Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGÀY TẾT NGHĨ VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM (1)

(NCTG) “Ba ngày Tết tôi chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi, dành thời gian cho bản thân, tôi không thích đi thăm ai cả, gặp nhau quanh năm rồi chưa chán hay sao mà Tết còn đến phiền nhau? Tôi ước một ngày người ta chỉ còn gửi postcard cho nhau, Tết là để nằm nhà ngủ nghê hay đi du lịch. Vì thế năm nay tôi quyết định ở nhà đọc sách, ngủ nghê, mồng Ba đi Sapa với bạn, phải sống cho mình, “mặc xác” ai nói gì thì nói (thể nào họ hàng và bạn bè cũng có người không hài lòng nhưng tôi… thây kệ, tôi không sống theo ý mọi người được)”.
Đình làng, một biểu tượng của văn hóa truyền thống làng xã Việt Nam

 

Lời Tòa soạn: NCTG nhận được ý kiến sau đây của một độc giả báo, là giảng viên Anh ngữ một trường đại học lớn ở Hà Nội. Xét thấy vấn đề được đặt ra rất lý thú và rộng, xin được đăng làm hai phần để bạn đọc cùng suy ngẫm và bàn bạc. Mọi trao đổi liên quan đến đề tài này sẽ được NCTG biên tập (nếu cần) và đăng tải, để rộng đường dư luận.

Có một hôm, tôi cho sinh viên thảo luận về văn hóa Việt Nam. Câu hỏi của tôi là (tạm dịch ra tiếng Việt): “Đặc trưng của văn hóa Việt Nam là gì? Những khía cạnh nào của văn hóa Việt Nam các em muốn duy trì? Những khía cạnh nào các em muốn thay đổi? Vì sao?”. Các bạn sinh viên thảo luận hứng thú lắm. Toàn 8x, công dân a-còng… cả!

Đây là những ý kiến mà tôi nhớ được (cũng tạm dịch ra tiếng Việt):

- “Em thích nhất là Tết cả nhà cùng ngồi gói bánh chưng. Cảm giác rất là ấm áp. Văn hóa Việt Nam rất coi trọng tình cảm” (vì sắp Tết nên các em sinh viên cứ liên tưởng đến Tết, đôi khi tôi cứ phải nhắc các em quay lại với chủ đề văn hóa theo nghĩa rộng hơn).

- “Em thích Tết vì được mừng tuổi . Em thích đi thăm họ hàng và bạn bè ngày Tết” (khi tôi hỏi lại em này: “Đi thăm nhau có phải là 1 tập tục phiền nhiễu quá không? Ngày Tết ở phương Tây là ngày nghỉ của gia đình và cá nhân, còn ở Việt Nam thì cứ phải “sinh hoạt cộng đồng”, có mệt mỏi quá không, khi mà quanh năm đã phải “sinh hoạt cộng đồng” rồi?” thì thật bất ngờ, em bảo: “Không hề. Em thấy đó mới là nét đẹp của văn hóa Việt Nam“. Hóa ra lớp trẻ còn “cổ điển” hơn cả mình, hay là tôi đã bị “Tây hóa” quá mức rồi nhỉ?!)

- “Người Việt Nam tình cảm, quan tâm lẫn nhau, hàng xóm rất gần gũi với nhau“.

- “Thờ cúng ông bà tổ tiên là nét đặc trưng văn hóa Việt Nam rất đáng trân trọng và duy trì“.

- “Em không thích những người mê tín và những điều mê tín dị đoan. Ví dụ cứ phải kiêng kỵ điều này điều khác làm ngày Tết mất vui hoặc cưới hỏi phải hợp tuổi“.

- “Người Việt Nam rất thành kiến, ví dụ con trai kém tuổi con gái là người ta nói ra nói vào” (em này nói đến đây là cả lớp cười ồ lên bảo “chắc cậu lại yêu bà chị nào rồi phải không?“)

Hầu như cả lớp đều đồng ý là nên duy trì các phong tục lễ Tết, tập tục thờ cúng, nên duy trì mối quan hệ gần gũi trong gia đình, tình làng xóm, v.v… Tôi thấy mừng quá! Thế hệ trẻ mà biết trân trọng văn hóa dân tộc thế này là tốt.

Nhưng thấy các em sinh viên chưa chú trọng… phê bình văn hóa Việt Nam nhiều, bỗng dưng tôi lại thấy hơi lo. Thế hệ trẻ mà không biết suy nghĩ có phê phán thì đáng ngại cho sự phát triển của đất nước. Cũng có thể là các em còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, chưa va vấp nhiều. Hy vọng đầu óc phê bình sẽ đến với các em theo tuổi tác!

Ngồi lẩn thẩn, tôi thử “bới móc” văn hóa Việt Nam một chút:

1. Phải công nhận người Việt Nam mình rất trọng tình cảm, tình làng nghĩa xóm, căn bản là bởi xuất thân nông dân (văn hóa nông nghiệp), ăn ở quây quần từ thời… ăn lông ở lỗ nên tính cộng đồng làng xã ăn vào máu. Nhưng cũng chính ví tính cộng đồng cao quá nên nảy sinh nhiều vấn đề:

- Can thiệp/ can dự quá sâu vào đời sống của nhau. Điều này gây khó chịu và hơi kém văn minh, không tôn trọng quyền tự do lựa chọn của cá nhân. Đôi khi sự quan tâm quá lại trở thành mất lịch sự (ví dụ: hay hỏi những câu hỏi “nhạy cảm” trong những trường hợp “nhạy cảm”).

Trong một nghiên cứu của tôi, tôi thấy người Việt “khuyên bảo” hơi nhiều và coi đó là thể hiện sự gần gũi quan tâm. Điều này đối lập với người Úc (đối tượng nghiên cứu trong nghiên cứu của tôi): họ tỏ ra có khoảng cách hơn và coi đó mới là lịch sự.

Riêng tôi thì rất khó chịu với các kiểu khuyên bảo, cố vấn, với các trường hợp đó để tránh tranh cãi vô bổ tôi thường chỉ cười nhạt, ai mà tinh ý thì sẽ hiểu tốt nhất là nên chấm dứt.

- Khi cộng đồng được đề cao hơn cá nhân thì sự đột phá cá nhân không được khuyến khích, khó có ý tưởng hay và lạ, vì tất cả mọi người đều phải suy nghĩ giống nhau, khác đi một tý là mệt. Thế thì làm sao có đất cho sáng tạo?

- Vì coi trọng tình cảm và sự hài hòa nên không có động lực để phát triển. Nhiều người cứ hỏi vì sao Việt Nam ta không có triết học, vì sao văn học của chúng ta không có những tác phẩm hoành tráng như văn học Trung Quốc, vì sao chúng ta không có giải Nobel, không có kim tự tháp, v.v…

Tôi nghĩ nên giải thích dưới góc độ văn hóa (chứ không chỉ kinh tế - xã hội - lịch sử). Người nông dân chỉ cầu mưa thuận gió hòa, trong ấm ngoài êm, cái gì hiền hòa xinh xắn là chuẩn, cái gì phá cách nổi loạn thường không được chấp nhận. Hay nói cách khác, “nhỏ là đẹp”. Ước vọng chỉ có vậy thì đời sống cũng chỉ đến vậy!

- Vì quá coi trọng tính cộng đồng nên tồn tại rất nhiều hủ tục ko cần thiết. Ví dụ ba ngày Tết tôi chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi, dành thời gian cho bản thân, tôi không thích đi thăm ai cả, gặp nhau quanh năm rồi chưa chán hay sao mà Tết còn đến phiền nhau?

Tôi ước một ngày người ta chỉ còn gửi postcard cho nhau, Tết là để nằm nhà ngủ nghê hay đi du lịch. Vì thế năm nay tôi quyết định ở nhà đọc sách, ngủ nghê, mồng 3 đi Sapa với bạn, phải sống cho mình, “mặc xác” ai nói gì thì nói (thể nào họ hàng và bạn bè cũng có người không hài lòng nhưng tôi… thây kệ, tôi không sống theo ý mọi người được.)

- Vì tính cộng đồng cao nên nảy sinh tính địa phương chủ nghĩa. Nếu ai để ý thì làng xã Việt Nam nào cũng có 1 cái cổng (tôi nhớ ra cái cổng vì bố tôi vừa… bắt tôi về quê và chỉ đường cho tôi là “làng ta có cái cổng rất to“). Cả đời tôi về quê mới hai lần, mặc dù quê cách Hà Nội có 15 cây số. Về để làm gì? Tôi chả quen ai ở đấy, ông bà họ hàng ở Hà Nội hết rồi.

Tôi từng phát biểu thế này làm mẹ tôi giận tím tái mặt mày: “Quê hương là cái gì? Ở đâu có điều kiện phát triển thì ở đó là quê hương. Bây giờ người ta nói đến công dân toàn cầu. Không lẽ con cứ phải sống chết ở Việt Nam mới là có gốc có gác?!”. Tôi nghĩ mình là nạn nhân của tính cộng đồng của văn hóa Việt. Cái gì đè nén quá thì nó sẽ nổ tung và bị đẩy theo chiều hướng ngược lại. Tôi nổi loạn vì bị đè nén bao nhiêu năm bởi cái quan niệm gia tộc cộng đồng vân vân của người Việt.

Nói tiếp chuyện cái cổng làng: cái cổng làng là một minh chứng hùng hồn cho tính cộng đồng, nhưng là một cái cộng đồng thu nhỏ trong một địa phận cụ thể. Người làng khác không chen chân vào được (ngày xưa người ở làng khác đến thường phải đi làm mõ, tức là một cái nghề thấp kém nhất trong xã hội. Mà “tha hương cầu thực” thì bị người ta coi khinh lắm).

Xuất phát từ tâm lý - suy nghĩ đó nên người Việt mình địa phương chủ nghĩa lắm và rất rất rất (tôi phải nhấn mạnh) kỳ thị những người không thuộc cái cộng đồng hạn hẹp của mình. Ví dụ đến nay các cuộc “chiến” giữa người Hà Nội - người Hải Phòng - người Nghệ An- người Thanh Hóa vẫn còn tiếp diễn, rồi người Bắc - người Nam, v.v…

Mọi người ở nước ngoài sẽ nhận thấy so với cộng đồng Trung Quốc thì cộng đồng Việt mình kết nối lỏng lẻo hơn nhiều, và không đoàn kết tý nào.

2. Người Việt gốc gác vốn là nông dân nên rất thích “tư hữu hóa”, cái gì của anh thì anh bảo vệ, cái gì của chú thì anh “cóc” cần quan tâm, thậm chí anh phá, đi đường thấy cái gì hay cũng nhặt về nhà cất giấu làm của riêng. Thế nên các công trình công cộng mới hay bị phá, bị ăn cắp (không phải chỉ vì người ta nghèo, tôi nghĩ thế).

Thêm vào cái tâm lý “tiền chùa” và “tội vạ đâu Liên Xô chịu” - tàn dư của một thời Xếp Hàng Cả Ngày (XHCN) bao cấp nữa, của công là của nhà nước, ông “đếch” cần giữ!

Tôi mới thành công trong việc rèn rũa sinh viên trong lớp ra khỏi phòng là tắt điện tắt quạt chỉ bằng một câu chuyện tiếu lâm nước ngoài. Bây giờ các em “biết điều” lắm, ra khỏi lớp là ngắt công tắc điện.

3. Người Việt thành kiến mà mê tín kinh khủng, nhưng cái này tôi không đổ tội cho văn hóa. Thành kiến và mê tín là đặc thù của tất cả các xã hội nghèo đói, không văn minh. Châu Âu ngày xưa cũng thế. Càng văn minh người ta sẽ càng mở mang về quan niệm sống.

Phần 2.

Tác giả bài viết: Còn tiếp