Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHÍA CẠNH PHÁP LÝ TRONG VỤ “ĐIỀU TRA” TUỔI CỦA CÔNG PHƯỢNG

(NCTG) Sau khi chương trình Chuyển động (CĐ) 24h của VTV đi điều tra và đặt nghi vấn về tuổi thật của cầu thủ Công Phượng, đội trưởng U19 của Việt Nam, trên báo chí và các trang mạng xã hội đã có nhiều bài phân tích về nghiệp vụ báo chí, đạo đức và nhiều chuyện khác, tuy nhiên về pháp luật thì vẫn chưa thấy đề cập đầy đủ.

Những “bằng cứ” về nghi vấn gian lận tuổi trong vụ - Ảnh: NN (plo.vn)


Bài viết dưới đây hy vọng sẽ cung cấp cái nhìn pháp lý tổng quan về vụ việc, căn cứ vào những thông tin đã được công khai thời gian qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

*

Loạt chương trình của CĐ 24h đưa ra nghi vấn tuổi của Công Phượng là  21 tuổi chớ không phải 19 tuổi (sinh năm 1995, như ghi trong Giấy khai sinh (GKS) và các giấy tờ hiện nay cầu thủ này đang dùng. Những “bằng chứng” CĐ 24h đưa ra tập trung quanh việc Công Phượng có tới hai tờ GKS, sổ đăng ký khai sinh của xã bị mất, trong  bản khai hộ khẩu lưu giữ tại công an huyện, ông Nguyễn Công Bảy cha của Công Phượng viết tay rằng Công Phượng sinh năm 1993, học bạ của Công Phượng suốt thời gian tiểu học chỉ có một nét chữ v.v…

Chúng tôi sẽ lần lượt phân tích  những “bằng chứng” này sau đây.

Những “bằng chứng” không phải là bằng chứng

1. Có thể khẳng định ngay là cả hai GKS của Công Phượng đều hợp lệ, và có giá trị pháp lý vì những cơ sở sau:
 
- Theo  Nghị định 83/1998/NĐ-CP và Nghị định 158/2005/NĐ-CP hiện hành về đăng ký và quản lý hộ tịch thì GKS  thứ nhất (cấp ngày 20-10-1995) hoàn toàn hợp lệ vì đã được đăng ký đúng cơ quan có thẩm quyền là UBND cấp xã, có nội dung thông tin nhân thân đầy đủ của người được khai sinh, có chữ ký và con dấu của người đứng đầu UBND cấp xã ký xác nhận, có chữ ký của người đứng khai là cha của Công Phượng. Khi có đủ các tiêu chí trên, việc thiếu số giấy, số quyển  không làm cho GKS mất đi giá trị

GKS thứ hai (cấp ngày 20-12- 2010) là giấy làm lại theo yêu cầu của chính quyền địa phương, trong quy trình quản lý hộ tịch mới theo  Nghị định 158 nói trên,  Cũng cần nói thêm là năm 2010, không phải riêng Công Phượng mà hàng trăm nhân khẩu ở xã Mỹ Sơn đều phải làm lại giấy tờ hộ tịch vì cùng lý do.

Việc làm lại GKS này - ngôn ngữ hộ tịch gọi là “đăng ký lại việc sinh”, còn là quyền của công dân  thực hiện khi Sổ đăng ký khai sinh của xã đã bị mất. Khi một cá nhân “đăng ký lại việc sinh”, các nội dung thông tin về nhân thân phải được ghi theo nội dung của GKS đã cấp trước đó. Trên thực tế, cả hai GKS đều ghi ngày tháng năm sinh của Công Phượng là 21-01-1995, như vậy là trùng khớp và hợp lệ.

2. Về chuyện Sổ đăng ký khai sinh ở UBND xã nơi Công Phượng đăng ký khai sinh năm 1995 đã bị mất, CĐ 24h  đưa với hàm ý UBND xã thủ tiêu chứng cứ?

Theo Luật gia Nguyễn Thanh Xuân, người đã làm công tác hộ tịch chín năm thì do trình độ, năng lực, trách nhiệm của cán bộ tư pháp cơ sở ở làng quê Việt Nam còn hạn chế nên khoảng thời gian 1989-1999 rất nhiều giấy khai sinh bị thiếu nội dung như thiếu số giấy, số sổ, thiếu họ tên của người ký giấy khai sinh, thiếu chữ ký, họ và tên của người đứng khai, thiếu tên địa danh hành chính của UBND cấp xã có thẩm quyền đăng ký khai sinh, thậm chí thiếu ngày sinh…

Còn về  sổ đăng ký khai sinh thì chuyện ghi chép không đầy đủ, mất trang, ghi sơ sài, cẩu thả, sổ ghi một nơi GKS ghi một ngả…, thậm chí mất hẳn sổ là chuyện thường tình. Do đó, không thể dùng việc mất sổ để chứng minh UB xã gian lận tuổi cho Công Phượng, trừ khi CĐ 24h có bằng chứng chứng minh rằng UB xã cố ý thủ tiêu cuốn sổ.

Tương tự là nghi vấn của CĐ 24h về việc nhà trường nơi Công Phượng học tiểu học mất hồ sơ và nét chữ trong học bạ của cầu thủ này từ năm lớp 1 đến lớp 5 đều cùng của một người. Hồ sơ và học bạ mất cũng do quản lý không tốt ở các làng quê. Điều này đã được nhiều cư dân mạng nêu trường hợp cụ thể của bản thân họ, rằng khi họ cần làm lại hồ sơ, các thầy cô giáo phải ngồi viết lại học bạ cho học sinh, thậm chí nhờ các học sinh viết giúp. Vậy điểm này cũng chỉ dừng lại ở nghi vấn.

3. Một “bằng chứng” nữa của CĐ 24h là phát biểu của một số phụ huynh học sinh cùng lớp, trường với Công Phượng rằng con em họ sinh năm 1993, để nghi vấn Công Phượng cũng sinh năm này. Thiết nghĩ không cần phải phân tích them “bằng chứng” này vì đã rõ chỉ là sự suy diễn không căn cứ, nhất là trong thực tế làng quê Việt Nam chuyện học sinh học trễ so với tuổi, học sinh nhiều độ tuổi ngồi chung một lớp là chuyện thường xảy ra

4. Bản kê khai hộ khẩu có phải là bằng chứng? Xin thưa là không.

CĐ 24h đã có vẻ đắc thắng, tự tin khi đưa ra “bằng chứng” là bản khai hộ khẩu lưu ở công an huyện Đô Lương, trong đó có chữ viết tay của ông Bảy, ghi Nguyễn Công Phượng sinh năm 1993. Bản khai hộ khẩu này chỉ có “giá trị tạm thời” chứng minh rằng chính cha của Công Phượng đã khai với cơ quan cấp hộ khẩu Công Phượng sinh năm 1993.

Sở dĩ nói “giá trị tạm thời” là vì người khai có quyền sửa chữa, có quyền cho là mình nhớ nhầm, ghi nhầm… và bản khai này chỉ được công nhận là bằng chứng chính thức khi nội dung của nó trùng khớp với những giấy tờ (bản chính thức) có liên quan.

Trong khi đó, bản hộ khẩu chính thức của gia đình Công Phượng - mới là văn bản có giá trị pháp lý - đã ghi năm sinh của Công Phượng là 1995, theo thông tin trong GKS.

Tóm lại, những “bằng chứng” mà CĐ 24h đưa ra đều thuộc dạng thoạt nghe thì có vẻ hợp lý nhưng lại không có cơ sở pháp lý.

Xác minh, xử lý ra sao?

Xin chia ra hai tình huống: có sự sai hoặc gian lận tuổi của Công Phượng và không
 
1. Nếu có sai tuổi. Giả thiết rằng Công Phượng thật sự sinh năm 1993 nhưng cha của anh vì lý do nào đó không liên quan đến thể thao (như muốn cho anh nhỏ lại hai tuổi để đi học không mặc cảm với bạn bè) thì cha anh  sẽ bị phạt hành chính.

Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Làm chứng sai sự thật về việc sinh; Cố ý khai không đúng sự thật về nội dung khai sinh; Sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký khai sinh. Hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

Đối với lỗi của cán bộ hộ tịch nếu vi phạm quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch thì sẽ bị xử theo Điều 94, Nghị định 158/2005/NĐ-CP: “Người có thẩm quyền đăng ký và quản lý hộ tịch mà do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái với các quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác về hộ tịch, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

2. Nếu không có việc ghi sai/gian lận tuổi: Những clip chương trình của CĐ 24h được coi như là tố cáo/khiếu nại về tuổi của Công Phượng. Do đó chính quyền địa phương sẽ phải xác minh. Trong trường hợp tố cáo sai sự thật, người tố cáo sẽ bị xử phạt.

Phóng sự  của CĐ 24h của VTV có được xem như lời “tố cáo” việc  khai gian tuổi của Công Phượng hay không? Ai sẽ xử lý “tố cáo” này? Nếu “tố cáo” không có căn cứ, người “tố cáo” có bị xử phạt? Chúng tôi đã đặt câu hỏi đó với luật gia Nguyễn Thanh Xuân và sau đây là phần trả lời của ông:

Phóng sự của chuyển động 24H của VTV có nội dung hàm ý “tố cáo” việc khai gian tuổi tuy nhiên người tố cáo cần phải cung cấp bằng chứng cụ thể. Sau đó, phải có văn bản chính thức từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận vụ việc. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho Công Phượng (Chủ tịch UBND xã) sẽ là nơi xem xét giải quyết tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo và Nghị định 158/2005/NĐ-CP.

Luật Tố cáo năm 2011 có quy định người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi như cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo hoặc đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo Khoản 4, 5 Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Hoặc phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng
”.

Tuy nhiên cần nói rõ một điều là hiện nay, việc xác minh giấy tờ hộ tịch rất khó thực hiện. Do pháp luật hiện hành chỉ quy định chung chung mà nêu không quy định cụ thể trình tự xác minh như thế nào, căn cứ vào đâu, thu thập thông tin nội dung vụ việc từ đâu, từ ai…

Tác giả bài viết: Thủy Cúc, từ TP. HCM