Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LAN MAN BÊN BIỂN QUY NHƠN

(NCTG) “Làm sao để năm, mười năm nữa, những khuôn mặt của người dân hôm nay tôi gặp, vẫn nằm ở vị trí trung tâm của trời đất này?”.
Màu trắng bừng lên giữa trưa nắng của dải cát mịn tinh khôi
Tìm nơi dừng ăn trưa dọc đường, anh lái xe phân trần “đi qua mấy khu đẹp rồi thôi rẽ tạm vào đây”. Bất ngờ hiện ra sau hàng phi lao thấp lòa xòa, là màu trắng bừng lên giữa trưa nắng của dải cát mịn tinh khôi. Nhà hàng mở chắc chưa lâu, chưa chuyên nghiệp, hoặc ít phục vụ khách phương xa, những chòi ngồi ăn đổ bê-tông xây tường gạch thô sơ, khu nhà tắm tối tăm, những khu bồn hoa cắt tỉa vụng về, xen lẫn hoa giả hoa thật.

Nhờ sơ sài nên bù lại cây cỏ, bãi cát vẫn giữ vẻ tự nhiên. Không khí resort chưa tràn về với những ô mái cọ và ghế ngả trắng rải đều nhàm chán. Giữa bãi cát không bóng người, chỉ dựng lên cái xích đu bằng cây gỗ mộc không gọt tỉa, ghế đu bện thừng! Còn chỗ ngả lưng ư? Chỉ cần cột chiếc võng giữa những thân phi lao là bạn đã muốn ru mình vào giấc ngủ giữa thiên đường này rồi!

Ngoài nhóm chúng tôi có khách nước ngoài, với vài nhóm nhỏ giọng miền Bắc, xung quanh phần lớn là dân địa phương. Họ hoặc mang đồ ăn đến ngồi tụ tập, còn lại là những cụ già ngồi đong đưa võng ngó bâng quơ, mấy chị phụ nữ vừa tranh thủ đưa võng ru con vừa thủ thỉ tâm sự, những cô cậu bé tháo khăn quảng sau giờ học sáng, khéo nhau ra đá bóng hay đứa lớn giúp đứa bé đưa mấy nhịp xích du trên cát. Quá trưa nắng nên chẳng ai xuống tắm.

Họ quây quần như thế bên nhau, chẳng để ý đến đám khách du lịch như chúng tôi, hiện còn là thiểu số. Trong cái khung cảnh dải bờ biển đẹp không tì vết là nỗi khát thèm của du khách xứ lạnh. Tôi tưởng mình đang từ tàu diện ngầm Paris bước qua cánh cửa Doremon vào áp-phích quảng cáo du lịch những bãi biển mời gọi, ngập nắng không bóng người, dán quanh năm trên tường tàu điện ngầm hôi hám tối tăm, gợi khát thèm cho dòng người chen nhau vội vã cau có.
 
*

Bãi biển đã bao đời chắc vẫn đẹp như thế. Bao đời người dân sống nơi đây đã lớn lên bằng những nhịp võng đưa dưới rặng phi lao, và cũng dành những ngày cuối đời ngồi trầm tư trước cát trắng ngần và biển xanh trong vắt thế này? Để trong tiềm thức họ, bờ biển này là nơi sinh kế của cha, là hiên nhà của mẹ, là sân chơi của con...

.. và sẽ là gì của con cháu họ ngày mai?

Quanh cảnh tôi đang cố ghi lại trước mắt - sẽ trở thành những Phan Thiết, Phú Quốc nay mai - mới hôm qua còn hoang sơ có khi đẹp hơn nơi này? Tôi nhớ Phan Thiết 13 năm về trước, dù đã bắt đầu khai thác du lịch cao cấp, khi tôi đến còn mới 2-3 cái resort nho nhỏ, thuyền chài vẫn về bến ngay kế bên. Mà cũng mới đây đưa tin rác ngập bờ cát, và tất nhiên là resort chen chúc không còn kẽ hở, bắt đầu dần lu mờ trên bản đồ du lịch ưa thích, chỉ sau hơn chục năm khai thác.
 
*

Những đứa trẻ khuôn mặt chất phác kia, thậm chí ngay cả bố mẹ chúng, sẽ chứng kiến và tìm vị trí cho mình trong một bức tranh khác.
 
“Làm sao tránh được những rặng san hô chết, những đàn cá, bầy chim tuyệt diệt?”
“Làm sao tránh được những rặng san hô chết, những đàn cá, bầy chim tuyệt diệt?”

Người hưởng lợi sẽ gọi nó là vận hội mới, kẻ khác nhìn rộng ra sẽ thấy sự khai tử của những danh tính con người, vùng đất, thiên nhiên. Nhưng nhìn từ góc độ nào, những nhân vật đang đứng giữa tâm điểm của bức tranh hôm nay, sẽ khó tránh khỏi lùi về thành những chấm nhỏ thấp thoáng lẩn khuất trong những bức tranh ngày mai.

Cũng như màu trời màu nước kia, nơi bao bọc cá tôm, vỗ về bờ cát, tưởng chừng không thay màu, sẽ chỉ là lớp bao phủ những rác thải, độc tố? Làm sao tránh được những rặng san hô chết, những đàn cá, bầy chim tuyệt diệt?
 
*

Sẽ thật không tưởng nếu bảo vệ bằng cách đóng khung những nơi chốn, con người này tách họ khỏi sự vận động tất yếu và những lợi ích kinh tế ngắn hạn. Càng không thể phủ nhận lợi ích chóng váng của khai thác thế mạnh du lịch.

Nhưng làm sao để năm, mười năm nữa, những khuôn mặt của người dân hôm nay tôi gặp, vẫn nằm ở vị trí trung tâm của trời đất này?

Làm sao để những bước chân du khách như tôi, không ngập ngừng vừa muốn đặt trên bãi cát, vừa sợ mình sẽ mở đường thêm một dấu chân cày nát bờ biển này? Như biết bao bờ biển đã “mất” trên hơn ba ngàn cây số tưởng như vĩnh cửu vẽ nên đường viền đất Việt.
 
*

Thế nên, tôi không cố muốn nhớ cái tên bãi biển ấy, để chẳng kể được với ai. Giá mà có thể níu chậm làm sóng du lịch đại trà thêm chút nữa, để đủ cho người dân nơi đây chuẩn bị “con thuyền” của họ kỹ càng hơn. Như chính lý do chuyến đi này của những người làm quy hoạch. Đủ để sóng đẩy thuyền lên, căng buồm ra khơi, chứ không nhấn chìm phá hủy nó trong những cuộn xoáy tham lam.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Bùi Uyên, từ Paris