Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHI HOA HẬU HÚT THUỐC

(NCTG) “Tôi mong Kỳ Duyên nghe lời cô Ánh, hãy trả lại cái danh hiệu Hoa hậu để trải lối con đường học tập và sống theo sở thích của mình. Nếu em có khả năng thi đỗ vào FTU thì tôi nghĩ em hoàn toàn có đủ năng lực và nhận thức để trở thành một người có ích cho xã hội”.
Hoa hậu Kỳ Duyên liên tục gây ồn ào dư luận kể từ khi đăng quang - Ảnh: Zing
Câu chuyện của Hoa hậu Kỳ Duyên sẽ không bao giờ kết thúc nếu cứ tranh luận xem ai đúng ai sai. Mới đây, ý kiến có phần bộc trực của giảng viên Đại học Ngoại thương Nguyễn Hoàng Ánh trên Facebook về vấn đề này hứng phải nhiều ý kiến chỉ trích, thậm chí một tờ báo “chính thống” đã không ngần ngại phỉ báng người giảng viên này bằng một từ ngữ không thể nặng nề hơn…

Đầu tiên chúng ta cần nhìn nhận, Hoa hậu là danh hiệu được trao bởi một cuộc thi sắc đẹp được nhà nước công nhận. Theo đó, người giữ vương miện Hoa hậu sau khi đạt giải sẽ nhận được một số vinh dự đi kèm. Đó là tiền thưởng, là những hợp đồng quảng cáo béo bở, rồi đại diện đi làm những chương trình từ thiện, và quan trọng hơn là đại diện hình ảnh cho cả cuộc thi trong một khoảng thời gian nhất định.

Ngoài ra, trở thành Hoa hậu tức là đã nghiễm nhiên trở thành người của công chúng, Hoa hậu phải chấp nhận một số giới hạn nào đó về mặt sinh hoạt thuộc lối sống riêng tư. Điều này thường có trong hợp đồng giữa Ban tổ chức và các thí sinh, nếu ai vi phạm thì Ban tổ chức hoặc những người chuyên trách có thể tước danh hiệu.

Hoa hậu Kỳ Duyên liên tiếp để xảy ra nhiều vụ ồn ào kể từ sau khi đăng quang vào năm 2014. Mặc dù chưa có thật sự nghiêm trọng, có thể nhận thấy ở vị trí một Hoa hậu, Kỳ Duyên khá non trong những trường hợp xuất hiện trước công chúng.

Bạn không thể bao biện rằng, bao nhiêu cô gái, bao nhiêu chàng trai hút thuốc được trước đám đông, tại sao Kỳ Duyên lại không thể. Nguyên nhân đơn giản bởi cô ấy là Hoa hậu, cô ấy được nhận những lợi ích đi kèm cùng danh hiệu thì cô ấy phải cố gắng tỏ ra mình là người mẫu mực như thế nào đó, dù cho có thể chỉ là một sự giả tạo chăng nữa. Đây không hẳn là câu chuyện pháp luật mà là người ta muốn cô ấy phải như thế khi đã chấp nhận khoác lên mình chiếc áo gấm thêu hai chữ Hoa hậu, và do định kiến xã hội là như thế.

Khi chưa đủ bản lĩnh ứng phó với dư luận xã hội thì Kỳ Duyên không nên tiếc rẻ danh hiệu Hoa hậu làm gì cho phí tuổi thanh xuân. Cái danh hiệu phù hoa ấy là tổng thể của: lợi ích nhà tài trợ, danh tiếng đơn vị tổ chức, cái gông định kiến xã hội... Thế nên việc dùng lý luận thời đại để thuyết phục mọi người hãy suy nghĩ thoáng hơn là điều vô ích.

Trên thế giới không hiếm các trường hợp Hoa hậu bị tước danh hiệu vì đã có những hành vi bị gán là không chuẩn mực trước đám đông, thực chất những hành vi ấy đối với người khác thực ra cũng hết sức bình thường.

Sau khi đọc status gây nhiều tranh cãi của giảng viên Nguyễn Hoàng Ánh, tôi nhận thấy đây là một nhận xét bình thường mang màu sắc cá nhân, không có từ ngữ nào mà pháp luật cấm một giảng viên phát ngôn cả.
 
Status gâay bão trên mạng của giảng viên Nguyễn Hoàng Ánh - Ảnh chụp màn hình
Status gây bão trên mạng của giảng viên Nguyễn Hoàng Ánh - Ảnh chụp màn hình

Vấn đề là một giảng viên có nên phát ngôn như vậy hay không? Chúng ta lại phải quay ngược lại câu hỏi, một Hoa hậu như Kỳ Duyên hút thuốc trước mọi người có được hay chăng?

Năm nay, một trong những sự kiện đơn lẻ của một quốc gia nhưng được hầu như cả thế giới quan tâm, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Điểm đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử, bà Hillary Clinton đã đại diện Đảng Dân chủ ra tranh cử và cũng là nữ ứng viên Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Cuộc bầu cử năm nay trở nên vô cùng nóng hổi và “ngộ nghĩnh” giữa một bên là nữ ứng viên Tổng thống đầu tiên trong lịch sử, một bên là nhà tỉ phú ngông khét tiếng.

Nhiều người Mỹ bày tỏ, họ không biết nên chọn ai mới phải vì cả hai đều không phải là sự lựa chọn hoàn mỹ. Trong số nhiều ý kiến, có ý kiến cho rằng nên chọn bà Clinton để cho nước Mỹ có nữ Tổng thống đầu tiên, nhằm thúc đẩy nữ quyền.

Thực chất, nhân danh nữ quyền để bầu cho bà Clinton là điều không hợp lý. Trong thời đại mới, chúng ta nên hiểu nữ quyền dưới góc độ là nữ giới có quyền làm những gì mà họ muốn bất chấp thân phận địa vị, miễn có sự quyết tâm, chứ không phải là nữ giới được phép làm những gì mà nam giới đã từng làm. Nghe đúng là mâu thuẫn phải không?

Nếu bạn ủng hộ bà Clinton, bản thân điều đó đã bao hàm nữ quyền rồi. Mặt khác, nếu bạn ủng hộ bà Clinton với lý do để nước Mỹ có nữ Tổng thống đầu tiên, thì đó là sự ngộ nhận. Nữ quyền không thể được xây dựng vững chắc trên nền móng “lần đầu tiên” của phụ nữ khi xông pha mặt trận nào đó, nữ quyền phải được mở rộng từ trong suy nghĩ bình đẳng của tất cả mọi người.

Tất nhiên, giả sử như được trở thành Tổng thống, bà Clinton sẽ áp dụng những chính sách giúp nữ giới ngày càng được tôn trọng hơn, để giảm bớt định kiến cách biệt nam nữ lâu nay.

Nghe có vẻ không liên quan nhưng thực chất câu chuyện Kỳ Duyên hút thuốc, và status của giảng viên Nguyễn Hoàng Ánh cũng na ná vậy.

Việc Kỳ Duyên hút thuốc trước đám đông không có gì liên quan đến nữ quyền cả, nếu có thì đó là mối liên quan giữa Kỳ Duyên, danh hiệu Hoa hậu, và ánh mắt xã hội.

Riêng đối với giảng viên Nguyễn Hoàng Ánh, tôi ấn tượng vì đây là một trong số ít những người vẫn làm cho nhà nước mà “dám” thể hiện ý kiến cá nhân hết sức cá tính trên Facebook. Bên cạnh những quan điểm không đồng tình, tôi thích lời khuyên của cô Ánh dành cho Kỳ Duyên.

Tôi mong Kỳ Duyên nghe lời cô Ánh, hãy trả lại cái danh hiệu Hoa hậu để trải lối con đường học tập và sống theo sở thích của mình. Nếu em có khả năng thi đỗ vào FTU thì tôi nghĩ em hoàn toàn có đủ năng lực và nhận thức để trở thành một người có ích cho xã hội.

Thực tế chứng minh, ở nước ta, danh hiệu Hoa hậu và những thứ xa hoa bóng bẩy đi kèm thường là nguyên nhân chính vùi lấp cuộc đời những hoa khôi tài năng.

Riêng về “Petrotimes”, tờ báo đã đăng bài viết “Sao lại có giảng viên…thế này”, tôi xin dành hết sự khinh bỉ của mình và từ ngữ trong khoảng trống cho người viết, bài viết, Biên tập viên, và vị Tổng biên tập của tờ báo này.

Tác giả bài viết: Anh Thư, từ Sài Gòn