút đã sút ra mà em chỉ biết chảy nước mắt thương mẹ. Dù vất vả nhưng mẹ lúc nào cũng mỉm cười và luôn khuyên bảo em phải làm người tốt, siêng năng học hành. Giọng nói của mẹ rất dịu dàng, êm ái như con gió đêm hè…”.

Sau đó cô buông một câu: “Viết về mẹ như vậy mới là viết chứ! Ai như con Hà, viết như chuyện cười!”. Mình nhớ rất rõ chuyện này với mọi chi tiết trong đó, vì hồi đó mình rất ấm ức. Đề bài miêu tả mẹ của em cơ mà, đó là mẹ của bạn ấy. Mẹ em đâu có những đặc điểm đó, tại sao lại bắt em viết theo kiểu đó. Nhưng mình chỉ dám ấm ức vậy thôi, đâu dám kêu ca.

Bây giờ nghĩ lại, mình nhận ra một điều, phụ nữ Việt Nam, trên danh nghĩa thì rất được coi trọng, luôn được ca tụng với bao nhiêu mỹ từ như: anh hùng bất khuất, công dung ngôn hạnh, tiết hạnh khả phong, hy sinh vì chồng con, không ngại khó nhọc. Bây giờ xã hội đã hiện đại lên nhiều, họ lại nhận thêm nhiều danh hiệu nữa kiểu như: nữ doanh nhân thành đạt, nuôi con khéo, dạy con ngoan, giỏi chiều chồng, duyên dáng xinh đẹp… Nhưng đằng sau tất cả những mỹ từ đó, hình như chỉ có duy nhất một điều: sự hy sinh cái tôi của người phụ nữ.

Đàn ông thật gian hiểm, họ đẩy chúng ta lên đến tận mây xanh với những lời ca tụng lặp đi lặp lại như một kiểu ám thị, khiến chúng ta phải khắc ghi vào tận tiềm thức rằng, là phụ nữ thì phải phấn đấu để làm được những điều đó, để được ca tụng với những lời lẽ đó. Đúng là phụ nữ muôn thuở vẫn dại dột, chỉ thích nghe lời đường mật. Và chúng ta quên mình, quên hết những sở thích riêng, quên thế giới riêng, quên lợi ích riêng… Chúng ta quên hết để đuổi theo cái hào quang giả tạo mà đàn ông phóng ra như một cái bẫy tinh vi. Chúng ta đã bị lừa!

Bây giờ là cái thời đại gì mà một người mẹ không được tự hào về vòng mông của mình? Bây giờ là năm thứ bao nhiêu mà một người mẹ phải dắt con gái đi vá lại màng trinh? Cái quan niệm lệch lạc của bao nhiêu thế hệ, trải qua mấy nghìn năm, tại sao đến bây giờ vẫn còn gây ra những hệ lụy kinh tởm đến độ, người ta dạy cho con nít phải nói dối, người ta vẽ nên những giá trị ảo của một người phụ nữ, người ta đồng lõa với con mình để lừa đảo về sự trinh tiết.

Người ta đang tìm đến cái gì? Một cuộc sống hạnh phúc ư? Một xã hội sẽ đi về đâu khi sự dối trá trở nên một việc hiển nhiên, như đứa bé phải nói dối về mẹ mình, như người vợ phải nói dối chồng mình?

Tác giả bài viết: Khương Hà, từ TP. HCM