Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHÀ BÁO VÀ NẠN NHÂN CỦA PHÁP LUẬT

(NCTG) “Như Marx đã nói: “Luật pháp là ý chí của giai cấp lãnh đạo” nên người bị kết án theo hệ thống luật pháp này chưa chắc đã bị coi là có tội ở một hệ thống luật pháp khác hoặc trong con mắt xã hội”.

Bầu Kiên lúc nghe tuyên án sơ thẩm 30 năm tù, nộp phạt hơn 75 tỷ đồng - Ảnh: Quý Đoàn (vnexpress.net)


Thời gian gần đây ở Việt Nam có khá nhiều vụ án đình đám, từ những vụ án có tính chính trị như vụ của ông Cù Huy Hà Vũ và nhiều nhân vật đối lập khác, những vụ án tham nhũng như vụ Dương Chí Dũng hay những vụ án kinh tế như vụ Huyền Như hay gần đây nhất là vụ của ông Nguyễn Đức Kiên (thường được biết với nickname Bầu Kiên).

Báo chí đã góp phần rất lớn vào việc đưa thông tin về vụ án, cả những thông tin về diễn biến chính thức cũng như những thông tin ngoài lề của vụ án. MBTI test (Bài trắc nghiệm tính cách) nói, nghề đầu tiên tôi nên làm là nghề nhà báo. Có lẽ vì vậy tôi rất có cảm tình với nghề này, đồng thời đòi hỏi ở báo chí nhiều hơn.

May mắn là trong tình hình báo chí bị lá cải hóa thế này, tôi vẫn có hân hạnh biết một số nhà báo tâm huyết và tài năng. Tôi nhận thấy, dù luôn bị hạn chế như ở Việt Nam báo chí vẫn có quyền năng rất lớn trong việc nâng cao dân trí, định hướng dư luận. Thực tế ấy đồng nghĩa với việc nhà báo sẽ phải luôn chú ý cập nhật tình hình, nâng cao trình độ để có thể thực hiện đầy đủ trách nhiệm nghề nghiệp.

Tôi vốn là bạn đọc lâu năm của báo “Lao Động”, kể cả “Lao Động cuối tuần”, trong đó tôi rất thích mục “Với nửa bên kia” của nhà báo Phạm Thị vì sự tinh tế, nhân văn và rất phụ nữ trong các bài của chị. Nhưng bài viết sau thì tôi không thể đồng ý

Khi bàn về dư luận xung quanh một vụ án kinh tế đình đám nhất hiện nay, sau khi chia sẻ sự khâm phục với cách cư xử đĩnh đạc, nhận hết lỗi về mình của nhân vật chính, hoàn cảnh đáng thương của gia đình ông ấy, chị buông một câu: “Em thì nghĩ, không có tội đã không phải ra tòa”.

Nghe câu này tôi choáng váng! Trước hết, về mặt nguyên tắc pháp lý, ra tòa không có nghĩa là có tội, không ai bị coi là có tội cho đến khi chính thức bị kết án. Và như Marx đã nói: “Luật pháp là ý chí của giai cấp lãnh đạo” nên người bị kết án theo hệ thống luật pháp này chưa chắc đã bị coi là có tội ở một hệ thống luật pháp khác hoặc trong con mắt xã hội.


Bài báo của tác giả Phạm T

Việc học lịch sử Việt Nam cận đại thời phổ thông cho chúng ta thấy, các lãnh đạo của chúng ta đều chính thức bị kết án dưới thời thực dân Pháp, đều nếm trải tù đày với thời gian khá dài. Nhìn ra các nước từ Đông Âu, Ả Rập, Nam Mỹ… đều có thể thấy, nhiều người hôm qua bị tù đầy vì các tội chính trị, kinh tế… hôm nay lại nắm cương vị lãnh đạo quốc gia và rất được nhân dân trong và ngoài nước kính trọng như Vaclav Havel, Aung San Su Kyi hay thậm chí là Tymoshenko…

Và dù cho những người bị kết án ấy thật sự phạm tội thì xã hội tiến bộ cần có sự bao dung, mở đường cho họ quay về hòa nhập với xã hội, đóng góp với đời. Nếu chỉ riêng việc họ bị đưa ra Tòa mà đã coi họ là có tội thì con đường quay lại với xã hội của họ sẽ khó khăn gấp bội!

Những câu tiếp theo trong bài còn làm tôi kinh ngạc hơn nữa. Chị bảo: “Một người đàn ông chân chính có thể không nói năng hùng hồn và ít biết cách thể hiện mình nhưng sẽ tránh được việc phạm vào pháp luật để ở bên cạnh, chăm sóc yêu thương vợ con mỗi ngày”. Ngay trong trang 11 của tờ báo đó, hàng tuần đều có mục “Cửa sổ tư pháp” cho thấy những người tử tế có thể rơi vào vòng lao lý chỉ vì sự bất trắc của pháp luật và đời sống.

Trong điều kiện môi trường kinh doanh của Việt Nam còn chưa hoàn thiện, trừ một số kẻ muốn kiếm lời bất chính nên bất chấp pháp luật, không ít doanh nhân phải ra trước vành móng ngựa đâu phải do họ muốn mà do khiếm khuyết trong hệ thống luật pháp và tòa án của Việt Nam. Vì vậy, mặc dù bản thân luôn bảo vệ nguyên tắc kinh doanh trong sạch, tôi rất dè dặt khi kết tội doanh nhân nhưng tiếc thay, cách hành xử này lại rất phổ biến.

Vài ngày trước đây một nhà báo nữ khá nổi tiếng cũng phát biểu trên trang cá nhân của chị: “Không có tội sao phải ra tòa?”. Nếu những nhà báo có tâm, có tài còn nghĩ về những người không may phải gặp rắc rối với pháp luật như vậy thì con đường cải cách pháp luật của Việt Nam sẽ còn xa xôi lắm. Và những vụ án oan sai sẽ còn dài dài!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội