"LUỘC", "CHÔM"..., HAY LÀ MỘT "QUỐC NẠN" (?) CỦA DÂN VIỆT
- Thứ sáu - 28/01/2005 09:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vương Vũ Thắng - một "tên tuổi" từng đoat giải nhất cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam 2001 - là nhân vật chính trong vụ "đạo tin" năm 2005
- nạn "đạo văn" đang làm mất uy tín nền xuất bản nước nhà...
- nạn "đạo tin" đang làm ảnh hưởng sự phát triển của nền công nghệ thông tin nước nhà...
- nạn "đạo nhạc" đang làm hỏng thị hiếu âm nhạc nước nhà...
Quả thực, cả 3 "quốc nạn" ấy - đều bắt đầu bằng chữ "đạo" - đang dần dần làm băng hoại đạo đức và tư cách của rất nhiều người trên các địa hạt văn học, tin học và âm nhạc.
"Đạo nhạc" đã được nhắc đến nhiều trên các mặt báo, "đạo tin" thì mới đây, ầm ĩ và bê bối nhất là vụ nhóm tin học iCMS đã "chôm" mã nguồn mở (miễn phí) của tác giả ngoại quốc Stephen R. G. Fraser, thêm mắm thêm muối ít nhiều rồi điềm nhiên coi là của mình, đem đi thi, đoạt giải Nhất và Cúp Vàng Trí Tuệ Việt Nam năm 2003, sau đó bán sản phẩm này với giá cắt cổ cho nhiều cơ quan lớn (tiêu tiền công) ở Việt Nam. Còn "đạo văn"?
Về vấn đề rộng như... Biển Đông này, chỉ xin được nhắc đến một khía cạnh nhỏ có liên quan, là "luộc".
Người viết những dòng này, lâu rồi, khi bắt đầu khởi sự làm báo, có may mắn được làm chung với một vị "trưởng thượng" trong làng báo, theo lời khoe của ổng. Gần đến hạn phải lên khuôn, đưa đi in, khi tôi cuống cuồng thục giục các CTV gửi bài, rồi bản thân cũng lao vào việc dịch, tổng hợp tin tức... thì được vị "lão trượng" nọ "khích lệ" một câu rất... tự nhiên: "Làm báo thời nay khó quái gì? Cứ lên Net mà "luộc"!" (Hiểu theo nghĩa đi copy những gì đã có sẵn của thiên hạ mà "dụng").
Cho đến nay, tôi vẫn nhớ như in câu nói cùng nụ cười tỏ vẻ thương hại của ổng, khi thấy tôi bận rộn viết lách. Khi ấy, tôi cũng không phản đối gì, nhưng cảm giác không "đồng chí hướng" nên lặng lẽ chia tay. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy cái "lý" trong nhận định "xanh rờn" của ổng: đúng là có rất nhiều tờ báo chỉ chuyên "luộc", "chôm", "múc"... nguyên xi những cái có sẵn của kẻ khác, mà không cần mất thời gian vào những việc "vô bổ" như biên tập, chỉnh lý, chờ đợi bài vở của CTV, bàn bạc, trao đổi khi cần thống nhất về một đề tài trên báo, v.v... Và, quả là những người làm việc ấy cũng có lý: "hàng chợ" như thế chính ra là... tối ưu, vì chôm chỉa bao giờ cũng dễ, đơn giản và... đỡ nhọc hơn tự mình làm ra. Cái này, dĩ nhiên đúng cho tất cả các loại "đạo", không riêng gì "đạo văn" và "văn hóa luộc" đi kèm theo nó.
Ai đó đã nhận xét, rất bi quan và có phần quá lời, nhưng không sai là mấy: "Dân Việt mình chỉ giỏi "chôm", "luộc", chứ không mấy khi động não làm một cái gì cho tử tế!" Quả vậy, không ít người Việt "chiết giải" phương châm "đi tắt, đón đầu" của Việt Nam ta như một lời khuyên tìm đường... không đàng hoàng mà đi cho... nhanh, không dụng tâm làm những việc có căn bản vững chắc mà chỉ "ăn xổi ở thì", miễn kiếm lợi nhuận cho nhanh, ngoài ra "sống chết mặc bay", không đếm xỉa đến mọi nguyên tắc đạo đức cơ bản trong công việc và kinh doanh. Và, sở dĩ Việt Nam làm được điều đó vì ý thức về sở hữu trí tuệ của ta vô cùng thô sơ và kém cỏi: ăn cắp một con vịt thì cũng là ăn cắp (đã có trường hợp một nhóm thiếu niên ăn cắp dăm ba con vịt bị án tù rất nặng), nhưng nếu ăn cắp một ý tưởng, một điệu nhạc, một bài viết, hoặc đơn thuần cứ cọp bừa cái có sẵn của người mà dùng (không thèm xin phép thì chớ mà lắm khi, cũng chả buồn đề nguồn gốc, tác giả) thì nói chung vẫn chưa bị công luận lên án và pháp luật trừng phạt nghiêm minh.
Cuối năm ngoái, Việt Nam đã chính thức gia nhập Công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ Berne, một đạo luật quy định rõ ràng những nguyên tắc về bản quyền trên nhiều lĩnh vực. Trên nguyên tắc, từ đó trở đi, "luộc", "chôm"... không chỉ đi ngược lại đạo đức của người viết, người sáng tác (tạo), mà còn là một hành vi phạm pháp.
Hi vọng, người Việt ta cũng mau ý thức được điều đó!