Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHIẾN TỔNG THỐNG PUTIN CÒN “XEM XEM CÁI ĐÃ!”

(NCTG) “Chiến tranh sẽ gây thiệt hại cho Nga nhiều hơn là đe dọa gây chiến. Phương Tây sẽ cứng rắn hơn, quyết tâm hơn trong việc quay lưng với khí đốt Nga, Ukraine biến thành vết thương loang máu, làm chảy máu tiền bạc và nhân mạng Nga, còn Vladimir Putin thành kẻ bị ruồng bỏ. Cuộc chiến này hoàn toàn có thể là định mệnh cho tổng thống Nga” - phân tích của tác giả Chân Vũ từ Kharkiv, Ukraine.
Vlagyimir Putin có thể đã đi sai nước cờ? - Ảnh: Sputnik
Vladimir Putin cho kéo đại quân đến biên giới Ukraine và ra yêu sách cho Mỹ và Phương Tây phải ký biên nhận không cho Ukraine gia nhập khối NATO.

Thế nhưng, đã từ lâu ai cũng biết là các nước “đàn anh” như Pháp, Đức phản đối việc cho Ukraine gia nhập liên minh này, chưa nói đến các loại “chân gỗ” của điện Kremlim như Hungary, bất cứ cái gì liên quan đến Ukraine đều veto (phủ quyết) hết. Mà theo điều lệ của Khối thì chỉ cần một nước veto là không thông qua được bất kỳ nghị quyết nào.

Như vậy, yêu sách của Moscow có thể hiểu là tối hậu thư: “Các anh phải để nó lại cho tôi, nếu không thì tôi đánh”.

Có điều, Putin đã tính sai. Nếu quân đội của ông ta chỉ cần đặt nửa bàn chân qua biên giới Ukraine nước Nga sẽ bị Phương Tây trừng phạt nặng nề, NATO hồi sinh, Ukraine giờ đây có được sự ủng hộ chưa từng thấy của quốc tế. Mối quan hệ này không bỗng chốc tan biến một khi quân Nga rút đi. Điều quan trọng là lâu nay bị lãng quên, nhưng Ukraina giờ đây có được sự ủng hộ khủng cả về ngoại giao lẫn quân sự của Phương Tây.

Chỉ trong vòng 1 tháng, Mỹ đã chuyển cho Ukraine 2.000 tấn vũ khí. Các nước như Anh, Estonia, Litva, Ba Lan, Canada cũng rầm rầm chở vũ khí sang giúp quân đội Ukraine. Và cũng trong vòng 1 tháng đó, Ukraina được viện trợ khoảng 10 tỉ USD.

Tự dưng, Putin đã làm cho Liên Âu đoàn kết một cách kinh ngạc trong hồ sơ Ukraine. Khủng hoảng Ukraine khiến Châu Âu không còn ảo tưởng về một nền hòa bình vĩnh cửu.

Một cuộc điều tra tại bảy nước Châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển, Phần Lan, Ba Lan, Romania) do Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) vừa công bố cho thấy Putin đã thành công trong việc khiến vấn đề an ninh Châu Âu lại trở thành trọng tâm. Nhưng không phải như cách mà ông ta chờ đợi: công chúng tin tưởng mạnh mẽ vào sự bảo vệ của NATO và Liên hiệp Châu Âu (EU). Đa số cho rằng Nga sẽ xâm lăng Ukraine trong năm 2022. Và vì thế Châu Âu phản ứng mạnh mẽ chưa từng thấy.
 
Quân đội Ukraine ở gần TP. Novo Luhansk, này 20/2/2022 - Ảnh: Gleb Garanich (Reuters)
Quân đội Ukraine ở gần TP. Novo Luhansk, này 20/2/2022 - Ảnh: Gleb Garanich (Reuters)

Vladimir Putin đã kích thích các đối thủ, khiến Phương Tây đồng ý sẽ trừng phạt nặng nề nhất nền kinh tế vốn đã vệu vẹo do bị chế tài và đại dịch Covid-19. NATO được trông cậy để bảo vệ những nước giáp giới Nga. Luôn trung lập, nhưng Phần Lan, Thụy Điển nay có thể gia nhập NATO; Đức vốn lừng khừng vì Nord Stream 2, đã chấp nhận rằng việc xâm lược Ukraine sẽ giết chết dự án này.

Nếu Putin cho rằng đe dọa sẽ khuất phục được Phương Tây, ông ta đã bị nhầm!

Nga đã cố gắng tăng cường dự trữ ngoại hối, giảm bớt lượng đô-la, giảm lệ thuộc vào vốn nước ngoài, tạo dựng công nghệ từ chip bán dẫn cho đến mạng lưới riêng, xích gần với Trung Quốc, khách hàng tiềm năng cho năng lượng vốn là nguồn thu chính. Những nỗ lực này có thể làm giảm tác hại khi bị Phương Tây trừng phạt, nhưng không thể tránh né được đòn quyết “nốc-ao”. Liên hiệp Châu Âu chiếm 27 % xuất khẩu của Nga, đường ống “Power of Siberia” khi hoàn thành năm 2025 chỉ đưa được 20% khí đốt đến Trung Quốc so với số lượng cung cấp cho Châu Âu.

Nếu chiến tranh nổ ra, Nga có thể bị loại khỏi mạng thanh toán quốc tế, các ngân hàng lớn bị tách rời khỏi hệ thống tài chính, các công ty công nghệ Nga có nguy cơ gặp khó khăn lớn như Hoa Vi (Huawei) đã từng nếm mùi. Nếu quay sang Trung Quốc, Nga sẽ trở thành đối tác dưới cơ của một chế độ vô cảm chỉ coi Moscow bằng nửa con mắt.

Chiến tranh sẽ gây thiệt hại cho Nga nhiều hơn là đe dọa gây chiến. Phương Tây sẽ cứng rắn hơn, quyết tâm hơn trong việc quay lưng với khí đốt Nga, Ukraine biến thành vết thương loang máu, làm chảy máu tiền bạc và nhân mạng Nga, còn Vladimir Putin thành kẻ bị ruồng bỏ. Cuộc chiến này hoàn toàn có thể là định mệnh cho tổng thống Nga.

Putin cũng đã mắc sai lầm trong tính toán về đối thủ Ukraine của mình. Đội quân thứ 5 hoạt động trong lòng đối phương trong suốt cả hơn hai tháng nay hầu như bị xịt lốp. Quân đội Ukraine sau khi được hỗ trợ hàng ngàn tấn vũ khí và hàng tỉ USD tiền mặt đã trở thành một con ngựa mầu tối đối với Bộ Tư lệnh Nga.

Các cố gắng gây hỗn loạn, phá rối đều không làm phương hại đáng kể cho nền kinh tế Ukraine. Cuộc sống ở Ukraine vẫn tiếp diễn đều đều. Putin càng hăm dọa thì người dân Ukraine lại càng hướng về Phương Tây. Tỷ lệ dân cư ủng hộ việc gia nhập EU và NATO cao chưa từng thấy - 68% và 62%.

Đó là những nguyên nhân kiềm chế khiến Putin không, chưa dám liều mạng bước qua lằn ranh đỏ. Ổng hãy còn “để tao xem xem đã!”.

(*) Tác giả là nhà bình luận và quan sát độc lập, hiện đang sinh sống tại Kharkiv, thành phố miền Đông Ukraine, cách biên giới Nga hơn 40 km.

Tác giả bài viết: Chân Vũ, từ Kharkiv (Ukraine)