Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGƯỜI VIỆT TRONG CUỘC CHIẾN UKRAINE

(NCTG) “Những người đứng lên bảo vệ đất nước Ukraine là ai? Là doanh nhân, kỹ sư, thày giáo, công nhân..., và cả nghệ sĩ chơi dương cầm - họ là “phát-xít” cả ư? Không ít người con Ukraine lên đường bảo vệ đất nước với mong muốn hòa bình được tái lập, quê hương không bị chia cắt, trong khi những kẻ tráo trở - trong đó có không ít người Việt - thì nhảy múa trên mạng sống của họ và ngày đêm rủa xả họ!” - quan điểm của Facebooker Anh Già từ Kharkiv (Ukraine).

“Слава Україні!” (Vinh quang Ukraine)


Từ khi những người Việt đầu tiên đặt chân đến nước Cộng hòa XHCN Liên bang Xô-viết Ukraine tới nay, những người còn sống đều cũng đã lên ông lên bà. Trong số họ, có người ở lại, có người về Việt Nam - mỗi người một lựa chọn, một đường đi riêng nhưng tựu trung đều có tình cảm quyến luyến với đất nước và con người Ukraine.

Thời gian sau này, khi “thế giới phẳng” rộng mở, giữa các nước có sự hợp tác chặt chẽ và liên quốc gia thông qua những hiệp định song phương, đa phương, người Việt mình ngày càng sinh sống và làm việc đông đúc ở xứ sở Ukraine.

Đất nước Ukraine hiền hòa xinh đẹp, từ trẻ nhỏ đến người già đều có ánh mắt thân thiện với người Việt đến từ một mảnh đất nghèo mới thoát khỏi chiến tranh. Cho dù cùng với sự phát triển kinh tế là sự phân cấp giàu nghèo, địa vị... mà Ukraine cũng không phải ngoại lệ, tuy nhiên người dân nước này vẫn luôn như vậy: sống hòa bình, cư xử chuẩn mực, cả ngày không nghe một câu chửi bậy, chẳng thấy một cuộc cãi nhau to tiếng.

Một cô gái sẵn sàng nhường ghế cho một bà bầu Việt Nam, một chàng trai tay xách nách mang khệ nệ sẵn sàng đặt xuống đất để hướng dẫn cách sử dụng chiếc xe đẩy một chân cho cháu nhỏ Việt Nam khi cháu hỏi, mấy cụ già ngồi ghế trước khu chung cư luôn hỏi han “cháu sống ở đấy có tốt không?”, v.v... Đa phần người dân Ukraine luôn có cách cư xử tình nghĩa như thế với chúng ta.

Người Việt ở Ukraine cũng có người thành đạt và cũng có người thất bại, nhưng nhìn chung số thành đạt cao hơn gấp nhiều lần. Ít nhất, đất nước Ukraine cho chúng ta những cơ hội đổi đời về vật chất - tất nhiên cũng cần sự cần cù chịu thương chịu khó và tính toán trong làm ăn của bà con. Nhờ vậy, nhiều người đã có nhà riêng khang trang không chỉ ở Ukraine, mà còn ở những thành phố lớn của Việt Nam.

Không ít cháu nhỏ thuộc thế hệ thứ hai có thành tích học tập tốt trong môi trường giáo dục, đào tạo của Ukraine. Bản thân các cháu chăm chỉ, kiên trì và siêng năng trong học tập nhưng như người Việt mình thường nói “có bột mới gột nên hồ”, nếu bình thường ở Việt Nam, để đạt được những thành quả như vậy là điều rất hiếm.

Đặt câu hỏi ngược lại: chúng ta đã đối xử như thế nào với đất nước và con người Ukraine trong những giờ khắc nguy biến của xứ sở này?

Từ khi chiến sự nổ ra, người Việt và người bản địa chung một cảm giác, chung một cuộc sống bất ổn và khó khăn. Nhiều người mất nhà cửa, mất tiền của vât chất vì phải chạy loạn: sự căm thù chiến tranh là dễ hiểu và hợp lý. Tuy nhiên, sự mất mát ấy tuy to lớn nhưng làm sao so sánh được với những gia đình Ukraine cha mẹ mất con, vợ mất chồng, những cô gái tuổi xuân phải mất người yêu, con mất cha!

Đấy là sự lựa chọn của dân tộc, là bản năng của con người khi sự toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa và họ buộc phải đứng lên chiến đấu bảo vệ đất nước và nền độc lập. Người Việt chúng ta chưa lâm vào tình cảnh đó, đấy là sự may mắn. Trước mắt, cái buồn của chúng ta mới chỉ là trong năm nay, thu nhập không có, khoản tiền tích lũy hoặc gửi về Việt Nam để mua đất xây nhà hay đầu tư không thực hiện được.

Khi đất nước Ukraine thịnh vượng hòa bình chúng ta ở lại làm ăn, khi chiến tranh chúng ta chạy loạn - một số phải di tản, tá túc ở thành phố khác, số khác về Việt Nam. Cũng đúng thôi, ai cũng phải lo bảo vệ mạng sống cho mình, cho gia đình, nhà nước Ukraine trước mắt cũng không ép những người nước ngoài như tôi và những người Việt khác phải ra trận - đấy là sự ưu ái của Ukraine đối với chúng ta.

Mặc dù không ra trận nhưng chúng tôi vẫn có trách nhiệm và nghĩa vụ đầy đủ đối với đất nớc Ukraine. Chúng tôi vẫn đóng thuế và thực hiện mọi chủ trương của chính quyền, những tổ chức người Việt ở khắp nơi phát động phong trào cứu trợ, hỗ trợ lẫn nhau và giúp đỡ cả người dân nước bạn trong hoạn nạn. Đó là một nét son và đáng quý của cộng đồng Việt ở Ukraine.

Tuy nhiên, từ khi chiến tranh nổ ra, không ít người Việt vốn được Ukraine cưu mang và tạo cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất của họ lại có cách cư xử rất bội bạc. Họ không giấu được niềm vui và sự đắc thắng trước những mất mát của lực lượng chống ly khai và cùng những kẻ sùng bái Nga, ủng hộ chính sách bành trướng của Putin, họ hả hê mỗi khi quân đội chính phủ thất thủ trong cuộc chiến không cân sức

Thử hỏi, nhân phẩm họ để đâu? Đạo đức họ để đâu? Lương tri họ để đâu? Chắc họ đã quên, hoặc chính họ đã đào mồ chôn những giá trị căn bản đó của con người. Tôi thường được người lớn kể lại, trong chiến tranh chống Mỹ, những kẻ đào ngũ bị coi thường, khinh rẻ, thậm chí phải đeo bảng trước ngực có dòng chữ “Ai cũng như tôi là mất nước”, thậm chí còn phải luôn miệng hô to điều đó trong lúc bị dẫn đi khắp làng xã.

Chiến tranh vệ quốc luôn đi kèm với những thực tế khốc liệt như vậy. Chúng ta có những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã mất cả chồng con trong cuộc chiến bảo vệ đất nước, giờ còn mình mẹ chơ trọi với nỗi đau phải chịu đựng hàng ngày hàng giờ. Trong cuộc chiến biên giới phía Bắc cách đây hơn ba thập niên, tôi còn nhớ nhà nhà sôi sục, người người sôi sục ra trận để bảo vệ mảnh đất quê hương.

Tổ quốc là như thế vậy. Và dân tộc nào cũng vậy, khi có ngoại xâm đa phần người dân đều hăng hái và nhiệt thành xả thân vì đất nước.

Những kẻ ủng hộ ly khai, ủng hộ Nga đều lấy chiêu bài quân đội chính phủ và chính phủ được lập nên bởi những kẻ “phát-xít” nhưng khi họ chạy loạn về Mariupol, Kharkov, Odessa và Kiev, thủ phủ của cái mà họ gọi là “chính quyền phát-xít” - những nơi này do “phát-xít” quản lý như họ vẫn rêu rao, vậy thử hỏi một sợi lông tơ của họ có bị “chính quyền phát-xít” xâm hại hay không?

Hãy nhìn người dân tại Slavyansk xây dựng lại thành phố bằng hai màu vàng xanh của Quốc kỳ Ukraine, hãy nhìn người dân Mariupol cùng quân đội chính phủ chống giặc ngoại xâm. Những kẻ bất mãn với chính quyền Ukraine, sao họ không sang nước Nga để được nhà nước Nga “cứu trợ”? Họ được nuôi lớn, được thành người bằng những bát cháo, bằng bầu sữa Ukraine nhưng khi cần sẵn sàng hất đổ đi!

Những người đứng lên bảo vệ đất nước Ukraine là ai? Là doanh nhân, kỹ sư, thày giáo, công nhân..., và cả nghệ sĩ chơi dương cầm - họ là “phát-xít” cả ư? Không ít người con Ukraine lên đường bảo vệ đất nước với mong muốn hòa bình được tái lập, quê hương không bị chia cắt, trong khi những kẻ tráo trở - trong đó có không ít người Việt - thì nhảy múa trên mạng sống của họ và ngày đêm rủa xả họ!

Cổ nhân có câu “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc” hay “Ăn cây nào rào cây nấy” nhưng những đồng hương ấy của chúng ta hầu như không thấu hiểu điều này. Có lẽ lương tri của họ bị quỷ tha đi mất rồi!

Tác giả bài viết: Anh Già, từ Kharkiv (Ukraine)