Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG CÁCH “BÀY TỎ LÒNG YÊU NƯỚC”

“Dù sao thì đây cũng là đất của mình, quê hương của mình, đồng bào của mình, nói một lần không được sẽ nói nhiều lần, nếu nói nhiều lần không được thì nói ngàn lần chắc cũng phải tỉnh ra… Ai thích giống Tây, giống Mỹ thì tìm tới Starbucks còn ai muốn uống cốc cà phê tuyệt hảo, muốn khơi nguồn sáng tạo, muốn yêu nước thì tìm tới Trung Nguyên”. (Đặng Lê Nguyên Vũ).

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên - Ảnh: giacaphe.com


Sáng nay đọc được lời anh Tổng giám đốc Trung Nguyên như thế, chán.

Không lẽ, không uống cà phê Trung Nguyên thì không yêu nước sao? Không biết cà phê Trung Nguyên xuất khẩu ở những nước “mất dạy” nào rồi, dân các nước đó hẳn toàn lũ không... yêu nước, thì mới đi uống cà phê nhập khẩu từ nước khác!?

Sau cái vụ in sách vĩ nhân cách đây vài năm, bao nhiêu khâm phục dành cho anh Tổng Trung Nguyên bị giảm đi một nửa. Nửa còn lại nay mất nốt! Lẽ nào cái “triết lý Việt” “Giai làng ta lấy gái làng ta” lại thâm căn cố đế đến thế trong con người ông “vua cà phê” luôn tỏ ra là người thích triết lý và sính chữ nghĩa?

Phải nói là mình có thời “mê mẩn” cà phê Trung Nguyên số bốn, bắt chước mê ... theo một anh bạn thì đúng hơn. Nhất là khi đã ra khỏi địa bàn cà phê Nhân, về các tỉnh xa, nhìn thấy Cà phê Trung Nguyên như thấy cả ... sự sống hồi sinh. Không phải là người địa phương để mà biết quán dở quán ngon thì cứ vào Trung Nguyên là chắc ăn nhất. Chí ít, bàn ghế và thìa cốc cũng đạt được một tiêu chuẩn sạch sẽ hay một phong cách quán xá nhất định nào đó.

Ra nước ngoài, không cà phê Nhân, cà phê Mai, không cả Trung Nguyên, “thôi thì có em... Starbucks... đời ta còn hy vọng”. Ly cà phê này được uống lần đầu ở Singapore , mê luôn. Sau khi phải uống một loạt cà phê nhạt toẹt khác, Starbucks vẫn là cái tên đáng tin cậy, giống như uống Trung Nguyên khi về các tỉnh lẻ vậy. Từ đó, đến thành phố nào ở châu Á, câu đầu tiên hỏi lễ tân khách sạn cũng là Starbucks gần nhất ở đâu.

Anh Vũ ví von “cân đong” tình yêu nước với khẩu vị cà phê làm mình nhớ lại lần suýt “cãi nhau” với bác tổ trưởng hơn chục năm trước, chỉ vì cái khẩu hiệu dính đến hai chữ “yêu nước”. Bác vận động mình mua trái phiếu chính phủ. Mình bảo không mua. Lý do, không thích cái khẩu hiệu: “Mua trái phiếu là yêu nước”. Thế nếu nghèo, ăn chưa đủ, không mua được trái phiếu thì không yêu nước à? Cháu không mua đấy, làm gì được cháu nào? Mình cãi.

Tất nhiên, mình chẳng cãi anh Trung Nguyên làm gì, mất thời gian. Thậm chí còn phải cảm ơn anh. Nhờ anh mà mình tự nhiên nghĩ linh tinh ra một loạt khẩu hiệu. Ví dụ, muốn con gái Việt Nam đừng đi lấy chồng Đài Loan, khẩu hiệu cổ động sẽ là: “Lấy trai Việt Nam là yêu nước”. Trai Việt nghe tha hồ mát lòng mát dạ nhé!

Để giải quyết tắc đường, ngành vận tải nên có khẩu hiệu “Đi bộ là yêu nước”, hoặc “Đi xe buýt là yêu nước” để ủng hộ anh Đinh La Thăng. Ngành giải trí sẽ có khẩu hiệu “Nghe nhạc Việt là yêu nước”, “Xem phim Việt là yêu nước”, vân vân và vân vân. Muốn toàn dân làm gì, cứ việc gắn cái mệnh đề “yêu nước” vào, là quá ổn.


Nghệ sĩ Kim Chi ở chiến trường Nam Bộ thời trẻ - Ảnh: cand.com

Có nhiều cách để bày tỏ lòng yêu nước (và chính kiến) mà cách của nữ nghệ sĩ Kim Chi, từ chối làm đơn xin xét duyệt được tặng bằng khen của Thủ tướng, là một thí dụ. Đọc lá đơn của chị mà cảm động và cảm phục. Những lời khảng khái đó chỉ có thể xuất phát từ con tim chân thật và lý trí tỉnh táo: “Không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm”. Chẳng khác nào Lê Vân “từ chức” làm diễn viên hai chục năm trước.

Chị Kim Chi làm mình nhớ lại một chi tiết Lê Vân kể, mình đã không cho vào sách. Hôm ấy, nói về việc diễn phục vụ các đoàn khách của chính phủ trong vai trò con hát mua vui hơn là nghệ sĩ đích thực, vẻ mặt Lê Vân vừa hài hước vừa dằn dỗi giống như trẻ con. Đại ý là, có lần diễn xong, một “quan lớn” nhất định muốn chụp ảnh với chị, đứng sát cạnh chị. Thay vì phóng to bức ảnh ấy lên, treo trang trọng phòng khách như... lẽ đời, chị Vân bèn “cắt béng cái đầu ông ấy đi”. Đơn giản vì chị không thích gương mặt ấy, thế thôi. Còn vì sao chị lại “xử trảm” ông ấy như thế thì chị lại “quên” không kể. Mình cũng chẳng gặng hỏi.

Việc bày tỏ tình cảm yêu ghét, tôn trọng hay khinh bỉ quan chức (hay người của công chúng nói chung) phải được coi là lẽ tự nhiên rất con người, là quyền tối thượng của mỗi công dân trong xã hội văn minh, cần được khuyến khích bày tỏ thay vì cấm đoán. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì phải theo “truyền thống” người Việt, tức là phải tiêu diệt “cái tôi cá nhân chủ nghĩa”, phải né tránh “phạm húy” vào những “vùng nhậy cảm” mù mờ... Để tránh làn sóng thức tỉnh “noi gương” chị Kim Chi, có lẽ phải sáng tạo ngay lập tức một khẩu hiệu mới cho các nghệ sĩ Việt Nam: “Không từ chối bằng khen của Thủ tướng là yêu nước”.

Trở lại chuyện “muốn yêu nước thì tìm đến Trung Nguyên”, để toàn dân “thấm nhuần quán triệt” tất cả các khẩu hiệu yêu nước trên, chắc lại phải làm theo cách - mà dân gian gọi là “văn hóa nhồi sọ” - của anh Tổng Trung Nguyên như đã trích ở trên: “Dù sao thì đây cũng là đất của mình, quê hương của mình, đồng bào của mình, nói một lần không được sẽ nói nhiều lần, nếu nói nhiều lần không được thì nói ngàn lần chắc cũng phải tỉnh ra…”.

Ôi nghe mà choáng! Cứ như kiểu triết lý của Ban Tuyên giáo ấy nhỉ? Nếu định bán hàng bằng cách “nói ngàn lần chắc cũng phải tỉnh ra” mà mua, Trung Nguyên nên chăng chuyển bớt người trồng cà phê sang đội quân 900 “dư luận viên” vác loa đi khắp nơi, vừa PR cho cà phê Trung Nguyên, vừa PR cho lòng yêu nước, một công đôi việc.

Mình cứ tưởng anh Vũ là doanh nhân “xịn” thích hành động hơn là nói nhiều (hay nói nhiều cũng là một cách “hành động” nhỉ?). Thất vọng, nhưng không vì thế mà mình không uống Trung Nguyên khi có cơ hội, để “khơi nguồn sáng tạo”. Quan trọng hơn, uống để còn “chứng tỏ lòng yêu nước” của mình chứ!

Tác giả bài viết: Bùi Mai Hạnh, từ Úc