MỌI!
- Thứ bảy - 23/05/2020 15:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Không biết đến bao giờ cái văn hóa khinh thường, miệt thị và phân biệt chủng tộc nơi người Việt mới thực sự bị xóa bỏ và lên án. Bởi vì, chỉ khi ấy, dân tộc Việt mới thực sự hội nhập vào thế giới văn minh và nhân bản!”.
Ngày giáp Noël 2019, từ Paris, tôi vội vã chuẩn bị lái về lại Lausanne để kịp đón lễ Giáng sinh với gia đình. Tôi tạt vào Quận 13 để mua ít đồ ăn. Tháng 12, thời tiết chỉ hơi se lạnh. Đứng xếp hàng dài cũng độ cả chục thước để mua vài ổ bánh mì thịt. Người đông lại gặp ngay giờ trưa nên khu phố chợ Châu Á tấp nập hơn bao giờ hết.
Đang rầu rĩ vì cũng đợi khá lâu mà vẫn chưa thấy nhúc nhích bao nhiêu, bất chợt nghe một giọng phụ nữ hét lên:
- Coi chừng thằng mọi nó giả bộ giành chỗ đó!
Tôi giật mình, nhìn lên thì thấy một chàng thanh niên gốc Phi châu đang nhón chân nhìn vào trong tiệm, như thể đang tìm kiếm gì đó hoặc chỉ xem phía bên trong có đông người không. Anh ta mới đến, có lẽ nóng ruột nên mới chạy tuốt lên phía trên để nhòm ngó. Vẫn giọng nói của người phụ nữ ấy:
- Mấy thằng đen nó lưu manh lắm, không chịu xếp hàng lại muốn giành chỗ.
Tôi ngó lại phía sau, cách tôi hai người, là một chị chừng ngoài 50, vẫn đang chỉ trỏ về phía anh chàng kia, dẫu anh ta đã bỏ đi, không đợi nữa. Tôi nói với chị:
- Trời, thời buổi này mà còn đen với mọi gì nữa chị!
Chị ta khẽ lườm nguýt nhìn tôi, rồi buột miệng:
- Mọi thì nói mọi chứ sao?
Tôi lắc đầu, bỏ cuộc, không nói gì nữa nhưng tự dưng cảm thấy buồn và không vui. Nhiều người xếp hàng, Việt có, Tàu có, Miên có, Tây cũng có. Cái thành phố này, cái xứ sở này và cả Châu Âu này đã trở nên đa văn hóa và đa chủng tộc tự bao giờ nhưng đâu đó vẫn còn những ánh mắt, những nhận xét kỳ thị như thế. Cái từ “mọi” nó có vẻ quá dễ dàng để người ta thốt nên lời!
Có lần, trong xe buýt tại Lausanne, ngồi phía sau, tôi thấy một bé gái, chừng 5, 6 tuổi, chạy ào về phía có chỗ trống. Lập tức, giọng người mẹ la lên:
- Tới đây con, không ngồi gần tụi Chà, tụi nó hôi lắm!
Con bé ngơ ngác, chắc không hiểu hết ý mẹ nó nói, nhưng cũng chạy về phía mẹ nó, một chị người Việt Nam.
“Tụi Chà”, chị ta ám chỉ những người Tamoul, đến từ Sri Lanka. Trong những năm 80 và 90, cuộc nội chiến tại Sri Lanka đã khiến cho hơn 40 ngàn người Hổ Tamoul xin tỵ nạn chính trị tại Thuỵ Sĩ. Người Tamoul đông và làm nhiều nghề tay chân nặng nhọc. Chỉ có họ, chứ hiếm người Ấn Độ hay Pakistan lập nghiệp tại đây. Nhiều người Việt vẫn đánh đồng người Tamoul với người Ấn, tức người “Chà Và” và vẫn xem thường sắc dân “ăn cà ri hôi rình” và chỉ biết “lau chùi cầu tiêu” nhà hàng...
Cũng như không biết bao nhiêu lần, khi trò chuyện với những người Việt trong cộng đồng, thậm chí với những người bạn, họ vẫn thường có những suy nghĩ rất lạ lùng. Thậm chí, họ còn huyên thuyên giảng dạy cho con cái họ là đừng chơi với “bọn da đen” ở trường vì “chúng nó ngu, dốt và lười lắm”. Còn “bọn Rệp” thì thôi khỏi nói, toàn là bọn khủng bố cực đoan và cũng lại... ngu dốt nên cũng cần phải tránh xa, không giao du với chúng!
Có lần nọ, đã lâu, khi tôi chưa tham gia sinh hoạt cộng đồng, có đi theo vài người bạn đến ăn cơm tối tại một nhà hàng Việt. Khi chúng tôi vào, bà chủ quán nhìn anh bạn của tôi và nói lớn:
- Dữ chưa, hôm nay dẫn thằng mọi nào tới vậy?
Tôi hiểu liền, nên nói:
- Chào cô
Bà chủ quán đớ người, chỉ tôi hỏi:
- Ủa, da đen biết nói tiếng Việt hả?
Anh bạn tôi vội vàng giải thích. Cô chủ quán buột miệng xin lỗi và cố giải thích vì nhìn thấy tôi “đen giống tụi da đen quá”!
Dường như cứ là người Việt là cần phải cố tình kỳ thị và phân biệt chủng tộc cho bằng được, cho giống người ta, giống người da trắng thượng đẳng. Người Việt thì phải chia ngôi, chia thứ cho ra lẽ: bọn da trắng trước, mà phải là da trắng kiểu Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Úc..., chứ kiểu Nam Tư (cũ), Bồ Đào Nha thì cũng chẳng ra gì. Sau đó đến Nhật, Đại Hàn.
Người Việt hẳn nhiên phải hơn hẳn các sắc dân còn lại: Đen, Rệp, Chệch, Chà, Thổ... Đó là điều rõ ràng, không thể tranh cãi. Người mình thông minh hơn, cần cù hơn, lương thiện hơn. Tóm lại, cái gì cũng nhất cả, chỉ chịu sau mỗi bọn da trắng và da vàng kia thôi.
Cho nên, từ nhỏ, khi xem phim, con nít đã cứ tha hồ “Bọn mọi da đen” hay “Mọi da đỏ” này nọ. Từ “thổ dân” thì chẳng mấy ai sử dụng. Thời xưa cổ hủ, cố chấp thì “Me Tây”, “Me Mỹ”, rồi “Chệch”, rồi “Chà” thế nhưng ngày nay, khi biên giới giữa các quốc gia đang dần dần bị xóa bỏ, khi con người có nhu cầu sinh sống, làm việc hay lập nghiệp khắp nơi trên thế giới thì nhiều người Việt vẫn còn mang nặng tư tưởng kỳ thị các sắc dân da màu khác.
Trong những cuộc tranh luận mỗi khi có bầu cử tại Thụy Sĩ hay Pháp, không hiếm người Việt hồ hởi cho rằng phải bỏ phiếu cho các đảng cực hữu để họ tống cổ bọn “Mọi” và “Rệp” về nước của họ! Họ cố tình không muốn hiểu đó là những người có quốc tịch thậm chí sinh ra và trưởng thành tại đây từ hai hay ba thế hệ.
Cứ như thể chỉ có người Việt là xứng đáng được có quốc tịch và là những công dân gương mẫu.
Nếu như trong tiếng Pháp có từ “négro” bị xem như là một sự xúc phạm, kỳ thị người da đen thì người Việt cũng có từ “mọi”. Tuy nhiên, tại Pháp hay Thụy Sĩ, những ai buộc miệng nói lên từ này đều bị lên án và có thậm chí có thể bị phạt thì người Việt mình vẫn còn “vô tư” chế giễu hay kỳ thị người da đen một cách thoải mái, không ngại bị phạt gì cả.
Trong nước cũng thế, bên ngoài cũng vậy, cứ tha hồ “mọi” này, “mọi” kia bằng tiếng Việt với nhau, rồi cười ầm cả nhà khoái chí vì tự cho mình “thượng đẳng” hơn kẻ khác.
Đang rầu rĩ vì cũng đợi khá lâu mà vẫn chưa thấy nhúc nhích bao nhiêu, bất chợt nghe một giọng phụ nữ hét lên:
- Coi chừng thằng mọi nó giả bộ giành chỗ đó!
Tôi giật mình, nhìn lên thì thấy một chàng thanh niên gốc Phi châu đang nhón chân nhìn vào trong tiệm, như thể đang tìm kiếm gì đó hoặc chỉ xem phía bên trong có đông người không. Anh ta mới đến, có lẽ nóng ruột nên mới chạy tuốt lên phía trên để nhòm ngó. Vẫn giọng nói của người phụ nữ ấy:
- Mấy thằng đen nó lưu manh lắm, không chịu xếp hàng lại muốn giành chỗ.
Tôi ngó lại phía sau, cách tôi hai người, là một chị chừng ngoài 50, vẫn đang chỉ trỏ về phía anh chàng kia, dẫu anh ta đã bỏ đi, không đợi nữa. Tôi nói với chị:
- Trời, thời buổi này mà còn đen với mọi gì nữa chị!
Chị ta khẽ lườm nguýt nhìn tôi, rồi buột miệng:
- Mọi thì nói mọi chứ sao?
Tôi lắc đầu, bỏ cuộc, không nói gì nữa nhưng tự dưng cảm thấy buồn và không vui. Nhiều người xếp hàng, Việt có, Tàu có, Miên có, Tây cũng có. Cái thành phố này, cái xứ sở này và cả Châu Âu này đã trở nên đa văn hóa và đa chủng tộc tự bao giờ nhưng đâu đó vẫn còn những ánh mắt, những nhận xét kỳ thị như thế. Cái từ “mọi” nó có vẻ quá dễ dàng để người ta thốt nên lời!
Có lần, trong xe buýt tại Lausanne, ngồi phía sau, tôi thấy một bé gái, chừng 5, 6 tuổi, chạy ào về phía có chỗ trống. Lập tức, giọng người mẹ la lên:
- Tới đây con, không ngồi gần tụi Chà, tụi nó hôi lắm!
Con bé ngơ ngác, chắc không hiểu hết ý mẹ nó nói, nhưng cũng chạy về phía mẹ nó, một chị người Việt Nam.
“Tụi Chà”, chị ta ám chỉ những người Tamoul, đến từ Sri Lanka. Trong những năm 80 và 90, cuộc nội chiến tại Sri Lanka đã khiến cho hơn 40 ngàn người Hổ Tamoul xin tỵ nạn chính trị tại Thuỵ Sĩ. Người Tamoul đông và làm nhiều nghề tay chân nặng nhọc. Chỉ có họ, chứ hiếm người Ấn Độ hay Pakistan lập nghiệp tại đây. Nhiều người Việt vẫn đánh đồng người Tamoul với người Ấn, tức người “Chà Và” và vẫn xem thường sắc dân “ăn cà ri hôi rình” và chỉ biết “lau chùi cầu tiêu” nhà hàng...
Cũng như không biết bao nhiêu lần, khi trò chuyện với những người Việt trong cộng đồng, thậm chí với những người bạn, họ vẫn thường có những suy nghĩ rất lạ lùng. Thậm chí, họ còn huyên thuyên giảng dạy cho con cái họ là đừng chơi với “bọn da đen” ở trường vì “chúng nó ngu, dốt và lười lắm”. Còn “bọn Rệp” thì thôi khỏi nói, toàn là bọn khủng bố cực đoan và cũng lại... ngu dốt nên cũng cần phải tránh xa, không giao du với chúng!
Có lần nọ, đã lâu, khi tôi chưa tham gia sinh hoạt cộng đồng, có đi theo vài người bạn đến ăn cơm tối tại một nhà hàng Việt. Khi chúng tôi vào, bà chủ quán nhìn anh bạn của tôi và nói lớn:
- Dữ chưa, hôm nay dẫn thằng mọi nào tới vậy?
Tôi hiểu liền, nên nói:
- Chào cô
Bà chủ quán đớ người, chỉ tôi hỏi:
- Ủa, da đen biết nói tiếng Việt hả?
Anh bạn tôi vội vàng giải thích. Cô chủ quán buột miệng xin lỗi và cố giải thích vì nhìn thấy tôi “đen giống tụi da đen quá”!
Dường như cứ là người Việt là cần phải cố tình kỳ thị và phân biệt chủng tộc cho bằng được, cho giống người ta, giống người da trắng thượng đẳng. Người Việt thì phải chia ngôi, chia thứ cho ra lẽ: bọn da trắng trước, mà phải là da trắng kiểu Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Úc..., chứ kiểu Nam Tư (cũ), Bồ Đào Nha thì cũng chẳng ra gì. Sau đó đến Nhật, Đại Hàn.
Người Việt hẳn nhiên phải hơn hẳn các sắc dân còn lại: Đen, Rệp, Chệch, Chà, Thổ... Đó là điều rõ ràng, không thể tranh cãi. Người mình thông minh hơn, cần cù hơn, lương thiện hơn. Tóm lại, cái gì cũng nhất cả, chỉ chịu sau mỗi bọn da trắng và da vàng kia thôi.
Cho nên, từ nhỏ, khi xem phim, con nít đã cứ tha hồ “Bọn mọi da đen” hay “Mọi da đỏ” này nọ. Từ “thổ dân” thì chẳng mấy ai sử dụng. Thời xưa cổ hủ, cố chấp thì “Me Tây”, “Me Mỹ”, rồi “Chệch”, rồi “Chà” thế nhưng ngày nay, khi biên giới giữa các quốc gia đang dần dần bị xóa bỏ, khi con người có nhu cầu sinh sống, làm việc hay lập nghiệp khắp nơi trên thế giới thì nhiều người Việt vẫn còn mang nặng tư tưởng kỳ thị các sắc dân da màu khác.
Trong những cuộc tranh luận mỗi khi có bầu cử tại Thụy Sĩ hay Pháp, không hiếm người Việt hồ hởi cho rằng phải bỏ phiếu cho các đảng cực hữu để họ tống cổ bọn “Mọi” và “Rệp” về nước của họ! Họ cố tình không muốn hiểu đó là những người có quốc tịch thậm chí sinh ra và trưởng thành tại đây từ hai hay ba thế hệ.
Cứ như thể chỉ có người Việt là xứng đáng được có quốc tịch và là những công dân gương mẫu.
Nếu như trong tiếng Pháp có từ “négro” bị xem như là một sự xúc phạm, kỳ thị người da đen thì người Việt cũng có từ “mọi”. Tuy nhiên, tại Pháp hay Thụy Sĩ, những ai buộc miệng nói lên từ này đều bị lên án và có thậm chí có thể bị phạt thì người Việt mình vẫn còn “vô tư” chế giễu hay kỳ thị người da đen một cách thoải mái, không ngại bị phạt gì cả.
Trong nước cũng thế, bên ngoài cũng vậy, cứ tha hồ “mọi” này, “mọi” kia bằng tiếng Việt với nhau, rồi cười ầm cả nhà khoái chí vì tự cho mình “thượng đẳng” hơn kẻ khác.
Thế cho nên mới có chuyện ông cựu Tổng thống Mỹ Obama bị nhiều người Việt, không chỉ riêng bên Mỹ, mà cả tại Việt Nam, buông lời miệt thị nặng nề. Dĩ nhiên, chê bai hay phản biện lại những thành tựu hay những hậu quả của ông ta đã để lại cho nước Mỹ vượt quá khả năng hiểu biết của họ nên họ chỉ nhắm vào cái dễ nhất, cái bắt mắt nhất: màu da đen của ông ta.
Không quá khó để tìm thấy những lòi chửi rủa đậm tính chất kỳ thị sắc tộc đối với vợ chồng ông. Nào “mọi”, nào “man rợ”, nào “rừng rú” hay “đười ươi”. Thậm chí nhiều kẻ vẫn không ngượng khi rêu rao những lập luận bệnh hoạn của các nhóm cực đoan da trắng khi cho rằng máu của ông Obama không phải là máu tinh khiết thuần trắng và siêu việt!
Họ phấn khởi chuyền cho nhau tấm ảnh ông Obama gác chân lên bàn làm việc khi trao đổi với các cộng sự và cho rằng đó là “Chó Nhảy Bàn Độc” nhằm hạ uy tín ông ta cũng như chứng minh rằng “mọi” thì vẫn là “mọi” dẫu có làm Tổng thống đi chăng nữa.
Tuy nhiên, họ cố tình quên rằng, nhiều vị tổng thống da trắng khác cũng có tác phong như thế khi làm việc. Có lẽ, họ sẽ biện minh rằng đó mới chính là cái uy, cái dũng của một vị tổng thống một cường quốc!
Khó có thể hình dung những lời chửi rủa mang tính chất kỳ thị chủng tộc như thế lại có thể tồn tại và không bị trừng phạt ngay tại Mỹ hay nhiều nước Phương Tây. Tiếc thay, đó lại là sự thật. Tiếng Việt là ngôn ngữ của một thiểu số và nó chỉ tồn tại quanh quẩn giữa những người Việt với nhau. Họ tha hồ chửi rủa, tha hồ miệt thị những sắc dân khác bằng tiếng Việt.
Không ai hiểu, không ai lên án, không ai tố cáo họ. Nhưng qua đó, có một sự thật khác khiến chúng ta không thể chối bỏ, đó là người Việt chúng ta, dẫu ở đâu đi chăng nữa, vẫn chỉ là một sắc dân không hội nhập với người bản xứ. Cứ đóng cửa chơi với nhau, chửi bới nhau, kỳ thị nhau, đố ai biết được!
Ông Tedros Adhanom, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị nhiều chỉ trích, chê bai vì cách quản lý, điều hành kém cỏi trong vụ đại dịch Coronavirus, là điều hiển nhiên. Ông ta và WHO đã quá lệ thuộc vào Trung Cộng nên bị dư luận nguyền rủa. Nhưng thay vì phản biện một cách khoa học thì nhiều người Việt không ngừng ngại mắng mỏ “thằng mọi này” hay “thằng mọi kia” bao giờ từ chức? Cứ như thể là da màu, nhất là da đen thì không thể nào nắm giữ những chức vụ quan trọng.
Cụ Phan Châu Trinh từng viết: “Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau: một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó sẵn ở quốc dân, trong não mọi người. Mỗi cái nhân thời thế, địa vị của nó mà phát hiện, rồi trong khi phát hiện lại đều đi tới cực đoan, lại khi đã tới cực đoan, mỗi cái đều giữ lý do, chuyên cậy vào tập quán, lợi hại đều bị che lấp không thấy”.
Thật vậy, cực đoan bài ngoại và ỷ ngoại. “Bài” tất cả những gì mà ta cho rằng yếu kém, hạ đẳng, rừng rú, man di, mọi rợ. “Ỷ” lại những gì ta cho là siêu việt, thượng đẳng và tiến bộ. Hai đặc tính ấy đã trở thành một phần máu mủ tạo nên cá tính con người mình. Khi đã ở hai thái cực của sự cực đoan thì hệ quả tiếp theo là tính tự tôn và tự ti.
Chỉ có thế mới khiến người Việt luôn ở trong trạng thái sợ bị so sánh, nhòm ngó và bằng mọi giá phải chứng tỏ cho thế giới biết rằng mình còn “hơn cả khối người” trong thiên hạ. Cái tâm lý thà bị “da trắng” đè đầu, cưỡi cổ còn hơn bị “da màu” vượt mặt khiến người Việt trở nên kỳ thị các sắc dân khác hơn bao giờ hết.
Đó chắc chắn là tâm lý tự ti của không ít người Việt “bỗng dưng” bị một anh “da đen” lại còn “Hồi giáo” (theo các thuyết âm mưu) làm Tổng thống Hoa Kỳ, cả hai nhiệm kỳ. Đối với họ, đó là một sự “xúc phạm” không thể nào chấp nhận.
Khổ nổi, nhiều người Việt, xem như thể họ có quyền kỳ thị và phân biệt chủng tộc với thế giới còn lại. Họ cho rằng đó là điều hiển nhiên, đó là quy luật tự nhiên. Họ không chịu hiểu rằng nhân loại đã phải tranh đấu nhiều vì công bằng và công lý cho mọi sắc tộc.
Từ Rosa Parks đến Martin Luther King hay Tommie Smith và John Carlos đến Nelson Mandela, nước Mỹ và thế giới tiến bộ đã biết sửa đổi những sai lầm. Họ trung thực và can đảm chấp nhận những lầm lỗi. Người Việt dường như vẫn chưa hiểu hết được sự nguy hiểm và mức độ tàn bạo của sự phân biệt chủng tộc trong lịch sử nhân loại. Họ vẫn vô tình hay cố tình cổ súy cho chủ nghĩa vị chủng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dẫu suy cho cùng dân tộc Việt vẫn chỉ là một dân tộc nhỏ bé, nhược tiểu, vẫn chưa có đóng góp quan trọng nào cho nhân loại cả!
Sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc vẫn là một đề tài nhạy cảm. Khó có thể ngăn cấm hoàn toàn những suy nghĩ thầm kín của con người, nhất khi nó thuộc về bản năng. Ngày nay, những làn sóng bài ngoại, chủ nghĩa dân tộc cực đoan hô hào tính thượng đẳng của người da trắng đang dần dần trỗi dậy tại các quốc gia Phương Tây. Tuy chỉ là thiểu số nhưng đó là những tín hiệu nguy hiểm cho sự rạn nứt, có thể xảy ra, của những xã hội đa văn hóa và đa chủng tộc.
Chỉ có sự giáo dục nghiêm túc từ nhà trường đến gia đình mới giúp cho các thế hệ trẻ đồng cảm với những nỗi thống khổ của các sắc dân khác, từ đó xây dựng một xã hội nhân bản, nơi sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc phải bị tẩy chay và lên án. Đó chính là sự quan tâm và mục tiêu hàng đầu của các chính phủ để tránh lặp lại những sai lầm tai hại trong quá khứ.
Tiếc thay, dường như đó chưa bao giờ là ý tưởng và mục tiêu giáo dục chung của người Việt.
Và không biết đến bao giờ cái văn hóa khinh thường, miệt thị và phân biệt chủng tộc nơi người Việt mới thực sự bị xóa bỏ và lên án.
Bởi vì, chỉ khi ấy, dân tộc Việt mới thực sự hội nhập vào thế giới văn minh và nhân bản!