LỜI CẢNH BÁO ĐÁNG BUỒN: HẠ LONG KÊU CỨU!
- Chủ nhật - 25/02/2007 12:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nguyên nhân chính là do sự buông lỏng trong quản lý bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương và những dự án kinh tế đang đe dọa tới kỳ quan thiên nhiên có một không hai này. Mười hai năm trước (năm 1994), chúng ta vui mừng biết bao khi được tin UNESCO quyết định công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới ngoại hạng về mặt thẩm mỹ. Sáu năm sau (năm 2000), lại một lần nữa Vịnh Hạ long được công nhận là di sản thế giới lần thứ hai về địa chất, địa mạo. Vậy mà nay đau lòng thay khi phải nghe lời cảnh báo đáng buồn này. Điều gì đã xẩy ra? Có đúng như lời trình bày của đại diện Ủy ban UNESCO Quốc gia Việt Nam có mặt trong cuộc họp trên cho rằng, mối lo ngại chỉ mới dừng lại ở vùng đệm bên ngoài Vịnh Hạ Long và không có tác động gì đến di sản thiên nhiên này? Có đúng là nhà máy xi măng Cẩm Phả ngày ngày nhả bụi vào không gian vào mặt nước sẽ không ảnh hưởng gì đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên của di sản này? Có phải hàng chục nghìn tấn sít thải đang được ngành than đều đặn đổ xuống biển mỗi ngày không ảnh hưởng đến cái vịnh đẹp nhất trần gian này?
Những câu hỏi này xin nhường cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, những chuyên gia về môi trường trả lời cho thế giới. Riêng tôi một người bình thường yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, tôi muốn cám ơn những người đã kịp thời cất lên lời cảnh báo đầy trách nhiệm trên. Đáng quý hơn, những lời cảnh báo ấy lại được nói ra từ những người ở phương trời rất xa chúng ta. Rõ ràng cái đẹp là tài sản chung của nhân loại, không phải của riêng quốc gia nào để có thể đối xử với nó như thế nào cũng được mà không ai có quyền can thiệp. Lại thêm một bài học nữa của hội nhập.
Đầu năm nay tôi có dịp trở lại Hạ Long sau nhiều năm vắng mặt. Thú thật tôi cảm thấy như bị đánh mất một cái gì đó rất thân thuộc. Còn đâu những cánh buồm nâu non trên mặt nước xanh lục biếc. Trước mắt tôi là vô số những con tầu gỗ lô xô, đầy vẻ khoe khoang và kênh kiệu với những kiểu dáng không biết gọi tên là gì? Những con tàu khám phá Châu Mỹ của Christof Colomb ngày nào? Những con thuyền rồng của các vua chúa phương Đông ngày xưa? Lại có những con tàu mang lắc lư trước mũi một cái Chùa Một Cột, hoặc một cái điện thờ có mái cong… Cả một đội tàu gỗ với những kiểu dáng hổ lốn kỳ quặc như vậy được đặt vào giữa kỳ quan thiên nhiên được coi là di sản ngoại hạng về thẩm mỹ của thế giới - quả là một sự khiêu khích! Những gói ni-lông, gói giấy bập bềnh trên mặt nước quanh những con tầu như những nhà hàng nổi có lắp máy điều hòa. Rõ ràng Vịnh Hạ Long đã xuống cấp và xấu đi rất nhiều trong những năm qua. Nó đã bị khai thác một cách vô tội vạ trong vòng xoáy của cơ chế thị trường mà mục đích duy nhất là lợi nhuận.
Có lần vào đảo Tuần Châu, tôi nhìn thấy hàng đoàn xe ben nối đuôi nhau chuyển đất đổ xuống biển để mở rộng diện tích đảo. Những chiếc xe như đàn kiến tha mồi dần dà lấn biển, mà mỗi tấc đất là mỗi tấc vàng cứ mỗi ngày một phình ra. Bãi cát ven đảo cũng do vơ vét cát khắp trong vịnh đổ xuống để làm nên. Nhìn cảnh tượng đó tôi thầm nghĩ có ngày e người ta sẽ nối đảo Tuần Châu này với bờ bên kia Bãi Cháy và Vịnh Hạ Long cứ như vậy sẽ bị thu hẹp lại dần. Thì ra không phải chỉ có Tuần Châu như tôi được thấy. Bài báo trên còn cho biết Công ty Hoàng Gia còn lấn 70.000m2 biển ở Bãi Cháy và Công ty Hạ Long lấn 40.000m2 ở Cái Dăm trước sự làm ngơ của UBND Tỉnh. Điều lo ngại nhất của Tổ chức Di sản Thế giới là hoạt động của ngành than diễn ra ngay sát nách Vịnh Hạ Long. Với hàng ngàn chuyến tầu chở than qua lại khu vực đệm của di sản này thì nguy cơ ô nhiễm nước trong vịnh là điều không tránh khỏi. Nhà máy tuyển than Cửa Ông, nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng ngày ngày thả những chất thải xuống vùng biển xung quanh gây ô nhiễm môi trường của vịnh là điều chắc chắn. Theo như lời giải thích trấn an của đại diện UNESCO Việt Nam tại cuộc họp thì nguy cơ ô nhiễm môi trường mà thế giới cảnh báo chỉ liên quan đến vùng đệm của Vịnh Hạ Long, tức là 10 km bên ngoài biên giới vịnh. Nhưng vùng đệm đó cũng là môi trường, là di sản quốc gia, cũng cần phải được bảo vệ không kém gì di sản thế giới!
Không biết từ khi có lời cảnh báo này (tháng 7-2006) cho đến nay tình hình đã được cải thiện đến đâu? Lời cảnh báo đáng buồn này thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng: tăng trưởng kinh tế không thể trả giá bằng sự xâm hại môi trường thiên nhiên, môi trường sống của con người. Đó là bài học mà bất cứ quốc gia nào cũng phải thuộc lòng.