Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG NGƯỜI BỊ BỎ LẠI

(NCTG) “Trump thắng, một phần vì ông đã chạm được đến tần số của những người bị bỏ lại. Clinton thua, một phần vì trong mắt bà dường như chỉ có ai đấy mà không hề có bóng dáng của những người thuộc số đông thầm lặng, mà một số trước đó đã từng bầu cho Obama”.
Trump chiến thắng vì được coi là đại diện cho những người thấp cổ bé họng bị bỏ lại - Ảnh: theatlantic.com
Trong việc chi tiêu, bạn trai tôi tính toán khá chi li, khác hẳn với tôi hay chỉ dựa vào cảm tính - thích gì thì mua đấy, miễn không quá đắt thì thôi. Ví dụ đi chợ, bạn tôi cầm hai hộp tôm đông lạnh khác nhau, so sánh giá cả, nhiều ít thế nào, và thường thì hộp nào rẻ hơn thì bạn ấy mới mua. Còn tôi nếu thấy hộp nào ưng mắt thì bỏ cái xoẹt vào giỏ.

Hồi ứng dụng Uber được tung ra thị trường, tôi là một trong những người vô cùng phấn khích với tiềm năng của nó. Tôi nói với bạn tôi là phải tải xuống cái app này và dùng ngay thôi.

Bạn lắc đầu.

Ơ kìa! Uber vừa tiện, vừa rẻ hơn taxi, đúng ý quá mà còn lắc là sao?

Và bạn tôi nhắc một điều mà tôi không bao giờ nghĩ đến. Bạn nói nghĩ tội cho những người lái xe taxi để kiếm sống hàng ngày. Nếu Uber trở thành thông dụng, các tài xế taxi sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong cuộc mưu sinh vốn đã không hề dễ dàng gì với họ. Bạn dùng cụm từ “the abandoned ones” để chỉ những người tài xế taxi này, những người bị bỏ lại trong thời kỳ toàn cầu hóa và công nghệ thông tin phát triển đến chóng mặt như hiện nay.

Những tài xế taxi này là ai? Tại Canada (thành phố Toronto và các vùng lân cận), đa số họ là những người lớn tuổi, thuộc gốc thiểu số hoặc di dân, có trình độ học vấn thấp. Trong thời gian gần đây, nhiều cuộc biểu tình phản đối Uber được tổ chức bởi các hiệp hội taxi. Lý do họ viện dẫn khá nhiều, liên quan đến sự an toàn, tính hợp pháp của Uber, v.v… Và cuối cùng vẫn là, “chúng tôi biết kiếm sống làm sao đây!”.

Tôi đem điều này nói với một người bạn khác. Anh ta nhún vai: “Ngu thì chết, không theo kịp với thời đại thì đành chịu thôi!”.

Người bạn này của tôi cũng là dân IT, rất thành công.

Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay mà kết quả là Donald Trump đắc cử, tôi, cũng như hàng triệu người khác, không khỏi bàng hoàng. Làm sao mà một kẻ với những phát ngôn đầy tính kỳ thị, hạ nhục phụ nữ, và có vẻ ủng hộ các chế độ độc tài, lại có thể lên ngôi tổng thống qua cuộc bầu cử dân chủ tại quốc gia hùng mạnh nhất thế giới như thế?

Những trận mưa tức giận, thóa mạ - dĩ nhiên với một cường độ cao hơn - tiếp tục trút xuống đầu tân tổng thống, xuống những người ủng hộ hoặc bỏ phiếu cho Trump. Chỉ có bọn da trắng già đầu, thất học, bại não, đầy kỳ thị và thù hận mới đi ủng hộ một kẻ như vậy.

Tuy rất chán Trump, nhưng tôi phải kiềm hãm không để mình bị cuốn vào những cơn thịnh nộ đó. Ngay từ đầu cuộc tranh cử, mặc dù không theo dõi nhiều chuyện bầu cử bên Mỹ, tôi đã mơ hồ cảm thấy có điều gì không đơn giản sau thành công này đến thành công khác của Trump. Sau khi bầu cử kết thúc, người ta bắt đầu nói nhiều đến sự hiện diện của “đám đông im lặng”, sự hiện diện của những người không muốn nói nhiều và quyết định dùng lá phiếu như một cách bày tỏ thái độ.

Họ là những ai? Để thay đổi không khí một chút, tôi mạn phép không ghép chung những cụm từ như “da trắng”, “chậm tiến”, “ngu ngốc”, “thất học”, hoặc “đầy kỳ thị” để vẽ chân dung họ. Họ, có thể là những người da trắng lớn tuổi, học vấn thấp, từng hoặc đang là công nhân áo cổ xanh, từng làm việc ở các hãng công nghiệp mà vì những lý do như cạnh tranh, nhân công giá rẻ mà đã đóng cửa hoặc chuyển ra nước ngoài.

Họ, có thể là những người vật lộn với cuộc mưu sinh mỗi ngày mà vẫn không thể trả nổi các hóa đơn chi tiêu hàng tháng. Họ, là những người bất lực nhìn thế giới ầm ầm tiến lên trong công cuộc toàn cầu hóa mà dường như công cuộc đó không dự phần của họ.

Họ, là những người bị bỏ lại.

Đây là những người mà anh bạn trên kia đã từng phán rất lạnh lùng: “Ngu thì chết, không theo kịp với thời đại thì đành chịu thôi!”.

Tôi không biết họ có ngu không, nhưng chắc chắn là họ chưa chết. Và họ đã tập hợp lại, bày tỏ thái độ để cho thế giới thấy kẻ ngu thật sự là ai.

Thực tế sau bầu cử đã cho thấy, Donald Trump đánh bại Hillary Clinton tại những tiểu bang từng là thành trì vững chắc của Đảng Dân Chủ như Wisconsin và Michigan, với đa số là da trắng, là giới lao động bình dân và công nhân của các nghiệp đoàn. Hơn thế nữa, trong cái rọ “người bầu cho Trump chỉ là bọn da trắng thất học” thì người ta còn thấy có cả người Hồi giáo, các dân thiểu số như Á châu và Mễ, và những người học vấn cao và ít nhiều thành công trong xã hội.

Trump thắng, một phần vì ông đã chạm được đến tần số của những người bị bỏ lại này. Clinton thua, một phần vì bà mải mê chiến đấu chống lại Trump, “ông ta không có xứng làm tổng thống đâu!” mà sao lãng mọi điều khác. Clinton thua, một phần vì trong mắt bà dường như chỉ có ai đấy mà không hề có bóng dáng của những người thuộc số đông thầm lặng, mà một số trước đó đã từng bầu cho Obama.

Những khẩu hiệu như “Tôi đứng cùng Hillary - I’m with Her” hay “Hillary cho nước Mỹ - Hillary for America” cho thấy đây là những khẩu hiệu yếu ớt, nhạt nhòa, và có vẻ nâng cao cái tôi của Hillary - trái ngược hẳn với câu “Hãy làm nước Mỹ hùng cường trở lại - Make America Great Again” của Trump, mạnh mẽ, dứt khoát, và quan trọng nhất, nó khiến những người bị bỏ lại cảm thấy cuối cùng thì cũng đã có kẻ biết quan tâm đến họ.

Hillary thua, và ở một khía cạnh nào đó, cũng là cái thua của chúng ta, những người tự nhận là yêu dân chủ, yêu các giá trị tự do, nhân bản toàn cầu.

Chúng ta thua làm sao?

Vài năm trước, một chị bạn bảo tôi thuộc thế hệ yuppie. Tìm hiểu, thì mới biết loáng thoáng đó là lời ngưỡng mộ.

Yuppie (young urban professional) là những người trẻ, sinh vào khoảng 1977-1994, có học vấn cao đẳng hoặc đại học, có công ăn việc làm vững chắc và mức sống ít nhất là trung lưu tại cách thành phố lớn. Yuppies, là những người lạc quan, nhìn thấy tương lai với vô số khả năng và tiềm năng. Yuppies là những người với tâm hồn rộng mở, yêu thích sự đa văn hóa và không ngần ngại khám phá thế giới.

Nhưng bên cạnh những ưu điểm đó, tôi dần dần nhận ra thế hệ chúng tôi có những điểm rất đáng ngại. Những thành công nhất định trong cuộc sống, cộng với tuổi trẻ, đã làm thành một căn nhà tự mãn nhốt chúng tôi trong đó. Chúng tôi ngẩng cao đầu, tự cho mình cái quyền gọi những người học thấp hơn là ngu, là bại não. Chúng tôi ghét cay ghét đắng sự kỳ thị chúng tộc, và cho rằng mình đủ đạo đức để có thể ném câu “mày là kẻ kỳ thị!” vào mặt bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào mà chúng tôi muốn.

Chúng tôi luôn phấn khích trước những thành tựu của khoa học, của công nghệ thông tin, không bao giờ nghĩ đến những hậu quả đi kèm mà có thể ảnh hưởng đến người khác. Chúng tôi có thể đi khắp thế giới, động lòng trước cảnh sống lầm than của những kẻ khác mà chưa bao giờ đặt chân đến những nơi chốn tồi tàn, hẻo lánh ngay trên đất nước mình để thấy rằng đâu đó những mảnh đời như thế vẫn là rất thật, và không ở đâu xa.

Chúng tôi không hề nhìn thấy những người bị bỏ lại này, hoặc là nếu có thấy thì chúng tôi cũng rất dửng dưng với họ.

Như tôi, như anh bạn phán rằng “ngu thì chết!” kia.

Tôi không biết các thế hệ khác thì sao, nhưng thế hệ chúng tôi đã thua như thế. Thua, vì chúng tôi không kịp nhận ra Donald Trump thực chất chỉ là cái ngọn của vấn đề xã hội, hình thành từ những ấm ức, những bất mãn dồn nén lâu ngày. Thua, vì có lẽ chúng tôi không đủ bình tâm, đủ độ lượng một tí để lắng nghe một người ủng hộ Donald Trump giải thích tại sao họ ủng hộ ông ta, trước thét lớn vào mặt họ và đóng sầm cánh cửa lại.

Tôi tiếc cho Bernie Sanders. Theo tôi, ông là người duy nhất có khả năng lắng nghe và hiểu được nguyện vọng của những người bị bỏ lại, những người lao động với mức lương tối thiểu, những người công nhân áo cổ xanh. Đối đầu với Bernie, không chắc gì Trump sẽ thắng.

Đến bây giờ, tôi vẫn chưa tải xuống cái Uber app đó. Tôi không ghét bỏ gì những thành tựu công nghệ, ngược lại là đằng khác, nhưng với tôi, đôi khi con người vẫn là trên hết.

Ngày mai, ngày mốt, nếu cần thì tôi vẫn dùng taxi, và bạn có thể nghĩ tôi như thế là ngu ngốc - tại sao lại không chọn phương tiện vừa tiện vừa rẻ?

Bạn biết không, đây chỉ là một trong những cố gắng nhỏ nhoi để tôi nói với những tài xế taxi ấy là vẫn còn những người không quên họ.

Tác giả bài viết: Hải Lý, từ Canada