Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“NHẬP GIA TÙY TỤC” VÀ CHÍNH NGHĨA CỦA CHARLIE (Phần 2)

(NCTG) “Nhà báo không phải là chính trị gia hay nhà ngoại giao, cho nên không có nghĩa vụ quan tâm đến tình đoàn kết giữa các quốc gia. Trái lại, họ cần phải phản ánh trung thực về hiện thực cuộc sống đa dạng, cả tốt và xấu, khơi gợi những vấn đề nhức nhối, cho dù đó là những vấn đề dễ gây xung đột và bất hòa để các bên cùng tìm cách giải quyết”.
Xem Phần 1 của bài viết.


Cái chết của các biếm sĩ Charlie không phải là vô ích - Ảnh: Bertrand Guay (AFP)


3. Vấn đề “báng bổ tôn giáo” ở các nước

Mỗi quốc ra có một quan điểm riêng về “báng bổ tôn giáo”. Pháp hiện không có đạo luật nào xử phạt hành vi “báng bổ tôn giáo”. Ở Mỹ, một đạo luật như vậy bị coi là vi hiến bởi mâu thuẫn với tự do ngôn luận. Bởi vậy, Luật Liên bang của Mỹ cũng không có điều luật nào xử phạt hành vi báng bổ. Một số tiểu bang của Mỹ có luật báng bổ, nhưng nhiều tiểu bang chẳng hạn như New York cũng không có luật này.

Ở các bang có luật này, mức xử thường khá nhẹ, khoảng 100 USD và lần cuối cùng có người bị phạt giam vì “báng bổ” ở Mỹ là năm 1838. Quan trọng hơn cả, các bang có điều tiết sự “báng bổ” bằng luật thì cũng chỉ xử phạt nếu là “báng bổ” Chúa Jesus hoặc Đức Chúa Trời. Có nghĩa là việc báng bổ Đấng tiên tri Muhammad, Đức Phật, hay các vị thánh thần ở của các tôn giáo khác không bị coi là có tội ở Mỹ.

Độc giả có thể tham khảo Bách khoa toàn thư mở wikipedia để hiểu thêm về “luật báng bổ” ở mỗi quốc gia. Ví dụ, ở luật ở Anh cũng chỉ đề cập đến “báng bổ” đạo Thiên Chúa. Romania không có luật nào về sự báng bổ bởi quốc gia này đề cao tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Năm 2007, Nghị viện Châu Âu ra nghị định nói rằng “báng bổ” không bị coi là tội hình sự.

Trong khi đó, ở Phương Đông, hành vi “báng bổ” tôn giáo hoặc một số nguyên thủ quốc gia có thể bị phạt rất nặng. Như đã nêu, ở nhiều quốc gia Hồi giáo, xúc phạm Đấng tiên tri Mohammad hay Thánh Allah sẽ bị xử tử. Ở Thái Lan, phỉ báng Hoàng gia có thể bị phạt tù đến 15 nãm, trong khi ở Bắc Hàn, xúc phạm các lãnh tụ Kim - vốn được coi như thần thánh - cũng sẽ bị xử tù rất nặng.

Như vậy, quan điểm về “báng bổ tôn giáo” đối với các quốc gia trên thế giới khác nhau một trời một vực: nơi cho là không có tội, nơi lại bị tử hình. Các nước Phương Đông thường xử tội này nặng hơn Phương Tây rất nhiều.

Thay vào “luật báng bổ”, một số quốc gia châu Âu có đạo luật về cấm Lăng mạ Tôn giáo (Religion Insult) và Phát ngôn Thù hận (hate speech). Lăng mạ Tôn giáo được định nghĩa là “xúi giục sự thù hằn, khinh miệt nghiêm trọng, ghê tởm hoặc nhạo báng nặng nề một người hoặc một nhóm người nào vì tôn giáo của họ”.

Phát ngôn Thù hận liên quan đến tôn giáo, là luật xử phạt những người có hành vi dẫn đến sự kỳ thị, ghê tởm, ghét bỏ một người hoặc nhóm người nào đó vì tôn giáo của họ. Tuy nhiên, vẽ châm biếm Đấng tiên tri Muhammad tuy đụng chạm đến một biểu tượng tôn giáo nhưng lại không vi phạm cả hai luật này cho nên mặc dù cả Pháp và Đan Mạch đều có các luật này, mười hai họa sĩ Đan Mạch và tòa báo Charlie không bị coi là phạm luật.

4. Chức năng của báo chí, văn chương, và nghệ thuật

Những người lên án Charlie kích thích xung đột, phá hoại tình hữu nghị giữa các dân tộc có lẽ không hiểu rõ về chức năng của báo chí, đặc biệt là báo chí Phương Tây. Hệ thống báo chí của các quốc gia như Pháp thực sự là quyền lực thứ tư, đối trọng với chính quyền, không bị chính quyền kiểm soát hay định hướng để phục vụ cho các mục đích chính trị, ngoại giao, hay đoàn kết dân tộc.

Mỗi tờ báo có một triết lý phát triển riêng và không có nhất thiết phải phục vụ quan điểm của bất kỳ cơ quan, đảng phái, hay bất kỳ cá nhân nào. Nhà báo không phải là chính trị gia hay nhà ngoại giao, cho nên không có nghĩa vụ quan tâm đến tình đoàn kết giữa các quốc gia.

Trái lại, họ cần phải phản ánh trung thực về hiện thực cuộc sống đa dạng, cả tốt và xấu, khơi gợi những vấn đề nhức nhối, cho dù đó là những vấn đề dễ gây xung đột và bất hòa để các bên cùng tìm cách giải quyết. Ngoài ra, báo chí cũng có chức năng giáo dục công dân về luật pháp bằng những ví dụ sinh động cụ thể.

Thật ra, các hãng truyền thông đưa tin thời sự mới là kẻ thù đáng sợ nhất không chỉ đối với Hồi giáo cực đoan mà cả cộng đồng Hồi giáo nói chung. Những tin tức thời sự về tội ác của Nhà nước Hồi giáo IS, của Taliban, những vụ thiêu sống, ném đá đến chết, ném từ trên cao xuống đến chết, chặt tay, phạt nghìn roi… căn cứ vào Luật Hồi giáo khiến công dân các nước này kinh sợ, xa lánh người Hồi giáo, kích động tư tưởng bài Hồi giáo, và khiến họ bỏ phiếu ủng hộ các chính phủ Phương Tây can thiệp quân sự vào các quốc gia này.

Các nhóm khủng bố hồi giáo có muốn tiêu diệt các hãng này không? Đương nhiên là có, nhưng tiêu diệt không nổi bởi số lượng hãng này quá đông. Charlie bị khủng bố đẫm máu bởi có quá ít tòa báo dám động đến mảng đề tài nhạy cảm như họ. Đạo Hindu thờ bò nên kiêng thịt bò, nhưng người theo đạo Hồi lại chuyên ăn thịt bò do kiêng thịt lợn. Vậy sao các tín đồ Hindu và Hồi giáo không truy sát hoặc ít ra là tuần hành phản đối những người ăn thịt bò, thịt lợn? Câu trả lời giống như trên: bởi số người ăn đông quá chứ không phải hành vi ấy không báng bổ đối với các tín đồ Hindu và Hồi giáo.

Không chỉ các nhà báo, một số văn nghệ sĩ cũng từng đem tính mạng ra để khẳng định rằng không có mảng đề tài nào là cấm kỵ: Salman Rusdie với “Những vần thơ của quỷ Satan”, Dan Brown với “Mật mã Da Vinci”, “Những bí mật của Vatican” của hãng phim Frontline, hay “The Interview” của hãng phim Sony, đều thuộc diện báng bổ đối với một số quốc gia.

Những người này đều thực hiện đúng chức năng của văn nghệ sĩ: thu hút công chúng vào một số chủ đề nóng bỏng, nhức nhối, cho dù đó là những chủ đề dễ gây tranh cãi và bất hòa. Và còn rất nhiều nhà nghiên cứu chọn đề tài là cuộc đời của các đấng tối cao như Jesus, Đức Phật, Muhammad, Khổng Tử v.v… Không thể ngăn cấm họ viết về những sự thật (có thể là xấu xí) của các vị này chỉ vì e ngại “báng bổ”.

Nói tóm lại, Charlie đã thực hiện đúng chức năng của một tòa báo và tiếng nói của họ bổ sung vào sự phong phú và đa dạng của làng báo Pháp. Biếm họa về Muhammad của họ thể hiện đúng tinh thần tự do ngôn luận của nước Pháp, giáo dục người Hồi giáo và người Pháp nói chung về quan điểm về “báng bổ” ở quốc gia này.

Giống như các phóng viên chiến trường, công việc mà họ lựa chọn đầy nguy hiểm nhưng cần thiết và cái chết của họ không phải là vô ích. Những ý kiến lên án họ và các văn nghệ sĩ đã kích động xung đột và bất hòa giữa các dân tộc chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết về chức năng của các ngành nghề này.

Tác giả bài viết: Kiều Dung - Còn tiếp