NGƯỜI NGOẠI QUỐC VÀ SỰ HỘI NHẬP CHÍNH TRỊ
- Thứ hai - 10/03/2014 22:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Chỉ có các nguyên tắc vận hành xã hội dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền mới mang lại các giải pháp rốt ráo cho mọi uẩn mắc” – chia sẻ của Tôn Vân Anh, một người gốc Việt hoạt động trong lĩnh vực xã hội và nhân quyền ở Ba Lan.
Cùng một chính khách gốc Hy Lạp (bên phải) đã nhiều năm thắng cử nhờ phiếu của dân nhập cư nghèo được quyền bầu cử, và một nhà hoạt động nhân quyền Iraq đến từ Romania - Ảnh do nhân vật cung cấp
Người nước ngoài hội nhập chính trị ra sao trong không gian dân chủ như Thụy Điển là một trong những câu hỏi thú vị nhất đặt ra cho nhóm các tổ chức phi chính phủ phụ trách người nước ngoài tại Đông Âu, trong chuyến thăm khảo sát mà tôi có dịp tham gia vừa qua tại Malmo.
Malmo - thành phố cảng sầm uất nhất của Thụy Điển, cũng là địa chỉ hay được nhắm tới nhất của dân nhập cư từ nhiều nơi trên thế giới. Nơi đây đã trở thành đô thị lớn nhất về mật độ “đa văn hóa”, “đa ngôn ngữ” và “đa tôn giáo” trên quốc gia Bắc Âu vốn được coi là biểu tượng của an sinh, bình yên và thịnh vượng.
Trước khi nói về sự hội nhập chính trị của người nước ngoài, các thành viên tham gia khóa hội ngộ đã vui vẻ cùng đồng tình với một nhận định hiển nhiên, rằng hội nhập chính trị là mức thang cuối, “siêu đẳng” của trong quá trình hội nhập xã hội sở tại. Tiếp theo, khả năng hội nhập của người nước ngoài phụ thuộc 50% vào sự tiếp nhận niềm nở của chủ nhà.
Tại một số quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Czech hay Romania thì nước chủ nhà gần như không tư duy về vai trò chính trị của cộng đồng người nhập cư, khiến mặt pháp lý của đề tài này bị bỏ trống. Chưa kể các khó khăn về thủ tục cư trú cũng tạo nên rào cản nhất định khiến người nước ngoài bị hạn chế “tư duy xâm nhập”.
Ngoài ra, Hungary hay Slovakia là những quốc gia cho phép người nước ngoài đã có thẻ định cư tham gia bầu cử ở tầm địa phương, nhưng đó là do một vài sự tình cờ, khi họ phê chuẩn một số bộ luật liên quan.
Sự xuất hiện của các đại diện dân sự đến từ vùng Đông Âu đã tạo ra điểm mới cho đề tài, và khiến cuộc khảo sát tại Thụy Điển trở nên vô cùng thú vị. Chúng tôi có cơ hội so sánh một thử nghiệm đã có từ vài chục năm tại một quốc gia dân chủ, đa văn hóa, với những gì đang diễn ra ở các nước mới bắt đầu cảm thấy cần tư duy về người nước ngoài và vai trò của họ trong việc xây dựng xã hội dân sự thông qua hoạt động chính trị.
Chúng tôi đã phân tích, tranh luận và trao đổi về các đề tài này mà chưa đưa ra được một lời giải đáp, nhưng những gì thấy được qua “kinh nghiệm Thụy Điển” quả thật đáng quý.
Người nước ngoài ở Thụy Điển có lúc chiếm tới 30% tổng số người nhiệt tình tham gia hoạt động chính trị, nhưng họ không hề có xu hướng tận dụng số đông đó để lập đảng riêng quy tụ chủ yếu người gốc ngoại quốc. Ngược lại, họ thoải mái và tự tin hơn khi gia nhập các đảng phái đã có vai vế ở nước sở tại để rồi từ đó “chiếm đóng” các vị trí quan trọng từ cấp địa phương trở lên.
“Việt Nam tự do yêu Ukraine tự do” bằng tiếng Thụy Điển tại Malmo - Ảnh do nhân vật cung cấp
Bất ngờ lớn nhất với các bạn tới từ Đông Âu là quận Rosengard, nơi có tới 70% chính trị gia là người nước ngoài hoặc gốc nước ngoài, và họ cũng chiếm gần 30% ghế trong Hội đồng Thành phố.
Nếu hòa nhập chính trị là nửa cuối của hội nhập văn hóa thì một nửa phần công việc còn lại của chủ nhà là gì, các khó khăn phải giải quyết ra sao?
Đó là các thách thức về ngân quỹ, về sự bao dung, về khả năng kiềm chế bùng nổ mâu thuẫn (ví dụ giữa các nhóm Hồi Giáo và Do Thái hiện diện rõ nét tại Thụy Điển), về câu trả lời cho các mối lo ngại, coi người nhập cư là mối đe dọa tiềm ẩn. Đặc biệt, ở đây cũng nảy sinh vấn đề, liệu người nước ngoài khi hội nhập có đồng thời “nhập khẩu” cả hành trang vấn nạn, mâu thuẫn vốn có của họ hay không - điều làm tôi liên tưởng ngay tới “vấn nạn cộng sản” và các “thói quen XHCN” rất thường trực trong cộng đồng người Việt tại Đông Âu. Tất cả những yếu tố này đều hạn chế sự cởi mở của nước sở tại đối với dân nhập cư.
Rốt cục, chìa khóa cuối cùng của sự cởi mở nằm đâu? Bên phía người nhập cư hay từ phía người đón tiếp?
Câu trả lời đơn giản hơn rất nhiều: chỉ có các nguyên tắc vận hành xã hội dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền mới mang lại các giải pháp rốt ráo cho mọi uẩn mắc. Thụy Điển nói họ cố gắng giải quyết các khó khăn nhờ những nguyên tắc dân chủ, tuy không phải lúc nào cũng triệt để nhưng dân chủ và nhân quyền là hy vọng duy nhất cho những cơ hội giải tỏa khó khăn.