KHÔNG CÓ “NHƯNG” TRONG TỰ DO NGÔN LUẬN!
- Thứ sáu - 16/01/2015 11:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tại sao hàng triệu người lại xuống đường với tấm biển “Je suis Charlie”? Là vì họ muốn bảo vệ cho quyền được thể hiện quan điểm của “Charlie Hebdo” ngay cả trong trường hợp, họ không đồng tình với cách biểu đạt ấy, và với nội dung biểu đạt ấy”.
Số báo “Charlie Hebdo” mới - Ảnh: Pascal Guyot
Trong các cuộc thảo luận liên quan tới vụ thảm sát tại trụ sở tờ báo trào phúng “Charlie Hebdo” tuần trước, nhiều người Việt cho rằng, ừ, khủng bố là xấu, không nên, cần lên án, nhưng cũng phải thông cảm: tại vì các họa sĩ có cách thể hiện quá cực đoan, nên mới bị phản ứng như thế.
Thậm chí, một số người còn cho rằng đây là sự đụng độ giữa hai phe cực đoan: nhóm ký giả “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận” để xúc phạm tín ngưỡng, niềm tin và tôn giáo của người khác, khiến những kẻ quá khích không thể chịu được, phải nổ súng khi “bị dồn đến đường cùng”.
Để trả lời cho lập luận này, có lẽ không gì bằng, hãy đọc bài xã luận đăng trên số báo “Charlie Hebdo” mới, được ấn hành một tuần sau khi nổ ra vụ thảm sát tại trụ sở báo với lượng ấn bản “khủng” năm triệu. TBT Gérard Biard đã có một khẳng định rất hay trong bài viết, rằng trong tự do ngôn luận không có từ “nhưng”.
Xã luận cho hay: mọi thành viên của BBT, mọi thành viên gia đình và thân hữu của các thành viên BBT đã nhiều lần phải nghe mọi lời phê bình tràn ngập trên mạng Internet và một phần báo chí thế giới trong những ngày qua. Những lời phê bình ấy nhiều khi được bắt đầu bằng câu “tôi rất lấy làm tiếc, nhưng...”.
“Charlie Hebdo” cho rằng sẽ là một sai lầm khi chúng ta nói từ “nhưng”, bởi lẽ trong tự do ngôn luận không có “nhưng”.
Bài xã luận nhấn mạnh: máu những người bị thiệt mạng trong cuộc thảm sát chưa khô, khi nhiều người đã bàn luận về việc các biếm sĩ “Charlie Hebdo” đã sai lầm ở chỗ nào. Tờ báo nhắc nhở rằng những người bị thảm sát trong “tuần lễ man rợ” đều quan trọng như nhau, không có ai “đáng chết” hay “ít đáng chết” hơn người khác.
Tất cả là một sự khủng khiếp và như “Charlie Hebdo” nhấn mạnh, cần phải biết rằng người cảnh sát bảo vệ Charb (Stéphane Charbonnier) và những đồng nghiệp bị sát hại của ông ta đã hy sinh để bảo vệ những giá trị mà không chắc chắn là họ đã tán đồng.
*
Phải chăng, đây chính là câu trả lời cho thắc mắc của không ít người: tại sao hàng triệu người lại xuống đường với tấm biển “Je suis Charlie”? Là vì họ muốn bảo vệ cho quyền được thể hiện quan điểm của “Charlie Hebdo” ngay cả trong trường hợp, họ không đồng tình với cách biểu đạt ấy, và với nội dung biểu đạt ấy...