Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“NGƯỜI MỸ NGU XUẨN” TRONG MẮT DÂN TRUNG HOA

(NCTG) “Ở Trung Quốc, việc bảo vệ thể diện, bảo vệ uy tín được coi là quan trọng hơn cả. Chúng ta đặt câu hỏi, không phải vì chúng ta không hiểu một điều gì đó mà ngược lại, để cho mọi người nhận thấy chúng ta thông minh biết nhường nào, thậm chí, chúng ta còn có thể khiến diễn giả phải bối rối.”


LTS: Những thói hư tật xấu của người Hoa từng là đề tài của một số tác phẩm văn học Trung Quốc. Từ đầu thế kỷ 20, hơn ai hết, văn hào Lỗ Tấn đã mổ xẻ, phanh phui những điểm yếu của dân tộc ông và phê phán chúng một cách hết sức sắc sảo.

Ra đời vào thập niên 90 thế kỷ trước, cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” cũng từng gây xôn xao dư luận và là đề tài của nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, vì tác giả Bá Dương đã đề cập không khoan nhượng tới những thói xấu, những hủ tục của một dân tộc vốn thường vỗ ngực tự mãn về truyền thống văn hóa và tinh thần của mình.

Bài viết châm biếm sau đây của Vang Po-ching trên “Nhân dân Nhật báo” (Trung Quốc) cũng nằm trong dòng văn học “tự chỉ trích” đó. Phải chăng, tác giả muốn nói rằng nếu muốn theo kịp với thời đại, Trung Quốc phải dứt bỏ một cách không tiếc rẻ những “truyền thống” đang níu chân họ?

*

Nếu ai đó không muốn bị mất mặt, anh ta không được bại trận trong những cuộc thi thố. Điều này bắt đầu ngay từ trong trường học, nơi ấy kết quả thi cử được coi là cơ sở để so sánh. Nhưng cũng quan trọng là chúng ta phải biết cách hỏi các thầy cô giáo vào khi nào và ra sao.

Tôi còn nhớ khi đi học ở Trung Quốc, tôi không muốn đặt câu hỏi. Có nhẽ tôi là thằng hèn? Thật ra, tôi sợ bị các bạn đồng môn chê cười vì những câu hỏi của mình. Thà chẳng hỏi han gì còn hơn, để khỏi bị biến thành kẻ ngu xuẩn trong mắt thiên hạ.

Rồi sau đó, tôi qua Mỹ và tôi rất ngạc nhiên.

Thoạt đầu, ở đó, tôi cũng dè chừng, không hỏi han chi để khỏi phải chường mặt trước các bạn cùng lớp, tôi không muốn bị họ cười cợt sau lưng.

Nhưng về sau, tôi nhận thấy học sinh Mỹ thật kỳ quặc. Nếu không hiểu một điều gì đó, họ có thể đặt những câu hỏi thật…ngu cho thày giáo. Họ hoàn toàn không sợ kẻ khác có thể dựa trên những câu hỏi của họ để rút ra kết luận họ ngu xuẩn hay có vốn kiến thức ít ỏi.

Khác biệt là ở chỗ thái độ một học sinh Mỹ trong giờ học không liên quan gì đến uy tín cá nhân, đến thanh danh của anh ta. Anh ta muốn học và muốn hiểu những gì được nghe.

Khi về thăm nhà, tôi được cảnh báo rằng nếu muốn thuyết giảng tại Đại học Bắc Kinh, tôi phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho những câu hỏi mà học sinh có thể đặt ra. Bởi lẽ các sinh viên Bắc Kinh và các đại học khác trên đất Trung Quốc cũng đã được tôi luyện qua nhiều kỳ thi khó nhọc và vì vậy, họ có thể đặt những câu hỏi vô cùng hóc búa.

Một ông bạn quen của tôi vừa bảo vệ công khai luận án khoa học của ổng tại Đại học Yale. Khá nhiều người đã đến dự buổi bảo vệ đó. Sau khi xong xuôi, họ ngồi uống cà phê để tiếp tục câu chuyện. Chỉ khi đó, ông bạn tôi mới biết một người ngồi ở ghế cử tọa đã từng đoạt giải Nobel.

Điều này có thể xảy ra ở Mỹ, nhưng không thể tưởng tượng nổi ở Trung Quốc. Một nhân vật có uy tín không thể cho phép mình đến nghe buổi bảo vệ luận án của một kẻ vô danh, vì như thế ông ta sẽ đánh mất uy tín của mình. Ổng chỉ đến dự một buổi như thế nếu được ngồi trên ghế chủ tịch đoàn. Và nếu phải ngồi ở ghế cử tọa trên cương vị một khách mời, ông ta phải chọn chỗ ở chính giữa hàng ghế đầu và sẽ đặt những câu hỏi thật hóc hiểm.

Ở ta [tức Trung Quốc - ND], điều này giống như một màn tuồng, khi việc bảo vệ thể diện, bảo vệ uy tín được coi là quan trọng hơn cả. Chúng ta đặt câu hỏi, không phải vì chúng ta không hiểu một điều gì đó mà ngược lại, để cho mọi người nhận thấy chúng ta thông minh biết nhường nào, thậm chí, chúng ta còn có thể khiến diễn giả phải bối rối.

Có thể thông thường chúng ta không hay lắm lời, nhưng đố quý vị có thể chỉ cho tôi một người Hoa không phô trương thành tích học tập, hoặc không khoe anh ta đã tốt nghiệp tại một đại học nổi tiếng như thế nào, được học hỏi từ một giáo sư xuất chúng ra sao. Cho dù nền văn hóa truyền thống [Trung Quốc - ND] luôn giáo giảng sự khiêm nhường.

Muốn lên chức giáo sư ở Washington, ông bạn của tôi rất cố gắng, ổng ở lại văn phòng đến tận đêm. Thành thử, ông ta gặp gỡ thường xuyên James, anh chàng quét dọn.

Một bận, trong khi đang quét rác và nghe nhạc rock bằng máy nghe tai, James kể: Từng là chủ nhiệm câu lạc bộ bóng đá rất có tiếng của trường đại học, nhưng sau đó anh bị giáng chức (ảnh không cho biết lý do tại sao). Và trường đại học không thể sắp xếp cho anh một công việc nào khác, ngoài việc quét dọn. Làm việc này đã từ nhiều năm nay, anh sống được nhờ nó, thậm chí còn nuôi được cả gia đình.

Ông bạn tôi không thể trấn tĩnh được sau khi nghe câu chuyện. Thử hỏi uy tín anh ta để đâu? Bị mất mặt như thế, thà tự sát còn hơn! - ông ta nghĩ.

Liên quan đến việc này, còn một mẩu chuyện nữa. Một nhà khoa học Trung Quốc trở thành một giáo sư nổi tiếng ở Los Angeles. Hai năm trước, ông ta qua Châu Âu dự một hội nghị khoa học. Dựa trên công trình nghiên cứu khoa học của ông, người ta bầu ổng làm chủ tọa hội nghị. Nhưng rồi ông nhảy qua cửa sổ tòa khách sạn.

Báo chí viết rằng sở dĩ ông tự tử vì ổng luôn lo lắng, sợ không tiếp tục được chuỗi thành công đó. Ổng ngại sẽ bị mất mặt.

Phải chăng, rốt cục, có thể người Mỹ vẫn không ngu xuẩn?

(*) Bài viết đã đăng trên chuyên san “Tuần Việt Nam” của mạng tin “VietNamNet”.

Tác giả bài viết: Trần Lê chuyển ngữ theo bản tiếng Hungary