LIÊN KẾT BẮC ĐẠI TÂY DƯƠNG MỚI, CHÌA KHÓA CHO TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP HƠN
- Thứ tư - 20/01/2021 17:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Không chỉ Hoa Kỳ, mà lợi ích của cả thế giới là làm sao để Joe Biden thành công trong nhiệm kỳ tổng thống này”
“Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng của ông hiểu rõ chúng ta hơn những tiền nhiệm của ông, và sẽ rất chú ý đến yếu tố nhà nước pháp quyền và sự tôn trọng nhân quyền”. Bài viết đăng trên mạng index.hu ngày 7-1-2021 của GS. TS. Sử học Jeszenszky Géza, Ngoại trưởng trong nội các đầu tiên của Đệ tam Cộng hòa Hungary (1990-1994), Đại sứ Hungary tại Washington D.C thời kỳ 1998-2002.
Theo “Magyar Békekör” (CLB Hòa bình Hungary), một trang web không rõ lai lịch, có vẻ như được sự ủng hộ của Nga, “Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc hàng đầu trong nền kinh tế thế giới vào năm 2028, giành được vai trò chủ đạo của nền kinh tế Mỹ sớm hơn 5 năm so với những gì được báo hiệu trước đó.”
Một lời tiên tri táo bạo, tương lai không thể đoán trước, ai muốn thì cũng có thể tin. Tôi không nghĩ vậy, nhưng nếu điều đó vẫn xảy ra, Trung Quốc cũng không phải là hình mẫu mà là mối đe dọa.
Nếu mô hình dân chủ tự do của Mỹ thất bại, khi đó quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ có thể thực hiện được cơn ác mộng về quyền lực của Orwell với sự chạy đua vũ trang dựa trên những thành tựu to lớn của họ trong lĩnh vực viễn thông và nghiên cứu vũ trụ, với nền tảng kỹ thuật có thể kiểm soát được cả cách suy nghĩ. Ai sẽ muốn sống trong một hệ thống như vậy?
Trong cuộc bầu cử tháng 11-2020, với chiến thắng của Joe Biden, Hoa Kỳ đã chứng tỏ được rằng các định chế dân chủ của họ là mạnh mẽ, các kết quả bầu cử cũng được chứng thực bởi một Tối cao Pháp viện có đa số bảo thủ, thậm chí ngày càng nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa quay lưng lại với kẻ phiêu lưu tìm vận may vô nguyên tắc, vẫn chưa thừa nhận thất bại, và đã thoái trào về mặt chính trị và đạo đức.
Simonyi András, người kế nhiệm tôi với tư cách là Đại sứ tại Washington, hiện tại có điều kiện theo dõi chính trị Mỹ và thế giới từ khoảng cách gần Tòa Bạch Ốc, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ “Hírklikk” bữa trước:
“Hoa Kỳ ngày nay là người canh giữ nền dân chủ trên thế giới, pháo đài cuối cùng của thế giới tự do và ngăn chặn sự lan tràn của các chế độ độc tài độc đảng kiểu Trung Quốc.
Một cuộc chiến lớn đang được chuẩn bị giữa các nền dân chủ Phương Tây và các chế độ chuyên chế phương Đông, và trong cuộc đấu tranh đó Orbán Viktor và Hungary sớm hay muộn sẽ phải thể hiện quan điểm, phải lựa chọn đi cùng ai.
… trong cuộc chiến giữa hai hệ thống không phải EU, mà Mỹ sẽ là nhân vật quyết định. Và trong tương quan ấy, chúng ta cũng phải xem Hungary nằm ở đâu trong không gian này”.
Tôi cũng đã đọc gần như đúng từng từ các phân tích kinh tế và chính trị thế giới của Káncz Csaba.
Về mặt quân sự và kinh tế, Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị trí số một trên thế giới một cách chắc chắn, vẫn không thể đánh bại quốc gia này trên lĩnh vực đổi mới công nghệ và khám phá khoa học.
Những nhiệm vụ khổng lồ đang chờ đợi chính phủ mới của Mỹ, cần dẹp bỏ những phong trào cánh tả gây rối, đập phá tượng trong những tháng vừa qua, nhưng vẫn duy trì được sự ủng hộ của các cử tri yêu cầu những thay đổi xã hội và chăm sóc y tế một cách hợp pháp.
Cần giảm sự gia tăng chênh lệch vô cùng lớn về tài sản và thu nhập, nhưng không kìm hãm nền kinh tế, thậm chí kích thích nó để giúp giới trẻ và những người chỉ sống bằng trợ cấp xã hội tìm được việc làm. Cần đoàn kết một xã hội mà Donald Trump đã gây chia rẽ sâu sắc.
Các nhiệm vụ đối ngoại ít nhất cũng khó khăn như vậy. Cần củng cố quan hệ đồng minh đã lỏng lẻo ở mức nguy hiểm với Châu Âu, ngăn chặn sự bành trướng về kinh tế và chính trị của các quốc gia độc tài ở Châu Á, cũng như ngăn chặn làn sóng mới của chủ nghĩa chính thống Hồi giáo.
Những dấu hiệu cho đến giờ cho thấy tân tổng thống, người sắp nhậm chức, đã chọn ê-kíp của mình từ những nhân vật xuất sắc, tỉnh táo, có tư tưởng ôn hòa cho tất cả những điều này. Hiện tại, ông bị chỉ trích nhiều hơn từ cánh tả, chính là bởi ông không muốn 4 năm tới của mình lại giống như một chính quyền Obama lần thứ ba.
Có thể mong đợi điều gì từ ban lãnh đạo mới của Mỹ trong mối quan hệ với Hungary?
Nước ta tuy chỉ là một điểm nhỏ trong chính trị thế giới, và không thể thay đổi điều này chỉ bằng sự ồn ào và những bước đi gây chú ý. Nhưng Joe Biden và Ngoại trưởng của ông ấy hiểu chúng ta hơn những tiền nhiệm.
Tân tổng thống trải qua cuộc cách mạng 1956 của Hungary ở tuổi 14 và có thể hiểu được là biến cố ấy đã có tác động lớn đến quan điểm đối ngoại của ông. Cá nhân tôi đã có trải nghiệm về điều này ở ông.
Biden khởi đầu sự nghiệp chính trị của mình dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, người đã trao trả lại Vương miện Thiêng liêng (Szent Korona) cho Hungary và có cố vấn an ninh quốc gia là Zbigniew Brzezinski sinh ra ở Ba Lan và đóng một vai trò quan trọng trong việc phá bỏ các chế độ cộng sản.
Trong khuôn khổ quá trình (hoà dịu - ND) bắt đầu ở Helsinki vào năm 1975, Joe Biden là người đi đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong địa hạt nhân quyền, chỉ trích gay gắt sự phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số tại các nước thuộc khối Liên Xô.
Cùng bạn là Tom Lantos, Thượng nghị sĩ (TNS) Biden cũng có mặt trong số những người đã nhiệt tình chào đón Antall József (thủ tướng đầu tiên của Đệ tam Cộng hòa Hungary sau biến chuyển dân chủ 1989-1990 - ND) như với một ứng viên lãnh đạo vào tháng 1-1990, và với tư cách là thủ tướng Hungary vào tháng 10.
Tại Thượng viện Hoa Kỳ, ông là một trong những lãnh đạo của nhóm các TNS ủng hộ việc ba quốc gia Khối Visegrád (Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc - ND) gia nhập NATO. Ông biết Hungary ở đâu, ông từng đến hồ Balaton trong tuần trăng mật với vợ mình, Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ trong tương lai.
Tất cả những điều này có thể là một dấu hiệu tốt cho mối quan hệ Hungary-Mỹ trong tương lai gần, tuy nhiên vẫn có những điểm va chạm.
Không phải là sáng kiến hay khi chính phủ Hungary lớn tiếng cổ vũ cho Donald Trump, tấn công Joe Biden một cách thiếu tế nhị và sau đó chỉ chúc mừng người chiến thắng với lời chúc một chiến dịch bầu cử thành công.
Nhưng Tony Blinken, Ngoại trưởng tương lai, con trai cựu đại sứ Mỹ tại Budapest, sẽ không thiết lập chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Hungary dựa trên cơ sở này, mà trên cơ sở các hành động.
Chính quyền Trump cũng đã không ưa gì “tình bạn” quá mật thiết giữa Budapest với Putin, hoặc với Trung Quốc, nhưng nội các Biden sẽ có thái độ nghiêm túc hơn đối với những gì đi ngược lại điều có thể chờ đợi một cách hợp lý từ một đồng minh NATO.
Sự chỉ trích sẽ không bị vô hiệu hóa ngay cả khi Hungary mua vũ khí của Mỹ. Hoa Kỳ sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình hơn Trump, củng cố mối quan hệ với các đồng minh Bắc Đại Tây Dương và các mối quan hệ đồng minh nói chung.
Mỹ sẽ lại rất chú ý đến yếu tố nhà nước pháp quyền và tôn trọng nhân quyền. Đây cũng là những gì mà Liên Âu hứa hẹn.
Trong chính sách đối đầu của mình, chính phủ Hungary ngày càng ít có thể tính đến các đối tác thuộc Khối Visegrád 4, và ngay Ba Lan cũng là tín đồ của mối quan hệ mật thiết nhất ở mức có thể với Mỹ.
Một trăm hai mươi năm trước, ngay cả Anh Quốc, khi ấy là cường quốc thế giới ở đỉnh cao, cũng không thể tự cho phép mình lâm vào “sự cô lập sáng sủa”.
Một quốc gia nhỏ ở vùng Trung Âu chỉ có thể đạt được những mục tiêu chính đáng của mình với sự hỗ trợ của các bạn bè và đồng minh.
Điều này đặc biệt đúng khi cần ngăn chặn những mối đe dọa đối với cộng đồng Hungary ở vùng Kárpátalja (Zakarpattia, từng thuộc Vương quốc Hungary, nay thuộc Ukraine, nơi có cộng đồng người Hung đông đảo sinh sống - ND), và chìa khóa của vấn đề này cũng nằm ở Washington.
Không chỉ Hoa Kỳ, mà lợi ích của cả thế giới là làm sao để nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden được thành công. Tôi hy vọng Budapest cũng tính tới điều này.