NĂM MƯƠI RẤT DỄ BỎ CHỒNG
- Chủ nhật - 23/11/2014 17:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Vậy là qua tuổi năm mươi thì đàn bà rất dễ bỏ chồng, dễ cũng ngang như ở các gia đình khác các ông bỏ vợ khi vợ vừa lên năm mươi”.
Minh họa: afamily.vn
Vừa đọc được trên tờ báo mạng “Nhịp cầu Thế giới” một - gọi là gì nhỉ? - nếu là truyện thì sự gia công hư cấu là quá ít. Ý nghĩ đầu tiên là cái này thích hợp lắm với các trang như afamily hay webtrẻthơ, hay mục tâm sự của bất kể tờ báo nào dành cho đàn bà. Ý nghĩ thứ hai: nhân vật chịu đựng giỏi thật, chỉ đến lúc bị ngăn cản một sự không chịu đựng được là đi đái, quên, tác giả lịch sự hơn viết là đi tiểu, thì mới quyết định bỏ chồng. Chưa biết bỏ xong chưa, nhưng đã thấy băn khoăn là chẳng lẽ lại nói lý do bỏ chồng là như thế, vì anh không cho tôi đi tè. Mà, căn cứ vào tất cả những cái rất đáng chán của tay chồng, có thể lập hẳn một danh sách được kể ở phần trên, thì đôi vợ chồng này chỉ chừng mười chín hai mươi năm nữa là vào tuổi xưa nay hiếm. Ý nghĩ thứ ba: vậy là qua tuổi năm mươi thì đàn bà rất dễ bỏ chồng, dễ cũng ngang như ở các gia đình khác các ông bỏ vợ khi vợ vừa lên năm mươi.
Nghĩ chán lại thấy phải nghĩ nữa: những cái viết về chị em, chị em đọc xong thông cảm /phẫn nộ, khóc mếu/ rủa xả với nhau thôi liệu có ích gì? Mình chưa bao giờ tin nước mắt làm vơi làm nguôi đi được cái gì cả. Đã phải làm cho ai rơi nước mắt thầm vì những lý do không có gì đáng cảm động và hoài nhớ thì chỉ có nghĩa là đã làm kết tủa trong lòng người ta những nỗi niềm không buồn chia sẻ với nhau nữa, thế thôi. Vậy có nên đem in tất cả các tâm tình tâm sự này, copy, chia cho nhau mang về chìa vào mặt chồng cùng cái kính lão của y, bảo đọc đi rồi ngồi xuống nghe tôi nói. Chắc không cần. Nhưng đem cho chị em bạn gái đã chồng con của chúng ta đọc thì sao nhỉ? Biết đâu giúp họ không phải đi qua giai đoạn thứ hai cực kỳ căng thẳng trong đời đàn bà trước một câu hỏi lớn, ấy là bỏ chồng hay không bỏ chồng. Trong từng trường hợp, nếu có câu trả lời chính xác thì cũng là giải đáp được vấn đề tồn tại hay không tồn tại đấy. (Giai đoạn thứ nhất cũng thấy đàn bà kiểu như bọn mình bỏ chồng ào ào là khoảng tuổi bốn mươi xuân chín.)
Nói vậy, là vì mình thấy cái ông chồng kia của nhân vật đàn bà kia đáng bỏ thật. Nhưng lỗi không hoàn toàn do ông ấy. Lỗi ở chính người đàn bà, đã chơi lotto với chính đời con gái, đời làm vợ làm mẹ của mình. Cuộc chơi lotto đầu tiên của chị là đã lấy chồng không tình yêu, chỉ vì chút ấm áp trong tình đồng hương xứ lạ, chút vô tư của đời sinh viên. Ông chồng có yêu chị khi lấy chị không thì không biết, ngờ lắm, vì yêu thì người ta sẽ không vô tâm đến thế khi ở với nhau. Vậy là cả hai mót lấy nhau vì các điều kiện đủ đều có mà quên điều kiện cần. Tôi ấy à, tâm đắc với câu các cụ dạy “có ai thêm bận vì ai không ai giường rộng chiếu dài dễ xoay” đã hô quyết tâm từ hơn một phần tư thế kỷ trước với đám bạn gái là chỉ lấy người mình yêu, gã mà yêu mình thì quá tốt, còn không vẫn là tốt, tốt hơn lấy kẻ yêu mình mà mình thì…
Tóm lại, nếu ai làm đúng theo quyết tâm của tôi thì đều nhận ra là rất lợi: chịu đựng khó khăn gian khổ và sự trái tính trái nết của ông chồng dễ hơn, hoặc ít nhất cũng không mất công than thân trách phận rằng mình đã không được sống rồi đổ tội cho số, cho cha mẹ, đôi khi nhân thể đổ cho cả cái đứa đã đưa ông ấy đến làm quen với mình. Coi như thua, cuộc chơi đầu tiên!
Cuộc chơi lotto thứ hai cũng thua luôn! Đã quen biết nhau trong một vòng giao tiếp phải nói là có chọn lọc và chắc chắn là nồng nhiệt lắm; sinh viên đi Tây cơ mà, rồi lấy nhau, thế mà chị đã không ngay từ đầu duy trì quan hệ bạn bè trong tình vợ chồng. Chẳng cứ dân xuất thân ở phố lấy dân vùng sâu vùng xa có vấn đề khó hòa hợp trong nếp ăn ở, mà ngược lại cũng y rứa. Cứ nghĩ mà xem, nhà người ta sẽ bối rối thế nào khi cô dâu thành phố vừa ở Tây về không dám cầm roi vào chuồng lợn, nào ai dám bảo vào đó bắt lợn, chỉ đơn giản là cách nay dăm chục năm ở nhiều làng quê Việt Nam chuồng lợn là cơ quan luân chuyển ngũ cốc, hay bây giờ, bà mẹ chồng lụ khụ ra Hà Nội không biết làm cách nào ngồi xổm cho vững trên cái nhà vệ sinh bệt của con dâu.
Lấy chuyện vùng miền lãnh thổ lãnh hải truyền thống phong tục thành phần gia đình ra để soi thì người nơi này luôn không đắt với nơi kia, chứ dân thành phố chẳng là cái đinh. Có là cái đinh thật thì người nông thôn họ là cái dùi. Mình người phố một trăm phần trăm, biết phận mà nói thế này, dẫu cũng buồn lòng một tị. Bản chất của việc chịu đựng những, tạm thời cứ gọi là thói hư tật xấu của chồng, rồi tự hóa giải nó bằng, tạm thời cứ cho là biết điều, giỏi nhẫn nhịn hy sinh và khả năng ngút ngàn thông cảm của đàn bà, ở nhiều đàn bà thực ra lại là sự ngạo mạn kín đáo. Kín đến thế nào cũng phải có lúc hở. Cứ nghĩ mà xem, đêm nằm tưởng ôm vợ lại chợt ngộ mình đang ôm cái tượng đài nằm ngang thì mọi thằng cha sẽ nghĩ gì? Mình á, ví đây đổi phận làm giai được, mình sẽ bỏ vợ, tắp lự.
Bỏ qua những chuyện rất riêng tư trong cuộc sống của vợ chồng nhà này, có đúng là cái sự thiếu một quan hệ bạn bè là tình trạng hôn nhân phổ cập của thế hệ chúng ta không nhỉ? Nói cách khác là không chỉ thiếu đi sự tri kỷ, trước tiên và trên hết: chúng ta trong khi lo chứng tỏ ngay mình có bao nhiêu đức tính tử tế theo ước lệ truyền thống, như nhẫn nhịn, chăm chỉ, hy sinh, giỏi giang abc thì cũng đồng thời quên quách đi nghĩa vụ xác lập và bảo vệ quyền bình đẳng ngay từ đầu. Nói vậy là vì giả dụ các đức ông khi yêu đã hiện nguyên hình tồi tệ như khi lấy và bị vợ cảm thấy thế thì chẳng mẹ nào điên váy váy áo áo xúng xa xúng xính theo các ông đi chào quan khách nhận tiền mừng đâu.
Nếu ngay từ đầu ta đã xác lập được một vài ba nguyên tắc sống chung, và từng ngày ngay từ đầu dịu dàng yêu cầu chồng tôn trọng thì có lẽ sự thể sẽ khác. (Nhưng làm cái này cần cả một nghệ thuật ứng xử đấy nhé, chứ triệu tập nhau họp thì chắc chắn không thành công. Có rực rỡ chắc là vì pháo hoa trong mắt khi ông ấy thành vũ phu còn mình thì chưa kịp thành vũ nữ.) Mà nếu không khác, ông ấy không chấp nhận nguyên tắc sống chỉ gồm 1, 2, 3 của ta, còn ta thì không nhịn, thì bất quá giống chơi số đề đôi ba lần, có mất thì cũng là chuyện muỗi. Ly dị khi đó, may ra còn chưa có con, có hậm hực nhau đến thế nào thì cũng còn rất trẻ, khả năng xây dựng một cuộc đời mới nó dễ như… đảm bảo dễ như kêu gọi chống tham nhũng thôi mà.
Đằng này, cứ tặc lưỡi cho qua bao nhiêu chuyện khó chịu mà nguồn gốc là ông chồng, nhân danh đủ thứ, trong đó có cả nghĩa vụ đối với con cái. Này, mình nói thực, không bỏ ông ta là vì sự an ổn của chính mình đấy thôi. Nào có phải mấy chị sống ở tít tắp vùng sâu vùng xa nào sợ bỏ chồng thì cả họ nhà chồng bỏ mình, con cái tới mái nhà dột để chui rúc cũng sẽ mất mà bảo chịu đựng kiểu đó. Với một người đàn bà năm mươi, có học, giỏi giang, thành đạt, thành danh, thành đủ thứ thì cứ nói ngay cho vuông: chồng họ chắc cũng phải gì gì và này nọ phết, nhất là anh ấy lại là dân vùng xa bám trụ được ở thành phố, chí phải cao hơn núi. Tóm lại cũng thuộc loại khủng nhỡ không chừng.
Không chừng không bỏ được nhau sớm cũng vì cái lý do khỉ gió này. Dù sao, làm cặp vợ chồng giáo khoa được tứ bề thiên hạ ngợi ca nhà ấy được cả vợ lẫn chồng ai cũng giỏi cũng thành đạt, nghĩ mà xem, cũng sướng tai và một số cơ quan đoàn thể trong người chứ. Có điều, chả ai tự hào mãi vì những cái đã qua được, đàn bà năm mươi thấy khó đặt hy vọng vào thành tựu mới ở chồng. Đầu tư niềm tin vào con ông ấy chắc ăn hơn. Vậy là tội chồng thêm tội.
Anh ta lắm tội trong mắt vợ, thế thật, kể cả cái không nên quy thành tội là yếu. Chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền là cùng chứ gì? Hay còn cố thủ không đi chợ? Phải nghĩ toàn về sự vô tích sự của chồng thế này thì đời đàn bà cũng vô nghĩa lý thật. Này nhưng chồng vẫn bồ bịch được! Lại còn với những đàn bà mà mình không thèm ghen. Ví dụ như là cô giúp việc. Thế vì sao? Biết đâu chỉ với những đàn bà đó họ mới tìm ra cái vẻ người nữ muôn đời mà vợ họ không bao giờ phát lộ.
Nếu giả thiết này là thật thì các bạn gái thân mến, hãy thử đổi chỗ cho ông chồng mà mình bắt đầu kiên quyết bỏ vì họ làm khổ mình mấy chục năm giời, nghĩ hộ người ta một tí. Có phải họ cũng tụt hết cả hứng trước mình từ lâu rồi y như mình chán họ hay không?
Nghĩ thế thì có thể thông cảm cho nhau chăng? Mà nếu bỏ thì sẽ tiếp tục thông cảm được chăng? Chả còn cái nghĩa vợ chồng thì lại có cái tỉnh tình tinh mới trong một quan hệ mới: bạn già kiêm là ông bà của những đứa cháu chung.
Điều này có thể kiểm chứng bằng một cái test nhỏ: học tập họ kiếm một người tình đi, yêu thực sự một lần đi. Đơn phương cũng được đi.
Khi biết sống cho bản thân, nói chung người ta dễ từ bỏ các quyền đòi hỏi trong các quan hệ nói chung, và dễ dám nhận trách nhiệm về mình hơn.
Nhưng như thế thì mình lại có lỗi trước con cái! Vậy thì li dị nhỉ? Hay thôi! Chứ mang cả đời ra tố nhau trước tòa thì ai nghe, mà nói ra một cái lý do người ta cho là lãng xẹt thì đến con mình khéo nó cũng trợn mắt bảo mẹ cháu giỏi lắm nhưng thỉnh thoảng cũng hơi hơi…
PS:Theo một thống kê thực hiện riêng: đàn ông thích, quý những đàn bà chăm ngoan, biết nghe lời, biết phục tùng, đắm đuối có thời hạn những đàn bà xinh đẹp, lẳng lơ. Còn với những đàn bà thông thái, thành danh, quyền uy thì đàn ông yêu và mê, coi là rượu cà phê chứ không phải sữa đậu nành, và khi lấy về, họ thích nhất là thấy người đàn bà đó không tỏ ra nguy hiểm. Những người đàn bà này khi bỏ họ, họ vẫn mê như một đề tài nghiên cứu mãi không xong. Điều này ít nhiều đã được kiểm chứng.