MÙA THU NÀY, NGÀY...
- Thứ bảy - 20/08/2011 21:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tôi hình dung cái ngày đó, trong nỗi buồn vì những người tôi nhắc trên kia sẽ không thể đi lâu nữa. Họ đã già rồi, mà vẫn phải đơn hành cùng nhau. Lịch sử không bị đứt gãy là nhờ những kẻ dám đơn hành như thế” - cảm nhận tháng Tám của nhà văn Lê Minh Hà.
Khi những trí thức tinh hoa của Việt Nam xuống đường vì lòng yêu nước...
“Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” (*)
Đầu tiên là Bauxite Việt Nam. Không phải là Tia hay Ánh (sáng). Không phải là Tuổi (trẻ hay cao). Một cái tên trang mạng có vẻ hơi bị bó hẹp và nhất thời.
Đầu tiên là chỉ một nhóm, sau là cả một đoàn người đi dưới những biểu ngữ .
Tôi ký tên trong mọi trang do Bauxite Việt Nam khởi xướng. Không phải vì cả nể hay ăn theo do trong đó có rất nhiều tên tuổi và gương mặt quen thân, dù chưa từng có giao tình hoặc rất ít lần gặp gỡ.
Như thầy Nguyễn Huệ Chi, người tôi đã theo học qua bao nhiêu trang sách.
Như ông Phạm Toàn tôi từng biết qua cái tên Châu Diên thuở trên bàn thờ các nhà ở quê còn cuốn “Bình dân học vụ”.
Như anh (hay phải gọi là chú nhỉ) Hoàng Hưng. Từ độ chưa lên 10 tôi đã gặp ông, qua một truyện ngắn in trên trang đầu báo “Văn nghệ”, đọc giữa một ban trưa vườn chuối tự mình xé lá trong gió ngày chiến tranh. Tôi theo ông từ đó, thích nhưng không mê những em Noel leng beng của ông, lúc vừa lớn còn có lúc ngờ ngờ vực vực khi nghe anh bạn sinh viên Đại học An ninh kín kín hở hở hỏi có biết đó là ai không và kể là ông bị bắt.
Nhưng tới “Bài thơ của M.” thì tôi mê ông. Tôi ký tên vào những trang kiến nghị Hoàng Hưng gửi vì muốn đi cùng một con người biết đau đớn về phận người một cách bình thản như thế. Thiếu cái bình thản đó, dễ gì giữ được lý trí con người. Mà tôi không thích đi cùng người mất trí, trừ phi, đó là kiểu người điên của Chekhov hay Lỗ Tấn.
Tôi ký tên trong mọi trang do Bauxite Việt Nam khởi xướng vì ở đó có những tên tuổi từng được đưa vào Bảo tàng tội ác Mỹ ngụy gì đó mà tôi chưa bao giờ tới. Với tôi, những trí thức thực hiện tờ “Diễn đàn” ở Pháp thực sự là trí thức theo nghĩa tôi muốn hiểu: dấn thân và không từng bị tha hóa bởi sự quan liêu. Quan điểm của họ tôi tự cho mình quyền không nhất thiết phải chia xẻ, nhưng tôi thích cái cách họ ý thức về chính trị, đầy văn hóa.
Tôi ký tên trong mọi trang do Bauxite Việt Nam khởi xướng vì ở đó có tên những người một thời tuổi trẻ xuống đường hát “Dậy mà đi”.
Tôi ký tên trong mọi trang do Bauxite Việt Nam khởi xướng vì ở đó có tên những người từng đi bốn phương trời và biết rõ Việt Nam ta đang như thế nào, sẽ như thế nào, nếu.
Tôi ký tên trong mọi trang do Bauxite Việt Nam khởi xướng vì có ông. Hiện diện trong văn học kháng chiến chống Pháp với tác phẩm có sức chịu đựng lớn nhất trước thời gian (trong tương quan với những tác phẩm cùng luồng thời đó), ông cho thấy một cách nhìn nhất quán về tính anh hùng. Tính anh hùng phải được bộc lộ trước tiên qua tính người. Người anh hùng của ông đáng nhớ không phải vì biết ngộ hơi giống Tarzan rằng bắn Pháp Pháp cũng chảy máu, mà là biết khóc vì nỗi đau thường tình của con người.
Nhưng khi đọc “Rừng xà nu”, chưa biết người viết chính là ông, tôi đã sững sờ. Cái tầm, cái đích vươn tới của cây xà nu bộc lộ tầm vóc của một dân tộc nhỏ trong lòng một dân tộc lớn, mà trong sâu xa cho thấy cái tầm đích của một Con Người. Ở đây văn là người, theo nghĩa dịch chuyển A là A. Bình giảng “Rừng xà nu” là khoái cảm hiếm có của tôi trong đời đi dạy.
Nếu ông cứ chỉ là nhà văn thôi, ông đã lớn trong con mắt của các nhà văn rồi. Nhưng, không phải chỉ là nhà văn, sau những gì ông đã làm, cho hội nghề, cho tờ Văn nghệ thời cả nước bừng bừng tinh thần Nói và Làm rồi cả nước xìu xìu vì thực trạng Nói rồi Lờ, cho ngành Giáo dục cái buổi đang xuống dốc nhanh dần đều hôm nay…, nếu nói tới ông - Nguyên Ngọc – ta phải gọi ông là Nhà - Văn – Hóa mà may ra, mỗi thời đại lịch sử đặc biệt cũng chỉ có đôi người.
Tôi trước nay chưa từng nói về ông, gặp ông tổng cộng có hai lần, là vì một mối ân tình không lời. Ông đã giúp chúng tôi một việc lớn đến mức nhiều năm làm chúng tôi sống trong tuyệt vọng, khi chỉ mới đọc đôi ba dòng tôi viết và cảm được ra cái đạo chữ tôi thờ, trong khi chưa từng có một giao tình, không có một lời nhờ cậy.
Sau này, vì đau đớn và tuyệt vọng, tôi gần như bỏ thư từ với ông và những người cùng ông giúp chúng tôi việc lớn kia, lòng tâm niệm trên mọi thứ tình là tình người, giản dị. Nhưng tôi vẫn dõi theo nhân cách ấy, từng lời, từng chữ, từng việc, dù bặt không liên lạc lại với ông.
Hôm qua, tôi thấy ông, lần đầu tiên, trong cuộc biểu tình chống âm mưu phình tướng của Trung Quốc. Con người lặng lẽ đó từng bỏ dự Đại hội toàn quốc của Hội Nhà văn. Con người bé nhỏ đó vẫn ngày tháng ngược xuôi ở những miền đất ông biết mình được cần tới nhất: Hà Nội, Quảng Nam, Tây Nguyên, và giữa những chuyến đi đó là những cuộc bay khỏi biên giới để kiếm tìm cơ hội nâng dân trí - chấn dân khí nước nhà. Giờ đây, cảm ra cái dấu hiệu tận cùng, ông rời nhà, xuống phố, giơ cao nắm tay giữa cuộc biểu tình. Tôi thấy ông, trong ảnh, thấp nhỏ giữa những người đồng chí. Và tôi giật mình.
Ký vào một bản kiến nghị hợp lý để phản đối những gì phi nhân tính là việc tôi vẫn làm. Nhưng đó cũng chỉ là để con lương tâm không cắn. Thể hiện tinh thần công dân từ xa như thế thì dễ dàng và an toàn quá. Tổ Quốc cần mỗi công dân trong những thời điểm gay go. Tổ Quốc cần phải được nhìn từ xa để phát hiện ra những chiều kích mới. Nhưng không một Tổ Quốc nào được giữ chỉ từ xa.
Tôi thấy những người thầy, người anh, người bạn của tôi đi biểu tình bên những người rất trẻ. Nếu đang ở Hà Nội, tôi biết là tôi sẽ không có mặt trong đó, đơn giản là nếu vậy thì tôi có thể đi thẳng từ đó vào phòng cấp cứu. Tôi sợ. Và, có cần phải nói thêm rằng dù sao tôi vẫn còn một chút sợ khác không. Sợ bạo lực? Sợ không hợp thời? Sợ? Cho mình? Cho ai?
Nhưng tôi biết, tôi tin, trang mạng mang cái tên Bauxite Việt Nam có vẻ bị bó hẹp và nhất thời ấy đang tập trung lại, cố kết lại tinh thần công dân hàng chục năm qua bị lạm dụng, mài mòn, tán nhỏ.
Tôi biết và tôi tin, những cuộc biểu tình nhỏ cuối tuần kia sẽ có ngày trở thành vĩ đại. Hà Nội sẽ có một ngày giống như gần sáu mươi năm trước, khi Cách mạng tháng Tám thành công, khi Tổ Quốc với nền độc lập vừa lấy được lại lâm nguy. Giá như sau tuyên bố chỉ mới vài ngày trước của ông Giám đốc Công an Hà Nội là “không chủ trương trấn áp người yêu nước biểu tình”, chính quyền thủ đô không yêu cầu “chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn thành phố” và các lực lượng chức năng được Hà Nội cho phép áp dụng các “biện pháp cần thiết” đối với những người “cố tình không chấp hành, tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối trật tự, chống người thi hành công vụ”, chưa chắc là tôi đã tin đốm lửa vừa được thắp lên hôm nay sẽ là một phong hỏa đài ngay đâu.
Tôi hình dung cái ngày đó, trong nỗi buồn vì những người tôi nhắc trên kia sẽ không thể đi lâu nữa. Họ đã già rồi, mà vẫn phải đơn hành cùng nhau. Lịch sử không bị đứt gãy là nhờ những kẻ dám đơn hành như thế.
Tôi hình dung cái ngày đó, trong sự biết về những cuộc nổi dậy đang diễn ra ở bao nhiêu nước hiện nay, trong sự biết có một thế hệ F đang hình thành trên toàn cầu và cả trong lòng nước Việt.
Bất chợt nhớ một cuộc trường chinh, có những người đi.
“… Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn.
… Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
… Tháng Tám mùa thu lá khơi vàng chưa nhỉ?” (**)
… Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
… Tháng Tám mùa thu lá khơi vàng chưa nhỉ?” (**)
Ghi chú:
(*) “Nam Bộ kháng chiến”, nhạc và lời Tạ Thanh Sơn.
(**) “Có phải em mùa thu Hà Nội”, nhạc: Trần Quang Lộc, lời thơ: Tô Như Châu.