Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG ÂM THANH BÁO BÃO

(NCTG) “Chúng ta có thể bất lực trước những cơn bão thiên nhiên, nhưng bão do chính con người tạo ra thì có thể và cần ngăn chặn, chế ngự trước khi quá muộn. Chính những tiếng súng vừa qua là những âm thanh báo bão...”.
Tại lễ tang của một trong hai nạn nhân, lực lượng chức năng, công an, quân đội, cảnh sát giao thông đã được điều động tăng cường để đảm bảo an ninh trật tự - Ảnh: baodansinh.vn
Theo nguồn tin của chính quyền, khoảng 7h45 sáng 18-8-2016, Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã vào phòng làm việc của ông Phạm Duy Cường (Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) và ông Ngô Ngọc Tuấn (Chủ tịch Hội đồng Nhân dân kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy), bắn nhiều phát súng vào hai lãnh đạo tỉnh rồi dùng súng tự sát ngay tại phòng làm việc của ông Tuấn.

Vụ án này tuy không phải là án mạng có số người tử vong nhiều nhất, nhưng lại gây chấn động nhất từ trước đến nay. Đầu tiên, báo “Pháp Luật Plus” đưa tin sớm nhất, sau đó khoảng 70 phút thì gỡ bài nhưng nhiều người đã chụp lại và đưa lên mạng xã hội. Đến khoảng 12h00 trưa (giờ Việt Nam) thì các báo đưa tin đồng loạt và ngay cả chương trình thời sự trên kênh VTV 1 cũng đưa tin.

Đáng chú ý là tại các diễn đàn có đông thành viên trên mạng Internet và ngay cả những bình luận trên các trang báo lớn, thì phần lớn người dân không những không phê phán kẻ sát nhân mà lại đồng cảm với anh ta, thậm chí có không ít ý kiến hể hả trước sự việc.

Sau khi đọc những lời bình trên các mạng xã hội, tự nhiên tôi lại nhớ đến đoạn kết của Nam Cao khi Chí Phèo đến đòi sự lương thiện, rồi giết Bá Kiến, sau đó tự sát. Cho dù, nguyên nhân và bản chất của vụ án, thì tới nay vẫn còn rất mù mờ, do cả ba người có liên quan đều đã thiệt mạng.

Lịch sử Việt Nam cũng từng ghi nhận những cuộc thay đổi (được mang tên “cách mạng”) gắn liền với bạo lực và đến nay, mặc dù đã sang thế kỷ 21, nhưng tư tưởng bạo lực vẫn còn nguyên trong nhiều người dân Việt Nam. Sự hả hê trước cái chết của những kẻ bị coi là thuộc hàng ngũ Bá Kiến đương thời bị vẫn được truyền thừa cho đến ngày hôm nay.

Thế nhưng xét cho cùng thì “vua coi nhân dân như cỏ rác, thì nhân dân cũng coi vua như kẻ thù” (Mạnh Tử), việc người dân có những suy nghĩ như thế phải chăng phần lỗi lớn cũng thuộc về chính quyền?

Lịch sử Việt Nam như một vòng trôn ốc mà bất cứ chính quyền nào khi mới nắm quyền thường được người dân yêu mến, nhưng sau khi đã thâu tóm quyền lực chính họ lại bị người dân coi như kẻ thù. Để tránh tình trạng đó, nhiều nước trên thế giới đã trao lại quyền lực cho nhân dân và đó là xu thế tất yếu của xã hội loài người. 

Cá nhân tôi không ủng hộ cái gọi là “bạo lực cách mạng” và tôi tin nhiều người dân như tôi cũng không muốn bạo lực: cảnh nồi da, xáo thịt của thế kỷ 20 chắc chắn vẫn còn gây kinh hoàng cho rất nhiều con dân Việt. Thế nhưng nếu như chính quyền vẫn quyết tâm độc chiếm quyền lực và có những hành động khiến người dân căm phẫn, thì những Chí Phèo thời hiện đại sẽ còn tiếp diễn.

Tấm gương Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết... vẫn còn đó, và phải chăng ngày hôm nay là Đỗ Cường Minh? Chưa thể xác quyết câu hỏi này, nhưng có thể thấy rằng những tiếng súng đơn lẻ từ nhiều góc cạnh khác nhau phải là hồi chuông cảnh tỉnh cho một xã hội còn hàm chứa đầy bất công.

Nếu nhờ những phát súng ấy mà chính quyền có sự thay đổi thì đó là điều may mắn. Bằng không, rất có thể tương lai sẽ còn nhiều tiếng súng từ người dân và từ chính những đồng chí cộng sản, khiến bạo lực lên ngôi. Lúc đó, bất cứ thể chế nào hình thành sau thay đổi thì cũng là dựa trên nền tảng bạo lực và vòng xoáy của lịch sử lại lặp lại.

Khi tôi viết những dòng này thì ở miền Bắc Việt Nam, một trận bão khủng khiếp đang xảy ra, lụt lội, cây đổ, nhà sập và chắc chắn là có cả người chết. Thế nhưng những cơn bão do Ông Trời gây ra có thể còn không tàn phá mạnh bằng những cơn bão bạo lực do con người tạo nên.

Chúng ta có thể bất lực trước những cơn bão thiên nhiên, nhưng bão do chính con người tạo ra thì có thể và cần ngăn chặn, chế ngự trước khi quá muộn.

Chính những tiếng súng vừa qua là những âm thanh báo bão trong lòng không ít người Việt.

Tác giả bài viết: Hoàng Hùng, từ Praha (Cộng hòa Czech)