Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGHĨ VỀ “GÁI BÁN HOA”

(NCTG) “Có gì khác biệt giữa những người phụ nữ lấy chồng vì danh giá, vì kinh tế, vì cái tiếng có chồng với những kỹ nữ mà họ coi rẻ đâu? Tất cả đều là đổi tấm thân mình để có được lợi ích nào đó mà ít ra gái mại dâm còn sòng phẳng, rõ ràng hơn chứ không nấp dưới chiêu bài chính chuyên này nọ”.
Mại dâm, một hiện tượng xã hội đã có từ thời cổ đại - Ảnh tư liệu
Tính mình nghĩ sao nói vậy, không kiêng kỵ gì lại rơi vào xã hội “cổ truyền” này nên lâu lâu lại làm dân tình... nhảy dựng lên. Khi mình phê phán đàn ông, mọi người đều suy ra rằng mình chắc là ế ẩm sao đó nên sinh ra thù ghét đàn ông. Khi mình phản đối kiểu hiếu thảo cổ truyền, tức thời có người suy diễn rằng trong nhà mình có vấn đề. Nay mình muốn bênh vực nghề cổ xưa nhất của phụ nữ, chắc thế nào cũng có người nghi ngờ mình có liên quan gì đến ai đó làm nghề này.

Thực tế thì riêng vụ này mình cực kỳ thiếu thực tế vì dù mình đã thò mũi vào rất nhiều nơi nhưng cho đến nay, chưa có cô bán hoa nào đến chào hàng với mình! Thuở nhỏ, trong gia đình hết sức gia giáo nhưng lại lắm sách vở của mình, cô gái bán hoa đầu tiên mình được biết là Thúy Kiều. Còn nhớ năm độ 12-13 tuổi, khi lần đầu được bố mình giảng giải ý nghĩa của từng điển tích trong “Truyện Kiều”, mình vô cùng thắc mắc vì sao chỉ có phải đi tiếp khách mà theo mình là cũng giống như mình thay bố mẹ tiếp khách ở nhà, tức là pha trà, rót nước, ngồi nói chuyện mà lại làm cho cô Kiều đau khổ đến mức muốn tự sát? Còn nhớ mẹ mình đã rất lúng túng nhưng vẫn không thể nào giải thích được cho mình vụ “tiếp khách” này.

Cuối cùng mình đành tự hiểu là thời ấy nguyên tắc cấm cung quá khắc nghiệt đến mức các tiểu thư phải ra tiếp chuyện đàn ông lạ cũng cảm thấy bị xúc phạm và mình thấy tội nghiệp cho cô vì mình được tự do tiếp khách hàng ngày mà chẳng ai chê trách cả! Sau này khi lớn lên đôi chút, mình lờ mờ hiểu “tiếp khách” của các cô gái lầu xanh là làm gì đó rất ô nhục nhưng cụ thể là làm gì thì mình không hiểu được. Xã hội cũng làm mình ngầm hiểu cần khinh bỉ, tránh xa họ.

Không may là sau đó mình được đọc rất nhiều sách về các cô gái này, từ tầng lớp thấp nhất như Tám Bính, cho đến các cô điếm cao cấp như Trà Hoa Nữ, thậm chí cả những kỹ nữ làm khuynh đảo lịch sử thế giới như Thaïs, nên mình sinh lòng lòng trắc ẩn, thậm chí còn khâm phục các cô. Thời xưa phụ nữ thường bị hạn chế trong gia đình nên ít hiểu biết, kỹ nữ thường là những phụ nữ xinh đẹp, thông minh, được huấn luyện rất khó khăn để làm bạn tâm giao với những bậc trí giả, tướng lĩnh nên thường có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa, nghệ thuật và cả chính trị, quân sự.

Châu Á có Lý Sư Sư, Lương Hồng Ngọc, Tehura..., Châu Âu còn nhiều nữa mà Nữ bá tước Du Barry, người tình của vua Luis 15 là một ví dụ. Ở Việt Nam, các ả đào, ca nương cũng từng là nguồn cảm hứng cho không ít văn nghệ sĩ Việt Nam như Nguyễn Du đã nhắc đến trong “Long thành cầm giả ca”. Chỉ từ khi xuất hiện tư bản hoá, nông dân mất đất bị bần cùng hóa mới phát sinh ra tầng lớp gái điếm hạ cấp như mô tả trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Văn Cao... 

Khi phản đối mại dâm, Việt Nam thường vin vào câu “không phù hợp với văn hóa Á Đông”, nhưng các tác phẩm của Nguyễn Dữ, Nguyễn Du hay Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng đều cho thấy chẳng có văn hóa Á Đông nào quy định như vậy cả. Ở nhiều nước trên thế giới, mại dâm được coi là một ngành hợp pháp vì nó đáp ứng được nhu cầu của những người không thích lập gia đình hay có những sở thích tình dục bất bình thường, dù là nam hay nữ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mại dâm giúp giảm tệ nạn bạo lực tình dục, ổn định xã hội. Thực tế đã chứng tỏ không thể cấm được mại dâm vì có cầu ắt có cung nên chỉ có cách hợp pháp hóa mại dâm để giúp nhà nước thu được thuế và kiểm soát được bệnh xã hội.

Tất nhiên khi còn trẻ mình không thể nghĩ nhiều như vậy, cũng rất ghê sợ chuyện gái mại dâm quyến rũ đàn ông trong nhà, không thể hiểu được chuyện phụ nữ trao thân cho người đàn ông lạ chỉ vì tiền... Cho đến khi đã trưởng thành, một lần nghe chuyện về một phụ nữ được coi là đứng đắn nhưng không được chồng yêu thương, lại còn đối xử tệ bạc mà cô ấy không thể bỏ anh ta vì lệ thuộc kinh tế, vì thể diện gia đình...

Thấy mình ngạc nhiên, mọi người đều bảo mình: “Phụ nữ thì phải biết nhịn để gìn giữ gia đình. Bao nhiêu người như vậy chứ riêng gì cô ta?”. Đến lúc ấy mình mới nhận ra, vậy có gì khác biệt giữa những người phụ nữ lấy chồng vì danh giá, vì kinh tế, vì cái tiếng có chồng với những kỹ nữ mà họ coi rẻ đâu? Tất cả đều là đổi tấm thân mình để có được lợi ích nào đó mà ít ra gái mại dâm còn sòng phẳng, rõ ràng hơn chứ không nấp dưới chiêu bài chính chuyên này nọ.

Thế nên, thiết nghĩ, không phải ai làm vợ cũng là người tử tế, cũng như không phải gái mại dâm nào cũng tồi tệ.

Không thể và không nên kỳ thị con người qua nghề nghiệp chứ?

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội