Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGUYÊN TẮC TRANH LUẬN TRÊN MẠNG

(NCTG) “Đừng đi ngược xu thế lịch sử bằng việc tìm cách bịt miệng người khác. Hãy vui vẻ khi tìm được người cùng quan điểm nhưng nếu không thể thuyết phục nhau, hãy rời bỏ laptop và đi làm việc khác”.

Minh họa: Internet

Rất nhiều người cho mạng Internet là ảo nhưng mình cho mạng chính là đời, sau mỗi nick đều là một con người, một tính cách, một số phận. Thậm chí mạng có thể còn thật hơn đời vì trên mạng chúng ta thường thẳng thắn, ít che giấu hơn ngoài đời. “Hãy cho tôi biết bạn viết gì, bạn còm (comment) gì, bạn đọc ai, tôi sẽ cho biết bạn là ai” còn chính xác hơn cả những người sống quanh bạn cả chục năm.

Mạng và đời là hai mặt của cùng một con người. Có rất nhiều người mình quen khá lâu nhưng đến khi cùng vào mạng mới hiểu thêm những khía cạnh sâu kín trong con người họ mà trong sơ giao hàng ngày không phát hiện ra. Ngược lại, có những người quen lâu năm trên mạng, khi gặp nhau mới thấy quý hơn vì hợp lối sống hoặc ngược lại, biết là chỉ có thể “kính nhi viễn chi”.

Nhưng hai mặt ấy là của cùng một con người và thực tế là chúng ta phải cám ơn mạng không chỉ cho chúng ta cơ hội kết nối với nhau mà còn tạo điều kiện để chúng ta hiểu nhau thấu đáo hơn. Những người nói rằng nên tránh giao tiếp trên mạng vì dễ gặp phiền toái chỉ như con lạc đà rúc đầu vào cát, vì bạn không thể tránh nổi thực tế. Tuy nhiên, giao tiếp trên mạng có điểm khác giao tiếp bên ngoài, nên cũng cần có những nguyên tắc cần tuân theo để có được hiệu quả mong muốn.

Thời gian qua mình chứng kiến nhiều vụ tranh luận hoàn toàn chỉ là về quan điểm trên mạng, mà dẫn đến những căng thẳng không đáng có. Người không quen viết không biết cách bày tỏ quan điểm đã đành, mà ngay cả với những người sống bằng nghề viết cũng không tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc.

Rõ ràng, tranh luận trên mạng khác với tranh luận ngoài đời vì tranh luận ngoài đời có thể thấy nhau, biết hoàn cảnh của nhau, có thêm những yếu tố khác như cử chỉ, điệu bộ, khung cảnh (trong phòng họp khác trên bàn nhậu…), nhiệm vụ (trên mạng chả ai có nhiệm vụ gì)…; còn tranh luận trên mạng thì chỉ có chữ và chữ. Người giao tiếp có xu hướng tin tưởng rằng khi viết ra, thông điệp của mình đã bao hàm một ý nghĩa chính xác mà người đọc có thể hiểu chính xác.

Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng, cơ chế giao tiếp là sự hòa trộn của nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên là ngôn ngữ, trong đó một bộ phận quan trọng là ngôn ngữ không lời, bao gồm các điệu bộ, cử chỉ, tư thế; và yếu tố thứ hai là ngữ cảnh (context). Theo Edward T. Hall, một nhà nghiên cứu về văn hóa, văn hóa giao tiếp gồm hai loại chính là high context culture (văn hóa ngữ cảnh cao) và low context culture (văn hóa ngữ cảnh thấp).

Áp dụng vào trường hợp này ta có thể gọi giao tiếp ngoài đời là high context (ngữ cảnh cao) còn trên mạng là low context (ngữ cảnh thấp) (1). Hai cơ chế giao tiếp này rất khác nhau, ví dụ như theo các nhà nghiên cứu của Mỹ (2), giao tiếp phi ngôn ngữ (tone of voice, body language) chiếm đến hơn 90% ý nghĩa trong giao tiếp trong một cuộc trao đổi trực tiếp, nhưng qua mạng thì không thể.



Những người có quen biết hay nghe về nhau ngoài đời có xu hướng đem context ở ngoài vào mạng (ví dụ đưa những thông tin mình biết về người nổi tiếng nào đó vào giao tiếp nên mặc nhiên nghĩ những người khác đã hiểu thông điệp ngầm trong trao đổi) mà quên mất những người khác không có những thông tin ấy nên không thể có kết luận như chúng ta.

Nguyên tắc chia sẻ trong ngữ cảnh thấp là cẩn trọng trong từ ngữ vì những người trao đổi không có thông tin gì khác nên có xu hướng áp đặt ý nghĩa thông điệp theo những gì mình đã biết. Ví dụ những ai đã theo dõi toàn bộ scandal về clip của Hoàng Thùy Linh sẽ có xu hướng cho là chuyện ấy rất nghiêm trọng, còn người chỉ mới biết sẽ cho là chuyện rất bình thường vì ngữ cảnh năm 2007, khi xảy ra sự kiện ấy, rất khác với năm 2015. Và người mới biết cho bên kia là người cổ hủ, còn người đã biết cho người mới biết là đám không biết gì!

Dựa vào sách vở và những gì mình chứng kiến thì nguyên tắc giao tiếp trên mạng nên là:

- Trình bày ngắn gọn, với những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu

- Tránh dùng những tính từ tiêu cực khi nhận xét về quan điểm hay ý kiến của người khác (ví dụ, có thể nói bạn không thích tranh hoặc cách biểu đạt của tờ “Charlie Hebdo”, không nên nói nó thô thiển hoặcsai trái)

- Tránh dùng nhiều thuật ngữ (các từ cao siêu, triết học hay làm đối tác nghĩ bạn kiêu ngạo - giảm thiểu việc chêm từ ngữ tiếng “Tây” nếu không cần thiết).

- Khi còn nghi ngờ phải hỏi lại (ví dụ, sao bạn lại nghĩ tự do ngôn luận của Pháp là sai?)

- Tách nội dung thành nhiều ý, trình bày từng ý một để giúp người đọc dễ hiểu hơn

- Trước khi phản đối ai, nên đọc lại các bài của người ấy một lần để xem mình có hiểu chính xác ý tác giả không.

- Hãy phản đối quan điểm chứ đừng phản đối con người, tuyệt đối tránh xúc phạm cá nhân vì như vậy là bạn tạo cơ hội cho kẻ khác xúc phạm chính bạn.

- Và cuối cùng, hãy nhớ Internet là phát minh vĩ đại nhất của con người. Nó đã cho những kẻ thấp cổ bé miệng nhất quyền tự do biểu đạt và kết nối mà hơn bốn ngàn năm lịch sử đấu tranh với biết bao máu và nước mắt, ngoài đời vẫn chưa có được. Trên mạng mọi người đều bình đẳng, tuyệt đối nên tránh đem chức vụ, nghề nghiệp hoặc “quá khứ vinh quang” của mình vào để lòe người khác.

Vì vậy, hãy nhớ nằm lòng câu nói được cho là của Voltaire: “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó” (*). Đừng đi ngược xu thế lịch sử bằng việc tìm cách bịt miệng người khác. Hãy vui vẻ khi tìm được người cùng quan điểm nhưng nếu không thể thuyết phục nhau, hãy rời bỏ laptop và đi làm việc khác.

Hãy nhớ câu chuyện về hai vợ chồng già khi hỏi bí quyết chung sống lâu dài, hai cụ bảo: “Khi nào tức giận thì đứng lên đi ra ngoài đi bộ cho hạ hỏa, hết giận mới quay về thì cả hai đã bình tĩnh và vấn đề sẽ được giải quyết tử tế”. Nhờ vận động thân thể thường xuyên và tránh căng thẳng nên hai cụ chung sống khỏe mạnh đến đầu bạc răng long!

Ghi chú (của NCTG):

(*) “I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it”. Theo các nguồn tư liệu, đây là lời của bà Evelyn Beatrice Hall, một nữ văn sĩ Anh, viết trong cuốn sách tiểu sử của Voltaire với tựa đề “Những người bạn của Voltaire” (The Friends of Voltaire, 1906).

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội