LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI TRONG TRONG "CHUYỆN VÀNG ANH"
- Thứ hai - 13/10/2008 23:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mọi việc đã lắng đi, "nạn nhân" của vụ phát tán vẫn tiếp tục con đường nghệ thuật, nhưng câu chuyện về "Vàng Anh" cùng những gì xảy ra sau đó trên báo chí, TV và cộng đồng blog nói riêng - cũng như công luận Việt Nam nói chung - vẫn để lại nhiều dư âm và bài học đáng suy nghĩ.
Bài viết sau đây của Đoan Trang cách đây tròn một năm đề cập tới một số bài học như thế (NCTG).
*
Mấy hôm nay, cứ ló đầu vào YM là tôi nhận được message: “Mọi người ơi đừng phát tán clip của Thùy Linh nữa nhé”, “Hãy ở bên Thùy Linh trong lúc này”, nghiêm khắc hơn một chút thì là: “Bọn nhà báo súc vật, hãy biết học làm người trước khi làm báo”, v. v...
Chuyện này đã được đào xới kỹ trong cộng đồng blog, nhiều người cũng phát biểu quan điểm rồi. Bây giờ tôi xin phép thử áp dụng một lý thuyết rất nổi tiếng trong kinh tế học - Game Theory (Lý thuyết Trò chơi) - vào chuyện phát tán clip sex của TL.
Giả sử ta có hai nhân vật là bạn và tất cả những người còn lại, gọi chung là “mọi người”. Bạn và mọi người có hai lựa chọn, là phát tán hoặc không phát tán clip đó. (Hành động phát tán được hiểu là gửi file đó cho [một] người khác và/hoặc cho [một] người khác xem file đó). Các điều kiện khác đều bình thường, loại bỏ tất cả các tình huống bất thường như: bạn là họ hàng ruột thịt của TL, bạn không ở độ tuổi quan tâm đến lĩnh vực này, bạn có cái thú tích trữ các đoạn phim sex để âm thầm xem một mình và tưởng tượng như chỉ có mình bạn sở hữu nhân vật trong phim, không thể chia sẻ người tình trong mộng với bất cứ ai…
Với tất cả những điều kiện bình thường đó, chúng ta có 4 trường hợp:
- Trường hợp 1: Mọi người đều phát tán file, và bạn không phát tán. Thì rõ là việc bạn không phát tán chẳng có ý nghĩa gì, đằng nào thì TL cũng đã thân bại danh liệt rồi.
- Trường hợp 2: Mọi người đều phát tán file, và bạn cũng thế. Thì việc bạn gửi cho vài người 1 file hình có dung lượng 7M chẳng ảnh hưởng gì đáng kể đến hệ thống mạng nói chung, cũng như không làm hại thêm bao nhiêu danh phận của TL.
- Trường hợp 3: Mọi người không phát tán file, và bạn phát tán. Điều đó chứng tỏ: bạn chính là thủ phạm tung file này lên mạng, hoặc bạn là một trong những người đầu tiên mà thủ phạm gửi file này, rất có thể là kèm theo lời nhờ vả “gửi cho ai thì gửi, cho nó chết... mẹ nó đi”. Và vì là bạn thân của thủ phạm và được nhờ vả, nên bạn sẽ phát tán file đó, hoặc bạn sẽ suy nghĩ như trường hợp 1 và 2.
- Trường hợp 4: Bạn và mọi người không ai phát tán file. Điều đó chỉ có thể có khi: file đó không tồn tại, hoặc pháp luật có quy định những hình thức phạt cực kỳ thảm khốc cho hành động phát tán file phim sex (khoét mắt, chặt tay, v. v...), và pháp luật rất nghiêm minh (nghĩa là có hiệu lực đàng hoàng, chứ không phải có luật mà không ai thi hành). Cái giá phải trả quá đắt so với cảm giác thoải mái bạn có được khi chia sẻ file đó với người khác, dẫn đến không ai dám phạm luật.
Tóm lại, điều tôi muốn nói ở đây là: trong mọi trường hợp, một người bình thường sẽ luôn có xu hướng phát tán file phim sex của TL.
Nào, bây giờ ta hãy tự vấn lương tâm xem có đúng mình đã "chia sẻ" file đó cho ít nhất một người khác không nào. Đúng là phải học làm người trước khi làm báo cũng như làm bất cứ cái gì khác, có điều đã là người thì chắc chắn chúng ta sẽ hành xử… như trên thôi.
*
Tôi còn nghĩ tới một chuyện khác nhân việc nhận được các message nói trên. Không rõ độc giả, khán/thính giả (sau đây xin gọi chung là audiences) Việt Nam chính chuyên từ bao giờ thế nhỉ? Thời còn làm ở "VnExpress", tôi và một cô bạn có lần bị "sếp" dập cho một trận tơi bời vì cái tội "coi thường" độc giả, lý do đơn giản bởi chúng tôi khó chịu nhận thấy trong danh sách các bài được đọc nhiều nhất ở "VnExpress", Top 10 bao giờ cũng rơi vào những tác phẩm mang những cái tít như “Nổ mông Britney Spears” hay là “Madonna lại khỏa thân lần nữa?” (sự thực của câu chuyện là ở đâu đó trên thế giới, người ta phát hành bộ tem Madonna khỏa thân). Có những bài gần như chắc chắn 100% là sẽ vào "top hit", ngay từ khi đang viết: "Cảnh DV tắm suối trong phim "Lục Vân Tiên" bị tung lên mạng"…
Thật ra đó không phải đặc thù của audiences Việt Nam mà là đặc điểm chung của audiences toàn thế giới. Trong lý thuyết báo chí, Tây họ dạy: một trong những yếu tố làm nên sức hút của tin tức là titillation component, nghĩa là tin đó có “yếu tố kích dục”. Yếu tố kích dục không nhất thiết phải là sex, hoàn toàn và trực tiếp, mà có thể chỉ liên quan xa gần. Ví dụ (ví dụ thôi nhá), tôi có những bài viết đặt tít thế này chẳng hạn: "Công an quận Đống Đa vây bắt hơn trăm gái mại dâm", hay "Thời trang áo tắm 2007: hai mảnh lên ngôi". Tôi có linh cảm rằng những bài đó sẽ được nhiều người đọc.
Vụ Thùy Linh vừa rồi cũng vậy. Tôi lại cũng có linh cảm mơ hồ rằng trong những ngày vừa qua, vài từ tiếng Việt được Google Search đón nhận nhiều nhất là “Thùy Linh”, “Vàng Anh” và “sex”. Còn gì thú bằng tay ta download hoặc play cái clip sẽ đó, miệng ta thì cứ chửi "bọn chim ăn xác thối" đưa tin, góp phần phát tán phim sex và hủy hoại cuộc đời TL.
Dĩ nhiên, không phải tất cả audiences đều mua/đọc báo vì “yếu tố kích dục”. Nhưng đó là xu hướng tâm lý chung. Ta cũng có một niềm an ủi, là audiences không thích việc nhà báo lạm dụng họ. Nếu audiences ý thức được rằng nhà báo đang cố tình đánh vào “thị hiếu thấp hèn” thì họ sẽ phản ứng. Tuy nhiên cái ý thức đó và phản ứng đi kèm với nó lại còn tùy vào trình độ của audiences. Như ở Việt Nam thì ý thức chưa rõ ràng mà phản ứng cũng yếu. Nói cách khác, audiences toàn thế giới giống nhau về cơ bản, nhưng mức độ thì có thể khác nhau.
Với vụ TL, "Dân Trí" không đưa tin đầu tiên thì báo khác sẽ đưa. Báo chí sẽ còn đăng tải những tin tương tự, bởi vì có cầu thì mới có cung.
Nghe thì tàn nhẫn vậy, nhưng audiences là thế và báo chí là thế. Nếu một ngày đẹp trời nào đó, lũ "chim ăn xác thối" chúng tôi nhận được phản ứng dữ dội và quyết liệt từ audiences (tẩy chay, đốt tòa soạn, bắt trói TBT, đánh thẳng lên tận Ban Tư tưởng…), thì chúng tôi xin chuyển ngay sang các đề tài khác, như “Sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam”, hay là “Chất trí tuệ Đức trong vở "Bà tỉ phú về thăm quê”, sang hơn chút nữa thì là “Tính Đảng trong các tác phẩm văn học phương Tây hiện đại”. Chuyển ngay ạ, không cãi!