Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGHĨ VỀ LÁ CỜ

(NCTG) “Vì sao chúng ta không nghĩ đến việc thiết kế một lá cờ màu xanh, màu của hòa bình, của biển Việt Nam, với hình Tổ quốc ở chính giữa? Lá cờ như vậy sẽ có tác dụng kết nối người Việt tham dự những sự kiện chỉ mang tính biểu trưng cho đất nước chứ không có yếu tố chính trị, xóa nhòa những khác biệt về ý thức hệ mà với nhiều người là hoàn toàn cũ kỹ và không cần thiết” – quan điểm của Sveta Nguyen từ Cộng hòa Czech.

Cờ đỏ trong cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc tại TP Frankfurt (ngày 10-5-2014) - Ảnh: FB của Diamant NC Dinh

Sự kiện Trung Quốc ngang ngược đưa dàn khoan HD 981 vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam mấy ngày qua đã làm dấy lên làn sóng phản ứng mãnh liệt trong toàn thể người Việt Nam, kể cả trong và ngoài nước.

Trong làn sóng sục sôi căm phẫn người hàng xóm ngang ngược, người Việt khắp nơi đều có những hành động chống lại kẻ thù chung. Tin tức từ khắp nơi dồn dập đổ về. Tại Cộng hòa Liên bang Đức, ngày 11-5 qua, cộng đồng đã tổ chức biểu tình ngay tại quảng trường trung tâm của thủ đô Berlin.

Tại Cộng hòa Ba Lan, một cuộc biểu tình cũng đang được chuẩn bị vào ngày 18-5 tới, với hai điểm đầu và cuối là trụ sở ĐSQ Trung Quốc và khu Thành Cổ, nơi được coi là trái tim của thủ đô Warszawa. Các sinh viên du học ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Pháp… cũng đang xin phép chính quyền sở tại để được tổ chức biểu tình.

Có thể thấy, hành vi ngang ngược của Trung Quốc, thay vì khiến người Việt sợ hãi, nhún nhường để chúng có điều kiện lấn tới, lại chỉ làm đồng bào Việt Nam xích lại gần nhau cùng hành động phản đối kẻ thù chung.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo chung cho đất nước, người Việt lại gặp phải một số khó khăn trong cách thực hiện mà cụ thể nhất là lá cờ, biểu tượng cho Tổ quốc.


Cờ vàng trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra cùng ngày tại TP Frankfurt (hai cuộc biểu tình diễn ra ở hai địa điểm khác nhau, chỉ cách nhau ít phút) - Ảnh: Internet

Đa số người Việt ra đi từ miền Bắc đương nhiên sẽ chuẩn bị cờ đỏ sao vàng vì họ đã sinh ra và trưởng thành dưới màu cờ đó. Theo tin tức từ Berlin, các nhóm biểu tình ở đây tập trung tự may cờ đến mức các hàng vải ở thành phố hết sạch vải đỏ. Ngược lại, người Việt ra đi từ phía Nam thường biểu tình dưới lá cờ vàng đã gắn bó với họ bao năm qua. Một sự thực là Nhà nước mà lá cờ đó tượng trưng đã không còn tồn tại, nhưng điều này dường như không ảnh hưởng gì đến tình cảm của họ.

Dù đi biểu tình dưới màu cờ nào, trái tim người Việt xa xứ đều hướng về đất nước Việt Nam - quê hương bao đời của cha mỗi người - với những tình cảm như nhau. Tuy nhiên, nhiều màu cờ tượng trưng đó lại cản trở họ sát cánh bên nhau. Năm 2007, Nhật báo “Người Việt” phát hành tại California đã thực hiện một bản thăm dò trên Internet xem người Việt hải ngoại có đồng ý không, nếu sinh viên Việt Nam du học mang theo cờ đỏ sao vàng đến biểu tình chung? Kết quả thăm dò, đến ngày 20-12- 2012, cho thấy 52,63% trả lời đồng ý; 41,30% không đồng ý. Và 5,87% không có ý kiến.

Truyền thống của người Việt Nam là yêu nước, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, mỗi khi đất nước lâm nguy lại là cơ hội lịch sử để người Việt Nam trong và ngoài nước có chung một tiếng nói. Thật đáng tiếc nếu chúng ta để những khác biệt trong ý thức hệ ngăn cách trong hành động chúng ta. Từ Việt Nam, với nhận định tương tự, nhà thơ Trần Tiến Dũng cũng cho rằng, hành động phản kháng Trung Quốc là tinh thần yêu nước trong sáng của nhân dân, màu cờ không quan trọng. Điều quan trọng là người Việt dù đi từ vùng miền nào, sống ở đâu, phải giữ cho mình phản ứng yêu nước, và xem việc bảo toàn lãnh thổ cho thế hệ tương lai là công việc chung, bất chấp ý thức đảng phái.


Đã có lúc hai lá cờ cùng xuất hiện trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc (16-7-2011, trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Hambur, CHLB Đức) - Ảnh: Gocomay

Đã có nhiều nỗ lực vượt qua trở ngại này. Năm 2007, các sinh viên du học tại London đã biểu tình chung với cộng đồng người Việt Nam tại đây và cả hai phía tham gia biểu tình thoả thuận không mang theo lá cờ của bất kỳ bên nào. Thay vì thế, những người biểu tình chỉ mang theo bản đồ Việt Nam như một biểu tượng kết nối. Sáng kiến này cũng được Hội Sinh viên Việt Nam ở Hoa Kỳ ủng hộ.

Sự kiện Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông tháng 5-2014 càng cho thấy sự cần thiết phải có những nỗ lực kết nối người Việt đi từ hai miền. Từ Ba Lan, anh Ngô Hoàng Minh, người đứng ra tổ chức cuộc biểu tình sắp tới cho biết trong sự kiện biểu tình sắp tới, tất cả mọi người đều có quyền tham gia, bất kể chính kiến vì ai cũng có quyền yêu nước Việt theo cách riêng của mình một cách bình đẳng: “Các bạn ở các quốc gia khác không nên bực mình khi thấy có quá nhiều cờ đỏ, các bạn ở Việt Nam cũng không cần phải “lăn tăn” khi xuất hiện 1-2 lá cờ có màu vàng. Miễn là chúng ta có cùng tiếng nói: chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam”.

Anh Hùng Hà, một người Việt sống ở TP Mainz, CHLB Đức, cũng cho biết khi tham gia biểu tình anh đã từ chối khi được trao lá cờ đỏ sao vàng, cùng với dải băng quấn trên tóc cũng là một lá cờ. Dù có đôi chút cảm thấy lạc lõng giữa những người mang cờ đỏ nhưng anh tự nhủ, vẫn còn một thứ gắn kết những người Việt với nhau: đó là việc mỗi người đều là con dân Việt Nam, cùng xốn xang trước nghịch cảnh của đất nước. Và khi cùng mọi người hát vang “Nối vòng tay lớn”, cùng hô khẩu hiệu phản đối Trung Quốc, anh cảm thấy trái tim của mọi người đã cùng hòa một nhịp, cùng hướng về quê hương.

Trải qua lịch sử mấy ngàn năm, Việt Nam đã từng có biết bao nhiêu lá cờ, mỗi chính thể lên cầm quyền lại có một lá cờ mới nhưng đất nước Việt Nam thì chỉ có một. Vì sao chúng ta không nghĩ đến việc thiết kế một lá cờ màu xanh, màu của hòa bình, của biển Việt Nam, với hình Tổ quốc ở chính giữa? Lá cờ như vậy sẽ có tác dụng kết nối người Việt tham dự những sự kiện chỉ mang tính biểu trưng cho đất nước chứ không có yếu tố chính trị, xóa nhòa những khác biệt về ý thức hệ mà với nhiều người là hoàn toàn cũ kỹ và không cần thiết.


Và khi không còn cờ, chỉ còn một màu xanh của hòa bình, của biển đảo quê hương... Biểu tình ngày 20-10-2012 tại TP München (CHLB Đức)


Để mỗi khi đứng dưới lá cờ ấy, trong trái tim mỗi người Việt Nam có thể cùng ngân lên nhưng câu ca quen thuộc:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!” (*)

Trong thời điểm đất nước lâm nguy, sự có mặt của mọi người Việt càng cần thiết hơn bao giờ hết. Cuộc biểu tình của chúng ta sẽ kém tác dụng đi rất nhiều nếu Trung Quốc nhìn thấy sự bất hòa ngay trong những người biểu tình. Hãy cùng vì một đất nước Việt Nam hòa bình, trọn vẹn cho các thế hệ sau của dân tộc Việt nhé!

(*) Ca khúc “Tình ca” của cố nhạc sĩ Phạm Duy.

Tác giả bài viết: Sveta Nguyen, từ Praha (Cộng hòa Czech)