Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KIỂM SOÁT TÌNH THƯƠNG?

(NCTG) “Quyền con người gắn liền với những giá trị nhân bản làm nên đạo đức của một xã hội, trong đó sự đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ giữa con người với con người để đảm bảo quyền được sống an toàn, quyền được mưu cầu hạnh phúc đã được các quốc gia ký Công ước Liên Hiệp Quốc về vị thế người tỵ nạn (năm 1951) cam kết đảm bảo, trong đó có nước Pháp”.
Sau một buổi sáng làm quen, buổi chiều các bé Syria đã tìm thấy nụ cười, hòa với các bạn chơi đùa dù bất đồng ngôn ngữ
Mấy tuần vừa qua, tin tức về dòng người tỵ nạn chủ yếu từ Syria tràn ngập các phương tiện truyền thông, nhà nhà, người người theo dõi những biến chuyển hàng ngày. Mỗi người dù ít hay nhiều đều có chút ý kiến riêng của mình trước cuộc di tản ồ ạt này.

Ở Pháp, đó là sự lo lắng cho một tương lai bất ổn về an ninh và kinh tế, một nỗi lo hoàn toàn có căn cứ. Chính bản thân nước Pháp hiện tại với 10% tỉ lệ thất nghiệp, 3,5 triệu người không có nhà ở hoặc sống trong điều kiện nhà không đủ điều kiện tối thiểu, 200.000 người nhập cư (nhận thẻ cư trú) mỗi năm thì việc nhận thêm 24.000 người tỵ nạn chiến tranh trong vòng hai năm tới có thể giúp cho tình hình cải thiện hơn không?

Cuộc thảm sát đẫm máu đầu năm 2015 ở tòa soạn báo “Charlie Hebdo” kèm những lời đe dọa của phe Hồi giáo cực đoan đã khiến người dân Pháp phải trở nên rất cảnh giác trước vấn đề bảo đảm an ninh xã hội.

Nhưng liệu những lý do trên có đủ để người Pháp đóng cửa với những người tỵ nạn chiến tranh không?

Câu trả lời là không, chắc chắn là không!

Bởi vấn đề ở đây là quyền con người gắn liền với những giá trị nhân bản làm nên đạo đức của một xã hội, trong đó sự đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ giữa con người với con người để đảm bảo quyền được sống an toàn, quyền được mưu cầu hạnh phúc đã được các quốc gia ký Công ước Liên Hiệp Quốc về vị thế người tị nạn (năm 1951) cam kết đảm bảo, trong đó có nước Pháp.

Hàng trăm nghìn người Syria bỏ đất nước, chấp nhận nguy hiểm tính mạng di tản sang các nước Châu Âu, nơi họ mong muốn có cuộc sống yên bình với điều kiện an sinh tốt để sinh sống chính là tiếng thét KHÔNG với xã hội của Hồi giáo cực đoan.

Đi bộ hàng trăm cây số để đến đích, họ đang tuần hành, bỏ phiếu rộng rãi bằng chính đôi chân của mình cho xã hội văn minh, nơi có tự do, dân chủ là nền tảng.

Dù là tỵ nạn chiến tranh hay di dân kinh tế, trước hết họ đều là những con người, có lòng tự trọng như tất cả những ai khác, họ cũng muốn có công ăn việc làm để làm chủ cuộc sống của mình như bất kỳ ai. Điều này được chứng minh bởi số người ghi tên xin tỵ nạn ở các nước như Đức, Anh - nơi có khả năng tìm công ăn việc làm cao hơn hẳn Pháp.

Làm thế nào để thực hiện được cam kết như trong Công ước 1951, đó là vấn đề nội bộ của mỗi nước, là trách nhiệm của chính phủ các quốc gia này. Liệu có thể vì khó khăn mà các nước đã ký kết Công ước quay lưng lại với những giá trị của mình?

Nếu nhìn sự việc một cách tích cực hơn, có lẽ đây cũng là một cơ hội cho nước Pháp, cùng chính phủ và người dân của mình phải lựa chọn giữa một nền kinh tế đặt lợi nhuận các tập đoàn lên trên hết, hay một nền kinh tế ưu tiên cho việc san sẻ để rút ngắn sự phân chia giàu nghèo lên trên.

Tuần trước, trường mình vừa nhận đón ba cháu nhỏ từ hai gia đình tỵ nạn đến từ Syria, tuần này nhận thêm hai cháu.

Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tụi nhỏ vô tội, thấy lòng thắt lại. Thật may mắn, sau một buổi sáng làm quen thôi, buổi chiều các bé đã tìm thấy nụ cười, hòa với các bạn chơi đùa dù bất đồng ngôn ngữ. Tất cả người lớn, và dường như là cả các bạn nhỏ trong trường đều như muốn bù đắp cho các bạn mới.

Các cô giải thích bằng lời lẽ đơn giản cho các bạn nhỏ về sự có mặt của các bạn mới này. Các trò nhỏ tranh nhau cầm tay dẫn bạn, chỉ cho bạn mới các trò chơi. Thật ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Nhìn tụi nhỏ hòa đồng, vui cười, chạy nhảy, tim bỗng vỡ òa, nhận ra giá trị của bao điều.

Về nhà kể chuyện lại cho các con nghe, cậu út nói luôn: “Mẹ ơi nếu có em nào không có bố mẹ thì mẹ đem về sống với nhà mình nhé. Con có giường tầng mà”. Quay sang hỏi hai anh chị lớn nghĩ thế nào, cả hai trả lời: “Con đồng ý, con đồng ý!”.

Chợt nhớ đến những lời nhắn nhủ trong các comment đọc được, “phải dùng cái đầu lạnh để giải quyết vấn đề tỵ nạn chứ không phải trái tim”, “cho họ nhập cư để ảnh hưởng đến an ninh thành phố mình, làm mất giá nhà cửa”..., mình bất giác thương lây cho những người có phát biểu như thế.

Liệu tình thương có thực sự cần được kiểm soát vì những lý do như vậy hay không?

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Khánh Hà, từ Lyon (Pháp)