Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LỖI THUỘC VỀ AI TRONG VỤ CẮT ĐIỆN - TỬ VONG Ở NEW ZEALAND?

Quả thực, vụ cắt điện dẫn đến tử vong tại một gia đình ở New Zealand đã gây ra rất nhiều lời ra tiếng vào trong công luận nước này.

Đọc ý kiến của dân Kiwi trên "New Zealand Herald" (tờ báo lớn nhất của New Zealand), tôi thấy phần lớn họ không thông cảm được với sự việc của gia đình này, mặc dù họ chia sẻ sự mất mát. Chỉ có một số ít là phẫn nộ với công ty điện Mercury và cho rằng, công ty phải chịu trách nhiệm về cái chết của bệnh nhân người Samoa này.

Hôm nay thủ tướng New Zealand Helen Clark đến chia buồn với gia đình và có trả lời phỏng vấn "New Zealand Herald" (có thể vào đây để nghe trực tuyến). Thủ tướng muốn công ty Mercury "ngưng đào bới" sự việc sâu hơn trước khi mọi sự được làm sáng tỏ (hiện nay vẫn chưa có kết luận chính thức từ cảnh sát, bác sĩ, v.v... xem có đúng cái chết của bà kia là do máy trợ thở ngừng hoạt động hay không, có đúng là công nhân điện lực nhìn thấy bà ta chạy máy mà vẫn nhẫn tâm cắt điện hay không...) Tôi thấy bà thủ tướng Helen ủng hộ gia đình người Samoa hơi thái quá (như bao biện là có thể gia đình này quá "kiêu hãnh" nên không xin trợ cấp chính phủ, hay lẽ ra công ty Mercury phải... hỏi ý kiến Bộ Phát triển xã hội trước khi cắt điện, v.v...) Tuy nhiên, cũng dễ hiểu là chính trị bao giờ cũng đi đôi với mị dân!

"... dễ hiểu là chính trị bao giờ cũng đi đôi với mị dân" - Ảnh: Thủ tướng New Zealand Helen Clark

Cá nhân tôi hoàn toàn không thông cảm được với gia đình này. Bảo tôi là "máu lạnh" cũng được, nhưng đây là quan điểm của tôi. Ngày trước, khi còn du học tại New Zealand, tôi có làm nghiên cứu trong trường, được tham gia lấy dữ liệu cho một số dự án của Bộ Phát triển xã hội nên cũng biết được ít nhiều về hệ thống phúc lợi tại đây.

Trên khía cạnh phúc lợi xã hội, trong mắt tôi, New Zealand là một xứ sở hoàn hảo, không có gì đáng phàn nàn. Tôi không thể tin ở New Zealand có người nghèo đến mức không trả nổi hóa đơn điện. Thu nhập của tôi dạo đó có lẽ là tận cùng xã hội vì tôi là sinh viên, cũng có việc nhưng rất thất thường, chứ không có đều đặn mà tôi vẫn trang trải được mọi thứ, thậm chí còn trang trải tốt là đằng khác, chưa bao giờ đến mức phải nợ một hóa đơn gì. Mà đấy là tôi là người nước ngoài, không được bất cứ một trợ cấp gì của chính phủ ngoài mấy đồng học bổng chỉ đủ đảm bảo mức chi phí tốt thiểu. Còn công dân New Zealand nếu thất nghiệp thì đã có trợ cấp, hỗ trợ thuê nhà giá rẻ, có thẻ dịch vụ cộng đồng (community service card) để chữa bệnh miễn phí, con cái được chính phủ nuôi ăn học, nếu ốm đau đến mức không đi làm được thì có trợ cấp, nếu mắc chứng thần kinh quẫn trí đi nữa thì cũng có dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí, có đường dây nóng để kiểm tra sự an toàn cho họ.

Thử hỏi những điều này gia đình kể trên có biết không? Đến tôi là một sinh viên nước ngoài còn biết. Khi nhập quốc tịch chắc chắn mọi công dân đều được hướng dẫn cẩn thận về quyền lợi, nghĩa vụ và luật pháp. Đừng nói có thể họ không hiểu tiếng Anh nên không biết, vì không hiểu tiếng Anh thì đã có phiên dịch miễn phí, có tờ rơi hướng dẫn bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Có chính phủ nào mà nhân đạo và chu đáo đến mức đó không? Nên nói thật tôi vẫn không hiểu vì sao gia đình nọ không có đủ tiền để trả hóa đơn. Gia đình ấy có 1 ông bố và 2 con trai lớn đi làm mà 1 tuần chỉ thu nhập 0 như họ nói là điều không tin nổi. Mức lương tối thiểu ở New Zealand là $ 8/ giờ kể cả thuế, đó là mức thù lao cho nhũng công việc chân tay như quét dọn, lau chùi, v.v... Nếu một người đi làm một ngày 8 tiếng thì một tuần thu nhập đã là hơn $ 400 rồi, trừ khoảng gần 20% thuế thì vẫn còn gần 400. Nói chung, việc gia đình nọ không trả nổi tiền điện là không thể nắm bắt được đối với tôi. Không hiểu nổi!

Mà nếu bà bệnh nhân ấy ốm đến mức phải phụ thuộc máy thở thì bệnh viện sẽ không cho phép bả về nhà. Tôi cũng không hiểu tại sao gia đình không có một động thái gì để xin với công ty điện, vì chả ai tự dưng đi cắt điện nếu như hóa đơn không quá hạn quá lâu và thường thì phải sau mấy lần thông báo mà gia đình vẫn không thanh toán thì họ mới cắt. Lạ một điều là sau khi máy ngừng, gia đình lại ngồi đàn hát mà không gọi cấp cứu. Cứ cho đó là văn hóa của họ, thì họ phải chịu trách nhiệm vì cái thứ văn hóa đó, không thể đổ lỗi lên đầu người khác.

"Trên khía cạnh phúc lợi xã hội, New Zealand là một xứ sở hoàn hảo, không có gì đáng phàn nàn..." - Ảnh: thành phố Auckland, trung tâm kinh tế của đất nước, với tòa tháp Sky Tower

Nói chung, tôi thấy sự việc này đã đi quá xa. New Zealand, đối với tôi, thực sự là một xã hội hoàn hảo: chính phủ nhân đạo với tầng lớp dưới đến mức làm nhiều công dân "lương thiện" phát cáu vì họ đi làm trả thuế để nuôi những kẻ không muốn lao động. Nên tôi thấy không công bằng khi New Zealand tự nhiên mang tiếng xấu vì một vụ việc không phải lỗi của nhà chức trách!

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuệ Anh, từ Hà Nội