Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“NHẬP GIA TÙY TỤC” VÀ CHÍNH NGHĨA CỦA CHARLIE (Phần 1)

(NCTG) “Các nhà báo của Charlie không phải là nạn nhân. Họ là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, thực hiện đúng chức năng của nhà báo. Họ là những bác sĩ cầm dao mổ cắt bỏ những vết thương, tuy gây đau đớn nhưng là cách để chữa lành bệnh. Cái chết của họ làm thức tỉnh dư luận thế giới về những khía cạnh tàn ác của Hồi giáo và khiến dư luận phải suy ngẫm về sự khác biệt về quan điểm về báng bổ giữa các quốc gia và ý nghĩa triết học sâu xa ẩn sau những quan điểm ấy” - quan điểm của tác giả Kiều Dung.

Hiện trường vụ thảm sát làm chấn động thế giới, ngày 7-1-2015


Lời tòa soạn: Những ngày qua, cuộc thảm sát tại tòa soạn tờ báo châm biếm “Charlie Hebdo” và những cái chết bi thảm của gần hai chục con người đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi, nhiều khi gay gắt, trong cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước, tập trung và quy tụ trên các diễn đàn, các mạng xã hội Internet.

Rất nhiều vấn đề trước nay có thể xa lạ với người Việt, hoặc chỉ được nhắc tới trong vòng một hai thập niên gần đây trong các bản tin thời sự và tin tức thế giới, lần này được mổ xẻ và thảo luận từ nhiều góc độ khác nhau. Đó là dấu hiệu lành mạnh, khi người Việt không còn cảm thấy các vấn đề của thế giới là “chuyện triều đình”.

Tựu trung, những vấn đề được đặt ra liên quan tới mối quan hệ giữa tự do tư tưởng, tự do biểu đạt và các tôn giáo, tín ngưỡng (đặc biệt là Hồi giáo), vai trò và trách nhiệm của truyền thông đối với những vấn đề lớn của xã hội, cũng như những khía cạnh đạo đức, luật pháp và văn hóa ứng xử trong một số sự kiện đã xảy ra.

Bài viết của tác giả Kiều Dung sau đây cũng tập trung vào những vấn đề nó, và ngoài những quan điểm, nhận định mang tính cá nhân, có đưa ra được một bức tranh tương đối toàn cảnh với nhiều thông tin có thể hữu ích và mang tính tham khảo đối với những ai đang tranh luận, hoặc quan tâm tới sự kiện vừa qua:

1. Hồi giáo có cực đoan không?
2. Đức tin không phải là bất biến.
3. Luật về báng bổ tôn giáo ở các nước.
4. Chức năng của báo chí, văn chương, và nghệ thuật.
5. Quyền tôn thờ và quyền hạ bệ.
6. Phản hồi một số lập luận khác.

Vì bài dài nên xin tạm chia làm ba phần, và bắt đầu đang từ ngày hôm nay, Chủ nhật 24-1-2015. Chân thành cám ơn tác giả Kiều Dung đã bỏ công viết một chuyên luận công phu và chia sẻ với NCTG! (NCTG)


*

1. Hồi giáo có cực đoan không?

Một lập luận phổ biến của những người phản đối Charlie là tòa báo đã báng bổ đức tin của cộng đồng Hồi giáo nói chung, và những kẻ Hồi giáo cực đoan gây ra thảm sát Charlie không liên quan gì đến cộng đồng Hồi giáo hiền lành.

Không hẳn như vậy. Những kẻ khủng bố đã thực thi một điều luật trong bộ luật Hồi giáo Sharia (hay còn gọi là Thánh luật Hồi giáo). Luật này quy định: xúc phạm, không thừa nhận Thánh Allah và Đấng tiên tri Mohammad là một trọng tội và sẽ bị xử tử. Những trọng tội khác sẽ bị xử tử, theo luật Sharia, bao gồm: người Hồi giáo bỏ đạo, người Hồi giáo dụ người Hồi giáo bỏ đạo, tình dục đồng giới, ngoại tình, lấy người ngoại đạo, v.v…

Ngoài ra bộ luật còn bao gồm những điều luật mang tính phân biệt đối xử khắc nghiệt đối với phụ nữ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Mai Hạnh, “đa số những người theo đạo Hồi sống ở hơn năm mươi quốc gia có luật pháp là Luật Hồi giáo hoặc ảnh hưởng chủ yếu bởi Luật Hồi giáo”. Có nghĩa là bộ luật Sharia hà khắc này khá phổ biến trong thế giới Hồi giáo chứ không phải Charlie là nạn nhân của một nhóm cực đoan, không liên quan gì đến cộng đồng Hồi giáo nói chung.

Báo chí thế giới đã nhiều lần đưa tin về những vụ thiêu sống, ném đá đến chết ở các quốc gia Hồi giáo chỉ vì những tội như “báng bổ”, ngoại tình, thậm chí vì đi thi hoa hậu quốc tế do áp dụng Luật Hồi giáo. Những người có tư tưởng tự do cũng bị trừng phạt bằng hàng nghìn roi. Ví dụ ở Pakistan, luật pháp quy định báng bổ Hồi giáo là tội bị xử tử.

Luật pháp như vậy làm sao không ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng, đặc biệt là những người có năng lực tư duy hạn chế, chỉ biết tin vào các nhà lập pháp? Làm sao trách được có nhiều kẻ muốn “thay trời hành đạo” ở những nơi không phải là đất của Hồi giáo?

Charlie không chỉ nhạo báng Đấng tiên tri Muhammad. Chúa Jesus và Đạo Thiên Chúa mới là đối tượng châm chọc thường xuyên của họ, bởi đó là tôn giáo chính ở Pháp. Tuy nhiên, không khó để trả lời vì sao tín đồ Thiên Chúa giáo thường ứng xử văn minh hơn trong những trường hợp tương tự.

Không phủ nhận Hồi giáo có nhiều khía cạnh tốt đẹp, tuy nhiên Luật Hồi giáo rõ ràng là quá hà khắc và có nhiều dấu hiệu vi phạm nhân quyền theo quan điểm của Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt ở thời điểm hiện nay, sự trỗi dậy và phát triển của những lực lượng cực đoan như Nhà nước Hồi giáo IS, Al-Qaeda, Taliban làm dấy lên mối lo âu khắp thế giới về việc cổ vũ, ứng dụng tràn lan của bộ luật này.

Charlie không tự dưng đem tính mạng ra để nhạo báng tôn giáo một cách vô cớ. Tuyên ngôn của tòa báo là “chế nhạo những kẻ ngu dốt và độc ác”. Bằng việc vẽ châm biếm Đấng tiên tri Muhammad, Charlie nhắm đến những điều luật khắc nghiệt và dã man của Luật Hồi giáo Sharia.

Các nhà báo của Charlie không thể cầm súng để trực tiếp chống lại Nhà nước Hồi giáo IS, Taliban, hay những kẻ cổ vũ cho bộ luật này. Họ chỉ có ngòi bút và họ sử dụng nó để thức tỉnh công dân nước họ, về những thứ họ cho là ngu dốt và độc ác. Xin nhắc lại là thức tỉnh công dân nước họ bởi Charlie chỉ xuất bản ở Pháp, cho người Pháp đọc, và chỉ chịu sự chi phối bởi luật của Pháp.

2. Đức tin không phải là bất biến

Charlie không phải là những người duy nhất bị coi là “báng bổ” Hồi giáo. Trước họ từng có mười hai họa sĩ người Đan Mạch vẽ tranh biếm họa Mohammad, năm 2005. Trước đó nữa còn có nhà văn Salman Rushdie với “Những vần thơ của quỷ Satan”, năm 1988. Không chỉ người Phương Tây mà những người sống trên đất Hồi giáo cũng từng phạm tội này. Chẳng hạn báo chí từng nêu trường hợp hai vợ chồng Công giáo và ba bà cháu thuộc phong trào Admadi ở Pakistan. Cả năm người này đều bị thiêu sống.

Thực ra, khó có thể tin rằng một bộ luật tàn khốc như Sharia lại được tất cả 1,2 tỷ tín đồ Hồi giáo ủng hộ. Cùng là con người, với khả năng duy lý, khả năng đồng cảm với nỗi đau và cái chết của đồng loại, đâu có lẽ những hình phạt khiến cho cả thế giới Phương Tây kinh sợ lại được cộng đồng Hồi giáo ngoan ngoãn chấp nhận, cho dù đó là luật “do Thánh Allah ban hành”, “được Đấng tiên tri Muhammad thuyết giảng” và “không thể thay đổi”.

Hàng nghìn người Hồi giáo xuống đường biểu tình hồi 2005, hay sau vụ Charlie mới đây là những con số đáng kể nhưng vẫn là muối bỏ bể trên tổng số 1,2 tỷ tín đồ Hồi giáo. Đại đa số các tín đồ Hồi giáo im lặng và chúng ta không biết họ thực sự nghĩ gì.

Những người lên án Charlie thường dựa trên giả thiết đức tin vĩnh viễn không thể thay đổi và cần phải tôn trọng. Với những điều luật hà khắc như “người Hồi giáo bỏ đạo sẽ bị tử hình”, “người Hồi giáo rủ người Hồi giáo bỏ đạo cũng sẽ bị tử hình”, thật khó có thể hy vọng trông thấy làn sóng những người Hồi giáo bỏ đạo hoặc cải sang đạo khác.

Tuy nhiên, lác đác báo chí vẫn đưa tin về những trường hợp như vậy, thường là bị tử hình hoặc truy sát cho dù đã chạy trốn ra nước ngoài. Sự im lặng của các tín đồ Hồi giáo do vậy bao hàm cả sự đức tin tuyệt đối lẫn sự hoài nghi, chán ghét, nhưng vì quá sợ hãi cho nên không dám thể hiện ra ngoài.

Nhưng có những thực tế khác cho thấy đức tin không phải là bất biến và người Hồi giáo không nhất thiết ủng hộ Luật Hồi giáo, cho dù là luật do Đấng tiên tri thuyết giảng. Chẳng hạn như những gì đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên từ năm 1922, do ảnh hưởng của các quốc gia láng giềng, người Thổ đã bãi bỏ Luật Hồi giáo để lập nên nước Cộng hòa thế tục Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó đến nay họ vẫn phải đấu tranh liên tục để bảo vệ nền cộng hòa thế tục trước những âm mưu đưa nước Thổ trở lại nhà nước thần quyền.

Một ví dụ khác là Algeria, một quốc gia từng là thuộc địa của Pháp. Sau khi đánh đuổi người Pháp để giành quyền độc lập, người Algeria thực sự vỡ mộng bởi các chính quyền Hồi giáo do đồng bào của họ nắm quyền, sau đó quyết tâm đưa Algeria trở lại thời Trung cổ bằng những đạo luật kém văn minh hơn người Pháp rất nhiều lần.

Bảy ngàn người Algeria đã bị giết hại trong mười năm (1984-1993) vì đấu tranh với chính quyền, nhưng họ vẫn không nản. Và ngày 22-3-1993 đã trở thành một cột mốc lịch sử Algerie, khi nửa triệu phụ nữ Hồi giáo nước này đã vứt bỏ khăn che mặt và áo choàng, đổ về thủ đô với khẩu hiệu “Chúng tôi không nhượng bộ”, buộc chính quyền phải hủy bỏ một số luật lệ bất công với phụ nữ.

Hàng chục triệu người Hồi giáo di cư sang các quốc gia Phương Tây kể từ sau Thế chiến thứ Hai đến nay, cho dù ở đó họ phải tiếp xúc với những phụ nữ ăn mặc thiếu vải, không thể sống đa thê, và không thể chứng kiến những kẻ ngoại tình, những kẻ đồng tính bị ném đá đến chết, là minh chứng khác cho thấy người Hồi giáo không nhất thiết ủng hộ Luật Hồi giáo và có thể tiếp thụ văn minh Phương Tây.

Như vậy có thể thấy, đức tin không phải là bất biến và văn minh Phương Tây đã tạo ra những ảnh hưởng to lớn để giúp người Hồi giáo đấu tranh xóa bỏ những luật lệ phi nhân ở nước họ. Tác động của những tờ báo như Charlie là cần thiết để tạo sự hoài nghi những luật lệ ấy.

Tác giả bài viết: Kiều Dung - Còn tiếp