Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MẠI DÂM HAY LÀ NHỮNG ẨN TÌNH

(NCTG) Mại dâm là chấp nhận hoặc không chấp nhận, mại dâm không có đúng sai, mại dâm nói công là công mà nói tội là tội, mại dâm không thể giải thích bằng lý lẽ khi vẫn còn lấn cấn giữa lối sống truyền thống và hiện đại…
Mại dâm thời khốn khó ở Hy Lạp, vỏn vẹn với giá 4 Euro/giờ - Minh họa: zerohedge.com
Dù hợp pháp hay không, mại dâm là hình thức mua bán gây nhiều tranh cãi nhất tự cổ chí kim. Ở Việt Nam, mại dâm bị xem là bất hợp pháp và liệt vào tệ nạn xã hội. Tuy luật thì cấm nhưng cơ quan quản lý không thể ngăn chặn được, chỉ có thể áp dụng chính sách nhằm giảm bớt tệ nạn chứ hầu như không thể dập tắt.

Thực tế này xảy ra ở bất cứ đâu chứ không riêng gì Việt Nam.

Ý nghĩ xóa sạch hoàn toàn nạn mại dâm, chưa có quốc gia nào trên thế giới thực hiện được. Đơn giản, đặc tính tồn tại của hiện tượng mại dâm nằm ngoài hệ thống luật pháp thông thường, nó đi cùng với lịch sử phát triển của loài người, một hình thức quan hệ tình dục ngoài hôn nhân để đổi lại điều gì đó từ hai phía.

Chính sách kém thực tế

Dưới góc độ nào đó, hình ảnh mại dâm sẽ thể hiện nghệ thuật quản lý của chính quyền để thích ứng với những đổi thay không ngừng của hiện trạng xã hội. Đáng tiếc, những đề xuất hiện nay của cấp quản lý ở Việt Nam đối với nạn mại dâm càng làm vấn đề thêm mơ hồ, đôi lúc nhảm nhí.

Năm ngoái, có ý kiến đề xuất khá khôi hài: “Công khai danh tính người mua dâm”. Ý tưởng này sai ngay từ bước cơ bản, do hệ thống mại dâm trong nước đang hoạt động ngầm, trên lý thuyết bộ máy vận hành của nó không liên can đến bề nổi của pháp luật.

Đường dây hoạt động gồm: người bán dâm, người mua dâm, tú bà, nhà chứa, lực lượng bảo kê..., tất cả đều nằm trong thế giới ngầm. Kiểm soát chưa xong làm sao mà công khai với công bố? Đấy là chưa nói đến chuyện, “ý tưởng” này vi phạm trầm trọng các quyền về nhân thân của công dân.

Phương pháp này chỉ có tác dụng, trên lý thuyết, khi nào Việt Nam hợp pháp hóa quan hệ mại dâm. Hệ thống nhà chứa và người bán dâm sẽ nằm trong tầm kiểm soát của nhà quản lý. Lúc đó thì việc công khai danh tính (không rõ trên cơ sở gì?) sẽ làm “giảm ý chí” của cả người mua và bán.

Cho dù vậy, nên nhớ ngay cả ở những quốc gia xem mại dâm là hợp pháp cũng không xảy ra điều này, vì không có tay chơi nào muốn lưu lại “gót chân Achilles” của mình. Ngay cả khi trả tiền họ cũng trả bằng tiền mặt chứ không xài thẻ ngân hàng, cách thanh toán phổ biến ở các nước phát triển.

Như vậy, cho dù hợp pháp chăng nữa nhưng bất kỳ ai liên quan đến mại dâm đều có tâm lý ngần ngại trước cộng đồng, dù đó chỉ dựa trên lòng tự trọng đã rách. Chưa kể, hợp pháp hóa mại dâm chỉ mang tính tương đối.

Gần đây lại nghe ý tưởng thành lập khu “nhạy cảm”. Không hiểu “nhạy cảm” ở đây được định nghĩa như thế nào? “Nhạy cảm” là một tính từ hết sức chung chung, có thể nhạy cảm đối với người này nhưng lại bình thường đối với người khác.

Đôi lúc cảm giác, nhà quản lý đang cố gắng giải quyết một vấn đề, mà vấn đề đó, họ chưa định nghĩa được hoặc không đủ khả năng để giải quyết.

Lập Khu nhạy cảm để dễ kiểm soát và phòng tránh tệ nạn là “cách nói đơn giản” về mặt quản lý. Nên nhớ mại dâm tuyệt nhiên tồn tại mặc cho ngày nào chúng ta còn xem nó là một tệ nạn dưới khung tranh đạo đức.

Xót xa hơn, nghiêm trọng hơn vấn đề đạo đức, đó là tâm lý những cán bộ chuyên quyền nước ta, họ luôn tự cho mình cái quyền “làm cha thiên hạ”. Mới đây, một phụ nữ đứng tuổi bị công an đánh giữa đường và nhận được một lời giải thích khiến ai nấy đều phẫn nộ: “Tưởng chị ấy là gái mại dâm”.

May cho anh công an này là vì anh đang sống ở Việt Nam, nếu ở những nước phát triển, anh có thể phải đối mặt với hình phạt ít nhất cũng vài chục ngàn đô và bị đuổi khỏi ngành.

Nhật ký gái gọi

Năm 2005, quyển hồi ký “Call me Elizabeth” kể về cuộc đời một gái gọi làm choáng váng nhiều độc giả và các nhà hoạt động xã hội ở Anh.

Dưới áp lực tài chính và ý nghĩ làm sao phải đáp ứng cuộc sống đầy đủ cho đàn con gồm sáu trẻ nhỏ, Dawn Annandale đã đưa ra quyết định quan trọng và dũng cảm nhất: từ một nữ thư ký thanh lịch, cô trở thành một gái gọi.

Bỏ qua quan niệm đạo đức của xã hội thường xem gái bán dâm, thật kinh tởm và đáng vứt đi, Dawn xứng đáng được trao tấm mề-đay cho sự hy sinh của cô ấy dành cho gia đình.

Trước đó, vào năm 2000, điện ảnh Ý giới thiệu “Maléna”, một trong những tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao đồng thời tạo không ít dư luận, góp phần đưa tên tuổi nữ diễn viên kiêm người mẫu Monica Bellucci ra thế giới.

Dựa trên câu chuyện hư cấu gán mác 18+, bộ phim “Maléna” của đạo diễn Giuseppe Tornatore bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ giữa người với người, ảnh hưởng của những thay đổi trong xã hội tới cuộc sống một con người cụ thể.

Bên cạnh không còn một ai, xung quanh Maléna chỉ còn những mụ đàn bà tìm mọi cách nói xấu, hãm hại bởi họ ganh ghét với vẻ đẹp mà Thượng Đế đã ban cho nàng; còn những ông chồng của chính các quý bà ấy thì luôn thèm khát cơ thể của nàng.

Rồi cũng đến ngày phải chọn lựa, Maléna không còn cách tồn tại nào khác ngoài việc đem niềm vui thể xác cho mấy gã đàn ông để đổi lại miếng ăn qua ngày - hoặc chết vì đói để giữ tiết hạnh với người chồng đã chết trận.

May mắn cho Mélena, nàng vẫn còn Renato - người dẫn chuyện - cậu bé thầm yêu nàng từ cảm xúc đầu đời chớm nở. Nhờ Renato, cuối cùng người chồng trở về từ cõi chết của Maléna đã đi tìm nàng và tiếp tục sống cùng người vợ đáng thương.

Những biến chuyển tâm lý của cậu bé Renato từ khi thầm yêu Maléna đến lúc tiễn nàng lên đường là câu chuyện hồn nhiên kết thúc có hậu cho cả hai.

Hai câu chuyện vừa kể, một là hồi ký, một là tác phẩm điện ảnh dựa trên kịch bản hư cấu có điểm chung ở chỗ nhân vật chính đều đứng trước hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Họ đã đi đến quyết định khó khăn, có thể trong mắt một số người là hèn kém và thối nát, nhưng cuối cùng họ đều thoát ra khỏi định mệnh nghiệt ngã nhờ lòng can đảm và nỗ lực không ngừng bất chấp dư luận xã hội.

Đâu là lối thoát?

Có ai ước muốn trở thành sex worker? Những trường hợp dính chàm rồi muốn thoát ra thật nan giải.

Năm ngoái, câu chuyện về cô gái gọi cao cấp ở Úc tên là Gwyneth Montenegro khiến nhiều người ngạc nhiên. Với “thành tích chiến trường” làm sững sờ tất cả, cô đã bước ra khỏi vũng lầy và quyết tâm làm lại cuộc đời, sau đó cô phấn đấu làm phi công dân dụng dưới không ít ánh mắt thán phục.

Không may, căn bệnh suy thận đã ngăn cản giấc mơ bay của cô, hiện Gwyneth đang xây dựng doanh nghiệp riêng.

Ở Việt Nam khó có trường hợp “kỹ nữ hoàn lương” kết thúc có hậu giống Gwyneth Montenegro.

Do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, sự nhập nhằng thiếu quyết đoán của cơ quan quản lý, quan trọng hơn, người bán dâm thường không nhận được nền tảng giáo dục căn bản để đối phó với những thay đổi trong cuộc sống, nên khi đã lỡ sa lầy thì họ không biết làm sao phải thoát ra.

Bên cạnh đó, góc nhìn đạo đức xã hội tạo áp lực vô cùng lớn, nhất là đối với phụ nữ. Bất bình đẳng giới tồn tại ở mọi nơi, ngay cả trong tệ nạn. Mại dâm tồn tại từ thể kỷ này sang thế kỷ khác là có nguyên nhân đặc thù của nó.

Khi nói đến mại dâm, người Mỹ thường liên tưởng đến một thành ngữ rất hay: “It takes two to tango” (Có lửa mới có khói). Mại dâm rõ ràng không thể hình thành khi không có khách hàng muốn trả tiền cho dịch vụ mại dâm.

Thế nhưng liệu mại dâm tồn tại “lâu bền” chỉ như một dòng trao đổi thông thường được thực hiện bởi các cá nhân dễ dãi? Câu trả lời quả thật không đơn giản và cần quay ngược lại từ những nguyên nhân bất bình đẳng trong xã hội. (*)

Các bằng chứng chỉ ra đến 89% phụ nữ mại dâm thật sự muốn thoát khỏi công việc hiện tại nếu họ có một con đường khác để đi.

Một cô gái Thái Lan cho biết: “Tôi muốn mọi người hiểu hành nghề mại dâm không phải công việc tốt lành gì, phụ nữ cần những công việc khác. Tôi muốn chính phủ nhìn thẳng vào những gì đang diễn ra”.

Lời kêu gọi của cô gái Thái chẳng là gì và ai cũng phớt lờ nó, đơn giản vì theo các dữ liệu thống kê, ngành công nghiệp tình dục đem lại cho Thái Lan 27 tỉ Mỹ kim hàng năm, chiếm 14% GDP.

Hiểm họa luôn rình rập

Ba năm về trước, Thomas Kelly (18 tuổi) đã chết trong bệnh viện do trước đó anh bị một kẻ lạ mặt tấn công vào đầu khi đang đi chơi cùng nhóm bạn ở Kings Cross (khu ăn chơi nổi tiếng ở Sydney), vụ án mạng này làm chấn động cả nước Úc.

Những thành viên trong gia đình của Thomas đã thề không bao giờ bước chân vào con đường Kings Cross trong suốt phần đời còn lại của họ. Ở những khu đèn đỏ, dù là tại những xứ “văn minh”, luôn tiềm ẩn tai họa cho bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào.

Theo một nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của người hành nghề mại dâm là 34. Tại Mỹ, gần 80% phụ nữ hành nghề mại dâm đều có tiểu sử bị xâm phạm tình dục khi còn nhỏ. 12-14 là lứa tuổi mà những đứa trẻ tiếp xúc và bắt đầu làm quen với chuyện bán thân vì tài chính.

Ngành công nghiệp tình dục ở thời đại mới không còn đúng với định nghĩa mua bán khoái cảm đơn thuần, giờ đây nó đã phát triển thành một hệ thống rộng lớn gồm nhiều mắt xích: liên quan đến du lịch, nạn buôn người, hoạt động của mafia và thậm chí liên can đến cả chính phủ.

Nền tảng văn hóa đạo đức dân tộc là cơ sở tham khảo cho những nhà lập pháp đưa ra những chính sách phù hợp, nhưng không nên vì thế mà quá khắc nghiệt với những người phụ nữ trót sống kiếp xa ánh mặt trời.

Thực tế ở Việt Nam, tất cả những gì diễn ra cho thấy pháp luật và xã hội đều ưu ái cho “người mua” và bất công với “người bán”.

Nếu có sự công bằng thì ít nhất cả hai phải bị trừng phạt ngang nhau. Nguyên nhân vì tài chính, hoàn cảnh gia đình dần không còn chính xác nữa, nền tảng giáo dục vẫn là cách tốt nhất nhằm hạn chế tệ nạn mại dâm, tiếc rằng đó lại là câu hỏi chưa có lời giải trong xã hội hiện nay.

(*) Có nhiều lập luận rất thú vị về nguyên nhân tồn tại của nạn mại dâm có cội rễ bắt nguồn từ bất bình đẳng trong xã hội, xin trở lại trong một bài viết khác.

Tác giả bài viết: Anh Thư, từ Melbourne (Úc)