Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHÔNG CÓ GÌ THOÁT KHỎI CHÍNH TRỊ

(NCTG) “Vì mọi quyền bày tỏ đều như nhau, từ thể thao đến chính trị, nên chẳng có gì phàn nàn nếu toàn dân vui mừng trong một sự kiện thể thao. Chỉ nên phàn nàn vì có những xứ sở đám đông vui mừng như lễ hội vì thể thao mà thờ ơ với những gì quyết định cuộc sống của mình và gia đình”.
Thành công của U23 Việt Nam và những gì đi kèm làm dấy lên tranh luận về sự hiện diện của chính trị bên cạnh thể thao
Nên đón một đội bóng vừa thi đấu trở về thế nào? Lệ thường, toàn đội bóng sẽ đứng trên một chiếc xe buýt mui trần đi diễu hành qua các đường phố với người hâm mộ vẫy cờ hoa hai bên đường. Các chính trị gia nếu muốn tham gia có thể chọn một vị trí dễ thu hút ống kính truyền thông, ví dụ ban-công của một tòa nhà nào đó trên đường đoàn diễu hành ngang qua, chính trị gia cũng vẫy cờ phất hoa không khác gì một người dân thường. Đội bóng diễu hành về tổng hành dinh, vây quanh bởi người hâm mộ, không có diễn văn, không có báo cáo, và tuyệt đối quan chức chính phủ không tham gia vào sự kiện này. Đó là câu chuyện của một nền thể thao phi chính trị.

Như thường khi có sự kiện, trên mạng xã hội chia ra những cuộc tranh luận gay gắt. Lần này không khác. Có người đòi chỉ nên coi bóng đá là trò chơi, đừng hô hoán đó là “tinh thần dân tộc” hay “vận nước” vì vận nước thật sự đang còn nhiều điều đau nhức. Phía đối diện là một đám đông cũng đòi coi bóng đá chỉ là bóng đá, đừng lôi chính trị vào, lâu lâu có dịp ăn mừng thì cứ mừng chứ đừng nói chi những Formosa, xăng tăng hay BOT.

Trên thế giới, không có người dân nước nào lại không đổ ra đường ăn mừng khi đội tuyển thể thao của họ thi đấu đẹp mắt, có thành tích. Chuyện đó vô cùng bình thường và chẳng ai hỏi tại sao đám đông ấy chỉ biết vui với thể thao mà không màng đến thời sự còn nhiều vấn đề với vận mệnh quốc gia. Tại sao vậy?

Bởi vì, ở những đất nước đó đám đông cũng có cả quyền bày tỏ và biểu lộ quan điểm khi họ thấy bất bình với một hay nhiều vấn đề trong xã hội. Báo chí của họ ngoài việc phân tích - phê bình thành tích thi đấu thể thao, chứ không tung hô lố bịch, thì cũng có quyền bình luận - điều tra các vấn đề xã hội. Doanh nghiệp của họ không ký đơn cho nhân viên nghỉ làm đi coi đá bóng cũng không tìm cách can thiệp giật mối” chở đội tuyển thể thao trên một chuyến máy bay ngồn ngộn da thịt.

Vì mọi quyền bày tỏ đều như nhau, từ thể thao đến chính trị, nên chẳng có gì phàn nàn nếu toàn dân vui mừng trong một sự kiện thể thao. Chỉ nên phàn nàn vì có những xứ sở đám đông vui mừng như lễ hội vì thể thao mà thờ ơ với những gì quyết định cuộc sống của mình và gia đình.

Tại sao những người yêu cầu chỉ nên ăn mừng sự kiện thể thao thuần túy không được đem chính trị vào lại không phản ứng khi người ta dùng chính hình ảnh các chính trị gia để cổ vũ bóng đá? Tại sao không phản ứng khi việc đón một đội tuyển bóng đá lại trở thành một sự kiện chính trị với sự tham gia của người có vị trí cao nhất Chính phủ? Chính trị hóa thể thao là đấy chứ còn đâu. Hay, các bạn nghĩ rằng chỉ có Formosa, phản đối BOT “bẩn”, xăng tăng... thì mới là chính trị?

Chính trị không tha cho thứ gì, kể cả các bạn, nhất là khi bạn sống trong một đất nước mà cụm từ “xã hội dân sự” vẫn còn bị kiểm duyệt trên báo chí. Cho nên, hãy cứ vui niềm vui bóng đá của bạn và đừng đòi người khác phải phi chính trị. Vì các bạn cũng là một thứ công cụ chính trị.

Tác giả bài viết: Trung Bảo, từ Sài Gòn