Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGỒI Ở HÀ NỘI BÀN CHUYỆN CRIMEA

(NCTG) “Gốc rễ vấn đề không phải do người Ukraine phản bội Nga như ở Việt Nam nhiều người nghĩ mà là ở chính chính sách bá quyền và tùy tiện của Nga thời kỳ hậu Xô-viết”.
Chính sách bá quyền của Nga gây hậu quả tại mảnh đất Crimea - Ảnh tư liệu
Bốn mươi năm trước, tôi là lưu học sinh ở Kiev, thủ đô của Ukraine. Hồi chúng tôi học là học 100% bằng tiếng Nga, ngoài phố, trong trường chỉ có nói tiếng Nga. Tôi chỉ biết lõ mõ vài câu xã giao tiếng Uraine mà thôi.

Hồi đi học, tôi có được đi nghỉ dưỡng hai tuần ở bán đảo Crimea, được đi tham quan dọc bờ biển xinh đẹp của bán đảo này. Trời đất xoay vần, Liên Xô sụp đổ, Ukraine và Nga gây chiến với nhau, Nga lấy lại phần đất Crimea đã thuộc Ukraine từ 1956.

Sau 5 năm, người dân Crimea sống sướng lên hay khổ đi?

Những tư liệu tôi có cho thấy họ khổ đi quá nhiều. Nỗi khổ càng ngày càng lớn khi nước “mẹ” Nga càng ngày càng tỏ ra bỏ rơi họ (chắc trừ khu vực căn cứ quân sự hải quân với lính Nga là chính). Càng khổ hơn khi phần còn lại của Ukraina ngày càng hồi sinh và phát triển...

Thế mạnh du lịch, nghỉ dưỡng không phát huy được hết do khách Ukraine và khách quốc tế ít đến hơn, khách Nga có tăng bổ sung mạnh. Lượng khách nghỉ dưỡng hàng năm vẫn đạt trên 5 triệu lượt khách nhưng doanh thu khách Nga không cao, sự phát triển hệ thống khách sạn trong điều kiện phức tạp về chính trị không mạnh.

Nguồn trợ cấp của nước “mẹ” Nga ngày càng giảm bởi chính nước Nga cũng khó khăn trong giải quyết các vấn đề tài chính của nước mẹ, ngày càng ít chú ý đến các “vệ tinh”, “phên dậu” như Crimea, Donetsk, Luhansk, Nam Ossetia, Abkhazia...
 
“Thiên đường nghỉ dưỡng” một thời của Liên bang Xô-viết - Ảnh: Internet
“Thiên đường nghỉ dưỡng” một thời của Liên bang Xô-viết - Ảnh: Internet

Công dân Crimea giờ không được nhập cảnh Châu Âu và nhiều nước do thiếu địa vị pháp lý chính danh.

Đại họa nữa là Crimea thiếu nước trầm trọng, có nguy cơ trở thành thảm họa sinh thái và xã hội.

Vùng đất này vốn thiếu nước ngọt từ lâu. Hồi Khrushchev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô giao Crimea cho Ukraine cũng có hàm ý gắn trách nhiệm cho Ukraine cung cấp nước ngọt cho bán đảo này. Và kênh đào Bắc Crimea đã được đào từ 1957, hoàn thành năm 1971. Kênh dẫn nước từ sông Dnepr sang bán đảo, tạo hồ chứa nước lớn dự trữ mùa khô.

Nay kênh bị chặn dòng, hồ khô cạn, mùa màng thất bát, dân thiếu nước sinh hoạt... Nga đã làm ống nước cứu Simferopol và đang tiếp tục thi công ống nước lớn hơn, nhưng không thể giải quyết triệt để nạn thiếu nước sinh hoạt và trồng cấy canh tác trên bán đảo.

Chuyện giải quyết vấn đề Crimea còn rất dài và chắc chắn người dân Crimea còn chịu khổ lâu.

Gốc rễ vấn đề không phải do người Ukraine phản bội Nga như ở Việt Nam nhiều người nghĩ mà là ở chính chính sách bá quyền và tùy tiện của Nga thời kỳ hậu Xô-viết.

Những vùng “phên dậu” như Crimea, Nagorno-Karabakh, Donetsk, Luhansk, Nam Ossetia, Abkhazia... đều là những vùng đất đẹp, nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng do chính sách bá quyền của Nga mà người dân ở đó bị rơi vào tình thế trớ trêu luôn thường trực chiến tranh và không trở lại đời sống bình thường được.

Sự mệt mỏi, đuối sức của nước Nga sẽ buộc nhà cần quyền nước này phải trả lại quyền tự quyết thực sự cho các vùng đất tranh chấp và phức tạp về lịch sử.

Tác giả bài viết: K.V., từ Hà Nội