Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“NGƯỜI TRONG MỘT NƯỚC...”, NHƯNG TẠI SAO?

(NCTG) “Điều gì khiến người ta cảm thương với một người cùng quốc gia với mình (mà không hề quen biết hoặc bà con) hơn là một người khác quốc gia?”.
Những hình ảnh và lời nhắn nhức nhối gây cảm thương tột độ... nhưng nếu đó là của người ngoại quốc thì có ít đau buồn hơn? - Ảnh: Internet
Con người ta thường có xu hướng cảm thương những nạn nhân có cùng chung quốc tịch, quốc gia, dân tộc với mình.

Có phải vậy không và tại sao nhỉ?

Bạn có thể dẫn “người trong một nước phải thương nhau cùng” và Google ra một loạt bài viết về sự thiêng liêng của nó.

Nhưng tại sao lại “phải” như thế?

Giả sử 39 người chết là người Lào, người Trung Quốc hoặc người Campuchia, có lẽ người Việt Nam cảm thấy ít đau buồn hơn so với trường hợp nạn nhân là người Việt Nam (mình đang nói tới cảm giác thật, chứ không nói đến các trường hợp tỏ vẻ).

Có phải vậy không và tại sao nhỉ?

Mình băn khoăn là giả sử một người trong số 39 nạn nhân chết trong xe container không có người thân ruột thịt, không có nhân chứng, không có giấy tờ, không có các dữ liệu di truyền học được lưu trữ để đối chiếu, thì có cách nào để xác định anh/chị ta là công dân nước nào, thuộc dân tộc nào hay không (tất nhiên chỉ xét giữa các chủng người gần gũi)? Sử dụng các biện pháp khoa học hoặc trực quan có thể xác định được không? Mình nghĩ là không.

Một người Hán mang quốc tịch Trung Quốc, một người Kinh mang quốc tịch Việt Nam, một người Hoa mang quốc tịch Singapore, thậm chí một người Miến mang quốc tịch Myanmar... thì khác nhau gì về mặt sinh học, về ngoại hình? Rất khó để xác định.

Mình nghĩ xét về mặt sinh học, giữa những người Việt Nam với nhau không nhất thiết có nhiều điểm chung với nhau hơn giữa một người Việt Nam và một người mang quốc tịch của nước lân cận.

Vậy thì điều gì khiến người ta cảm thương với một người cùng quốc gia với mình (mà không hề quen biết hoặc bà con) hơn là một người khác quốc gia? Đấy hẳn không phải bởi lý do sinh học.

Vậy thì là gì? Là bởi họ có những điểm chung về trải nghiệm văn hóa, xã hội, ngôn ngữ... ư? Thực ra, khi xét về những khía cạnh này thì sự tương đồng cũng vô cùng mờ nhạt. Một người ở đảo Lý Sơn nói thì một người ở Lạng Sơn có hiểu không? Một người ở mũi Cà Mau có trải nghiệm về văn hóa, xã hội có giống một người ở “địa đầu Móng Cái” không?

Mình hình dung nếu có một bi kịch xảy ra đối với một gia đình nào đó sống ở phần đất Việt Nam giáp giới với Lào, có lẽ người Việt khắp nơi sẽ thấy đau xót hơn là cùng gia đình đó, cùng bi kịch đó nhưng ngôi nhà của họ không nằm trên đất Việt, mà tịnh tiến vài trăm mét sang phía Tây vào lãnh thổ Lào.

Điều gì đã tạo ra sự khác biệt trong tình cảm ấy?

Đấy có phải là bởi các thành viên của một nước, một dân tộc có xu hướng tưởng tượng rằng họ có nhiều điểm chung, họ là một phần của một nhóm chung?

Như hoài nghi ở trên, sự thương cảm này không chủ yếu xuất phát từ lòng trắc ẩn trước một kiếp nhân sinh, mà chủ yếu xuất phát từ sự cho rằng mình và nạn nhân có chia sẻ điểm chung gì đấy.

Đấy có phải là “cộng đồng tưởng tượng” mà Benedict Anderson đã bàn?

Tác giả bài viết: Đỗ Hùng, từ Sài Gòn